Immersive Simulation và sự tìm hiểu của một con người khờ khạo

Chủ xị

  

Có thể bạn đã nghe về những tựa game như Prey 2017, System Shock hay những series game như Dishonored, Deus Ex và Thief thì chắc hẳn các bạn có thể biết đến hoặc không cụm từ Immersive Sim (viết tắt cho Immersive Simulation). Nếu chưa biết, hãy đi mua 1 cốc trà sữa hoặc 1 lon nước ngọt (hoặc 1 lon beer nếu như bạn thích sự say xỉn, tui thì không), ngồi xuống đây và thư giãn đọc bài viết của tui.

Định nghĩa

Immersive Sim là một thể loại video game, nhấn mạnh vào sự lựa chọn của người chơi. Thuật ngữ “Immersive Sim” cũng có thể được sử dụng để mô tả triết lý thiết kế game đằng sau thể loại game Immersive Sim hoặc lai tạp với thế loại Immersive Sim, sử dụng các hệ thống tương tác, phản ứng và nhất quán để làm nổi bật lên lối chơi và suy nghĩ của người chơi.

Đặc trưng gameplay của những tựa game Immersive Sim là sử dụng các hệ thống mô phỏng có thể đáp ứng nhiều hành động của người chơi, kết hợp với các khả năng ý tưởng của người chơi tương đối rộng, khiến cho những tựa game Immersive Sim hỗ trợ các giải pháp đa dạng và sáng tạo cho các vấn đề cũng như lối chơi nổi bật đã được nhà phát triển thiết kế rõ ràng.

Nếu để miêu tả gameplay ra thì sẽ đơn giản là người chơi sẽ được cho công cụ và khả năng ở trong một nơi có môi trường mở, để có thể thử nghiệm người chơi trong môi trường đấy sẽ ra sao. Trong những game Immersive Sim, họ có thể tự do hoàn thành các nhiệm vụ được giao bằng bất cứ cách nào họ muốn, miễn là trong tầm khả năng những tựa game làm được. Và quan trọng hơn là, Simulation ở đây không chỉ là một cái tên, nó ở đây là để nói về mức độ mô phỏng trò chơi, từ tác động vật lý môi trường đều có thể tác động đến NPC cũng như người chơi và cách người chơi phản ứng với các tình huống với các NPC theo những cách khác nhau cũng dẫn đến cách phản ứng từ NPCs cũng khác nhau.

Phần tutorial của game Prey (2017): PLAY YOUR WAY

Mọi game Immersive Sim đều có tính ứng biến rất cao, cùng với đó là họ tránh sử dụng những tình huống trong game ở trường hợp đặc biệt một lần, mà sử dụng kịch bản có đa tình huống hoàn toàn có thể xảy ra. Điều gì đã xảy trong game thì đó là quá khứ, quan trọng hiện tại người chơi xử lý những tình huống bất ngờ như thế nào, sẽ quyết định hệ quả trong tương lai. Mọi thứ về gameplay của những tựa game Immersive Sim đều nhấn mạnh vào sự trải nghiệm của người chơi ở trong game.

Lịch sử

Lịch sử có thể là môn nhàm chán nhất ở trường học, nhưng ở Quán Bia Hiệp Sĩ này thì lịch sử game sẽ có thể khiến bạn thấy hứng thú hơn đấy. Mọi cái cần đều 1 sự khởi đầu, và Immersive Sim không có tự nhiên mà sinh ra cả.

Warren Spector, người có thể coi là cha đẻ của thể loại Immersive Sim, đã nảy ra ý tưởng này ở game Ultima VI: The False Prophet, một game có góc nhìn từ trên xuống như game The Legend of Zelda hay Pokemon mấy phiên bản cũ vậy… sự thô sơ về Immersive Sim mới chỉ bắt đầu hình thành mà thôi. Cho đến khi Warren Spector cho ra đời Ultima Underworld: The Stygian Abyss (1992) ra đời, nó mới tạo nên khái niệm Immersive Sim cho những game sau này. Năm 1994, Spector và cùng với những con người ở Looking Glass Studio, tạo nên một cult classic game (tui nghĩ rằng có thể gọi được như vậy), mang tên là System Shock, một tựa game phải nói là cái chất Immersive Sim được trau chuốt tốt hơn Ultima Underworld: The Stygian Abyss, câu chuyện cũng có phần hay hơn, nhưng tệ hại là game không thể bán được nhiều. Nhưng họ vẫn còn nhiều game Immersive Sim khác như Thief: The Dark Project tạo nên tiền đề cho series nổi tiếng này.

Năm 1999, Looking Glass Studio với Irrational Games đã cũng nhau hợp tác để ra mắt System Shock 2, cũng tạo nên sự tuyệt vời mà phần 1 đã làm được, đồ họa đã cải tiến, câu chuyện tốt hơn rất nhiều, và cách chơi cũng đã dễ dàng hơn so với phần đầu tiên. Với nhứng điều tốt nhứ vậy đáng ra nó phải bán chạy, nhưng không, vẫn là doanh số lẹt đẹt.

Năm 2000, Looking Glass tung ra phần thứ 2 của series Thief là Thief II: The Metal Age trước khi đóng cửa. Đa phần nhân viên Looking Glass đều sang làm Ion Storm, nơi Warren Spector và Harvey Smith tạo nên một series huyền thoại khác là Deus Ex (2000). Đây là một trong những game Immersive Sim thành công rực rỡ tính đến thời điểm đó, một trong những series game Immersive Sim vẫn còn sự tồn tại đến ngày nay. Có đà thanh công là tốt, Ion Storm tiến tới tiếp tục làm những game Immersive Sim của 2 thương hiệu Deus Ex và Thief: Deus Ex: Invisible War và Thief: Deadly Shadow. Hai tựa game đó không hề tồi, nhưng lại không thể nào thu hút được khách hàng mua nó. Vậy là Ion Storm thất bại về doanh số và phá sản vào năm 2005.

Còn series Deus Ex sau khi phá sản, về tay Square Enix. Deus Ex: Human Revolution được ra mắt và vô cùng bán chạy, và cũng được đánh giá rất cao bởi giới phê bình cũng như người chơi. Deus Ex: Mankind Divided thì lại thất bại về doanh số và cũng có vẻ nó khá là dậm chân tại chỗ so với phần trước.

Agent 47 – gã sát thủ trọc lóc nổi tiếng

Kể từ đấy, Immersive Sim khá là vắng mặt trong thế giới game, trừ một series game vô cùng nổi tiếng, không có một chút sự giúp đỡ hay học hỏi gì từ những tựa game của Looking Glass Studio hay Ion Storm. Đó chính là series Hitman, bắt đầu với tựa game Hitman: Codename 47 (2000) và đến nay đã là phiên bản thứ 7 của series nổi tiếng này là Hitman 2, sẽ được WB phát hành sắp tới đây. IO Interactive là 1 hãng phát triển game Đan Mạch, họ không có một chút nào sự ảnh hưởng từ Looking Glass Studio mà tự tạo nên một series Immersive Sim của riêng họ. Cũng cách chơi sáng tạo, nhưng lại cố gắng nhấn mạnh vào yếu tố stealth, cùng với 1 nhân vật vô cùng iconic có thể thấy ở góc nhìn thứ 3, họ tạo nên thành công vô cùng bất ngờ. Mỗi Level của game đều được họ chăm chút vô cùng tỉ mỉ, từ NPC cũng vô cùng tốt khiến ta có thể cảm nhận được ta trở thành sát thủ trong tựa game đó.

2 tựa game Immersive Sim gần đây của Arkane Studios:
Prey (2017) và Dishonored 2 (2016)


2012, Arkane Studios và Bethesda mang đến cho thế giới game với một cái tên vô cùng mới lạ, Dishonored (tên thân thuộc trong tiếng Việt là… Nhục). Một thế giới steampunk cùng với thể loại Immersive Sim, còn gì tuyệt với hơn chứ. 2016, phần tiếp theo của Dishonored ra mắt là Dishonored 2. Dù được đón nhận khá tốt, nhưng lại không còn sức hút như phần đầu của game. Arkane Studios vẫn tiếp tục mang còn thứ tuyệt vời, đó là Prey (2017), được giới thiệu là sẽ mang linh hồn của game System Shock 2, một trong nhưng game Immersive Sim hay nhất ở thời điểm cuối những năm 90.

Lịch sử của Immersive Sim đầy biến động, dù trải qua tận hơn 20 năm phát triến, nhưng những game thuộc thể loại Immersive Sim chưa bao giờ giữ cho mình một khoảng lặng thời gian tốt ngoại trừ series Hitman. Chẳng thể trách ai được, chỉ là may mắn không ở bên những con người làm nên thể loại này.

Đôi lời của một con người khờ khạo tìm hiểu về Immersive Sim

Thành phố Rapture mới mà nơi để mà tui dần biết đến Immersive Sim

Thực tế mà nói, game mà khiến tui biết đến Immersive Sim, lại một game có lai immersive sim với Shooter, có thể nhiều người sẽ biết tựa game này. Đó là BioShock, yep, một tựa game vô cùng nổi tiếng với câu chuyện của nó ở thành phố Rapture dưới đáy biển. Một tựa game tuyệt hay, nhưng lại không phải một Immersive Sim game hoàn hảo.

Prey gây ấn tượng mạnh về game Immersive Sim đối với tui


Một game Immersive Sim gần đây gây ấn tượng rất mạnh đối với tui, Prey (2017). Tui ấn tượng không chỉ vì nó hay về gameplay, cốt chuyện, đồ họa hay âm nhạc, mà nó mang tính gợi nhớ chúng ta lịch sử của những tựa game như vậy trong Prey này, từ những tựa game Immersive Sim của Looking Glass Studio cho đến những tựa game của các hãng khác nữa. (mà có vẻ công nghệ Looking Glass ở trong Prey như là một lời tưởng nhớ tới Looking Glass Studio thì phải…).

Hi vọng System Shock cũng sẽ được remake ngon lành.

Về những tựa game Immersive Sims cũ như 2 phần System Shock hay 2 phần đầu Deus Ex, chúng cực kì khó làm quen, do các bind nút của các game cũ rất là dị, gần như phải tự bind lại nút, và giao diện của cũng không trực quan cho lắm. Nên dù muốn, nhưng tui vẫn không thể hoàn thành nổi những tựa game đấy. Vậy nên tui rất muốn những tựa game đấy được remake, nhất là System Shock tới đây. Tui biết chúng hay, nhưng rất khó để làm quen với những game Immersive sim từ tận hơn 20 năm trước. Nếu không có remake, có lẽ sẽ có 1 lúc nào đấy tui đụng đến chúng, chỉ là không phải bây giờ.

Và một số người gọi những game thuộc thể loại Immersive Sim là dead game (tui còn không hiểu sao lại nói vậy), nhưng nhìn đi nhìn lại tui không nghĩ nó dead. Nó thậm chí còn phát triển hơn hẳn trước đây, chưa kể còn gây ảnh hưởng tới nhiều thể loại khác, như những thể loại game stealth là một ví dụ điển hình về sự ảnh hưởng bởi dáng dấp triết lý thiết kế game Immersive Sim. Những game thuần Immersive Sim kén người chơi, kén những studio làm về game kiểu này, doanh thu bị thua kém so với những game AAA khác, nhưng độ ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới game hiện tại cùng với cộng đồng người chơi nó vẫn còn đó, thì tui nghĩ rằng chúng rất khó để thể loại Immersive Sim có thể chết.

Lời kết

Immersive Sim, một thể loại, một triết lí thiết kế game, một ý tưởng đây táo bạo, mạng tới cho chúng ta những tựa game vô cùng đặc biệt. Mỗi tựa game, series game đều khá riêng biệt về chủ đề, nhưng cách chơi đưa chúng về một cùng 1 thể loại. Đôi khi, tui tự hỏi rằng:  liệu chúng ta chơi những game không thuộc thể loại khác nhiều hơn là những game thuộc thể loại Immersive Sim là vì muốn cái điều gì đó phi thực tế hơn chăng? Vì chính bản thân chúng ta cũng đang ở trong một “trò chơi” Immersive Sim mang tên “Cuộc Sống” rồi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện