Coffee Talk – một Hiệp sĩ Bão táp khác trong game

Khách mới

  

Chào các cậu, tớ là Red Zero (tên tắt mọi người hay gọi là Red) – một gamer/intern game developer/reviewer (but normie review).

Một Hiệp sĩ Bão táp khác cực chill trong game

Cậu tìm đến HSBT như một món ăn tinh thần, giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt nhọc hoặc chỉ đơn giản là muốn tìm một bài review nào đó để tìm hiểu về một game định chơi? Tớ, một người vô tình tìm thấy một game cực chill về thể loại giả lập nói chuyện kết hợp với yếu tố nhân viên pha chế trong một quán cafe. Trong khi chơi và trải nghiệm tựa game trên, nó đang mang về cho tớ một cảm giác giống như khi đang lướt HSBT. Và đó chính là Coffee Talk.

Coffee Talk mang đến một trải nghiệm mới lạ, rất, rất nhiều là đằng khác đối với tớ trong một nền văn hóa anime Nhật Bản dần đang (đang gì nữa, dân tình kêu réo suốt) đi vào công nghiệp (Tớ sẽ nói chi tiết hơn ở phần Cốt truyện và Bối cảnh của game).

Cốt truyện và bối cảnh

Trong game, cậu sẽ là Barista kiêm chủ cửa hàng của một quán cà phê chỉ mở cửa vào ban đêm. Đúng vậy, thay vì là một quán Pub, nơi mọi người có thể uống một thứ gì đó yêu thích cùng mọi người, thì một quán cà phê chỉ mở cửa ban đêm lại tạo ra một không khí cực kỳ vắng vẻ. Tìm ra một quán cafe chỉ mở vào ban đêm, lại còn vắng khách qua lại chỉ toàn bao gồm các fan cứng, nó giống như cậu thích thưởng thức những bản nhạc, bài hát của một ca sĩ nào đó không nhiều lượt views, nhiều lượt subs nhưng lại hợp vibe với gu âm nhạc của cậu. Đây chính là điều đầu tiên mà game gây ấn tượng với mình.

Không chỉ vậy, chắc hẳn nếu cậu đã đọc đến đây rồi thì hẳn sẽ có một câu hỏi: Vậy thì tiền duy trì quán cà phê này thế nào nếu chỉ mở cửa vào ban đêm – thời điểm vốn đã rất ít khách và chuộng pub hơn? Tớ cũng không biết :))), đây vốn là một tình tiết và bối cảnh trong game vào thời điểm NPC đầu tiên nói chuyện với NPC thứ hai (Game chill nên dành thời gian ra đọc cốt truyện + luyện tiếng Anh thông qua game luôn nha). Đây là một tình tiết được nhà phát triển để ngỏ trong game. Rất có thể, chúng ta – chủ cửa hàng sẽ kinh doanh một mặt hàng khác vào các buổi khác trong ngày để có tiền duy trì tiệm cà phê này. Psssttt, lúc chơi cái game này, tớ đã bảo với bạn tớ rằng: “Thằng cha này sáng buôn mấy lọ sơn sơn vũ khí hoặc chất cấm gì đấy nên đủ tiền duy trì quán cafe được”. Và thế là chúng tớ phá lên cười.

Quay trở lại với câu mở đầu trên: Tại sao nó lại mang đến trải nghiệm mới lạ với tớ?

Elf Bailey vẽ biếm họa và một vài ảnh kỹ thuật số cho một tòa soạn báo

Elf Bailey vẽ biếm họa và một vài ảnh kỹ thuật số cho một tòa soạn báo

Bài viết này được viết vào năm 2023, ngày mà anime Nhật Bản dần phổ biến trong xã hội nhưng lại trở nên Công nghiệp. Isekai đã không còn là một khái niệm lạ với các wjbu, các cậu thưởng thức nền văn hóa Nhật Bản này. Tớ đã phát ngán đến độ trong comment dưới một vài bộ anime tớ còn đọc được vài bình luận chỉ ngắn có 2 từ cũng đủ nói lên sự bất lực “isekai mà”. Coffe talk thì khác, game lấy bối cảnh năm 2020 nơi mà con người chung sống cùng với Dwarf (tộc người lùn), Succubus, Elf,… Không chỉ thế, các bộ tộc không phải con người này còn tham gia vào các công việc hiện đại trong xã hội (Designer có nè, Illustrator có nè, Writer có nè, Editor có nè,… toàn nghề công nghệ số không à). Đủ để thấy rằng người thiết kế game rất chú ý đến việc tạo ra một làn gió mới cho loại hình “Isekai” này.

Gameplay

Vì là một game chill chill, nên gameplay của Coffe Talk rất đơn giản. “Đọc, đọc và đọc” những gì NPC “nói” trên màn hình. Cá nhân tớ rất là chill, đọc, ôn tiếng Anh, cảm nhận và suy nghĩ về những gì nhân vật nói.

Tuy nhiên, đây cũng lại là mặt hạn chế của game mà tớ đánh giá chưa cao. Những tương tác giữa người chơi và NPC không phải “Choices matter”, tức đây là một game có tính tuyến tính, không thể hiện nhiều sự đóng góp của người chơi vào cuộc hội thoại NPC. VD như với NPC đầu tiên là Freya, cô là một nhà văn chuyên kể những mẩu chuyện ngắn trong đời sống lên các mặt báo. Tớ sẽ ko spoil nội dung game này về những mẩu chuyện của NPC vì game chill chill đọc hội thoại mà lại spoil nội dung thì lại mất hay. Nhưng bản thân người chơi lại không đóng góp nhiều vào những mẩu chuyện này (với Freya, có thể là lựa chọn 1 trong 2 đề xuất để Freya bình luận chẳng hạn, nó giúp mình “học” được thêm cách giao tiếp và đọc suy nghĩ người khác ấy chứ).

Phần pha chế cà phê trong game

Như đã nói ở trên, game còn có giả lập pha chế. Đây là một giả lập rời rạc. Quán khá vắng nên cậu sẽ không bị giục deadline. Cứ chill chill làm việc khác như úp mì tôm, pha cà phê ngoài đời thật rồi thưởng thức trước khi bấm nút pha cà phê trong quá trình chọn nguyên liệu pha chế. Hệ thống pha chế trong game rất đơn giản, dễ thao tác để cậu có thể nhanh chóng đến với những cuộc hội thoại trong game thay vì hardcore trong phần pha chế này.

Một trong những phần ưa thích của mình trong phần gameplay này đó chính là sử dụng latte để vẽ lên tách cà phê đã pha chế. Chỉ với vài thao tác di chuột mà không cần phải nghiêng tách (thủ tục khá khó ở ngoài đời), cậu đã có thể thể hiện một kỹ năng siêu cấp trong việc trang trí một tách cà phê. Những hình ảnh vô cùng độc đáo và tinh tế được tạo ra từ những đường cong mềm mại của latte đã làm cho tớ cảm thấy hứng khởi và phấn chấn. Mỗi tách cà phê trở thành một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi chính đôi tay của tớ, và điều này làm cho trải nghiệm chơi game trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Đẹp chưa :3

Ngoài ra, trong game cậu còn có thể sử dụng một điện thoại ảo trong game. Mà ở đó cậu có thể xem được trang mạng xã hội chính nhân vật của cậu, hoặc các nhân vật NPC khác; tham khảo hướng dẫn và danh sách các loại đồ uống; đọc các tiểu thuyết được đăng trên mạng xã hội ảo; hoặc chuyển một bài hát đang được phát trong tiệm cà phê.

Đồ họa, âm thanh

Đồ họa

Game có đồ họa High resolution – Độ phân giải cao những vẫn giữ được những tính chất đặc trưng của vẽ Pixel art (khử răng cưa, độ sáng, chuyển động nửa pixel) rất ổn. Biểu cảm trên khuôn mặt của nhân vật ổn. Điều mình rất thích của phần đồ họa trong game này đó chính là bối cảnh ở bên ngoài quán cafe. Vẫn nhộn nhịp dù chỉ là vài cái bóng đen di chuyển qua lại. Cho thấy sự đầu tư công phu về cả mặt lớp bối cảnh sau của game.

Âm thanh

Game sử dụng đa phần là các bản nhạc Lofi cực chill được do chính thành viên làm game sáng tác. Các bản soundtracks này cậu có thể tìm thấy trên Youtube của chính Nhà phát triển Toge Productions. Ảnh nền của các bản soundtracks này chính là giao diện khi chơi game luôn nên các cậu có thể hình dung ra được trong nó sẽ thế nào.

Kết

Coffee Talk là một trò chơi giải đố phiêu lưu đầy thú vị, nơi cậu sẽ là người quản lý quán cà phê và phục vụ khách hàng đến từ mọi nơi trên thế giới. Trò chơi mang đến cho người chơi cảm giác thư giãn, bình yên và thư thái với âm nhạc tuyệt vời, cốc cà phê đậm đà và câu chuyện cảm động.

Những câu chuyện và trải nghiệm của khách hàng sẽ đưa cậu đi vào thế giới đa dạng và phong phú của những người sống tại thành phố Seattle. Những câu chuyện xoay quanh tình yêu, gia đình, tình bạn và nhiều chủ đề khác sẽ khiến cậu cảm thấy gần gũi với nhân vật và truyện.

Coffee Talk cũng mang đến cho người chơi thông điệp về sự đa dạng và sự kết nối giữa mọi người, vượt qua những ranh giới về chủng tộc, tôn giáo và giới tính. Đây là một trò chơi tuyệt vời để thư giãn và thưởng thức, đồng thời cũng là một cách tuyệt vời để học hỏi và khám phá thế giới.


Đánh giá cá nhân:

Cốt truyện: 10/10

Gameplay: 9/10

Đồ họa + Âm nhạc: 10/10

(by Red Zero: nhưng dịch là người “Không hề đỏ” )

giaphuoc06a1

Khách mới

  
Intern Game Developer / Intern Pixel Artist. Không chỉ mong muốn làm game thủ, còn muốn làm game ~thủ~

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện