Detroit: Become Human: thế giới và sự tự do

Khách quen

  

Trải qua một sự phát triển dài, game đã tạo cho mình một lịch sử với hàng tá các thể loại khác nhau, từ khoa học viễn tưởng đến huyền bí kỳ ảo… và mỗi tựa game đều có một câu truyện, các nhân vật, một bối cảnh riêng biệt tạo cho nó một điểm nhấn để người chơi có thể nhớ về, và hơn hết là tạo nên một thế giới chứa đựng những điều trên. Thế nào là một thế giới “ấn tượng”? Theo mình một thế giới thật sự tốt là một mà chính nó tự kể nên câu chuyện của chính nó, các chi tiết trong đó phải tạo được sự mạch lạc, tính liên kết tạo nên một cấu trúc thế giới hoàn chỉnh.

Mặt tối của của thế giới địa đàng

Detroit: Become Human Wiki Guide - IGN

Thế giới trong Detroit: Become Human lấy bối cảnh tương lai gần năm 2038 ở thành phố Detroit với sắc xanh trắng chủ đạo, một tương lại giả tương nơi mà công nghệ phát triển vượt bật. Android mang hình hài con người len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, từ cảnh sát cho tới giúp việc, kể cả phục vụ cho nhu cầu tình dục. Điều làm mình ấn tượng là thế giới của Detroit đã xây dựng hoàn hảo nỗi sợ của con người khi Android xâm nhập vào đời sống đó là nạn thất nghiệp. Ngay phân cảnh đầu game khi Markus đi mua đồ, chúng ta đã thấy được những người ăn xin nằm bên lề đường với các tấm bản tẩy chay Android hoặc khi chúng ta tới gần tiệm hotdog bên lề đường thì chủ quán đã đuổi những con Android đi vì nghĩ sẽ làm khách hàng sợ. Không những thế, các cuộc biểu tình, các chính trị gia phản đối Android cũng tràn lan trên đường và bản tin thời sự.

Một thế giới mà ai cũng có thể mua một Android, một thế giới mà Android thay thế con người làm gần như tất cả, một thế giới mà buồn cười thay con người lại sợ thứ mà mình tạo ra. 3 nhân vật chính trong game đều là Android, theo chân họ trong cuộc hành trình tìm kiếm khát vọng được tự do, khát vọng được sống như một con người, người chơi như chúng ta sẽ được chứng kiến các góc khuất, mặt tối của thế giới địa đàng tưởng như tươi đẹp.

Chủ đề chính để kể nên một thế giới ấn tượng như vậy chính là nô lệ và phân biệt đối xử, chỉ việc đơn giản là đi xe bus mà Android cũng không được đi chung với con người mà phải đi một xe dành riêng cho Android. Và chi tiết này làm mình nhớ đến Rosa Park. Ngày 1-12-1955, cô thợ may da đen 42 tuổi Rosa Parks, không cam tâm cúi đầu phục tùng những quy định phi lý. Bà đã từ chối nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng trên một chuyến xe buýt ở Montgomery. Hành động dũng cảm của cô Parks đã châm ngòi cho chiến dịch người da đen tẩy chay hệ thống xe buýt ở Montgomery suốt 381 ngày. Chiến dịch này do M. Luther King phát động. Kết quả là Tòa án Tối cao Mỹ phải ra phán quyết buộc Montgomery xóa bỏ tệ nạn phân biệt chủng tộc trên hệ thống xe buýt và chấm dứt đạo luật “Jim Crow” phân biệt người da trắng và người da đen ở những nơi công cộng vốn được áp dụng trên toàn miền Nam.

Cũng như vậy, từ những con robot gần như chỉ biết nghe răm rắp theo lệnh của con người, chúng đã dần nhận ra được giá trị thật sự của bản thân, rằng chúng có quyền được làm người, được hưởng những đặc quyền như con người, và có quyền được đối xử như một con người. Con người chúng ta tạo nên những Android với suy nghĩ và thông minh của con người để phục vụ cho nhu cầu của họ nhưng lại không dành cho chúng sự quan tâm và trân trọng, thay vào đó chỉ xem chúng là một món đồ không hơn không kém và khi hết tác dụng thì vứt đi.

Cảm xúc là chìa khóa của tự do

Review: Quantic Dream's 'Detroit: Become Human' | Mashable

Trong game, Quantic Dream đã khéo léo chia làm các tuyến nhân vật đan xen nhau. Mỗi một Android lại mang một cốt truyện, mục tiêu và lý tưởng của riêng mình. Connor một người máy điều tra các vụ án liên quan đến các Android cùng với sự đồng hành của trung úy Hank Anderson, Kara là một Android giúp việc, Markus là người máy quản gia cho hoạ sĩ già giàu có tên là Carl, cuộc hành trình của cả ba được đan xen với nhau mỗi người đều có được sự giúp đỡ hay khó khăn trên hành trình của mình để có thể đạt được cái gọi là tự do của người.

Kara là người mình cảm thấy “cảm xúc” nhất trong cả 3 nhân vật, cô ban đầu chỉ là một Android giúp việc nghe lời răm rắp những gì chỉ bảo, không như Markus hay Connor, cô chỉ đơn giản là một Android nhỏ bé và không có gì đặc biệt. Nhưng ngày qua ngày cô phải chứng kiến cô bé Alice bị cha mình bạo hành, trái tim của Kara dần được đánh thức và lúc đó một người máy như cô nhận ra được một thứ tình cảm của con người xuất hiện trong cơ thể mình – đó là tình thương, lòng che chở bảo vệ như của một người mẹ với đứa con gái của mình. Khi ấy trong trái tim máy móc ấy hình thành một mục đích là bảo vệ Alice, cô kéo tay cô bé bỏ chạy khỏi nhà, trải qua hành trình dài để đến Canada. Những cảm xúc mà Kara bộc lộ ra xuyên suốt game ngày càng rõ ràng và chân thật hơn, cô cảm hóa nhiều người, nhận được sự giúp đỡ từ họ. Theo mình hành trình của Kara không lớn lao và cao cả như 2 người còn lại nhưng nó lại thấm đẫm cảm xúc nhất.

Connor là một điều tra viên về những vụ án liên quan đến Android, vì vậy anh luôn làm việc theo logic cho đến khi anh trở thành cộng sự của trung úy Hank Anderson – một người nghiện rượu và mất con trai trong một vụ tai nạn. Ban đầu Anderson đơn giản là không ưa gì Connor vì anh là một Android. Dần dần trong hành trình làm việc với Anderson, anh nhận ra rằng con trai ông mất vì khi ấy các Android đã phẫu thuật cho con ông ấy và không thành công. Trải qua các cuộc điều tra Connor đã học hỏi được nhiều điều từ vị trung úy già như khi Connor đã tha cho 2 Android, còn Anderson cũng đã dần chấp nhận và buông bỏ quá khứ, khoảng cách người và máy dần bị xóa nhòa. Và hơn hết là ông đã dần xem Connor như một người con trai. Trải qua hành trình dài cùng với sự giúp đỡ của trung úy Anderson, từ đó Connor dần nhận ra tâm lý, bản chất của Android, tìm ra được ý nghĩa thật sự của việc bản thân tồn tại.

Markus, theo mình, chính là nhân vật có vai trò và ảnh hưởng lớn nhất đến kết cục của trò chơi. Ban đầu anh chỉ là một quản gia cho Carl, một họa sĩ giàu có, anh trải qua một cuộc sống bình yên với Carl, ông chỉ anh nhiều điều, cuộc sống của anh bị đảo lộn và hành trình bắt đầu khi con trai của Carl là Leo về nhà để moi tiền của ông già mình, khiến ông lên cơn đau tim và đổ tội cho Markus đã giết ông. Khi Markus hình thành được cảm xúc và gục xuống bên cạnh Carl và gọi ông một tiếng “Dad!!” điều đó khiến mình thật sự khóc. Trong cuộc hành trình tìm kiếm tự do và bình đẳng cho con người, những điều mà Carl dạy cho anh đã tác động rất nhiều đến Markus.

Một tựa game tình người

Detroit: Becom Human là một tựa game cực nặng về mặt cốt truyện, mỗi nhân vật đều một câu chuyện riêng nhưng nói chung lại sẽ luôn cho chúng ta một bài học gì đó. Ở Kara đó là đơn giản là tình cảm mẹ con thiêng liêng, ở Connor là tình cảm cha con và hiểu được bản chất của mình, ở Markus đó sự đấu tranh cho tự do và bình đẳng.

Tựa game lại đem đến trải nghiệm người dùng vô cùng tốt, làm tựa game khá kén người chơi và có phần điện ảnh hoá. Vì vậy, đừng ngại thử sức với Detroit Become Human nhé.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện