Điện tử 4 nút liệu đã hết thời?

Khách quen

  

Với những lứa game thủ thế hệ 8x-9x như mình, video game đã trở thành một phần máu thịt, một khúc nhạc tuổi thơ sôi động, hào hứng không thể nào quên. Cho tới thời điểm này, chảy trôi theo dòng thời gian, các hãng sản xuất máy chơi game như Sony, Microsoft, Nintendo đã cho ra đời những thế hệ máy chơi game mới tân tiến cùng nền tảng đồ họa sống động như thật. Tuy nhiên, chiếc máy chơi game để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tâm hồn mình tới thời điểm hiện tại vẫn là chiếc máy điện tử NES hay dân gian Việt Nam ta vẫn gọi là điện tử 4 nút (dựa trên cái hình dáng của chiếc tay cầm huyền thoại có nhõn 4 chiếc nút cùng các phím điều hướng D-pad). Đây chính là thế hệ máy chơi game console đầu tiên trên thế giới với những tựa game kinh điển mở đầu cho những dòng game mà đến thời đại bây giờ nhiều người trong số chúng ta vẫn còn nhớ mặt mỗi khi nhắc đến như: Contra, Super Mario, Megaman,…

Trong một ngày ngơi nghỉ sau những giây phút làm việc căng thẳng, mình đánh đại từ khóa “Game 4 nút liệu đã chết?” và kết quả của cụ Google cho ra thật bất ngờ, rất nhiều nhóm, fan của dòng máy chơi game này vẫn ngày đêm mày mò các Ester eggs cũng như cày đi cày lại những games này, thậm chí là ở Nhật – cái nôi của hệ máy chơi game này, khi hãng Nintendo quyết định hồi sinh chiếc máy SNES (phiên bản sau của máy NES) với phiên bản nhỏ gọn hơn vào năm 2017, thì số lượng máy bán ra còn cháy hàng luôn. Điều đó đã minh chứng cho sự sống trường tồn, bất diệt của chiếc máy chơi game này trong lòng game thủ nhiều thế hệ. Nào, chúng ta hãy cùng thử bước vào cuộc hành trình tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau hiện tượng này cùng mình nhé.

 Một góc tuổi thơ dữ dội của bao thế hệ

Thế hệ console thứ 2 hay tuyệt vời không kém thế hệ đầu

1) Gameplay đơn giản dễ tiếp cận với đông đảo game thủ ở mọi lứa tuổi

Một điều đặc trưng lớn nhất của các Game 4 nút đó là việc dung lượng của chúng chỉ có vài chục MB (cao nhất cũng chỉ là 150 MB) thế nên đồ họa của chúng đương nhiên sẽ không thể cao với những hình ảnh 8bit. Cùng với đó, nội dung của game cũng không thể nào dài như những game hiện tại. Vậy nên, để thu hút những cô cậu nhóc thích nghịch game, các nhà làm game chỉ còn cách chú trọng nhiều hơn vào mảng màu sắc và cách chơi. Trong cái khó nó lại ló cái khôn, có thể nói rằng màu sắc trong các game 4 nút rất tươi sáng, bắt mắt, nhìn một cái là có thiện cảm muốn chiến ngay. Các mảng màu tuy chưa nhiều và đang dạng do hạn chế về công nghệ nhưng bù lại các khoảng sáng tối được tận dụng triệt để giúp chúng ta nhìn rõ được các cảnh vật trong game. Các nhân vật được thiết kế đơn giản nhưng di chuyển rất mượt mà, nhiều lúc còn vui nhộn nữa ấy chứ.

Về mảng gameplay, do giới hạn các nút của tay cầm nên các game thời kì này đều được thiết kế theo kiểu platform đơn giản chạy, nhảy, đánh hay bắn kẻ địch qua bài. Chính lối chơi đơn giản này đã giúp các game này dễ dàng tiếp cận tới người chơi ở mọi lứa tuổi dù có trong bất cứ hoàn cảnh, thời đại nào, đặc biệt với đám nhóc cấp 1 hoặc dân văn phòng muốn tìm thứ gì đó đơn giản giải khuây trong lúc rảnh.

Có một kỉ niệm khá thú vị thế này, có một hôm mình đang chơi game trên chiếc máy PS3, cậu nhóc nhà hàng xóm (chắc tầm học lớp 4) thấy hay cũng đòi nhảy vào chơi cùng. Mình cũng chỉ dẫn tận tình các nút xong hỏi thằng bé hiểu chưa, nó bảo hiểu và háo hức vào game lắm rồi. Thế nhưng khi vào game một cái là cậu choáng không biết xoay sở thế nào với chiếc tay cầm có khá nhiều nút phức tạp nên dù thích lắm cũng đành giơ tay hàng sớm. Nhưng sau đó, mình đổi chuyển qua hướng dẫn chơi các games nes và snes thì khoái vội, chơi ngon lành ngay tắp lự. Hiện tượng Flappy Bird một thời chính là một bằng chứng rõ nhất cho việc đơn giản đôi khi lại ăn tiền hơn phức tạp đó.

Những game đã từng khuynh đảo một thời tại các quán game

2) Độ khó gây nghiện của game

Đố các bạn biết Game ngày xưa khó hơn Game ngày nay ở điều gì. Câu trả lời chính là ở việc game xưa không hề có chế độ save và checkpoint như ngày nay. Mỗi game chỉ cho người chơi vài mạng và buộc các bạn phải qua bài liên tục, đó là còn chưa kể đến yếu tố kẻ địch vậy quanh nhảy vào chúng ta liên tục không ngừng nghỉ chứ không như các game bây giờ còn cho chúng ta thời gian nghỉ giữa hiệp ngắm cảnh đâu. Đây quả thực là một áp lực rất lớn cho người chơi. Nhưng chính điều này lại khiến các game thủ hardcore rất thích do có thể rèn luyện ngón tay điêu luyện hơn, cũng như rèn tính phản xạ nhanh trong các tình huống rất tốt. Chơi game 4 nút không có chỗ cho sai sót, mắt với tay cần phối hợp nhịp nhàng để có thể khéo léo vượt tất cả các trở ngại trong game. Bởi vậy mà các game thủ nổi tiếng kiếm tiền bằng chơi game vẫn thường xuyên cày ải các game này để luyện trí óc đó các bạn nha.

Huyền thoại của NES – Contra

3) Chế độ chơi co-op huyền thoại

So với các game hiện tại, một ưu điểm cực lớn của cựu binh 4 nút là chế độ chơi phối hợp 2 người rất hay. Hầu như tất cả các games 4 nút đều có chế độ này, một điều mà gần như đã tuyệt chủng ở thế hệ các game console hiện tại. Lý do tại sao điều này xảy ra thì mình cũng không rõ chỉ biết từ hệ máy PS2 trở đi thì tự nhiên các nhà làm game chỉ chú trọng tới phát triển các game một người chứ không còn chế độ co-op phối hợp đồng đội nữa. Tưởng tượng xem khi bạn và người thân cùng giúp nhau vượt qua những thử thách của game nó mới thú vị và đong đầy cảm xúc biết bao nhiêu thay vì việc tự kỉ khám phá cốt truyện hay tuyệt của một tựa game nào đó. Chơi game phối hợp đồng đội như vậy không những là cách giúp gắn kết hơn nữa tình cảm thân thương giữa các thành viên trong gia đình, xã hội mà còn là một phương pháp rất hữu hiệu để giúp chúng ta học hỏi thêm về kĩ năng làm việc nhóm. Một thứ thật sự rất cần thiết cho chúng ta trong cuộc sống và sự nghiệp.

Một trong những kỉ niệm chơi game 2 người kiểu này mà mình nhớ nhất là hồi bé chơi Contra, mình và anh trai nghĩ ra một cách để cả 2 đều qua màn an toàn rất thú vị đó là chiêu 2 người nhập một, di chuyển cùng lúc, bắn cùng nhịp, thế là không sợ ai bị tụt lại phía sau nữa, hay khi chơi bắn Tăng, trước mỗi màn mình và anh đều chia nhau địa bàn tiêu diệt địch, lúc cần thì quay về hỗ trợ nhau, bảo vệ thành, lên công về thủ nhịp nhàng. Ngoài ra, một trong nhưng trò mà mình tin chắc đến giờ chơi vẫn rất hay không bao giờ cũ đó là ninja rùa. Mình thích nhất màn đấu trùm bằng cách quăng các tên ninja vào màn hình. Ở thời điểm mà công nghệ làm game còn sơ khai nhưng Konami vẫn có thể sáng tạo ra kiểu tương tác game hiện đại vậy đó.

Những dịp nghỉ lễ, tết dài ngày mà được cùng nhau trải nghiệm, tận hưởng game để thư giãn, giải trí, cùng nhau suy nghĩ tìm ra những cách phá đảo game độc lạ của riêng mình thì còn gì bằng phải không các bạn.

Có ai còn nhớ tên của Game này không nhỉ. Nếu còn nhớ thì chắc các bạn là game thủ kì cựu rồi đó

Hy vọng rằng với bài viết này của mình, thế hệ game thủ 8x-9x chúng ta sẽ tiếp tục gìn giữ những kí ức đẹp về một dòng máy game, cũng như trao truyền lửa đam mê game tới với các thế hệ khác nữa nhé.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện