Crack games là những game bản quyền, sau khi được bẻ khóa, có hoặc không bị mod linh tinh, phát hành tràn lan trên Internet.
Pirates là thuật ngữ chỉ những kẻ tiêu thụ crack games một cách cố ý, dù biết điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến doanh thu của nhà phát hành.
Ở đây chúng ta sẽ chỉ xem xét vấn đề dưới cái nhìn của Pirates và suy nghĩ của Nhà phát hành (NPH). Tạm bỏ qua những lợi ích và tác hại vì nó đã được đề cập trong một bài viết khác.
Vấn đề này có mới không? Hoàn toàn không. Pirates đã xuất hiện từ năm 2001, thời thống trị của máy PS2, với những đĩa game lậu được sao chép và bán lẻ ở các quán băng đĩa lậu đầu ngõ với giá chỉ 1/4 đến 1/3. Internet bùng nổ tạo cơ hội để Crack Games phát triển, khi tất cả thông tin đều có thể lấy trên Internet. Kỉ nguyên của Pirates bắt đầu.
Và có một điều chúng ta phải thống nhất với nhau ngay từ đầu rằng: Chơi Game lậu là ĂN CẮP!
Không một ai sẽ hỏi rằng: “Nếu tôi không có tiền, tôi có thể ăn cắp chiếc đồng hồ này không? Tôi thực sự muốn nó.”
Không một ai sẽ hỏi rằng: “Nếu tôi không có tiền, tôi có thể ăn ở nhà hàng này mà không phải trả tiền được không?”
Không một ai sẽ hỏi rằng: “Nếu tôi không có tiền, tôi có thể lẻn vào rạp chiếu phim và xem phim miễn phí không?”
Không, bởi vì nó là sai.
Nhưng khi bạn hỏi rằng: “Tôi có thể ăn cắp games được không?” Và một người phát hành game lậu (Dev Cracker) sẽ nói, “Thoải mái đi! Bởi vì trước đây tôi cũng làm vậy.”
Tôi sẽ không bảo vệ hay biện minh cho những ai có hành vi chơi Crack games. Nhưng hẳn là ai cũng có một lí do éo le gì đó. Nếu bạn đã trót chơi, đừng lo lắng, có một vài ngoại lệ mà các bạn nên đọc ở cuối bài viết.
Một vài người chơi tâm huyết, và cả vài thằng đạo đức giả nói: “Chúng tôi là hardcore players, chúng tôi muốn game của các ông phải được miễn phí, để tất cả mọi người yêu game như tôi đủ điều kiện để chơi chúng.”
Những người tuyên bố như vậy nên biết rằng những người tạo ra game cho họ làm những công việc như đạo diễn, kĩ sư, họa sĩ, lập trình viên,… Họ kiếm miếng ăn chứ không phải làm từ thiện. Họ khởi động một project về game là vì đam mê, nhiệt huyết, nhưng hoàn thành nó để có được lợi nhuận, để những ngày xây dựng project không bị uổng phí.
Và Dev Crackers đã làm những gì?
Họ chỉ phá khóa bản quyền, nghe có vẻ dễ, và nó dễ thật, Call Of Duty: WW2 bị crack vào chính cái ngày nó ra mắt!
Và thay vì mua game ủng hộ NPH thì gamers lại đổ xô đi tải game lậu, lợi nhuận sẽ dành cho ai? Cho Dev Crackers, bằng cách nào? Thông qua quảng cáo, một khoản lời rất bèo bọt, xứng đáng với những gì phải làm để bẻ khóa, nhưng không thấm tháp vào đâu so với công sức để tạo ra trò chơi đó.
“Tôi chỉ tải game offline và chơi single player thôi mà, một vài game tôi tải không ảnh hưởng tới doanh thu đâu.”
Để tôi kể cho bạn một câu chuyện tôi lụm được trên Quora, về một ngành công nghiệp game đã bị tàn phá, và hủy diệt bởi Pirates.
“Những năm 90 của thế kỉ 20, Trung Quốc có một thị trường game rất lành mạnh không khác gì Bắc Mỹ, Nhật Bản hay Châu Âu. Họ có thể không phát triển như Nhật Bản hay Mỹ, nhưng các nhà phát triển game đã tạo những trò chơi tuyệt vời, và với thị phần độc quyền hơn 1 tỷ dân, có lẽ không ai lo lắng về doanh thu. Có một vài trò chơi khá được ưa chuộng tên 仙剑 奇侠 传 “The Legend of Sword and Fairy”. Thời đó, mọi người đều tin rằng thị trường game Trung Quốc rồi sẽ giống như Nhật Bản, Mỹ, EU hoặc Hàn Quốc; họ đang trên đường trở thành một cường quốc về phát triển game. Vào thời điểm đó, Trung Quốc không có luật bảo vệ Sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt. Thật ra là có, nhưng không ai thèm thực thi cả. Rất khó khăn và tốn kém để bắt đầu một phiên xét xử (chưa nói đến việc chiến thắng) trong một vụ kiện về “Quyền sở hữu trí tuệ”, do đó, hầu hết các nhà phát triển game thậm chí không thèm đi kiện tụng gì cả. Họ đã nghĩ, CŨNG NHƯ BẠN BÂY GIỜ, một vài người download lậu game chắc không ảnh hưởng gì tới doanh thu đâu, chỉ là một số ít người không có tiền thui mà.”
Nhà phát triển game tạo ra The Legend of Sword and Fairy đã gặp rắc rối khi họ ra mắt phần 3 của trò chơi. Công ty đã KHÔNG THỂ KIẾM TIỀN mặc dù game này thực sự là một tiếng vang lớn, bởi vì KHÔNG AI THÈM MUA GAME của họ. Khi mọi người đều xài bản lậu, tại sao bạn lại không? Tại sao bạn bỏ ra một đống tiền khi sản phẩm tương tự có sẵn miễn phí? Cuối cùng, nó trở thành một XU HƯỚNG mua game lậu, bởi vì thật ngu ngốc khi mua game xịn.
Trước khi The Legend of Sword and Fairy 3 tung ra thị trường, người chơi đã download được bản lậu rồi. Công ty đã CẦU XIN người hâm mộ mua game chính thức thay vì tiếp tục xài hàng lậu. Một số fan hưởng ứng, nhưng số lượng không đủ. Đội ngũ phát triển game của công ty đã tan rã.
ĐIỂM MẤU CHỐT LÀ, sao chép, sử dụng các sản phẩm lậu, vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ là ĂN CẮP.
Và sau tất cả, hậu quả luôn đến với người xấu
Bạn có biết tại sao xuất hiện ngày càng nhiều nhà phát hành xuất bản những game online Pay-To-Win như VNG, Soha game không? Có biết tại sao bạn phải đóng phí hàng tháng để chơi World of Warcraft không? Nhờ mấy bạn Pirates cả đấy. Để ngăn chặn việc thất thoát doanh thu bởi việc chơi crack games, bởi vì không có cách nào để download lậu một game online khi bạn phải kết nối vào server chính thức để chơi.
Đây là những điều bạn muốn ư? Bạn liên tục phải thực hiện các giao dịch nhỏ (nạp coin, trả phí hàng tháng, mua VIP) để chơi? Rồi lại lên mạng chửi game này game kia “Hút máu đội lốt Free”? Điều đó không biến các nhà phát hành trở thành người xấu, và có rất nhiều game tuyệt vời ra đời dựa trên mô hình này (Hearthstone chẳng hạn). Đó là những gì mà Pirates xứng đáng nhận được. Ngành công nghiệp game phải đã đứng lên bảo vệ lợi ích của nó. Điều này làm các trò chơi chia ra thành 2 thể loại đối lập: Pay to Play và Free to Play, Pay for Experiment. Còn cái nào sẽ thắng, vui lòng xem tại bài viết này.
Tôi không có đủ tiền để mua game, vậy tôi phải làm gì?
Game là một dịch vụ, với một số game thì có thể nói là một “dịch vụ xa xỉ”. Nó cũng không phải một mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống, không có game cũng không chết đâu mà lo. Nếu không đủ tiền, hãy tiết kiệm, và dành nó cho một game mà bạn thực sự thích, đã nghiên cứu và chọn lựa thông minh (đừng như tôi mua Dying Light về để trang trí). Đến khi được một khoản kha khá, hãy cố hóng đến một đợt sale nào đó, bây giờ đang có Winter Sale, cũng được, nhưng Black Friday là ngon nhất. Game không biến mất được, có chăng nó chỉ ngày càng giảm giá thôi, hãy đợi cho đến khi bạn có đủ tiền, hoặc đợi đến khi nó phát hành miễn phí như CS:GO.
Nạp tiền giờ không còn khó nữa, ngay cả với Steam, không cần có tài khoản ngân hàng, chúng ta có thể nạp bằng thẻ điện thoại với giá trị 100% thông qua ví Momo, hay túng lắm thì mua game ở mấy shop bán dạng key hay gift. Vấn đề tuổi tác và phương tiện được bỏ qua.
Riêng với một vài bạn chơi console, game có thể được lưu trữ và phát hành dưới dạng sản phẩm vật lí, cụ thể là đĩa CD. Vì vậy các bạn có thể mua lại game từ người khác, khi họ chán hoặc đã chơi xong và pass lại. Một vài nhà sản xuất cũng sẽ hỗ trợ một chút kinh phí khi mua game nếu bạn là một người dùng trung thành của họ, ví dụ như hồi trước, khi đã chơi chán Far Cry 4 (phiên bản trên XBox ), bạn có thể đem ra cửa hàng để mua Far Cry 5 và được giảm giá 30%,…
Thi thoảng lại có một trang web, hay một nhà phân phối game nào đó sale 100% cho game, thường gặp là Google Play, bây giờ thì đang có Super Meat Boy free trên Epic Game, nhanh tay lên và lấy nó ở đây.
Có vài site có thể giúp bạn kiếm coin mua game mà, Ebonus.gg chẳng hạn, tôi đã kiếm được CS:GO và 1 cái steam card 2$ (trong 6 tháng), hơi bèo tý nhưng có còn hơn không.
Thậm chí bạn có thể kiếm tiền với Steam luôn, chi tiết đọc tại bài viết này.
Và nếu bạn không có lấy một xu để tiết kiệm, hãy viết bài cho trang web của chúng tôi. Bạn có thể tìm hiểu luôn hoặc lướt xuống dưới cùng của bài viết. Chủ quán hào phóng đẹp trai và rất manly sẽ trả cho bạn đến 75k mỗi bài viết chất lượng. Và hãy tiết kiệm, như tôi đã nói ở trên, game không biến đi đâu hết, nó còn ngày một rẻ đi.
Cuối cùng, tôi xin làm điều đã hứa ở đầu bài viết. Có những bạn, như tôi :”>, đã từng chơi crack game, nhưng đừng lo lắng, một vài lí do sẽ giúp bạn không thấy nhột hay hối hận:
- Bạn không biết khái niệm game lậu, game chính hãng. Hồi bé, muốn chơi Half Life thì bạn làm gì? Lên google và search “Tai game hap lai”, nó ra một đống web, bạn bấm đại và làm theo hướng dẫn. Những sự ngây thơ này có thể bỏ qua được. Ai cũng một thời trẻ trâu, đâu phải khôn được từ đầu.
- Bạn không biết game mình đang chơi là crack game. Hơi khác trường hợp 1. Tôi đã từng chơi Minecraft lậu, copy từ USB của ông anh, và hồi đó tôi nghĩ Minecraft là game miễn phí (Máy tính còn không thèm kết nối Internet thì biết cái giề). Cả lúc đi net chơi GTA Vice City, GTA 4 nữa, ai mà biết ông chủ quán đã crack game.
- Bạn chỉ có thể chơi game lậu, không thể chơi game chính hãng. 7554 là 1 ví dụ, đây là 1 game có cốt truyện về lịch sử kháng chiến của Việt Nam, nhưng quá nhọ cho nhà phát hành khi web phần phối còn chưa hoàn thiện thì game đã bị crack và tung tràn lan trên mạng, và NPH sau 1 thời gian thu hồi thì tuyệt vọng, gave up, rồi ngừng phát hành game. Game thủ muốn chơi chỉ còn cách crack. Một vài trò chơi tuổi thơ như Diamond Rush, Road Crasher, Neighbor from Hell, ect… cũng thế, chắc nhà phát hành game đã nằm đâu đó nơi chín suối rồi, nên chúng ta chỉ còn cách chơi crack thôi.
CHỐT LẠI: Việc chơi crack games mà không nằm trong những điều ngoại lệ như trên, là việc không nên làm, ít nhiều ảnh hưởng đến doanh thu của nhà phát hành. Việc mua game bản quyền để chơi cũng không hề lãng phí. Đừng như Pirates, họ là người xấu, và bạn có nhiều cách hay hơn, thay vì crack game. Nếu có thể, hãy như bạn này:
Bài viết khá hay, tuy nhiên mình không đồng ý phần hậu quả.
Game online pay 2 win hay subscription theo tháng hiện nay chẳng liên quan gì đến piracy cả, đó chỉ là những quyết định vô cùng tồi tệ của các nhà phát hành và sự tham lam ép kì vọng doanh số đến từ các nhà đầu tư. Đồng ý là việc cho thêm microtransaction ít nhiều phần cũng là do pirate, nhưng:
1. Về vấn đề subscription mình thấy đây là điều hoàn toàn hợp lí. Giống như bạn trả tiền mua game và mua thêm DLC vậy, việc trả tiền theo tháng để nhận được dịch vụ tốt và content được update đều đặn là hoàn toàn xứng đáng. Nếu bạn đã từng thử chơi MMORPG trả phí như FF XIV hay WoW, bạn sẽ thấy content được ra rất đều đặn, gần như luôn có thứ mới để khám phá khiến người chơi rất hài lòng. Một số game cũng có hệ thống cày điểm trong game để mua subscription hàng tháng, và mức giá cũng khá hợp lí.
2. Không thể đổ lỗi cho piracy đã gây ra vô số thảm họa microtransaction. Bởi lẽ việc crack game 20-30 năm nay vẫn vậy: bạn làm ra game, và họ crack, ai chơi crack vẫn chơi crack, ai mua game vẫn mua, không có nhiều thay đổi. Nhưng quy mô và kinh phí làm game, cũng như lòng tham của các nhà đầu tư khi thấy một ngành công nghiệp đẻ trứng vàng như gaming, đã thay đổi rất nhiều và gần như họ viện vào điều đó như một cái cớ để áp dụng những mô hình kiếm tiền gần như lố bịch. Không ai muốn bỏ ra 60 đô chỉ để nhận được một bản demo như Destiny 2, chẳng có gì để chơi, sau đó lại bỏ 60 đô nữa để mua forsaken, cảm giác như đó mới là game thật sự với content được đầu tư tử tế. Hay như Battlefront II, NBA 2K19, hay Middle-earth: Shadow of War, mà có lẽ mình cũng chả cần nói về những game này nữa vì ai cũng biết mô hình của chúng tồi tệ ra sao rồi. Đối với những công ty lớn như vậy, việc dùng những mô hình kinh doanh như trên gây thiệt hại cho họ còn lớn hơn gấp nhiều lần người dùng crack. Đó hoàn toàn là lỗi của các công ty game và nhà đầu tư. Theo mình crack game chỉ khổ nhất cho những indie developer.
Và ngoài lề một tí nhưng mình rất dị ứng những người mua game “thượng đẳng”. Bạn thích mua game, ok, cứ im lặng mà mua, đừng ra vẻ ép mọi người phải mua game ủng hộ dev nọ kia trong khi vẫn dùng vô số thứ lậu khác như phần mềm, hệ điều hành, nhạc, phim. Suy cho cùng ngành công nghiệp game và phần mềm vẫn là ngành công nghiệp có giá nhất hiện nay, hơn cả phim ảnh và âm nhạc. Hơn nữa piracy trong ngành game hay phần mềm không hoạt động giống như đối với ngành phim hay nhạc. Nếu bạn muốn ủng hộ mình nghĩ nên mua 1-2 bài nhạc bạn thích, dùng spotify, netflix, mua vài quyển sách hoặc ebook, hoặc mua vài game indie nhỏ, thay vì vung tiền vào những mô hình vét ví người chơi một cách vô lí.