Need For Speed Hot Pursuit 2010: Nhanh hơn nữa, nguy hiểm hơn nữa!!

Khách mới

  

Bạn đã cảm thấy mệt mỏi với Shift khi phải tính toán nhiều thứ trước khi vào cua? Bạn muốn trải nghiệm cảm giác rượt đuổi con mồi, cũng như cảm giác phải chạy trốn kẻ săn đuổi? Cấu hình bạn không quá mạnh, nhưng vẫn muốn có một tựa game đua xe có đồ họa ổn và gameplay phê như con tê tê? Vậy thì xin chúc mừng, Need For Speed Hot Pursuit chính là một sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

Đua xe trái phép, linh hồn thật sự của series Need For Speed

Chúng ta phải thừa nhận rằng Shift là một phiên bản thành công của dòng game này khi tạo ra cho mình một lối đi riêng, đó là tập trung vào mảng đua xe hợp pháp, chuyên nghiệp và có tổ chức. Thế nhưng, những huyền thoại của thương hiệu NFS đều gắn liền với những cuộc đua xe đường phố, với những màn rượt đuổi toát cả mồ hôi với cảnh sát. Và khi nói đến mặt này, người ta sẽ nghĩ ngay đến 2 cái tên đình đám đó là NFS Most Wanted và NFS Underground (1 và 2) bởi khả năng độ xe đa dạng, một phong cách mang hơi hướng của bộ phim Fast And Furious ra mắt gần thời điểm đó và một thế giới mở, cho phép bạn tung hoành không phải lo nghĩ.

Thế nhưng, còn một cái tên nữa cũng rất quen thuộc với những fan gạo cội của dòng game này, đó chính là phiên bản Hot Pursuit. Nếu như 2 cái tên trên mang đến khả năng độ xe có một không hai, thì Hot Pursuit mang đến cho bạn một khả năng thậm chí còn bá đạo hơn nữa: Đứng vào hàng ngũ của những cảnh sát truy bắt tội phạm tốc độ, được trải nghiệm cái cảm giác săn con mồi là như thế nào. Và không như Underground hay Most Wanted, nơi mà cảnh sát đến mức độ cuối cùng cũng chỉ có những chiếc Corvette để rượt đuổi bạn, đối với Hot Pursuit, cảnh sát sẽ được trang bị những chiếc xe hàng khủng, thậm chí đối với phiên bản cũ là Need For Speed Hot Pursuit năm 2002 cũng được trang bị Lamborghini Murcielago để rượt bạn tới xác.

Đến phiên bản năm 2010 này, những chiếc xế được trang bị cho cảnh sát ở mức độ cao nhất có thể vừa làm bạn hào hứng, vừa làm bạn khủng hoảng. Chẳng cảm giác nào hào hứng hơn việc được sử dụng một con Bugatti Veyron Supersport để thổi bay những tên tội phạm tốc độ ngoài vòng pháp luật. Nhưng… cũng chẳng cảm giác nào kinh khủng hơn khi biết mình đang bị một chiếc Koenigsegg Agera của lực lượng hành pháp truy đuổi, khi mà tốc độ tối đa của những chiếc xe đó có thể cán mốc 400km/h…

Một gameplay dù đã hơn 10 năm, nhưng vẫn chưa hề lỗi thời

Khi mà game được tạo ra dưới bàn tay của Criterion Games, một nhà phát triển nổi tiếng thông qua một cái tên được rất nhiều game thủ đam mê tốc độ biết đến: Burnout. Vì vậy, game mang đến cho game thủ một sự hi vọng về những màn rượt đuổi tốc độ cao kết hợp với những pha Takedown đối thủ đầy ngoạn mục – đặc sản của dòng game Burnout. Và quả thật, game thật sự đã làm điều đó tốt hơn dự tính rất nhiều, đến mức IGN phải nói “You haven’t crashed until you’ve crashed a Lamborghini cop car”. Thế nhưng điều khiến các game thủ hào hứng hơn cả, đó là thay vì những chiếc xe trong Burnout có tên tuổi cũng như mẫu mã rất khác ngoài đời thực, thì trong Hot Pursuit bạn sẽ bắt gặp những cái tên rất quen thuộc như: Porsche, Lamborghini, Bugatti,…

Game lấy bối cảnh ở Seacrest County, một địa điểm giả tưởng được dựa theo miền Tây duyên hải của nước Mĩ. Với những cung đường thẳng dài tít tắp và giao thông không quá đông đúc, đây là một địa điểm ưa thích của các racer ngoài vòng pháp luật so tài với nhau. Ban cảnh sát Seacrest County (Seacrest County Police Department – SCPD) đã được thành lập với vấn nạn này, trong đó bao gồm những sĩ quan ưu tú nhất, sở hữu những chiếc xe có tốc độ ngang hoặc thậm chí cao hơn cả quái xế.

Cơ mà huyên thuyên một chút xíu về bối cảnh game vậy thôi chứ cốt truyện chưa từng là điểm mạnh của series lâu đời này, và Hot Pursuit cũng không phải là ngoại lệ, cái chính nằm ở gameplay ăn tiền của nó. Một gameplay chỉ tập trung vô những cuộc đua và những cuộc rượt đuổi, không cutscene, không màu mè, điều bạn cần làm là bắt đầu màn chơi, tập trung vào con đường phía trước và hết ga hết số, chỉ vậy thôi 😊.

Nhanh, nhanh lắm, nhanh kinh khủng

Quả thực, vì chỉ hướng đến tốc độ, nên khác với Shift khi mà mới vô người chơi sẽ được làm quen với những chiếc xe topspeed khó lòng mà qua được con số 200km/h, HP sẽ ném cho bạn một chiếc Porsche Boxter Spider với tốc độ tối đa cỡ 270km/h sau đó bắt đầu màn chơi đầu tiên với không một hướng dẫn cụ thể nào cả. Lần đầu tiên mình chơi là mình phải vào cả phần setting để tìm xem nút nào là tăng tốc, nút nào là thắng nữa cơ 🤣.

Vừa vào choáng ngợp là vậy, thế nhưng chỉ sau đó tầm 1 phút, bạn sẽ cảm thấy rất đã. Không như Shift, giờ đây bạn có thể vào cua với tốc độ ngót nghét con số 200 là chuyện bình thường, vừa thoát cua xong bấm nút xả Nitro nữa thì ôi thôi, còn cảm giác nào sánh bằng nữa chứ? Có thể nói, cái cảm giác drift trong NFS HP là một trong những cảm giác drift mình cảm thấy tuyệt vời nhất từ trước đến giờ, cảm giác nó rất mượt, rất nhanh, tiếng ken két của lốp xe được mài xuống đường và làn khói tỏa ra từ đó thật sự làm mình cảm thấy rất phấn khích. Trong quá trình chơi, việc bạn cần làm đó là về nhất trong các cuộc đua, hoặc bắt hết các tay đua trái phép, những chiếc xe cao cấp hơn sẽ tự động được mở khóa trong quá trình bạn chơi, tất cả là để người chơi chỉ tập trung vào một việc: Chạy, chạy và chạy.

Sau khi đã trải nghiệm việc drift và bấm nitro – những điều cơ bản mà gần như game thủ Need For Speed nào cũng biết, thì bây giờ sẽ có một cảm giác nữa mà những phiên bản trước Hot Pursuit 2010 không thể làm được (kể cả các phiên bản Hot Pursuit cũ), đó là cảm giác triệt hạ (Takedown) xe của đối thủ, bất kể đó là một racer khác hay một chiếc xe cảnh sát. Giờ đây, những pha Takedown sẽ được làm chậm giúp bạn nhìn rõ cái cách mà chiếc xe của đối thủ bị crash, thật sự thì mình không nghĩ có cảm giác nào nó phê hơn việc nhìn thấy chiếc xe bạn vừa tông bay ra khỏi dải phân cách hay lật ngửa khi bị bạn tông ở tốc độ cao đâu.

Còn gì tuyệt vời hơn cảnh này nữa chứ 😎

Để tăng cảm giác phấn khởi cũng như tạo cơ hội cho việc Takedown đối thủ dễ dàng hơn thì Criterion Games đã cung cấp cho cả 2 phía racer và cop (cảnh sát) những món “đồ chơi” công nghệ cao. Chúng sẽ được gia tăng mức độ hiệu quả tùy theo level, và để tăng level cho chúng, việc bạn cần làm chỉ là chơi và chơi, khi bạn có đủ 1 số điểm nhất định thì chúng sẽ tự lên level. Mỗi bên có 4 công nghệ trong đó có 2 món dùng chung đó là: EMP (Electromagnetic Pulse – sóng gây nhiễu điện từ) và Spike Strip – một dải dây chứa đầy những gai nhọn, khiến cho chiếc xe cán qua sẽ bị lủng lốp. EMP lẫn Spike Trip thật sự rất hữu dụng cho cả 2 phe vì khả năng tấn công của chúng, EMP có tầm hoạt động rất xa ở level cao trong khi đó Spike Strip ở tầm gần thật sự rất khó né, và lỡ dính thì sẽ tiêu tốn một khoảng thời gian cũng như một lượng HP (độ bền của xe) kha khá của đối thủ.

Đối với 2 món đồ chơi còn lại thì phía Racer sẽ được trang bị đồ chơi thiên về phòng thủ và tốc độ vì mục tiêu của họ là cán đích nhanh nhất, đó chính là Turbo và Jammer. Turbo sẽ khiến cho chiếc xe của bạn chạy như bay chỉ với 1 nút bấm y hệt như trong Fast And Furious, trong đó Jammer sẽ vô hiệu hóa tất cả những đòn tấn công liên quan đến các thiết bị điện tử (EMP lẫn Spike Strip).

Về phía cop, họ sẽ được trang bị 2 khả năng thiên về khả năng tấn công đó là khả năng gọi trực thăng (Helicopter) và khả năng thiết lập lô cốt trên đường (Roadblock). Khi sử dụng Roadblock, cảnh sát sẽ yêu cầu những chiếc xe SUV chuyên dụng đứng chặn trên đường đi của các racer, và ở level cao thì thật sự rất khó né.Đối với khả năng gọi trực thăng thì cop sẽ điều động một trực thăng chuyên dụng để theo dõi các racer, khiến cho họ khó chạy thoát hơn; ở level cao, những chiếc trực thăng này sẽ có thể bay lâu hơn do mang nhiều nhiên liệu hơn và thậm chí có thể thả Spike Strip đón đầu khiến chúng thật sự rất khó chịu

Qua những chi tiết trên, mình thật sự khuyến khích nếu các bạn có chơi, dù bạn có muốn mình là một tay đua ngoài vòng pháp luật hay một sĩ quan ưu tú thích trừ gian diệt ác thì hãy thử qua cả 2 chiến tuyến, bạn sẽ có những cảm giác mà không tựa game NFS nào mang lại được. Game còn có cả chế độ Freeroam (chạy tự do), nhưng vì game thiết kế phần này không có gì đặc sắc, chủ yếu là để bạn chạy ngắm cảnh chứ không có chuyện đang chạy bỗng có event nào đó xảy ra và bạn bị rượt đuổi nên phần này mình sẽ để các bạn tự trải nghiệm nha.

Ngoài ra thì một điểm nhấn trong gameplay của game là sự xuất hiện của hệ thống Autolog, giúp các game thủ theo dõi thành tích của mình cũng như kết nối với nhau dễ dàng hơn. Game cũng xuất hiện hệ thống level của tay đua và sĩ quan. Đối với những tay đua, khi mức độ offense (vi phạm) của bạn ngày càng tăng thì bạn cũng sẽ phải đối mặt với những sĩ quan có kĩ năng và chiến mã khủng hơn. Đối với phía cảnh sát cũng vậy, càng thăng chức thì bạn sẽ càng phải thực hiện những nhiệm vụ có những tên quái xế liều lĩnh hơn, chạy nhanh hơn.

Hệ thống xe cộ tuyệt vời thật đấy nhưng mà…

Đúng vậy, dù được tạo ra dưới bàn tay của Criterion Games nổi tiếng với Burnout – một cái tên không tập trung vào những chiếc xe được mua bản quyền mà tập trung vô những pha Takedown và crash, nhưng vì nó vẫn mang cái tên “Need For Speed” nên sự xuất hiện của dàn siêu xe bóng loáng là không thể thiếu. Có thể nói là bộ sưu tập xe của game chia đều cho cả 2 phe racer và cop khá là đa dạng, nếu tính tổng số thì có thể gần 80 chiếc xe khác nhau, một con số mà không phải phiên bản NFS nào cũng có được.

Một điều còn tuyệt vời hơn như vậy nữa là những chiếc xe đó có cảm giác lái rất khác nhau dù đây không phải game theo hướng mô phỏng như Shift, chiếc thì nặng nề nhưng vào cua lại rất đầm và có khả năng chống chịu tốt, chiếc thì lại rất nhanh nhưng khó vào cua hơn, dễ bị thổi bay hơn nếu bị đối thủ tông mạnh. Và khi các bạn mở khóa được Tier 5 thì thật sự các bạn sẽ rất hài lòng với những gì mình được nhận: những chiếc Pagani sắc sảo, những chiếc Koenigsegg kiêu hùng, chúng là những con quỷ của tốc độ, dễ dàng vượt qua con số 350km/h.

Làm sao mà không điêu đứng trước vẻ đẹp này chứ 😉

Cơ mà dù vậy thì game vẫn có một số điểm mà mình mong muốn phiên bản HP trong tương lai (nếu có) sẽ cải thiện được. Điều đầu tiên đó là về cái bảo tàng xe cộ tuyệt vời mà game đem lại, ừ thì tuyệt vời thật đấy nhưng mà… cái màu đỏ đốt cháy mọi ánh nhìn của Ferrari lại thiếu sót mất rồi 😢, đây đúng là một tin hơi buồn cho các fan của Ferrari, trong đó có mình. Tiếp đến, mình biết rằng Hot Pursuit không phải là Most Wanted hay Underground, nơi mà chúng ta thỏa sức độ đẽo con xe của mình thỏa thích, nhưng ít ra nhà sản xuất cũng nên cho thêm các lựa chọn về custom màu sơn chứ nhỉ, một chiếc xe đẹp mà chỉ cho chọn năm hay bảy màu sơn khác nhau thì quả là đáng tiếc đúng không. Nhưng mà đó chỉ là những điểm nhỏ mình mong muốn cải thiện thôi, chứ còn lại thì hệ thống xe cộ của game vẫn rất tuyệt vời nên các bạn cứ yên tâm mà trải nghiệm nha.


Âm và hình quá tuyệt vời cho một tựa game 2010

Về âm thanh thì mình nói thật là thậm chí đến bây giờ vẫn còn rất tốt. Criterion Games đã tái tạo tiếng lết bánh, tiếng va chạm, tiếng động cơ của mỗi chiếc xe, những gì liên quan đến trải nghiệm của người chơi một cách có thể nói là quá hoàn hảo trong năm 2010, thậm chí các phiên bản NFS sau mình thấy cũng chỉ ngang hoặc hơn một chút. Game có những bản nhạc cực kì sôi động như “Edge of the Earth” giúp người chơi cảm thấy phấn khích, đã ngồi sau tay lái là chỉ muốn hết ga hết số mà thôi.

Về mặt hình ảnh cũng vậy. Game sử dụng một engine nghe có vẻ khá xa lạ với đa số game thủ đó là Chameleon, một engine riêng do Criterion Games phát triển. Thế nhưng dù quen, lạ như thế nào thì không thể phủ nhận độ hiệu quả mà nó đem lại không kém gì so với những FrostBite hay Unreal Engine cả. Những khung cảnh ở Seacrest County như các bãi biển, những cánh rừng trù phú, những con đường trên sa mạc dài tít tắp hay thậm chí cả ngọn núi Eagle Crest đầy tuyết trắng cũng được mô phỏng rất long lanh và chân thật (so với 2010). Điều tuyệt vời nhất là cái giá cấu hình bạn phải trả cho những cảnh vật đó không quá cao, không cần một cấu hình quá khủng khiếp như những phiên bản NFS sau này.

Những chiếc xe do được mua bản quyền nên cũng được thiết kế rất chi tiết, bám sát với thiết kế của chúng ngoài đời thực. Các bạn có thể sử dụng SweetFX để giúp các hiệu ứng được long lanh thêm chút đỉnh mà vẫn giữ khung hình tốt, đảm bảo trải nghiệm mượt mà hơn. Thậm chí đến năm 2021 rồi nhưng mà mình vẫn cảm thấy đồ họa của Hot Pursuit có một cái chất rất riêng, điều mà thậm chí những phiên bản NFS sau dù có long lanh thế nào cũng không thể thay thế được.

Tổng kết

Ở phiên bản 2010 thì NFS Hot Pursuit thật sự đã nâng giá trị của series NFS lên một tầm cao mới, nơi mà bạn chỉ cần quan tâm đến tốc độ của mình, cái điều chủ chốt khi nghe đến hai chữ “đua xe”. Vì vậy dù đã có tuổi đời hơn 10 năm nhưng những game thủ có máy yếu hay chỉ đơn giản là muốn thay đổi trải nghiệm, muốn quay về những giá trị cốt lõi của NFS thì đây vẫn là tựa game xứng đáng để bạn trải nghiệm. Không cần phải suy nghĩ phải đua lại bao nhiêu lần để mở khóa con xe yêu thích hay lên level, điều bạn cần làm đó là thả hồn với chiếc xe của mình trên con đường bạn chạy, chỉ thế là đủ.

Đánh giá : 9.5/10

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện