Tôi đã phải viết đi viết lại đoạn mở đầu bài viết này rất nhiều lần, chỉ để chọn đúng từ ngữ nhất miêu tả tựa game Disco Elysium. Nó là một trong những tựa game thuộc thể loại RPG độc nhất mà tôi từng chơi do sự sáng tạo trong gameplay, nâng cấp nhân vật và cả câu chuyện, thông điệp mà game muốn truyền tải. Thoáng qua nghe tên, bạn có thể nghĩ tới mấy cái sàn nhảy Disco những năm 70, nhưng sự thực thì Disco Elysium khoác lên mình một một câu chuyện trinh thám với chất hài đen để rồi nhận lại một cái nhìn sâu hơn về con người trong một vùng đất hỗn loạn.
Gameplay: những giọng thì thầm trong nội tâm nhân vật
Ấn tượng nhất đối với tôi về Disco Elysium là cách game nâng cấp nhân vật của mình rất gần với việc phân tích con người. Bạn sẽ có 4 thuộc tính là: Intellect (Sự thông minh), Psyche (Sự nhạy cảm trong cảm xúc), Physique (Sự mạnh mẽ về thể chất) và Motorics (Sự khéo léo nhanh nhẹn). Bốn thuộc tính này cao thấp ra sao tùy thuộc vào kiểu nhân vật bạn muốn chơi, có thể là một gã thông minh nhưng yếu ớt về thể chất, có thể là một gã dễ xúc động nhưng đầu óc thì thì không sáng suốt lắm, hay một gã khéo léo nhanh nhẹn, nhưng cạn kiệt cảm xúc, vân vân và mây mây…
Cái hay của Disco Elysium là từ 4 thuộc tính trên phát triển ra thành 24 skills để phục vụ cho việc bạn trò truyện với các NPC. Disco Elysium là game RPG duy nhất đến nay dám bỏ đi yếu tố combat để tạo nên và nhấn mạnh yếu tố storytelling và talking của RPG để dẫn dắt game. Thay vì phí hoài hàng giờ vào thứ combat vô vị, hãy tập trung vào yếu tố nhập vai thực sự, tập trung vào các quyết định của bạn, tập trung vào yếu tố bạn muốn trở thành người như thế nào thông qua việc phát triển 24 skills đó.
24 skills không chỉ là những con số nâng cấp cho cuộc nói chuyện của bạn, chúng còn là 24 khía cạnh tâm lý sống trong bản thân nhân vật của bạn. Chúng giúp đỡ bạn, khuyên nhủ bạn, tranh luận với bạn, cố gắng nhồi nhét bạn vào trong những suy nghĩ mà những khía cạnh tâm lý đó cho là đúng. Bạn càng nâng cấp chúng lên cao, chúng dần trở thành một phần tính cách của bạn. Điều này sẽ khiến bạn phải cẩn thận trong việc sử dụng các kĩ năng này vì đôi khi nó có thể đi ngược với những gì mà bạn mong muốn.
Giọng nói của những skill trên rất phong phú, Encyclopedia sẽ lúc nào cũng háo hức để nói cho bạn những hiểu biết của nó về thế giới ở Revachol, từ lịch sử đến hiểu biết dằng sau mỗi con người. Logic là sự lạnh lẽo trong logic trí tuệ, không phải lúc nào cũng là người bạn của nhân vật. Trong khi đó Empathy lại dùng một giọng khuyên bảo nhẹ nhàng để bạn lúc nào cũng sẽ cảm thông với người khác dù là tốt hay xấu, bạn hay thù. Đó là số ít các giọng nói tôi có thể nhớ tới được, trong khi game còn vô vàn giọng nói khác nữa.
Nội tâm của nhân vật lúc này có thể trở nên phong phú hết cỡ khi những màn đấu khẩu xảy ra. Đó là lúc bạn có khả năng bị thuyết phục bởi những khía cạnh tâm lý trước đây bạn không để ý. Chúng có thể bộc phát mạnh mẽ để chiếm lấy tâm can bạn, thuyết phục bạn đi theo lối suy nghĩ của chúng. Nên nhớ rằng, không phải khía cạnh tâm lý nào cũng là bạn của người chơi. Chúng làm theo những điều mà chúng cho là đúng, và nhiều lúc bạn phải biết từ chối những khía cạnh tâm lý đó để hướng tới những điều mà bạn cho là đúng. Điều này dẫn đến một cơ chế gameplay khác gọi là Thought Cabinet.
Thought Cabinet sẽ xuất hiện khi bạn bắt đầu tương tác với NPC, môi trường nhất định, có thể bạn sẽ học được những suy nghĩ nào đó về thế giới quan của NPC, hoặc tranh luận với 1 trong 24 khía cạnh tâm lý trên để xem bạn có nên có suy nghĩ theo cách khía cạnh tâm lý đó đã đề ra hay không. Những suy nghĩ trong trong Thought Cabinet khi cài vào người chơi thì cần thời gian để học hỏi và trong thời gian này có thể có ảnh hưởng tốt xấu lên chỉ số hiện tại của bạn, hay thậm chí là cả việc kiếm tiền và XP.
Sau khi hoàn thành quá trình học hỏi, các chỉ số trong quá trình học hỏi của của bạn sẽ biến mất và các suy nghĩ này mới mở ra các điểm cộng cho chỉ số nhân vật của bạn. Nó có thể ảnh hưởng ít nhiều đến chỉ số nhân vật đó và quan trọng nhất đến cách bạn tiếp cận với các NPC theo lối suy nghĩ trong Thought Cabinet. Dev gọi chúng là “tùy biến linh hồn”, vì vậy hãy lựa chọn các suy nghĩ học được trong Thought Cabinet một cách thận trọng, bạn không muốn phí hoài một điểm skill để xóa chúng vĩnh viễn ra khỏi não bộ đâu.
Đồ họa và Story: Hỗ trợ nhau để tạo một thế giới trắng đen lẫn lộn
Trước khi bước vào story, tôi muốn hết lời khen ngợi đến đồ họa của game. Thay vì cố gắng trông thật nhất có thể như Divinity: Original Sin 2, Disco Elysium lại chọn phong cách đồ họa trông như thể những bức tranh sơn dầu, chưa kể đến việc lựa chọn màu hầu hết là tông màu lạnh, đặc biệt là trắng, xám, xanh và vàng nhạt. Những màu sắc Revachol trở nên rất um ám, mang đầy rẫy sự tàn phá của chiến tranh và bị giày xéo bởi các tư tưởng chính trị lẫn lộn. Chưa kể đến nó kết hợp một chút gì đó từ phong cách steampunk, một chút thời đại Disco những năm 70 và thoáng qua kiến trúc của Pháp ở thế kỉ trước, trông rất kì dị, điều mà bạn có thể đã bắt gặp thoáng qua series game Dishonored (sẽ rất biết ơn nếu ai có thể chỉ ra giúp tôi thế giới của Disco Elysium theo phong cách gì).
Một điểm thú vị nữa là tựa game có Dynamic Shadow, nếu bạn sử dụng đèn pin ở một nơi tối, đèn sẽ di chuyển theo con trỏ chuột, và lúc này bóng tối của các đồ vật và nhân vật xuất hiện, khiến cho cảm giác nhập tâm vào trong game cao hơn rất nhiều. Tôi sẽ cực kì khuyên bạn bật Dynamic Shadow lên để ngắm được vẻ đẹp ẩn trong bóng tối của Disco Elysium.
Như tôi đã đề cập ở trên, phong cách mĩ thuật của Disco Elysium rất độc đáo, mang nhiều tông màu lạnh để bày tỏ một thế giới đấy hỗn loạn. Nhưng cái vẻ hỗn loạn của Revachol chỉ là khoác lên mình câu chuyện trinh thám, phong cách Noir để giấu đi sự thật về những con người mắc kẹt lại trong quá khứ, mắc kẹt với những lỗi lầm của họ và không thể thoát ra được.
Từng nhân vật bạn gặp đều có vấn đề riêng của họ, bạn càng khám phá, bạn càng thấy những con người của game đều lẩn quẩn quanh những tư tưởng chính trị của riêng họ. Họ còn không dám yếu ớt chống cự lại lỗi lầm đó, mà họ cứ để nó xảy ra đối với họ. Có thể bạn sẽ là kẻ tiếp tay cho những điều đó, hoặc tự thân các nhân vật đó đã lún quá sâu vào lỗi lầm mà không cứu chữa được. Thế giới của Disco Elysium là sự bất lực của con người trước mọi lỗi lầm, là sự mắc kẹt lại quá khứ, để nỗi đau gặm nhấm tinh thần và thể xác con người.
Tôi sẽ tiết lộ một side quest ở ngày thứ 2 trong game, bạn sẽ gặp một người phụ nữ thuộc tầng lớp công nhân đang đọc sách. Khi bạn nói chuyện với người phụ nữ đó về việc chồng bà bị mất tích. Bà từ chối tin vào điều đó, và nói rằng ông chồng có vấn đề với rượu bia nhưng chưa bao giờ mất tích cả. Đến ngày thứ 3, bạn tìm thấy 1 xác người đàn ông, nồng nặc mùi rượu bia và có vẻ nguyên nhân cái chết là do ông ta bị ngã. Nếu bạn tiếp tục theo side quest đó, bạn sẽ khám phá ra ông ta chính là người chồng của người phụ nữ đó. Giờ bạn sẽ nhận thấy rằng người phụ nữ chỉ đang giấu đi sự lo lắng của bà cho chồng mình, giấu đi những đau khổ mà bà ấy không dám thừa nhận.
Hay một side quest khác liên quan đến cặp vợ chồng nghiên cứu siêu linh. Người vợ thì đã mất dần đi niềm tin siêu linh trong khi người chồng vẫn mãi kiếm tìm. Người vợ đó chỉ còn cho rằng siêu linh là thứ viển vông duy nhất gắn kết tình cảm với người chồng. Bà ấy không còn thấy vẻ đẹp giữa tình cảm thuần khiết giữa vợ và chồng là sự thật đối mặt nhau.
Và cuối cùng là một câu chuyện trong nội tâm nhân vật của người chơi, một tay thám tử mất trí nhớ và nợ nần. Mở đầu là những câu thoại của Não bò sát cổ đại (Ancient Reptilian Brain), một khái niệm sinh học của não bộ con người, được lập trình với mục đích tồn tại. Chúng chào đón bạn vào hư không, vào sự trống rỗng để mong muốn bạn tồn tại. Nhưng rồi Hệ thống Limbic (Limbic System), một khái niệm sinh học khác của não bộ con người, với hỗ trợ về khía cạnh cảm xúc và trí nhớ, sớm nhảy vào cuộc trò truyện, miêu tả sự đau đớn của nhân vật khi cố nhớ lại điều gì đó, về các mặt thể chất lẫn tinh thần.
Các kí ức của nhân vật chính này là thứ mà người chơi chỉ mơ hồ biết và tiếp xúc thoáng qua một cách gián tiếp. Càng khám phá Revachol qua phong cách chơi phá án bao nhiêu, bạn càng nhận rõ ra thế giới này phản ánh rõ nhân vật của người chơi bấy nhiêu, đang trải qua nỗi đau nào, quá khứ gì mà khiến ở đầu game nhân vật này phải trải qua một cuộc chơi bời nát rượu đến nỗi mất hết cả trí nhớ đến như vậy.
Điều mà tôi thích ở Disco Elysium là side quest và main quest không bao giờ có một sự phân chia rõ ràng, chúng trộn lẫn vào nhau. Chúng được liệt kê theo ngày tháng, theo kiểu dạng danh sách việc bạn có thể làm. Ngay cả khi bạn không có cách nào để hoàn thành công việc đó, nó vẫn mãi ở trong cái list đấy. Chúng làm vậy để bạn mặc kệ chúng, bạn ngứa ngáy nhưng bạn không thể quan tâm đến chúng được nữa. Cả tựa game này, từ cách thiết kế gameplay cho đến story, là một ẩn ý to lớn về việc bạn nên bắt đầu bỏ đi những sai lầm bạn mắc phải, bắt đầu tìm một vẻ đẹp cuộc sống thực sự, đối tốt với bạn, thành thật với bạn, thay vì cứ đâm đầu vào nỗi đau này tới nỗi đau khác. Trong thế giới đổ nát của Disco Elysium, ý nghĩa cuộc sống được quyết định bởi mỗi cá nhân.
Tất nhiên Disco Elysium không hoàn hảo, nhưng tất cả những điều tốt trên che lấp mất các điểm yếu đó. Dù tôi có thể thừa nhận rằng, kết thúc của Disco Elysium sẽ không thỏa mãn nhiều người chơi. Ngay bản thân tôi khi xong game cũng vậy, không cảm thấy thỏa mãn với kết thúc của Disco Elysium một chút. Nhưng sau khi nhìn lại cả hành trình xuất sắc qua nhiều góc độ, tôi nghĩ rằng đôi khi kết như vậy là phù hợp với chủ đề mà Disco Elysium hướng tới. Disco Elysium muốn nói về việc hãy chấm dứt nỗi dằn vặt của bản thân, chôn vùi mình trong đau khổ quá khứ, tìm cho mình một ý nghĩa mới của cuộc sống, một vẻ đẹp để mong muốn đạt được, bởi đó chính là cách con người đặt chân tới Elysium – Thiên Đường của bản thân. Nếu bạn chưa chơi Disco Elysium, còn chần chừ gì nữa, bí ẩn của tựa game này vẫn đang đợi chờ bạn khám phá.
Side quest, main quest không quan trọng, quan trọng là nó đều diễn ra như một câu chuyện thực sự giúp tăng trải nghiệm phiêu lưu của người chơi hơn