Trên toàn Đế Chế, có lẽ không ai chưa từng nghe đến “Inquisition” – từ lũ dân đen dưới đáy xã hội cho tới những quan chức quyền lực nhất. Là lực lượng cảnh sát mật khét tiếng, Inquisition giống như phiên bản Đông Xưởng trong thiên niên kỷ thứ 41 – trừ việc không có ai đóng vai Ngụy Trung Hiền, còn lại thì đều không khác nhau là bao: từ tai tiếng, quyền uy cho đến độ tàn nhẫn. Nhưng câu chuyện về Inquisition không chỉ xoay quanh sự tàn nhẫn đến mức cực đoan hay quyền hành “dưới một người, trên muôn người”, mà còn phức tạp và thâm sâu hơn thế, từ cái thời mà Hoàng Đế vẫn còn bước đi giữa bề tôi của Ngài.
DI SẢN CỦA QUAN NHIẾP CHÍNH
Không có gì lạ khi nguồn gốc của cơ quan quyền lực bậc nhất Đế Chế bị bao phủ trong màn sương bí ẩn, đến nỗi ngay cả các thành viên Inquisitor cũng chỉ lờ mờ biết được đôi phần; thậm chí những gì họ biết còn chẳng nhất quán. Tuy nhiên có một chi tiết nhận được sự đồng tình rộng rãi, rằng Inquisition được Malcador Người Mang Ấn – Quan Nhiếp Chính của Đế Chế thành lập theo chỉ thị từ chính Hoàng Đế, vào những thời khắc cuối cùng của cuộc nội chiến Horus Dị Giáo.
Theo những gì được lưu truyền lại, ngay sau khi tin tức Warmaster Horus dấy binh làm phản tại Istvaan III được báo về Địa Cầu, Malcador – nhân vật quyền lực số 2 Đế Chế chỉ sau Hoàng Đế, đã được Ngài giao nhiệm vụ tập hợp những cá nhân sở hữu lòng trung thành, can đảm và sự kiên định không gì lay chuyển. Ban đầu, có mười hai người được Malcador chọn ra, gồm 8 Space Marines và 4 người phàm là viên chức trong chính quyền Đế Chế. Tất cả họ được đưa tới diện kiến trước Hoàng Đế, và với sự chấp thuận của Ngài, họ sẽ là những nền móng đầu tiên của Chapter Grey Knights và tổ chức Inquisition sau này.
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Không như nhiều ban ngành khác trong Đế Chế, Inquisition khôngphân chia thứ bậc theo quyền hạn giữa các Inquisitor. Thay vào đó, tổ chức này được phân thành các phân khu gọi là Ordo, tập hợp những cá nhân có chung chí hướng và mục tiêu. Tại thời điểm thiên niên kỷ thứ 41, Inquisition có 3 phân khu chính gọi là Ordos Majoris (Xenos, Malleus, và Hereticus) và số lượng không rõ các phân khu nhỏ Ordos Minoris.
Khi mới thành lập, Inquisition là một tổ chức thống nhất với nhiệm vụ hàng đầu là chống lại bè lũ Hỗn Mang (Chaos). Theo thời gian, sứ mệnh này được chuyển giao cho Ordo Malleus, hay còn được biết đến với cái tên “Thợ Săn Daemon” hay “Phân Khu Búa Tạ”. Dốc toàn lực đánh bại kẻ thù từ cõi phi vật chất, và canh giữ linh hồn của nhân loại khỏi chúng – đó chính là miêu tả ngắn gọn nhất về phân khu này. Vì tính chất hung bạo và thiên biến vạn hóa của lũ sinh vật Warp, các thành viên của Ordo Malleus không chỉ là những chiến binh dạn dày trận mạc, mà còn sở hữu kiến thức uyên thâm về Hỗn Mang. Tiếp sức cho họ là những chiến binh Grey Knights, luôn sẵn sàng hỗ trợ Ordo Malleus trong cuộc chiến trường kỳ với những kẻ thù ở bên kia bức màn thực tại.
Nhưng kẻ thù của loài người đâu chỉ có lũ sinh vật Warp dị hợm, mà còn cả những giống loài ngoài hành tinh luôn nhăm nhe lãnh thổ Đế Chế. Ordo Xenos được lập nên chính là để đương đầu với mối đe dọa này. Các thành viên của Ordo Xenos thường dành nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ du hành khắp nơi, học hỏi mọi thứ có thể về những chủng loài khác; phần lớn trong số họ thông thạo ngôn ngữ nhiều chủng tộc, với những mối quan hệ và nguồn cấp tin ngoài Đế Chế. Nghe qua thì có vẻ không cục súc như mấy vị bên Malleus, nhưng thực ra không nhánh nào trong Inquisition đẫm máu hơn Ordo Xenos. Tương tự Malleus, Ordo Xenos cũng có lực lượng vũ trang riêng là Deathwatch; nhưng khác với Chapter 666, thành viên của Deathwatch được tuyển mộ từ các Chapter xuất sắc nhất và đều là những chiến binh lão luyện.
Mỗi Ordo trong Majoris được thành lập để đương đầu với từng mối đe dọa riêng biệt: với Malleus là “kẻ thù bên kia thực tại”, Xenos là “kẻ thù từ bên ngoài”, và cuối cùng là Hereticus – “kẻ thù từ bên trong”. Ở thời đại nào cũng thế, luôn tồn tại những con cừu đen đi ngược lại lợi ích của số đông vì những mưu đồ riêng của chúng, và phân khu này có nhiệm vụ thanh trừng những kẻ đó: lũ phản bội, phù thuỷ, đám đột biến, những tên Psyker điên loạn và lũ dị giáo. Nhưng không chỉ dân đen, phân khu này còn giám sát cả nhiều ban bộ khác trong Đế Chế: Ecclesiarchy, Adeptus Arbites, Adeptus Astartes, Adepta Sororitas và thậm chí cả các đồng nghiệp Inquisitor. Sisters of Battle được chỉ định là lực lượng răn đe của Ordo Hereticus; dù không mạnh mẽ bằng các Astartes, nhưng sự thiện chiến lẫn lòng trung thành của những nữ chiến binh này chắc chắn là không có gì phải bàn cãi.
Ngoài ba ông lớn kể trên, thì hội Inquisition còn tồn tại một số lượng không rõ các Ordo khác nhỏ và ít trọng yếu hơn, như Ordo Astartes (chuyên giám sát lực lượng Astartes), Ordo Scriptus (giám sát các bản ghi chép lịch sử Đế Chế), Ordo Sepulturum (nghiên cứu và tìm cách kiềm chế, diệt trừ và chữa trị những loại bệnh dịch hoành hành ở Đế Chế),… Tuy nhiên “danh tiếng” của Inquisition chủ yếu đều bắt nguồn từ bộ ba Majoris, chứ gần như chẳng mấy ai biết đến mấy phân khu này.
Có rất nhiều tính từ thích hợp để miêu tả Inquisition, nhưng “đoàn kết” chắc chắn không nằm trong số đó. Hiếm khi xảy ra xích mích giữa các phân khu vì địa bàn hoạt động của từng Ordo đã được vạch rõ, nhưng điều tương tự không áp dụng cho chính nội bộ mỗi Ordo. Bất đồng chủ yếu xoay quanh phương thức dùng để đối phó với kẻ thù của họ: một số Inquisitor tin rằng “dĩ độc trị độc” là cách duy nhất hiệu quả; số khác thì cho rằng đó là hành động ươm mầm cho dị giáo vì những mục đích đáng ngờ.
Những tư tưởng đối lập kể trên chia rẽ Inquisition thành hai trường phái gọi là “Radical” và “Puritan”. Những Inquisitor bảo thủ thuộc phái Puritan chủ trương tuân thủ nghiêm ngặt học thuyết của Inquisition; trong khi với những đồng nghiệp thực dụng hơn ở phái Radical, chỉ có kết quả cuối cùng mới là quan trọng nhất, bất kể phương pháp sử dụng là gì – kể cả dùng chính sức mạnh của kẻ địch để chống lại chúng. Bản thân mỗi trường phái lại tồn tại nhiều nhánh theo đuổi những triết lý riêng, khiến tổ chức Inquisition lại càng bị phân hóa hơn. Nhưng bất chấp những bất đồng kể trên, tất cả Inquisitor đều hành động vì cùng một mục tiêu: đảm bảo sự sinh tồn của nhân loại và tiêu diệt những kẻ đe dọa điều đó.
“LÒNG KIÊN NHẪN CỦA TA LÀ CÓ HẠN, CÒN THẨM QUYỀN CỦA TA THÌ KHÔNG ĐÂU”
Câu nói trên của Inquisitor Eisenhorn không chỉ ngầu mà còn là sự thật trần trụi – đặc biệt là vế sau. Vì bản chất nhiệm vụ của Inquisition, cơ quan này không phải giải trình trước bất cứ ai ngoài Hoàng Đế và chính họ. Trừ Đức Vua của Nhân Loại, không một ai nằm ngoài ánh mắt tra xét của Inquisition, bất kể nhân vật đó nắm quyền cao chức trọng đến đâu. Nếu cần thiết, các Inquisitor thậm chí còn có thể huy động nhân lực và vật lực từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào trong Đế Chế cho nhiệm vụ của mình; ngay cả High Lord of Terra cũng khó có thể khước từ yêu cầu từ Inquisitor nếu không có lý do RẤT RẤT thuyết phục. Và chỉ với một câu nói của Inquisitor, toàn bộ một Chapter hay hành tinh có thể bị kết án tử và xóa sổ – nhân tiện, họ không ngại lặp lại điều đó đâu.
Với tất cả những “danh tiếng” lưu truyền khắp nơi, không có gì lạ khi cái tên Inquisition luôn đi kèm với sự sợ hãi. Nỗi sợ đó gần như trở thành một kiểu truyền thuyết đô thị, đại loại như “hãy một lòng phụng sự Hoàng Đế, bằng không Inquisitor sẽ tìm tới đấy”, với kết cục duy nhất là cái chết. Nhưng khác với Ông Kẹ, Inquisitor rất thật, và quyền lực lẫn hình phạt dành cho những kẻ bị kết tội cũng thế. Còn gì kinh hoàng hơn khi những câu chuyện rùng rợn mà người ta truyền tai nhau bỗng một ngày đứng trước mặt mình, nhận ra rằng sự thực còn vượt xa những gì được đồn đại: nguyên cả một hành tinh bị thanh trừng, hàng tỷ sinh mạng bị xóa sổ – vô tội hay có tội đều như nhau. Và cứ như thế, hình ảnh về Inquisitor như là những sứ giả của cái chết và trừng phạt ngày một truyền xa, nỗi sợ dành cho họ cứ thế mà tăng lên. Sợ hãi sẽ khiến người ta biết điều, và riêng ở khoản này thì Inquisition là bậc thầy.
Khét tiếng là vậy, song các Inquisitor không vấy máu đôi tay của mình cho vui. Trong một thiên hà đầy thù địch, bất cứ mối đe dọa nào với nhân loại đều phải bị trấn áp và ngăn chặn bằng mọi giá, và chỉ có Inquisition mới sở hữu hiểu biết lẫn thẩm quyền đủ lớn để thi hành sứ mệnh đó. Thứ trông như một cuộc nổi dậy từ quan điểm của Thống đốc hành tinh hay viên chỉ huy quân đội Đế Chế, thì với các Inquisitor chính là dấu hiệu ban đầu của dị giáo. Lý tưởng nhất tất nhiên vẫn là diệt trừ tận gốc mối họa trước khi nó bén rễ quá sâu và lan quá rộng, nhưng đa phần vụ việc bị phát giác khi quy mô đã trở nên quá lớn, và chỉ có thể kết thúc bằng một cuộc tắm máu bởi Astra Militarum hoặc Exterminatus. Cái giá phải trả để diệt trừ một tên tội nhân có khi sẽ là vô số sinh linh vô tội khác, nhưng nó là cái giá chấp nhận được nếu mối họa tiềm tàng bị dập tắt triệt để.
Sẽ có người cho rằng với những đặc quyền nắm trong tay, được đứng trong hàng ngũ của Inquisition là một công việc đáng mơ ước. Vấn đề là họ chỉ thấy được phần nổi của tảng băng chìm, và cái phầm chìm kia mới là ý nghĩa thật sự của việc là một Inquisitor. Quyền lực là thế, khét tiếng là vậy, nhưng sau cùng thì họ vẫn chỉ là con người. Dù có được trang bị với những bộ giáp chắc chắn và công nghệ tân tiến, thì các Inquisitor vẫn có thể đổ máu, mất mạng hoặc thậm chí là tha hóa – như bao kẻ từng bị chính họ kết tội.
Làm một Inquisitor nghĩa là phải dấn thân vào những nơi nguy hiểm, “tứ bề thọ địch” mà hiếm khi được những Grey Knights, Deathwatch hay Sisters of Battle hộ tống. Họ phải tiếp xúc với đủ mọi loại người “thượng vàng hạ cám”, vận dụng mọi kỹ năng thương thuyết lẫn đe dọa sao cho vừa khôn khéo nhưng cũng phải đủ thị uy, để moi ra được thông tin mà họ cần trong khi vẫn giữ được tính mạng. Hơn nữa, việc tiếp xúc với những mầm mống tha hóa hoặc dị giáo cũng có thể khiến những Inquisitor sa ngã, biến họ thành những con rối cho kẻ mà họ đáng lý phải chống lại. Chẳng hiếm những trường hợp Inquisitor hóa điên, hay bị chính những đồng nghiệp kết án dị giáo vì “lầm đường lạc lối” vào một lúc nào đó. Rủi ro luôn song hành cùng những Inquisitor trong mỗi nhiệm vụ của họ: thành công chưa chắc đã giữ được mạng, nhưng thất bại thường đi kèm với cái chết. Mọi Inquisitor đều hiểu rõ điều này, nhưng họ vẫn sẽ sẵn sàng cống hiến tất thảy cho công cuộc phụng sự Hoàng Đế.
Nghi ngờ uy quyền của một Inquisitor là điều cực kỳ ngu xuẩn, song không có nghĩa họ có thể tùy ý lạm quyền. Đúng là một Inquisitor có thể tiễn hàng tỷ sinh linh về với cát bụi chỉ với một mệnh lệnh; nhưng nếu không thể bào chữa quyết định của mình trước các đồng nghiệp khác, thì tước quyền hạn, bị tuyên “Excommunicate Traitoris” hoặc án tử sẽ là một số kết cục dành cho người đó. Đã có không ít những Inquisitor chịu số phận này, đủ để gửi tới một thông điệp rõ ràng: quyền hạn Hoàng Đế ban cho không phải thứ sử dụng bừa bãi.
Vào một thời đại khác, những người đàn ông và phụ nữ của Inquisition có lẽ không khác gì những con quái vật vô nhân tính mà họ chống lại. Nhưng đây là Đế Chế Loài Người tại thiên niên kỷ thứ 41, một nơi mà lòng trắc ẩn hay giá trị đạo đức chỉ còn là những thứ di vật xa xỉ, lạc lõng giữa một thiên hà đầy thù địch và hiểm họa – từ cả bên ngoài lẫn bên trong nhân loại. Mỗi Inquisitor đều hiểu rõ sức nặng trong sứ mệnh của mình, lẫn hậu quả nếu họ thất bại. Hàng tỷ tỷ sinh mạng, đôi khi thậm chí là sự tồn vong của cả nhân loại phụ thuộc vào quyết định của những Inquisitor, và họ hiểu rõ hơn ai hết: chỉ với hành động kiên quyết cùng niềm tin kiên định mới giúp loài người sống sót – không có hy sinh nào là quá lớn lao; không sự phản nghịch nào là quá vặt vãnh.