Need For Speed The Run: Cũng không hẳn là tệ

Khách mới

  

Giai đoạn từ năm 2009 đến giữa năm 2011 có lẽ là một giai đoạn đỉnh cao của series NFS với hai cái tên tuy khác hướng phát triển nhưng lại cùng đem về thành công vang dội. Đó chính là Shift – tựa game NFS đi theo chiều hướng đua xe chuyên nghiệp, có cơ chế lái mang một tí hơi hướng mô phỏng và Hot Pursuit – tựa game NFS vẫn trung thành với cuộc sống ngoài vòng pháp luật cũng như cơ chế lái Arcade. Cả hai tuy rất khác nhau nhưng lại đem đến những trải nghiệm khó quên cho dân mê tốc độ. Tiếp nối thành công đó EA Black Box tiếp theo đã cho ra đời tựa game NFS mới với cái tên The Run trong giai đoạn cuối năm 2011. Liệu đây có phải một sản phẩm đáng trải nghiệm như những người anh đi trước? Mời các bạn vô bài để biết thêm chi tiết nhé 🙂

Cốt truyện: Một sự cố gắng đến từ Studio làm game

Nếu các bạn là fan lâu năm của dòng game NFS hoặc thậm chí chỉ cần suy nghĩ một tí là các bạn cũng có thể dễ dàng thấy được đa phần các game đua xe từ dở tệ cho đến siêu phẩm cũng đều có một cốt truyện rất chi là… bình thường. Điều này thật sự khó tránh khỏi với thể loại game như thế này vì khó có thể tạo được các tình tiết như trong các tựa game hành động với một núi thuyết âm mưu khiến bạn hoặc là phải lên youtube xem phân tích hoặc phải tốn nhiều tế bào não để suy nghĩ. Một tựa game đua xe nếu chọn con đường “chính thống” như Shift thì gần như cốt truyện đã quá rõ ràng: Bạn là một tay đua vô danh tiểu tốt nhưng có tiềm năng, cố gắng chiến thắng nhiều cuộc đua nhỏ để có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Đối với những dòng game đi theo hướng ngoài vòng pháp luật thì theo mình thấy chỉ có mỗi phiên bản NFS Most Wanted và Carbon ở giai đoạn 2005 và 2006 là khá tốt chứ còn lại thì phản diện cũng nhạt nhòa, tình tiết thì dễ đoán. Thế nhưng dẫu biết vậy, The Run vẫn cố gắng xây dựng cho mình một cốt truyện đậm chất Hollywood.

Anh hùng của chúng ta trong phần game này: Jack Rourke!

Bạn vào vai Jack Rourke, một tay đua ngoài vòng pháp luật với đầy thành tích vang dội và đam mê tốc độ. Tới đây chắc bạn sẽ bảo “Thế thì cũng như mọi khi thôi có gì thú vị đâu” nhưng mà mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Năng lực của bạn đã đem đến cho bạn những sự chú ý không cần thiết, thông thường thì đó sẽ là một tay đua nào đó muốn lên mặt với bạn, nhưng lần này là cả một thế lực ngầm muốn trừ khử bạn BẰNG MỌI CÁCH có thể. Mới vào game, việc mà bạn phải làm trước khi đua chính là phải thoát khỏi chiếc Porsche đầy kiêu hãnh của mình trước khi bị nghiền nát trong máy ép thủy lực, ngay sau đó bạn lại phải trốn chạy dưới làn đạn của kẻ thù.

Chính vì lí do đó nên cốt truyện của The Run có thể nói là mang một chút tính hình sự, bạn không chỉ đua chỉ để chiến thắng nữa, bạn phải đua để sống tiếp. Bên cạnh việc phải trốn chạy tay chân của thế lực ngầm kia, đừng quên rằng bạn vẫn là một tay đua ngoài vòng pháp luật, bạn sẽ không được phép lên đồn kiện rằng mình đang bị truy đổi đâu, bạn sẽ phải trốn chạy luôn cả những con người của pháp luật. Để làm được điều đó, bạn sẽ phải tham gia vào 1 cuộc đua kéo dài xuyên suốt cả nước Mĩ. Nghe tới đây hẳn là bạn đã có một cảm giác khác về cốt truyện của The Run đúng không? Về cảm nhận cá nhân của mình thì mình đánh giá đây là cốt truyện trên trung bình :3, nó không quá mới mẻ nhưng vẫn đủ để mình cảm thấy bị lôi cuốn.

Hành trình đi hết nước Mĩ này sẽ dài lắm đây

Hệ thống gameplay đủ dùng

Đọc từ đoạn cốt truyện thì có lẽ gameplay của game theo hướng như Shift hay Hot Pursuit thì có lẽ bạn cũng đã rõ. Bên cạnh một số ít tính năng mới mình thấy cũng khá hay thì khá đáng tiếc rằng những điểm khiến mình thích thú từ Hot Pursuit không còn được duy trì nữa. Đầu tiên phải kế đến cơ chế lái của game nó làm mình thấy hơi khó nuốt, nó không được mượt như Hot Pursuit và cũng không dễ điều khiển như đa số các bản NFS mà chúng ta từng chơi mà nó cứ chầm chậm kiểu gì ấy, nói chung là trong game này thì mình rất ít khi muốn phải sử dụng tới kĩ thuật drift, không như trong các phần game khác (Trừ Shift series) nơi mà mình luôn mong chờ từng khúc cua dù là nhỏ nhất.

Rồi thì những món “đồ chơi” được lắp trên xe để đối phó với cảnh sát ở phần trước cũng biến mất, làm giảm độ kịch tính khi bạn phải đụng độ với những con người đại diện cho pháp luật. Do đã nói ở trên, bạn sẽ đua xuyên suốt nước Mĩ, nên một điểm hay trong game là bạn sẽ được đi qua rất nhiều khung cảnh, từ những thành phố hiện đại của nước Mĩ cho đến những dãy núi với tuyết trắng xoá bao phủ. Thế nhưng mình hơi tiếc vì những yếu tố môi trường gần như không tác động quá nhiều đến cảm giác lái của người chơi, chúng đóng vai trò làm nền nhiều hơn.

Bù lại thì game có một tính năng mới, đó là bạn sẽ không cần phải mua xe nữa mà sẽ chọn xe theo phân cảnh của trò chơi. Việc này có cái bất lợi là người chơi đôi khi sẽ không được tự do chọn chiếc xe mà mình mong muốn do nó không xuất hiện trong phân cảnh đó, nhưng cái hay của nó là cho người chơi nhiều trải nghiệm, điều mà đa phần chúng ta rất ít làm trước đây. Chúng ta biết rằng khi chơi một tựa game đua xe, thì việc mở khoá toàn bộ xe cộ và trang thiết bị là một cái phải làm, nhưng thường thì một khi bạn đã kiếm được một chiếc xe vừa ý thì bạn gần như sẽ xài nó cho đến hết game, nó quá yếu thì bạn sẽ tăng mã lực động cơ hoặc lắp cho nó một bộ NOS tốt hơn.

Cái mà mình không thích lắm về tính năng chọn xe này chính là các trạm xăng dừng chân, khi vào đấy thì bạn sẽ được chọn BẤT CỨ xe nào bạn muốn. Nghe có vẻ ok và bù đắp lại cho sự thiếu sót cho phần trên đúng không ? Nhưng mà mình thấy nó hơi bất logic, và nhiều khi cũng phiền nữa. Bạn cứ tưởng tượng đang đua với vận tốc tầm 300 km/h, đối thủ của bạn nếu chậm hơn cũng sẽ là 270 280, và thế là bạn vô trạm ngay trong lúc đang đua để thay xe :D? Nó cứ làm mình thấy khó chịu kiểu gì ấy :), mà sự thật là khi đã lết vô trạm xăng để đối xe, bạn sẽ phải đánh đổi vị trí của mình một chút nên với mình nó khá là phiền, sẽ hợp lí hơn nếu như trước mỗi cuộc đua (trừ những lúc theo phân cảnh) Jack Rourke ghé vào 1 trạm xăng để nghỉ chân đồng thời thay chiến mã của mình.

Một tính năng nhỏ nữa trong gameplay đó là sự xuất hiện của QTE (Quick Time Event) trong các phân cảnh hành động. Theo mình thì đây có thể là điểm trừ mà cũng có thể là điểm cộng, phụ thuộc vào quan điểm cá nhân. Với mình thì mình thấy nó khá hay, cảm giác trong những tình huống cận kề cái chết thì nó làm mình thấy kịch tính hơn việc chỉ ngồi xem nhân vật tự hành động.

Hệ thống xe cộ chất lượng nhưng….

Nói về xe cộ thì có lẽ cũng như bao phiên bản NFS khác, The Run đã làm khá tốt khi mang đến cho người chơi một số lượng không quá nhiều khiến người ta cảm thấy chán nản nhưng cũng không quá ít khiến người ta có cảm giác không có động lực cày. Game mang đến cho người chơi xấp xỉ 60 chiếc xe khác nhau với những cái tên đã cực kì quen thuộc với bất kì car enthusiast nào như Porsche, Lamborghini, Bugatti,… Thế nhưng nếu mà nói về chất lượng thì có lẽ không bằng với phiên bản trước, nơi mà mỗi thể loại xe đều có một cảm giác lái tương đối khác biệt. Đa phần những chiếc xe trong The Run sẽ chỉ khác nhau khả năng tăng tốc, top speed và tiếng động cơ là chính, vì thế thông thường mình chọn một chiếc xe vì mình thích mẫu mã và thông số của nó hơn là cảm giác lái chính chiếc xe đó. Ngoài ra thì cũng khá đáng tiếc như Hot Pursuit, The Run đã bỏ luôn cả hệ thống độ xe, điều mà fan NFS lúc nào cũng trông đợi kể từ thời NFS Most Wanted.

Chú bò giới hạn này không phải game đua xe nào cũng có đâu nha ^^

Đồ hoạ và âm thanh đủ dùng

Các bạn biết không, khi mà nghe tới việc game sẽ sử dụng engine Frostbite 2 thì mình thật sự đã khá hi vọng vào phần hình của game. Đơn giản là vì Engine này đã thể hiện quá tốt trên tựa game Battlefield 3, cấu hình vừa nhẹ mà chất lượng thì lại tầm next gen. Đáng tiếc thay, Frostbite 2 không được áp dụng vô The Run tốt như vậy. The Run đòi một cấu hình ngang cỡ với Battlefield 3, nhưng kể cả thế thì mình cũng khó mà nói nó “nhẹ” cho được khi mà texture của vật thể trừ những chiếc xe được làm trông khá sơ sài (nhất là phân đoạn ở sa mạc,nhìn thô lắm), rồi thì hiệu ứng ánh sáng, cháy nổ các thứ đều không có cái nào làm mình thấy ưng ý cả @@. Nên là nếu nói một cách nào đó thì phần hình của tựa game NFS ra mắt vào cuối năm 2011 thậm chí còn không tốt được như tựa game NFS ra mắt cuối năm 2010. Biểu cảm nhân vật thì phải nói là ối giồi ôi luôn :’), với mình thì có lẽ sẽ tốt hơn nếu The Run tạo ra một cốt truyện mà chúng ta không thể thấy được mặt nhân vật chính cũng như các nhân vật khác xD.

Vô game đua nếu bạn để ý kĩ 2 bên đường sẽ thấy phần cảnh vật được làm rất thô kệch

Bù lại cho phần đồ hoạ thì âm thanh cũng đỡ được phần nào. Những bản nhạc trong game không đậm chất đường phố như Hot Pursuit nhưng nó mang một không khí khẩn trương khá phù hợp với bối cảnh của game. Âm thanh động cơ cũng được làm khá tốt mang lại cảm giác phấn khích, nhất là khi bạn tích cho đủ bình Nitro rồi xả hết ra. Ngoài ra thì cũng không có gì đáng nói lắm, âm thanh của game nếu mà nói chung chung thì là ở mức trung bình – khá.

Kết luận:

Qua những điểm mình đã phân tích ở trên, có thể thấy rằng The Run là một tựa game không thật sự đáp ứng kì vọng của các fan đam mê tốc độ. Thế nhưng nó cũng có những điểm mới lạ (dù là rất ít) mà chúng ta nên thử qua một lần cho biết. Thế nhưng có lẽ với cách mà EA đã làm thì khả năng cao là game thủ sẽ thử đúng một lần mà thôi. Mong rằng trong tương lai EA sẽ cho ra nhiều phiên bản game chất lượng hơn!

Đánh giá: 7/10

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện