Ngay từ khi mới được công bố cách đây 3 năm, đã có khá nhiều nghi vấn được dấy lên về chất lượng của Death Stranding. Theo thời gian, càng thêm những đoạn trailer đậm chất cinematic, nhiều người càng tỏ ra lo ngại về việc game sẽ quá tập trung vào khía cạnh này mà bỏ lơ đi phần quan trọng bậc nhất với một tựa game – lối chơi. Lo lắng này càng có cơ sở sau một số đoạn hé lộ gameplay, cho thấy một tựa game có lối chơi không thực sự nổi bật và có thể gọi là nhàm chán. Điều này đã khiến rất nhiều người thất vọng dù một bộ phận lớn vẫn đặt niềm tin vào Kojima và hy vọng rằng, Death Stranding không chỉ có như vậy.
Với bản thân tôi, sau 10 giờ đồng hồ đầu tiên, có thể nói rằng Death Stranding thực sự có tiềm năng. Khía cạnh làm tôi lo ngại nhất về game là lối chơi thì hóa ra lại không thực sự quá tẻ nhạt như nhiều người nhận định. Và sau đây là cảm nhận của tôi sau 10 tiếng đầu của Death Stranding.
Về đồ họa của game
Thứ đầu tiên đập vào mắt tôi khi chơi Death Stranding chính là đồ họa và chắc chắn đây sẽ là thứ ấn tượng nhất với nhiều người về game. Game được phát triển bằng engine đồ họa Decima của Guerilla Games, studio đứng đằng sau Horizon Zero Dawn. Nếu đã từng chơi Horizon Zero Dawn rồi, chắc các bạn cũng đã biết nó đẹp ra sao. Nó cũng chính là một trong những game có đồ họa đẹp nhất thế hệ PS4 này. Tuy nhiên, đến với Death Stranding, bạn sẽ còn phải ngỡ ngàng hơn nữa trước sức mạnh của engine Decima. Phong cách đồ họa của game đi theo hướng tả thực và nó thực đến mức gần như ngoài đời. Mặc dù đầu game cảnh vật chưa có gì quá đặc sắc, đa phần chỉ là những vùng đất hoang vu, nhưng Death Stranding vẫn có cách khiến người chơi phải dán mắt vào màn hình để nhìn ngắm cảnh vật. Những thảm rêu xanh mướt, những bãi đá lởm chởm, những cơn mưa xối xả,… tất cả chúng đều được tái hiện một cách vô cùng chân thực, đến mức nhiều lúc bạn sẽ không còn nghĩ đây là đồ họa game nữa.
Bên cạnh đó, còn có một thứ game đã làm rất tốt, ấy chính là đồ họa mặt nước – water graphics. Tôi đã bị nhiễm cái thói quen ngó mặt nước khi chơi game từ Hùng Lý “Biu” nên giờ chơi Death Stranding cũng phải tìm chỗ có nước để ngó đầu tiên. Trong những game có phong cách đồ họa nghiêng về tả thực thì mặt nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất để kiểm tra xem game đó chịu chơi đến đâu. Một vài tựa game có water graphics rất ấn tượng mà tôi từng chơi là Assassin’s Creed IV: Black Flag, The Witcher 3: Wild Hunt, Uncharted 4: A Thief’s End, Horizon Zero Dawn, God of War 2018 và Assassin’s Creed Odyssey. Tuy nhiên, Death Stranding dường như còn vượt trội hơn tất thảy khi mặt nước trong game có phần chân thực nhất, từ những gợn sóng trên mặt nước cho đến dòng chảy của nước trong game. Tôi không nghĩ là một game PS4 lại có thể đẹp và chân thực đến thế này. Nghĩ cũng hơi ghen tỵ với ai có PS4 Pro vì họ có thể chơi được game với độ phân giải 4K cùng HDR, lúc đó hẳn game còn đẹp hơn vậy nữa.
Về âm thanh/âm nhạc của game
Âm thanh và âm nhạc cũng là một yếu tố ghi điểm ngay từ lúc vào game của Death Stranding. Death Stranding có một bộ OST cực kỳ chất lượng và cái cách game cho bạn thưởng thức chúng cũng đặc biệt không kém. Với những tựa game khác, những bản nhạc của game sẽ được bật lên liên tục trong đa số thời lượng chơi, nhưng Death Stranding thì không. Phần lớn thời lượng gameplay, sẽ chỉ có âm thanh từ môi trường chứ không hề có một bản nhạc nào. Và đến một lúc thích hợp, một bài hát từ bộ OST sẽ tự động được bật lên mà hoàn toàn không báo trước. Chắc chắn tất cả những ai đã chơi Death Stranding sẽ đều thích thú trước điều này và mong ngóng xem mình sẽ được thưởng thức bài hát nào tiếp theo và ở đâu. Nhạc hay đã đành, nhưng cách truyền tải nó đến với người chơi cũng quan trọng không kém. Death Stranding đã sử dụng một phương pháp khá độc đáo và đạt được hiệu quả tối đa trong việc cho người chơi thấy chất lượng của các bản nhạc.
Nhân tiện, bộ OST của game đã có đủ trên Spotify, các bạn có thể nghe thử, tuy nhiên bộ OST này thiếu một số bài của Low Roar.
Giọng lồng tiếng của các nhân vật cũng là một điểm sáng trong game. Các nhân vật của Death Stranding nói khá nhiều nhưng phần lớn họ không gây cảm giác nhàm chán cho người nghe. Lý do thì một phần nhờ lời thoại khá được chăm chút, một phần nhờ sự hóa thân tài tình của các diễn viên, một điều không quá bất ngờ vì họ đều là những tên tuổi lớn. Dù vậy, bản thân nhân vật chính Sam thì tôi vẫn thấy diễn khá đơ và thoại không cảm xúc cho lắm, không biết là do diễn xuất của Norman Reedus hay do tính cách của Sam nó chán nữa. Nhưng ngoài ra thì những nhân vật còn lại đã xuất hiện thì tương đối tốt. Die-Hard Man và Deadman thì nói lắm đến phát bực, hơi mất cảm tình. Amelie và Fragile xuất hiện đủ và ấn tượng nhờ giọng nói mê hoặc cùng thần thái tuyệt vời. Heartman tàm tạm, chưa thấy ấn tượng gì. Mama best girl không nói nhiều. Anh tôi Troy Baker mới chỉ xuất hiện một lần cuối Episode 2 nhưng cũng đủ gây tò mò. Chú tôi Mads Mikkelsen mới chỉ xuất hiện thoáng qua ở các đoạn flashback nên chưa thấy ấn tượng lắm, hy vọng về sau chú tôi có nhiều đất diễn hơn.
Về các đoạn cutscene
Một điều khiến khá nhiều người lo ngại khi cân nhắc việc có nên chơi Death Stranding hay không là họ lo sợ cutscene quá dài và quá nhiều. Quả đúng như vậy, trong hai episode đầu của game là prologue và episode 1 thì số lượng các đoạn cutscene là khá nhiều và tần suất cũng khá dày. Bản thân tôi thì mặc dù thấy chúng khá cuốn hút và hấp dẫn nhưng cũng phải thừa nhận rằng xem nhiều cutscene quá cũng mệt và chán vì không được chơi. Bên cạnh đó, những đoạn cutscene đầu game đóng vai trò chủ yếu là giới thiệu bối cảnh, nhân vật và cốt truyện nên rất nhiều thoại, rất nhiều thuật ngữ riêng của game. Do đó, nếu không có một vốn tiếng Anh đủ tốt thì sẽ cực kỳ khó theo dõi và dẫn đến chẳng hiểu gì và mất hứng theo dõi. Dù vậy, những đoạn cutscene này cũng đã làm tương đối tốt phần việc của mình khi cung cấp đủ thông tin cho người chơi về thế giới của Death Stranding.
Về gameplay của Death Stranding
Cuối cùng, khía cạnh tôi muốn nói đến chính là thứ quan trọng nhất và cũng gây nghi ngờ nhiều nhất: gameplay. Đây chắc chắn là khía cạnh khó đánh giá chính xác nhất vì mỗi người sẽ có một cảm nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định là không thể đánh giá gameplay của Death Stranding bằng mắt được.
Để thực sự hiểu về gameplay của Death Stranding, cách duy nhất vẫn là cầm controller lên và tự mình đi ship hàng. Đoạn đầu game thì công việc chủ yếu mà game giao cho vẫn là giao các gói đồ theo yêu cầu, nhưng kể cả thế thì nó vẫn rất gian nan. Đầu tiên, sẽ có giới hạn trọng lượng đồ có thể mang, cả trang thiết bị lẫn các gói hàng. Quá nhiều đồ sẽ khiến di chuyển chậm chạp, hay mất thăng bằng và thể lực sẽ hồi phục chậm hơn. Số lượng các gói hàng nhiệm vụ giao không phải nhiều, nhưng chính các gói hàng rải rác khắp thế giới mới là thứ khiến bạn đắn đo suy nghĩ. Thu thập các gói đồ thất lạc càng nhiều và giao chúng đến nơi thì bạn sẽ càng được lợi. Nhưng thu thập quá nhiều thì sẽ dẫn đến phải mang vác quá nặng và gặp vấn đề trong việc di chuyển. Do đó, mỗi một lần đi ship hàng là một lần phải tính toán kỹ càng để tối ưu hóa việc di chuyển.
Một điều khá thú vị trong cơ chế gameplay của Death Stranding chính là việc kết nối các người chơi lại với nhau. Đây là một cơ chế khá độc đáo và thú vị. Nói đơn giản thì trong game, bạn sẽ không tương tác được trực tiếp với người chơi khác mà chỉ có thể tương tác với những thứ họ để lại. Đó có thể là những gói hàng thất lạc, một vài công trình hỗ trợ họ xây nên, công cụ vượt chướng ngại vật và những biển cảnh báo họ để lại. Game rất khuyến khích những người chơi chia sẻ đồ đạc, vật dụng với nhau vì như thế hành trình đi ship hàng của Sam sẽ dễ thở và có phần thú vị hơn. Dù thế, một điểm mà tôi không thấy hài lòng lắm là thiết kế menu giao nhiệm vụ khá rối rắm và nhiều chi tiết thừa thãi không cần thiết.
Việc di chuyển trong Death Stranding chẳng hề đơn giản và nhẹ nhàng. Địa hình trong game rất gồ ghề và đa dạng nên rất dễ mất thăng bằng. Do đó, lúc nào bạn cũng sẽ phải chú ý đến hai nút L2 và R2 để giữ cho Sam khỏi ngã. Tất cả các loại địa hình trong game đều có thể gây cản trở đến chuyển động của Sam. Thậm chí đi trên đường bằng thôi cũng gặp vô vàn khó khăn vì những hòn đá lởm chởm có thể khiến Sam bị vấp. Những dòng sông, suối có thể khiến Sam mất thăng bằng vì sức nước và dòng chảy của chúng. Đến khoảng giữa episode 2, khi đã có được phương tiện di chuyển đầu tiên thì việc đi lại sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng sang đến episode 3 thì Sam sẽ lại phải cuốc bộ theo đúng cốt truyện.
Một điểm đáng chú ý nữa là việc đối mặt với các BT – những sinh vật vô hình và đáng sợ trong game. Đây chính là những lúc căng thẳng nhất. BT xuất hiện khi trời mưa, và chúng có thể lần ra ta qua hơi thở nên cách duy nhất để vượt qua chúng là nín thở. Nhấn giữ nút R1, Sam sẽ nín thở và tạm thời an toàn, nhưng do không thể nín thở quá lâu nên bạn sẽ phải liên tục nhấn và thả R1, mà cứ hễ thả nút R1 ra là y như rằng một vài con BT sẽ rầm rầm đi đến. Tiếng rít của chúng nghe đáng sợ đã đành, đằng này chúng còn làm rung cả mặt đất, đồng nghĩa với làm rung controller nên việc đối mặt với BT càng đáng sợ và căng thẳng hơn bao giờ hết.
Trong những episode đầu tiên, Sam sẽ chưa phải đối mặt với quá nhiều BT. Nhưng vì phải đến tận nửa cuối episode 2, Sam mới có những vũ khí chống BT đầu tiên là những quả lựu đạn nên khoảng thời gian trước đó, cách duy nhất là lẩn trốn. Càng về sau, số lượng BT và tần suất chúng xuất hiện sẽ càng nhiều, và cho dù có vũ khí trong tay thì chắc chắn BT vẫn sẽ là thứ đáng sợ xuyên suốt cả game.
Tạm kết
Nhìn chung, Death Stranding có thể nói là đáng chơi, nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng cốt truyện là thứ tôi quan tâm nhất vì gameplay khá yếu và chỉ nằm ở mức khá. Dù vậy, tôi vẫn thích Death Stranding. Cốt truyện có thể không hack não hay plot twist dày đặc, gameplay có thể sẽ không có quá nhiều đột phá, nhưng tôi tin rằng hành trình của tôi với Sam trong cái thế giới này sẽ đáng từng giây phút một. Death Stranding tuy kỳ lạ, nhưng tôi lại thấy nó vô cùng cuốn hút. Có lẽ đây không phải game dành cho tất cả, nhưng tôi chắc chắn nó dành cho tôi.
Cho dù thế giới của Death Stranding có tàn khốc thế nào, thì tôi vẫn sẽ bước tiếp…
No matter how cruel the world of Death Stranding is, I’ll still keep going…