Luận bàn về chất “Bạo lực” trong Game

Khách quen

  

Game là một ngành công nghiệp khá non trẻ nếu so sánh với những “cây đại thụ” khác như là công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim, hay thậm chí là người anh em không cùng huyết thống nhưng khá gần gũi với nó là ngành công nghiệp điện ảnh. Vào thời điểm những năm 70, khi các game arcade đang ở giai đoạn vàng son của mình, trẻ em và người lớn đều đổ xô đến các tiệm trò chơi điện tử để có những giờ phút thư giãn với những Pacman, Donkey Kong,… Những trò chơi này đã thể hiện đúng với định nghĩa ban đầu của video game là một thứ sinh ra để cho con người giải khuây nhẹ nhàng sau những giây phút học tập và làm việc căng thẳng.

Ở thời điểm đó, do còn những hạn chế về công nghệ cũng như người ta chưa nghĩ đến việc phân cấp trò chơi, hoặc các nhà làm game muốn sản phẩm của họ thỏa mãn được thị hiếu của tất cả các khách hàng với mọi độ tuổi khác nhau, nên những trò chơi ở thời kì này đều được thiết kế đơn giản, tạo hình nhân vật ngộ nghĩnh vui tươi, lành mạnh và dĩ nhiên là giúp người chơi hoàn toàn vui vẻ khi trải nghiệm.

    Pacman – Huyền thoại tuổi thơ game 4 nút của anh em game thủ thế hệ đầu

Thế nhưng, theo dòng chảy của thời đại, khi máy móc phát triển, hệ thống trí tuệ nhân tạo được nâng cấp thì bộ mặt của ngành công nghiệp Game cũng từ đó mà đổi khác. Điểm bắt đầu cho “câu chuyện trà dư tửu hậu” của chúng ta hôm nay chính là những năm 90, khi các nhà làm game không còn chỉ hứng thú với những game giải trí thông thường nữa, mà yếu tố bạo lực đã bắt đầu len lỏi xuất hiện nhiều hơn. Khi mà công nghệ cho phép chúng ta có thể mô phỏng chi tiết những sự vật, hiện tượng ngoài cuộc sống thì một trong những thứ được các nhà làm game khắc họa nhiều nhất trong sản phẩm của họ là “Bạo lực” với sự xuất hiện của các tựa game tiêu biểu như Motal Kombat (Rồng đen), Half-Life, Road rash,…

 Motal Kombat cùng những chiêu kết liễu Fatality máu chảy đầu rơi trứ danh

Và từ đó cho đến nay, yếu tố này chưa bao giờ phai nhạt trong các tựa game mà thậm chí nó còn được tô đậm hơn, chân thực hơn và dĩ nhiên kích thích game thủ nhiều hơn khi chơi. Chắc hẳn các bạn sẽ không thể nào quên cảm giác đã tay khi tàn sát các vị thần trên đỉnh Olympus với chiến thần Kratos, hoặc những phút giây bắn súng chặt chém bay nhảy điên cuồng cùng Dante, rồi nặng đô hơn nữa là trải nghiệm những chiêu chưởng cuối (fatality) nhuốm màu bạo liệt của các nhân vật trong Motal Kombat,…

Đến đây, người ta mới bắt đầu đặt ra một câu hỏi “Yếu tố bạo lực trong game liệu có cần thiết và nó có thật sự chỉ gây tác động xấu lên hành vi của người chơi hay không, hay nói cách khác cứ chơi các game bạo lực là nguy cơ các game thủ của chúng ta sẽ trở thành tội phạm ngồi bóc lịch trong nhà giam sẽ cao hay không?”. Mình hy vọng thông qua bài viết này, với góc nhìn của mình thì mỗi Game thủ có thể sẽ tìm ra một đáp án hoặc một chính kiến nào đó cho riêng mình. Đối với mình, bất cứ một thứ gì xuất hiện trên đời đều không thể nào hoàn hảo được, nó chắc chắn sẽ có hai mặt tốt và xấu. Bản thân mình là một người thích sự tích cực và tiến bộ, vậy nên, trong bài viết này, mình sẽ chỉ đề cập đến khía cạnh tốt của bạo lực trong game, cái mà dường như đã bị nhiều người bỏ quên.

Bạo lực giúp thể hiện cốt truyện của Game sống động hơn: Cũng giống như điện ảnh, ngành công nghiệp Game khai thác rất nhiều đề tài đa dạng và phong phú để làm cốt truyện cho Game của mình và hai trong số những mô tip thường gặp nhất là báo thù và chiến tranh. Hãy tin mình đi, nếu bây giờ mà các bạn đào mộ lại những tựa game mà các bạn đã từng phá đảo thì chắc phải quá nửa trong số đó là nhân vật chính của chúng ta trảm con boss này, giết con quái kia là để trả thù cho những mất mát mà anh hoặc cô ta gặp phải trong quá khứ.

Và theo bạn, khi con người ta bị đẩy đến giới hạn cùng cực của sự căm phẫn thì họ sẽ làm gì? Lẽ dĩ nhiên giống như một quả bóng được bơm căng quá sức nó sẽ nổ, con người cũng vậy, họ sẽ xông vào kẻ thù của mình và quyết ăn tươi nuốt sống đối thủ cho hả dạ. Và chính ở điểm này, yếu tố bạo lực trong Game đã làm rất tốt việc khắc họa tính cách nhân vật, thông qua những chuỗi QTE đầy máu me với các vị thần, các nhà làm Game đã cho chúng ta thấy được sự phẫn nộ tột bậc của Kratos khi biết mình bị các thần lợi dụng. Khi trải nghiệm những trường đoạn này, bản thân mình thực sự cảm thấy như được hòa mình vào cảm xúc của nhân vật – một con mãnh thú đã mất hết tất cả và quyết tâm đòi lại lẽ phải theo phong cách của mình.

Thế rồi, đến với những game bắn súng lấy đề tài chiến tranh ác liệt như Call of Duty, Medal of Honour thì sao? Ở đó chúng ta hóa thân thành những anh lính lãnh nhiệm vụ giải cứu thế giới, chiến đấu chống lại cái ác, bọn khủng bố đang tâm muốn phá hoại nền hòa bình thế giới. Lý tưởng thì đúng là cao đẹp thật, nhưng sự thật thì lại xù xì, gai góc hơn thế rất nhiều khi chúng ta ngày đêm phải đối chọi với mưa bom, bão đạn, cái chết chực chờ. Và cái chất bạo lực của game lại một lần nữa được có cơ hội tỏa sáng với vai trò trực quan giúp các Game thủ chúng ta có thể cảm nhận được một cách chân thực nhất đời lính tráng gian truân, nguy hiểm chực chờ và từ đó mà biết yêu, biết trân trọng hòa bình, chán ghét chiến tranh.

Call of Duty – Một trong những dòng Game mô phỏng chiến tranh ác liệt tốt nhất từng được tạo ra

Bạo lực giúp thể hiện yếu tố lịch sử thời đại rõ nét hơn: Các bạn liệu có bao giờ tưởng tượng được cuộc sống của con người thời cổ đại sẽ như thế nào không. Để biết rõ nhất, mình khuyên các bạn nên xem một trong số những tác phẩm tiêu biểu nhất của nền điện ảnh Hollywood về thời kì La Mã (Rome) cổ đại là Gladiator (Võ sĩ giác đấu) thì các bạn sẽ hiểu rằng ở thời đó, mọi người không những siêu thích bạo lực mà thậm chí nó còn là một môn thể thao thịnh hành là đằng khác. Vậy nên, những ai nói rằng các tựa game như God of War hay Total War là quá bạo lực thì mình nghĩ họ cũng nên giở lại những trang sách lịch sử để đọc và nghiền ngẫm xem sao. Tính bạo lực trong những game này đã phác họa rất tốt cách sống của loài người ở thời điểm đó khi mà chúng ta còn chưa đạt đến một trình độ văn minh để hiểu rằng đánh giết nhau là một hành vi xấu xa và không nên được cổ xúy.

Bạo lực giúp Game hấp dẫn hơn khi trải nghiệm: Nói gì thì nói rõ ràng chúng ta chơi game là để trải nghiệm những cảm xúc mà trong thực tế khó có cơ hội để được thể nghiệm như hóa thân thành anh hùng bảo vệ thế giới, hay một quái nhân tà ác đi hủy diệt thế giới và bạo lực chính là chất xúc tác khiến cho Game trở nên hay và hấp dẫn và đẩy cảm giác xả stress cao hơn. Nếu chúng ta tiếp cận yếu tố bạo lực trong Game theo hướng vui vẻ, coi nó là thứ giúp chúng ta giải trí cũng như thưởng ngoạn những pha hành động đẹp mắt như cinema thì ắt hẳn chúng ta sẽ không bao giờ có những hành động xấu ngoài đời thực cả.

Devil May Cry – Một trong những dòng Game hành động chặt chém có nhiều pha hành động nghẹt thở và đẹp mắt

Tóm lại, mình tin rằng bạo lực là một yếu tố không thể thiếu trong Game và xét theo một vài góc độ nó có nhiều mặt rất tích cực và tốt đẹp chứ không đen tối ảm đạm như nhiều người vẫn nghĩ. Quan trọng nhất là những Game thủ chúng ta phải luôn giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo để mà biết phân biệt phải trái, cái gì là thực, cái gì là ảo, và game sinh ra chỉ là để giải trí mà thôi, chứ không phải nó được tạo ra để thôi thúc những con quỷ trong mỗi chúng ta thức dậy đâu nhé.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện