One step from Eden – Tôi là Long, 25 tuổi. Đang bị chú Đầu Trọc săn đuổi (Dead-line)

Chủ xị

  

Một số trò chơi thử thách bản năng và phản xạ của người chơi. Trong khi đó, số khác yêu cầu quá trình suy nghĩ, tính toán lâu dài. Giờ là thế kỷ 21 và ai cũng là kẻ tham lam cả. Vậy nên sẽ có những lúc lòi ra những con hắc mã tham vọng thâu tóm cả 2 như One step from Eden (sau đây gọi tắt là OsfE). Nếu bạn muốn một cuộc phiêu lưu mới mẻ và oanh liệt, One step from Eden sẽ là lời mời gọi không thể chối từ.

Game Story

Giống với đa phần các game indie thiên hướng chiến đấu, OsfE sở hữu một cốt truyện mỏng, ít thông tin cho bạn khai thác. Thực tế lối đi cốt truyện bài bản và cụ thể thường có xu hướng cản trở bản chất ngẫu nhiên trong những trò chơi chọn chiến đấu làm mũi nhọn chính của mình. Tuy vậy, một vài manh mối được tiết lộ thông qua trải nghiệm chiến đấu và lời thoại các con trùm tạo cảm giác phiêu lưu huyền bí thú vị.

Cũng không hẳn OsfE quá vô định. Thế giới trong trò chơi này mang một màu sắc tương lai hậu tận thế pha trộn giữa ma thuật và máy móc. Bạn và các nhân vật khác đều cùng mục đích đi tìm vùng đất hứa mang tên Eden. Trên đường đi, bạn chiến đấu, cố sống sót và trau dồi sức mạnh của bản thân cho đến khi phá vỡ giới hạn, chạm bước tới thiên đường hoặc chết khi cố gắng làm điều đó. Đối với tôi, có lẽ đánh bại trùm cuối không phải là đích đến của trò chơi này. Có lẽ miền đất hứa Eden chúng ta khao khát luôn ở trước mặt và trong tim của chính những con người bước chân lên hành trình phiêu lưu này, trưởng thành qua từng trận chiến, băng qua nhiều gian khó.

Gameplay

Osfe được chia thành 7 cấp độ với độ khó tăng dần. Mỗi cấp độ chia thành rất nhiều sự kiện được liên kết tạo thành một bản đồ kẻ chỉ mà người chơi phải lựa chọn để trải qua. Chúng ta có các khu vực được thiết kế bằng những icon rất đáng yêu:

* Chiến đấu: Nơi người chơi tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc.

* Campfire: Nơi người chơi được hồi phục máu, gặp một số npc và thỏ.

* Shop/dark shop: cho phép người chơi dùng tiền/máu của bản thân để mua sắm.

* Treasure: chứa kho báu và các quặng cho tiền.

* Hazard: Cũng là khu vực chiến đấu nhưng thêm vào các yếu tố môi trường hoặc giải cứu con tin hay các khoản thưởng giới hạn thời gian.

* Distress call: Một sự kiện chiến đấu khác đơn thuần giải cứu con tin.

* Boss mini/boss: Có vài con mini boss phụ thuộc vào con đường bạn chọn và cuối mỗi màn chơi cố định có một boss chính.

Chiến trường của bạn được cố định theo dạng hai phần ô lưới 4×4 ghép với nhau. Phần kẻ xanh dành cho bạn và nửa kẻ đỏ của kẻ thù. Đồng hành cùng bạn là 2 thứ để tấn công: vũ khí và bộ thẻ bài kỹ năng. Kèm theo đó là điều kiện sử dụng – một thanh năng lượng sạc đầy theo thời gian thực. Có 2 ô để kích hoạt các lá bài phép trong bộ bài của bạn. Bạn chỉ có thể sử dụng mỗi lá phép một vòng trong bộ bài cho đến khi bạn dùng hết tất cả các lá bài hoặc hoặc ấn “reshuffle” tráo lại bộ bài để sử dụng với một thời gian trễ nhất định. Các phần thưởng khi sẽ xuất hiện sau khi tăng cấp hoặc thông qua các sự kiện.

Bạn sẽ thấy trò chơi này từa tựa giống game nào khác. Nó giống Mega Man Battle Network của Capcom. Nó cũng giống như những cái tên indie đình đám như Slay the Spire. Nó có dàn nhân vật ăn mặc như wibu. Nhưng tôi khẳng định OsfE không phải một trò bắt chước rẻ tiền. Trò chơi này là sự kết hợp giữa hai thể loại roguelite và deckbuild trên nền chiến đấu thời gian thực với tốc độ bùng nổ. Nó không chỉ thể hiện mạnh mẽ những ưu thế vốn có của thể loại mà còn thành công trong việc kết hợp cơ học khác nhau một cách chắc chắn. Một sự học tập bài bản và một nỗ lực sáng tạo thăng hoa. Để làm rõ quan điểm đó, tôi sẽ phân tích một số yếu tố dưới đây để bạn thấy:

* Yếu tố roguelite chuẩn mực.

Các lượt chơi trong OsfE được tạo ra ngẫu nhiên tốt. Đa dạng hóa các lựa chọn tuyệt vời kèm bài toán quản lý tài nguyên thách thức. Đường cong độ khó trong trò chơi rất thách thức, có thể gây phản cảm với những người mới làm quen với thể loại nhưng bù lại tiến trình mở khóa và học tập của nó luôn hấp dẫn. Trò chơi luôn tinh tế để những khoảng trống để người chơi nhận thức thất bại của mình và luôn có không gian để tăng cường bản thân.


Một trong biểu hiện bài bản của khẳng định trên là màn hướng dẫn (tutorial) mỏng như cánh chuồn chuồn và những phần giải thích lúc có lúc không của trò chơi. Đặc biệt là khi so sánh tương quan với những gì người chơi phải đối đầu.

Ví dụ: OsfE không nói rõ các khái niệm và cơ chế hoạt động của “flow”, “trinity”… trong Osfe. Thậm chí cách mà chỉ số may mắn (luck) hoạt động khác xa so với thường thức chung của trò chơi. Người chơi sẽ phải đúc kết nó qua thử nghiệm, quan sát cách nó hoạt động. Nó sẽ khó khăn hơn nhưng tuổi thọ của trò chơi kéo dài, việc tìm hiểu giúp bộ phận người chơi bớt hời hợt và trải nghiệm trò chơi có chiều sâu hơn.

Mặc dù đi theo công thức bài bản của thể loại roguelite nhưng OsfE vẫn có những điểm nhỏ phá cách đem lại sự tươi mới và hấp dẫn cho người chơi.

Ví dụ 1: Chiến đấu trong Osfe không đơn thuần chém giết cục súc. Các sự kiện như “Hazard” hay “Distress call” là những thử thách vừa yêu cầu sự khéo léo, ứng biến, tinh tế trong kỹ năng và chiến lược của người chơi đổi lại các phần thưởng hấp dẫn hơn lại vừa bổ sung cho cốt truyện vốn đã là điểm yếu của các game indie.

Ví dụ 2: Phần đánh bại các con trùm cũng rất khác. Người chơi được lựa chọn giữa việc giết boss để lấy các phần thưởng aritfact tăng sức mạnh hoặc tha cho con boss đó để hồi lại sinh lực cùng một số lựa chọn trợ giúp chiến đấu thú vị ở các màn chơi sau. Thậm chí ngược lại nếu bạn bị giết, có một xác xuất nhỏ con trùm sẽ tha cho bạn và để bạn đi qua cấp độ kế tiếp. Đó là một cơ chế nhân đạo thú vị so với một trò chơi dày đặc chiến đấu như thế này. Điều này cũng phù hợp và giúp xây dựng một cốt truyện trò chơi đẹp, tạo ra một câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn.


* Yếu tố thẻ bài hấp dẫn (Deck-build).

Osfe thể hiện được sự tinh túy mà khía cạnh cơ học của yếu tố thể loại thẻ bài đem lai. Trước hết, có một hệ thống kỹ năng đủ lớn cho người chơi tự do lựa chọn. Hệ thống này tốt bởi nó không chỉ nhiều mà còn mang đến sự đa dạng, đặc trưng từ điều kiện áp dụng, phương thức hoạt động và cả chủ đề kỹ năng cho người chơi cá tính chọn. Ví dụ: Slashfik cung cấp kỹ năng đâm chém dạng kiếm, Miseri cung cấp kỹ năng dạng hút máu, độc…, Hexawan theo khuynh hướng cơ khí, máy móc tự động; Anima cung cấp chủ đề kỹ năng nguyên tố..v.v.. Và trên hết tất cả, Osfe có ý thức lớn trong việc cung cấp sự cân bằng giữa các lá bài kỹ năng. Từ đó phản ánh yêu cầu tìm hiểu, thực hành và chiến lược đối với bộ bài kỹ năng của người chơi. Trong trò chơi này, “Không có lá bài hay bộ bài mạnh nhất, chỉ có người chơi mạnh nhất mà thôi!”

Ngoài việc cho phép chọn hay bỏ qua những lá bài thưởng mới, trò chơi cũng thêm vào một chút gia vị của riêng nó đối với yếu tố xây dựng bộ bài (deckbuild). Phần nâng cấp thay vì gia tăng độ mạnh của một lá theo một hướng đơn thuần như Slay the Spire, OsfE cho người chơi 3 sự lựa chọn nâng cấp đa dạng khiến cho xu hướng chiến thuật được mở rộng. Ngoài ra, Osfe có thêm cơ chế “Focus” giúp tăng tỷ lệ lá bài thưởng của hệ bạn muốn chọn (và điều này là không bắt buộc). Tuy tỷ lệ cơ chế này không tác động nhiều đến tiến trình chơi nhưng nó vẫn là một điểm sáng khá thú vị.

Thêm vào đó, vũ khí tấn công cùng thuộc tính đặc hữu của các nhân vật khác nhau trong trò chơi kết hợp với kỹ năng của trò chơi cũng tạo nên những màu sắc trải nghiệm chiến đấu rất riêng, cá tính.

* Chiến đấu kiểu “Còn thở là còn gỡ”.

Có một thứ làm cho Osfe trở nên phá cách và thú vị hơn so với ý tưởng turnbase của Mega Man Battle Network, đó là áp dụng Chiến đấu thời gian thực. Điều này đặt ra thử thách rất lớn cho người chơi. Trong khi bạn phải kiểm soát chiến lược và diễn biến của bộ bài kỹ năng cùng với mức năng lượng được sạc từng tý một thì đồng thời bạn cũng phải quan sát và ứng đối với hành động cảu kẻ thù. Kỹ năng có hoàng tráng mấy nhưng nếu thả trượt thì công cốc. Tương tự nếu việc giết chết kẻ địch làm bạn mất quá nhiều máu cũng sẽ làm giảm khả năng đánh bại trò chơi của bạn. Tốc độ và tiết tấu trong OsfE trở thành yếu tố tiên quyết cần nắm bắt. Để lạc mất nó, lần chạy của bạn là một thảm họa hỗn độn. Ngược lại, khi bạn thấu hiểu và kiểm soát cuộc chơi, lúc này gianh giới của việc chiến đấu và thắng thua như được xóa nhòa.  Lúc đó, bạn sẽ không còn sợ hãi và mọi người như những vũ công trong buổi biểu diễn hoang dại. Chúng ta đang khiêu vũ với bầy sói. Đó là những gì Osfe đã đem lại cho tôi và tôi mong các bạn cũng sẽ cảm nhận như thế khi trải nghiệm trò chơi này.

* Kẻ thù khó nhằn nhưng công bằng.

Tất cả những lời đường mật trên sẽ sụp đổ nếu như kẻ thù trong Osfe là hạng xoàng xĩnh. Và tôi mừng là Thomas Moon Kang làm tốt. Kẻ thù trong Osfe là tổng hòa của số lượng và chất lượng. Chất lượng ở đây là tăng dần cả chỉ số lẫn kỹ năng và độ phản ứng theo thời gian và cấp độ. Số lượng là chỉ sự kết hợp của nhiều loại quái vật trong một trận chiến. Người chơi sẽ phải nếm những pha khốn đốn từ những pha tấn công dồn góc hay nhưng pha combo thấy ông bà ông vải. Một số quái vật sẽ counter hoàn toàn lối chơi một màu của người chơi dẫu cho người đó có lợi thế mạnh mẽ phía trước ra sao.

Ví dụ: Một kẻ thù có tên là Reacter sẽ kích hoạt blink và lập tức đáp trả đòn tấn công mỗi khi người chơi sử dụng phép thuật. Nếu bạn chỉ spam liên tục kỹ năng, bạn sẽ chết trước khi hiểu ra vấn đề. Con quái này cần việc sử dụng vũ khí hoặc dự đoán trước vị trí blink của Reacter sau khi bạn dùng kỹ năng hay áp dụng một số chiến lược độc đáo từ nhân vật.

Và cuối cùng, cao trào luôn là những màn đấu trùm. Chúng được thiết kế chặt chẽ, cá tính và đầy thử thách cho người chơi. Các con trùm có những đòn tấn công thú vị cần bạn đưa ra chiến thuật thích hợp.

Phần Co-op và PvP

Tôi đã phải mất 4 chai heineken cho thằng bạn rượu thịt để có thể test được hai phần này. Phần PvP cho bạn thêm một số lượng spell random để giao đấu. Nó ổn. Tuy nhiên bị đối thủ đánh tới tấp vào mặt thì không ổn lắm =)). Co-op thì hơi thất vọng một xíu. Osfe vẫn mượt mà tuy nhiên nó không cho người chơi thực sự thoải mái. Chúng tôi phải share mức năng lượng dùng chung, chỉ được chọn 1 nhân vật cho cả 2 và thậm chí share cả máu, khe dùng kỹ năng và ăn đòn thì cả đôi đều thấm. Nếu bạn truy cầu một hình thức vận dụng nhân vật và phối hợp ở cấp độ cao, tôi khuyến khích phần co-op này. Còn nếu bạn muốn cả 2 đứa vui vẻ dẫu cho tồn tại nhiều sự khác nhau giữa trình độ và độ ăn ý, tôi khuyên bạn đừng mất 4 chai heineiken như tôi =)).

Hình ảnh

Trò chơi sử dụng phong cách đồ họa pixel cổ điển. Nhiều người thích nó hoặc không. Với 1 chàng trai 9x sinh ra và lớn lên trong thời kỳ các trò chơi vẫn còn sơ khai, tôi trân trọng pixel art. Osfe đã làm rất tốt. Các thiết kế hiển thị chuyển động mượt mà, hiệu ứng kỹ năng bùm chíu đẹp. Các nhân vật được thiết kế theo hơi hướng anime. Tuy không có nhiều sự sâu sắc về cốt truyện như những game kinh phí cao nhưng một vài lời thoại đơn điệu kèm theo hình ảnh có thể nói lên nhiều điều về nhân vật. Một nhạc sĩ vĩ cầm yêu âm nhạc như tôi yêu tiền, một tay súng cô độc với quả súng hoành tráng… Ngoài những trận chém giết ngươi chết ta sống, tôi thích khía cạnh nghệ thuật như thế ở họ.

Âm nhạc.

Osfe sở hữu những bản nhạc nền phù hợp với chủ đề hình ảnh và không khí chiến đấu của trò chơi. Đó là một thức uống pha trộn giữa retrowave và nhạc điện tử hiện đại cung cấp năng lượng cho bạn bùng cháy với trò chơi.

Tạm kết.

Bài viết này nằm trong dự án review game hứa thật nhiều thất hứa cũng thật nhiều. Đồng thời nhân dịp sinh nhật tặng chú đầu trọc chủ quán bài này. Chúc chú mạnh khỏe, yêu đời và bớt ba lăng nhăng. Mong chú vẫn là trụ cột vững chắc cho quán bia phát triển.

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện