Nghiệm thu công trình Artifact

Khách quen

  Phụ Bếp Đời 1

Viết tiêu đề cho oai vậy thôi chứ tui chỉ mới mò mẫm Artifact được khoảng 10 tiếng, xong Tutorial, đánh vài trận Call to Arms và một ván Challenge với thằng bạn thân (cũng đánh bằng deck Call to Arms luôn) chứ chưa đụng vô mấy cái Draft ở trong Expert Play. Tuy chỉ mới trải nghiệm sơ sơ như vậy nhưng Artifact mang đến cho tui cảm giác khá là phê, ý là chưa tự build deck và đánh bằng “hàng” của mình mà đã khiến tui suy nghĩ về nó hầu như là liên tục, nghĩ về mấy cái deck Call to Arms này sẽ triển khai làm sao, mạng của mình hợp với Blue Green hay Black Green, nghĩ về cảm giác uất ức khi bị thằng bạn thân chèn ép bằng 5 Red Heroes ở early và sau đó vỗ lại vào mặt nó bằng Improvement như thế nào, nghĩ về khoảnh khắc mở pack cuối trong 10 packs free ra A cmn XE… Niềm vui kể trên đều đến từ những trải nghiệm không cần tiền của Artifact (à, ngoại trừ tiền mua game, nhưng chắc Valve thấy tui nhăn nhó quá nên dúi vào tay tui vài ba lá bài Đỏ khi tui đang nghiệm thu tính năng mở pack… ahihi, đỡ khổ). Là một tay mơ với TCG nên những chia sẻ về Artifact có thể không chuyên lắm nhưng tui sẽ cố gắng nói về những gì Artifact có thể mang lại trong giới hạn chỉ “mua vé vào cổng”. Hãy nhìn dưới góc độ không try hard nha, vì tui cũng chưa có ý định try hard Artifact đâu.

“Anh nhận đi cho em nhờ ạ!”

Trong Artifact có những Heroes mà tui không biết từ đâu tới như là Rix, Mazzie, Prellex… vì khi chơi Dota 2 không thấy tụi nó. Lần mò trên internet thì có nhiều phỏng đoán đó là những Heroes sắp sửa được trình làng nhưng mà không biết là sẽ sửa tới khi nào. Tui nghĩ rằng Artifact nó sẽ có một câu chuyện riêng của nó chứ không phải chỉ dựa vào Dota 2 khi mà Valve đã có sẵn hai chương comics để dạo đầu trong event Call to Arms. Và đúng như cái tên, event này là nơi để những tân binh vừa bước qua cửa tutorial vào dợt nhau. Valve chuẩn bị 6 decks được build sẵn với những phong cách khác nhau như Black Green, Full Green, Green Red, Full Red, Red Blue, Blue Black để lính mới thử nghiệm và chọn lựa ra kiểu nào sẽ hợp với mình nhất. Với 280 cards trong các decks Call to Arms, người chơi có thể trải nghiệm được khá nhiều khía cạnh Artifact mà không cần phải mua thêm bất cứ card nào. Và đây chỉ mới là màn dạo đầu khi Valve hứa hẹn rằng vào ngày 13/12/2018 sẽ có những decks build sẵn như vậy được thêm vào. Tui nghĩ đến lúc đó sẽ không còn là Call to Arms nữa mà các tân binh sẽ Into the Battle, hehe.

Thao trường đổ mồ hồi, sa trường bớt đổ máu

Artifact có hệ thống Social Play mà tui nghĩ sẽ cho người chơi bầu không khí giống như tụ tập ở nhà bạn bè vào tối cuối tuần. Bạn có thể tự set luật riêng cho mỗi trận solo hoặc một giải đấu dài hơi giữa bạn và những đứa bạn “thân thiết” của mình. Thích thể hiện thì dùng deck tự build, còn để tránh việc “deck mày nhiều tiền hơn deck tao” thì tất cả cùng xài set Call to Arms để coi não ai phẳng hơn hoặc dị hơn nữa là sử dụng deck 4 màu để khô máu. Tất cả tuỳ thuộc vào bạn. Việc các decks Call to Arms không chỉ gói gọn trong event mà còn có thể dùng để đánh với bạn bè theo tui là một điểm rất hay, vì nó làm giảm mức độ căng thẳng ở trạm thu phí, bạn không cần mua thêm cái gì hoặc đi đổi tiền lẻ mà vẫn sẽ có những giây phút suy nghĩ căng não, những pha thót tim khi rượt đuổi giữa các lanes và khoảnh khắc vỡ oà sung sướng khi đối phương nổ Throne hoặc banh trụ 2. Trộm vía sắp tới Valve cho thêm nhiều “deck free” như vậy thì chúng ta sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn trong cuộc chơi Artifact vừa mới khởi động này.

“À ờ, tui không có bạn. Tui chỉ solo play một mình thôi bồ ơi!”

“À ờ, ông có thể thử Casual Phantom Draft.”

Casual Play không phải sân chơi của các Shark

Chế độ này giống với Arena bên Hearthstone, người chơi sẽ draft 60 lá từ 5 packs ngẫu nhiên để tham gia chuỗi 5 trận, chỉ có điều do là Casual nên sẽ chơi ăn chè, không tốn ticket và cũng không nhận được pack nếu win 5. Tui thấy trong đống bài bạn được draft cũng có khá nhiều bài trải dài từ rare cho đến uncommon, nếu bỏ qua được cái chuyện mình và các lá bài “không thuộc về nhau” thì tui nghĩ bạn sẽ enjoy the meal một cách ngon lành.

Phần còn lại của thế giới chính là điều Artifact bị phàn nàn khá nhiều, “đã bỏ tiền mua vé còn bị xin tiền bo”. Dưới góc nhìn của tui thì mọi chuyện nó không căng vậy đâu, chỉ là do sự lựa chọn của người chơi thôi. Hiện tại thì Artifact có ba cách tiêu tiền là mua pack, mua ticket và mua card trên market. Ticket dùng để tham gia Phantom Draft và Keeper Draft (Keeper giống như Phantom nhưng người chơi sẽ được giữ lại 60 card đã draft). Ở đây mọi người chơi đều draft bài từ 5 packs ngẫu nhiên nên sẽ không có chuyện pay to win, quan trọng là khả năng của người chơi. Lính mới nào cảm thấy đã cứng cựa khi dợt nhau đủ nhiều ở Casual thì hoàn toàn có thể thoải mái kiếm pack và ticket với 5 tickets được cho ban đầu. Ngoài ra bạn còn có thể recycle card rác để đổi lấy ticket. Về chuyện mua card thì tui cảm thấy khá hay khi mình có thể chủ động trong việc xây dựng deck-huyền-thoại chứ không phải phụ thuộc vào may rủi của việc mở pack. Ngoài những tay to như Axe và những người bạn thì giá card trên market hiện tại không gọi là mắc, có những card được bán với giá chưa đến 1000đ nhưng có thể kết hợp để tạo ra những deck mạnh mẽ. Tất nhiên khi nghĩ đến việc dùng “hàng” của mình để bem nhau thì người chơi phải chấp nhận đối đầu với những rich-kid-around-the-world, trải nghiệm này cũng chỉ là một phần nhỏ trong Artifact chứ không phải là toàn bộ. Theo quan điểm của tui Artifact không phải là một game pay to win vì nó cung cấp cho người chơi nhiều chế độ để có những trải nghiệm khác nhau, chứ không bắt buộc là phải mua card, mở pack, xây dựng deck mạnh mới cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn. Còn nếu bạn là một nhà-sưu-tập thì là một câu chuyện khác.

Một ly trà sữa có thể build được một deck chơi được đấy!

Vài người bạn của tui nói rằng Artifact giống kiểu đánh cùng lúc 3 ván Hearthstone thôi chứ có gì đâu, nhưng không phải vậy. Phải nhìn nhận theo kiểu đánh 1 ván bài lớn có 3 trận địa khác nhau thì mới cảm nhận được nhịp điệu và phong cách Artifact mang lại. Một hành động sai lầm ở lane này có thể tác động đến hai lane còn lại và ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện trận đấu. Khi gặp khó ở một lane thì bạn có thể cho hero đảo lane tạo áp lực hoặc dùng các improvement ở các lane khác hỗ trợ. Ví dụ như có trận tui sử dụng deck Blue Red đụng với deck Full Red gồm 5 thằng Red Heroes cục súc, đối thủ ép 3 Red Heroes vào một lane nhằm rush Throne của tui. Tui phải đánh câu giờ lane đó và dùng Meepo với Blink Dagger đảo sang 2 lane còn lại để đập 2 tower của đối thủ. May mắn là chiến thắng, tiếc là trong trận đấu không chat được để tui respect đối thủ “nho còn xanh lắm cưng à…”

Dù hiện tại Artifact vẫn còn nhiều cái bất cập như chưa có một cái profile rõ ràng cho người chơi (đã đánh bao nhiêu trận, thích chơi phong cách gì…), hệ thống replay hay ít nhất là emote/chat in game để… thỏa mãn thú tính của người chơi nhưng tui nghĩ với Valve đó chỉ là vấn đề họ sẽ “bật” những tính năng đó vào lúc nào thôi. Hệ thống Ranked chưa xuất hiện vẫn là một câu hỏi, có lẽ do vẫn trong giai đoạn “tuyển quân” để làm quen với game, chứ đánh Casual mà còn căng não như vậy khi vào Ranked chắc xuất hồn chui vào màn hình mà đập nhau luôn chứ không chừng. Túm lại đường dài mới biết ngựa hay, câu chuyện của Artifact chỉ mới bắt đầu, chúng ta hãy cùng theo dõi xem Valve có dạy dỗ được thằng con đang bị thầy cô đánh giá học lực trung bình hay không, hihi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Kỹ sư cắt dán - 18.12.2018

    Chủ thớt còn chơi game này không? Hãy qua Hearthstone và có cái nhìn khách quan xem.


    • pinkboi18 - 18.12.2018

      ngày nào mình cũng vào làm 1 ván, có khi không chơi được thì lướt lướt coi bài :))… Hearthstone hồi đó có chơi mà giờ kêu quay lại ngán lắm 🙁