Rocketcat Games là một trong những studio game indie mà tui thích nhất, do họ sản xuất tuy khá ít game, và đa số cho mobile, nhưng game nào cũng có cái cảm giác riêng của nó, và rất là chất lượng. Một trong số những trò mà tui đã chơi của studio này, và cũng là trò mà tui bị ấn tượng nhất, là Mage Gauntlet.
Mage Gauntlet kể câu chuyện của một thế giới pháp thuật nơi đâu đâu cũng có sự hiện diện của phép thuật, già trẻ lớn bé ai cũng có khả năng dùng phép thuật. Trong thế giới đó, tồn tại một huyền thoại kể về tên quỷ Hurgoth, đã từng xuất hiện trên vùng đất này, kẻ có dã tâm thôn tính cả hành tinh. May thay, một vị pháp sư vô cùng lỗi lạc với cái tên là Whitebeard đã phong ấn hắn lại trên một tòa tháp. Ông được cả dân gian tung hô là một huyền thoại. Ở một nơi khác, một bé gái tên là Lexi được sinh ra với một chứng bệnh dị thường, cô không thể sử dụng bất cứ loại bùa chú nào, chạm vào bất cứ vật gì có gốc gác ma thuật. Người ta không biết danh tính của bố mẹ Lexi, vì khi sinh ra cô đã phải sống với dì của mình. Lexi đã cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ của rất nhiều pháp sư có tiếng để chữa căn bệnh kì lạ ấy, nhưng không ai hiểu được tình trạng của cô ấy cả. Vì thế, Lexi bị xã hội hắt hủi, người ta cho cô là một kẻ dị dạng, và xa lánh cô. Một ngày định mệnh, Lexi nhận được một lá thư nặc danh, bảo rằng có một vị pháp sư có khả năng chữa được căn bệnh này của cô. Thật trùng hợp, đó lại là Whitebeard. Và như thế, cô gái khăn gói lên đường tìm vị phù thủy. Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ đây.
Tui có thể tóm gọn cốt truyện như thế. Giờ chuyển sang gameplay… Gameplay của Mage Gauntlet thuộc dạng RPG, nhưng nhân vật (Lexi) có thể di chuyển tùy ý, và có thể vung vũ khí, đánh quái, mở rương, phá cửa, v.v… Nhưng điểm khó của game là quý vị phải thu thập phép để sử dụng. Một lần chỉ được giữ 4 phép. Phép có 3 loại chính, một loại buff, một loại xài ngay, và một loại summon. Buff, như tên gọi, tăng sức mạnh nhân vật. Có thể là cho phép nhân vật phóng cầu lửa từ vũ khí, hoặc có thể là tăng khả năng chí mạng, hoặc có thể là làm chậm mọi kẻ địch trong tầm ảnh hưởng. Dùng ngay là loại phép cơ bản, ấn chọn, ấn chọn vị trí dùng, và bùm, xong. Dĩ nhiên là quý vị có thể chí mạng phép, và một khi đã chí mạng phép rồi thì nó sẽ hơi thốn đấy. Summon thì có ba dạng, triệu hồi cầu lửa nhỏ, cầu lửa lớn, và bóng tối. Cầu lửa nhỏ là một con pet nhỏ xíu tồn tại khoảng 20 giây và lâu lâu bắn một quả cầu lửa nhỏ hơn nữa, gây sát thương khá cao. Cầu lửa lớn là… Mà thôi spell này hay lắm, tui nghĩ tui spoil nhiêu đó thôi.
Bản đồ của game không phải là thế giới mở, quý vị chỉ mở khóa một địa điểm, thường có 3 hoặc 4 vòng, hoàn thành bấy nhiêu vòng đó thì địa điểm khác sẽ mở ra, đơn giản vậy thôi. Bản đồ bao gồm ba mục nhỏ, mà tui nghĩ cũng được phân chia theo độ khó. Mấy địa điểm đầu tiên thì rất đơn giản, nhắm mắt đánh cũng thắng, nhưng tới mục thứ ba thì quý vị sẽ không còn tâm lý nhắm 3* nữa mà chỉ cầu trời khấn phật tay cầm chuỗi hạt tay lướt màn hình mà mong sao cho thảm họa chóng qua. Dark Souls của điện thoại đấy! Achievement hunter không nên động vào, chơi đến đời thứ hai cũng chưa xong đâu. Còn phần điều khiển, ừm… nó tệ. Rất rất là tệ. Mới vào thì không sao, nhưng càng về sau quý vị sẽ không hiểu tại sao có 3 kiểu điều khiển mà kiểu nào cũng khó như kiểu nào. Nó dở tệ! Ít nhất thì Pro Swipe cũng hoạt động trơn tru. Tui đã cay cú thua bao nhiêu lần chỉ vì màn hình không ăn…
Đồ họa: pixel art thuần túy. Mage Gauntlet sở hữu đồ họa có thể hơi nhức mắt với một số người, song với tui thì đồ họa pixel art của Mage Gauntlet là một trong những kiểu pixel art tuyệt vời nhất. Nói thiệt là tui hơi bị ngạc nhiên vì mặt của nhân vật lại trông đẹp tới như vậy kể cả khi số điểm ảnh còn ít hơn tiền trong túi tui nữa. (F**k u Steam Sales)
Tổng kết
– Cốt truyện: 9/10
– Gameplay: 7/10
– Đồ họa: 8/10
Có lẽ Mage Gauntlet không phù hợp khẩu vị nhiều người, nhưng tui thực sự nghĩ là nó rất đáng thử. Cũng lâu lắm tui mới thấy một game được trau chuốt kĩ càng với cốt truyện thú vị như vậy. Dù chủ đề fantasy world đã được khai thác nhiều, song đây là lần đầu mà tui thấy một câu chuyện như thế này.
P.S. Đừng quá tin tưởng Whitebeard.
Bài được viết bởi bạn Tuấn Minh. Vô cùng cảm ơn bạn đã dành thời gian viết bài.
Homie this is my shit