Trong series phim truyền hình nổi tiếng 30 Rock, diễn viên chính James Franco đã có một cảnh ôm gối có in hình nhân vật ảo một cách say đắm và khiến cho người mới tới có cảm giác “so weird” (kỳ quặc). Đây hình như là lần đầu tiên cảm giác yêu một thứ gì đó ảo ảo kiểu Nhật được lên màn hình của phương Tây nhưng chuyện này đã diễn ra ở Nhật Bản từ trước đó. Mình có đọc về Moe khi nghiên cứu một game có các nhân vật hao hao giống nhân vật trong manga nên muốn note lại một chút về những gì đã đọc để nhớ (và cuối cùng thì game đã fail, chắc có phần nhiều do mình). Hãy nhớ việc phân loại game ở phần 1 và chúng ta sẽ nói tới những gì đó làm xáo trộn/thay đổi thực tại trong phần sau bạn nhé.
Vậy Moe là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về Moe. Tuy vậy, mình có thể chốt lại đơn giản nôm na Moe là một loại tình cảm sâu đậm giữa người và các nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình hay game. Moe xuất phát ở Nhật Bản, đi từ giới otaku. Vậy otaku là gì? Ở layer dễ nhìn nhận nhất, otaku là những người đam mê, sống với truyện tranh, phim hoạt hình hay game. Ở layer sâu hơn, có thể nói otaku là những người (do không biết làm sao nên đã) giữ khoảng cách với những người khác mình trong xã hội trong khi sử dụng các công cụ văn hóa phổ thông để làm mềm sự tương tác và kết bạn với những người giống mình. Dễ hơn, tôi hơi thấy khó khăn khi giao tiếp với loài người nhưng sẽ dễ nói chuyện với những người thích manga giống tôi.
Tại sao lại có Moe?
Mọi thứ trên đời không tự nhiên mà có. Câu chuyện bắt đầu từ sau thế chiến thứ 2 (WWII) khi giá trị của đàn ông tại Nhật Bản được đo bằng mức độ hiệu quả trong công việc của họ. Kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản bắt đầu khi chỉ có một cách duy nhất để được coi là đàn ông: kiếm thật nhiều tiền và tiêu thật nhiều tiền. Trong những năm sau này, những quán ăn sang trọng, những khu trượt tuyết hoành tráng vẫn luôn luôn là tâm điểm của truyện tranh, của phim truyền hình tại Nhật Bản. Hãy nhớ lại Doraemon và gia cảnh của Nobita, của Chaien (Giant) so với Xê-ko (Suneo) mà coi. Thậm chí là ông bố của Nobita vs với ông bố của Xê-ko. Hãy nhớ xem có bao nhiêu tập Nobita mong ước được đi trượt tuyết, đi dã ngoại,…
Nước Nhật không chỉ có 100% những người (đàn ông) tuân thủ theo giá trị này. Kết cục là có một số người cảm thấy mình bị đá ra khỏi hệ thống và đành phải đi tìm một cách khác để dồn tình cảm của mình vào đó. Họ không có nhiều tiền (nếu có họ đã ở phía bên kia rồi) nên có lẽ chỉ có Manga/Anime là giải pháp hợp lý nhất về mặt kinh tế để đầu tư tình cảm. Vì vậy, ở một cách nói nào đó, Moe là một giải pháp rẻ, kinh tế cho tình yêu của một bộ phận đàn ông Nhật Bản gặp khó khăn trong cuộc sống thật.
Trong những phần trước, mình đã từng nêu câu hỏi về chuyện một anh đại gia trả 100M cho game liệu có sung sướng bằng mình bỏ 100M ra đi chơi khắp nơi hay không? Mình không biết vì mình chưa từng làm cả hai thứ trên. Tuy vậy, khi đọc về Moe có một điểm khá thú vị cần nói tới: không có quá nhiều sự khác biệt giữa celeb thật và các nhân vật hoạt hình trên góc độ của fans. Để ý coi nha :
- Celeb hay nhân vật hoạt hình thì cũng chỉ tồn tại ở trên các phương tiện đại chúng thường là với hình ảnh đẹp nhất của mình.
- Fans hầu như chẳng bao giờ gặp được Celeb mình yêu thích, chỉ có thể xem TV, đọc báo để cập nhật tin tức. Otaku cũng làm y chang như vậy với nhân vật ưa thích của mình.
- Khá nhiều “tình yêu” đầu đời là của fan dành cho celeb hoặc của fan dành cho các nhân vật trong anime/manga.
Nói cách khác, bạn cứ nói Moe là ảo. Fans của anh Tùng Núi cũng ảo y chang, suốt ngày coi Youtube với Facebook thôi chứ đâu có được gặp anh ấy bao giờ đâu (rất ít người gặp được thần tượng của mình ngoài đời). Nên đừng nói là Moe hay fans của celeb ngoài đời thật, ai ảo hơn ai đâu.
Chân dung của các nhân vật Moe
Đây là Akihime Sumomo. Cô ấy là một trong những nhân vật điển hình tạo ra cảm giác Moe nhiều nhất với các otaku Nhật Bản. Có một nét chung dễ thấy nhất của các nhân vật này là: trẻ, tròn, có vẻ yếu đuối (nhưng không thụ động. Akihime Sumomo thậm chí có nhiều năng lượng). Tại sao lại có nét chung như vậy thì có lẽ cũng dễ đoán. Những người cần tới Moe là những người nào? (đọc ở trên để biết). Họ cần những người yếu hơn họ để (họ có cảm giác ra tay) chở che.
Một trong những hình ảnh khác của các nhân vật tạo ra cảm giác Moe là Cat-girl & Maid. Mèo thì cute, girl cũng cute, vậy thì cat-girl là double cute. Maid (người hầu) thì đại diện cho việc toàn tâm toàn ý cho người khác ⇒ một trong những biểu tượng của tình yêu.
Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở hình tượng của các cô gái dễ thương mà các đồ vật dễ thương cũng có thể tạo ra cảm giác Moe. Đồ vật điển hình của người Nhật Bản tạo ra cảm giác này là tàu hỏa và cũng đã có các đồ vật dễ thương hình tàu hỏa được tạo ra trong manga, anime và game.
Những người đàn ông đó, họ có yếu đuối không?
Họ không giống những người bình thường, chắc chắn (ít nhất là trên bề mặt). Tuy vậy, yếu đuối hay không thì không biết. Theo phỏng vấn của các nhà nghiên cứu với những người thuộc giới này, họ phân biệt rõ ràng tình yêu 2D và tình yêu 3D. Họ chỉ đơn giản khó có khả năng có thể duy trì được mối quan hệ với một cô gái vì lý do kinh tế hoặc các lý do khác (địa lý, ví dụ vậy). Hoặc giả, họ cần một thế giới khác ngoài thế giới vật chất.
Vậy, thị trường này có lớn không? Cá nhân mình nghĩ không nhỏ. Trên thực tế, vào thập niên 1970-1980, manga/anime đã sản xuất khá nhiều từ đơn đặt hàng của các nhà tài trợ, đặc biệt là các công ty sản xuất đồ chơi. Điển hình, công ty sản xuất đồ chơi nổi tiếng nhất Nhật Bản là Bandai đứng thứ tư trong thị phần sản xuất đồ chơi thế giới (sau Mattel, Hasbro và The Lego Group) đã từng làm game và tài trợ khá nhiều cho manga/anime để đẩy mạnh branding cho đồ chơi của mình. Cho tới nay, Gundam vẫn đang là một IP nổi tiếng trên mọi phương diện từ đồ chơi, manga, anime tới game.
Chốt thôi
Dài quá rồi, hem viết nữa. Mấu chốt có lẽ là mọi thứ sinh ra trên đời đều có lý do của nó, tình yêu “ảo” cũng vậy. Nhưng coi lại kỹ, tình yêu ảo thực ra lại cũng không ảo hơn tình yêu thật là bao nhiêu (ví dụ fans chả gặp được celeb bao giờ). Trên một phương diện nào đó, chơi game Ngôi sao Thời trang và chơi búp bê không phải là không có điểm chung. Vì vậy, lại nhắc lại chuyện cần biết động cơ của gamer là gì, họ suy nghĩ gì để mà làm marketing game cho tốt. Thế nhưng, cũng nhắc lại mình đã làm fail mất một title game có liên quan tới Moe.
Theo anh Long Lắc Lư
bài viết rất hay, mong bạn có thêm những bài cảm nhận như thế này 🙂
Cảm ơn bạn, mình đăng lại theo anh Long Lắc Lư