Gundam – Robot trẻ con hay Hobby cho mọi lứa tuổi? (P.1)

Khách mới

  

Đề tài về Robot trong các tác phẩm giải trí có thể nói là vô vàn. Từ những dòng phim bom tấn như Transformer, Pacfic Rim đến các thương hiệu game nổi tiếng như Titanfall, Metal Gear Solid. Giấc mơ điều khiển những cỗ máy khổng lồ và chinh phục những giới hạn mới luôn là mong muốn của nhiều thế hệ. Một trong những dòng Robot nổi tiếng nhất thế giới hiện nay chính là series Gundam đến từ Nhật Bản. Trong series bài viết lần này mình sẽ giới thiệu đến các bạn về Gundam và những thứ liên quan.

Khởi đầu của series

Một điều mà nhiều bạn trẻ ngày nay ngộ nhận về Gundam đó là khi nhắc đến series này thì nhiều người nghĩ ngay đến hãng Bandai. Tuy nhiên thương hiệu Gundam ngay từ đầu là một series anime của hãng Sunrise. Phần anime đầu tiên với tên gọi Mobile Suit Gundam được ra mắt vào năm 1979 do đạo diễn Yoshiyuki Tomino đảm nhiệm. Tuy nhiên Mobile Suit Gundam không thật sự thành công tại thời điểm đó. Nói đúng hơn là những vấn đề của tựa anime này đưa ra đi trước thời đại nên không hợp thị hiếu khán giả. Mobile Suit Gundam từng đối mặt với nguy cơ chết yểu khi bị dọa ngừng phát sóng giữa chừng. Sau khi series này kết thúc thì tưởng như Gundam sẽ chìm vào quên lãng. Nhưng theo đúng mô típ của các bộ phim anh hùng, khi nhân vật chính bị đánh bầm dập tưởng là ngỏm đến nơi thì sẽ có cứu tinh xuất hiện. Cứu tinh ở đây chính là Bandai.

Anime Mobile Suit Gundam

Bandai đã mua lại bản quyền sản xuất đồ chơi về Gundam và tung ra hai mẫu Gunpla (Gundam Plastic Model) đầu tiên dựa trên Gundam RX-78-2 của nhân vật chính Amuro. Đây thật sự là một ý tưởng táo bạo của Bandai khi Gunpla khác xa những thứ đồ chơi ăn theo phim khác. Chúng đòi hỏi người mua phải cắt, lắp ráp, dùng keo dính và sơn phết. Ý tưởng độc đáo này ngay lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Gundam biến thành một cơn sốt. Series anime Mobile Suit Gundam được chiếu lại và thu hút số lượng lớn fan. Có thể nói rằng chính Gunpla đã cứu sống Gundam và thế là từ đó bắt đầu mối quan hệ keo sơn giữa Bandai và Sunrise trải dài suốt 40 năm cho tới hôm nay.

Hai mẫu Gunpla đầu tiên dựa theo Gundam RX-78-2

Sự thành công của Mobile Suit Gundam đã mở đầu cho cả một series lớn cũng như định nghĩa về thể loại Real Robot trong ngành công nghiệp anime Nhật Bản. Hình ảnh Gundam RX-78-2 đã trở thành biểu tượng và xuất hiện khắp mọi nơi từ các sản phẩm mô hình, đồ chơi đến thời trang, xe cộ, v.v… Các fan Gundam thường gọi vui đây là “Cụ Tổ”. Sau 40 năm ra đời thì sắp tới đây, Gundam RX-78-2 sẽ có thêm một cột mốc đáng nhớ với dự án mô hình Gundam kích thước 1/1 (cao 18m) có thể bước đi. Dự án này đang trong giai đoạn hoàn tất tại Gundam Factory ở Yokohama và dự kiến ra mắt công chúng trong năm nay. Ngoài ra thì ba phần phim của Mobile Suit Gundam đang được kênh Youtube chính thức của series này công chiếu. Các bạn có thể vào xem tại link sau: https://www.youtube.com/user/GundamInfo/videos

Mô hình Gundam RX-78-2 kích thước 1/1 tại Gundam Base

Sự phát triển của UC

Sau Mobile Suit Gundam, hãng Sunrise tiếp tục cho ra mắt hai phần anime hậu truyện là Mobile Suit Zeta Gundam và Mobile Suit ZZ Gundam. Cả hai phần này đều nối tiếp trong timeline UC của bộ anime đầu tiên. Nhân nói một chút về timeline của các dòng Gundam. Trong hơn một thập kỉ đầu tiên, các anime của Gundam đều nằm trong timeline UC. Đây là từ viết tắt của Universal Century, có nghĩa là kỉ nguyên vũ trụ. Lưu ý là sau này bộ anime Gundam Unicorn cũng hay được viết tắt là UC, các bạn tránh nhầm lẫn giữa hai cái này nhá. Thời kì này được đánh dấu từ lúc con người xây dựng thành công Colony (một trạm không gian khổng lồ để con người sinh sống) đầu tiên trong vũ trụ. Tiếp sau UC sẽ có nhiều timeline khác của các dòng Gundam, mình sẽ giới thiệu sau.

Kamille Bidan, nhân vật chính của Mobile Suite Zeta Gundam

Cho đến tận bây giờ, Mobile Suit Gundam, Mobile Suit Zeta Gundam và Mobile Suit ZZ Gundam vẫn được xem là ba tác phẩm kinh điển của series này. Những nhân vật chính như Amuro, Kamille, Judau, Char,… trở thành đại diện cho cả một thời kì chiến loạn trong UC. Các nhà sản xuất đã rất khéo léo lồng vào Gundam nhiều đề tài khác nhau để thu hút khán giả. Từ ước mơ điều khiển những con Robot khổng lồ đến việc chinh phục vũ trụ, những trận chiến với các loại vũ khí viễn tưởng như súng beam và beam saber (y chang thanh light saber của Star Wars luôn á). Bên cạnh đó là đề tài về các cuộc chiến đến từ nạn phân biệt chủng tộc, khoảng cách giàu nghèo, tranh chấp lãnh thổ, v.v… Nhờ việc hội tụ rất nhiều yếu tố thời sự mà Gundam đã trở thành một tượng đài lớn của ngành anime Nhật Bản.

Đỉnh cao nhất của UC có thể nói là bộ movie Char’s Counterattack ra đời năm 1988. Đây là cái kết lại cho suốt 10 năm đối đầu giữa hai kẻ thù truyền kiếp là Amuro và Char. Bộ phim khép lại với việc lính của hai bên cùng hi sinh tính mạng để đẩy lùi khối thiên thạch Axis không lao vào Trái Đất. Sự kiện Char’s Counterattack mang tính biểu tượng rất lớn trong suốt những tác phẩm sau này của UC. Rất nhiều câu chuyện, rất nhiều thế hệ của UC sau này đều bị ảnh hưởng bởi sự kiện đó. Đứng trước thảm họa, nhân loại sẽ đồng lòng nhưng sau đó thì cuộc chiến vẫn tiếp tục cho tới nhiều năm nữa.

Trận quyết đấu cuối cùng của Char và Amuro trong Char’s Counterattack

Gundam, người khai sinh ra Real Robot

Mobile Suit Gundam ra đời đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong thể loại mecha anime của Nhật Bản. Nếu các bạn có biết đến series game Super Robot Wars thì hẳn sẽ biết về hai khái niệm là Real Robot và Super Robot. Đây là hai dạng Robot khác nhau thường hay xuất hiện trong các anime và game Nhật. Vậy hai cái này khác nhau như thế nào?

Super Robot là thể loại đầu tiên được khai sinh trong lịch sử mecha. Điều dễ nhận thấy nhất là kích thước của Super Robot thường rất lớn, từ vài chục mét đến vài kilomet. Nó thường là độc bản, được một thế lực khủng bố ảo diệu nào đó (rất nhiều trường hợp là từ thế giới khác, nền văn minh khác hay là từ ngoài hành tinh) chế tạo ra. Super Robot thường không tuân theo các quy luật vật lý như nhiên liệu vô tận, đạn dược vô hạn, hô biến ra các loại vũ khí,… Một đặc điểm rất dễ thấy nữa của Super Robot là nó đề cao những đòn chiến đấu kiểu tuyệt chiêu và có khả năng phá hủy từ một thành phố đến cả một hành tinh. Trước khi Gundam ra đời thì dòng Super Robot khá phổ biến trên màn ảnh với những series nổi tiếng đến tận bây giờ như Getter Robo, Mazinger,…

Getter Robo, một dòng Super Robot rất nổi tiếng

So với Super Robot thì Real Robot là những phiên bản thực tế hơn. Các thể loại Real Robot thường được các tổ chức, doanh nghiệp hoặc quân đội nghiên cứu và chế tạo ví dụ như Liên Minh hoặc Zeon trong Gundam. Những loại Robot này tuân theo các quy luật tự nhiên nhiều hơn như là cần phải tiếp nhiên liệu, nạp đạn, vũ khí phải mang theo bên mình. Các mẫu Real Robot như Gundam cũng thường sử dụng những vũ khí thực tế giống với quân đội như là súng nhắm, bazooka, tên lửa, v.v… Real Robot không có sức phá hủy khủng bố như Super Robot. Vì vậy các trận chiến của Real Robot sẽ mang tính chiến thuật và tính toán nhiều hơn chứ không đơn giản là la hét tuyệt chiêu rồi bay vào giết boss. Sau Mobile Suit Gundam thì rất nhiều tác phẩm khác đã bước theo hướng đi này như Macross, Full Metal Panic, Patlabor, Code Geass…

Code Geass, đại diện tiêu biểu của thể loại Real Robot

Hiện tại thì ngoài hai thể loại ở trên, còn có một dạng khác là Hybrid. Đây là những dòng mecha vừa mang đặc điểm của Real Robot nhưng lại có sức hủy diệt của Super Robot. Ví dụ như series Cross Ange hoặc là Evangelion.

Cross Ange, sự kết hợp của Mecha và âm nhạc

Trên đây là đôi lời giới thiệu về thời kì đầu của series Gundam. Trong bài viết lần sau mình sẽ đề cập đến lịch sử của UC thời kì hậu Char’s Counterattack cũng như là các timeline khác của Gundam. Mọi người nhớ theo dõi nhé.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện