Anh kể em nghe về Lịch sử game – Phần 2: Vực dậy sau khủng hoảng

Chủ xị

  

Kể từ sau trận thư hùng bóng đá rồi lại chuyển sang chủ đề lịch sử phát triển của thế giới game giữa hai anh em Tít và Mít, lần này cậu em Mít quyết tâm tìm hiểu ngọn ngành để không thua kém ông anh nữa.

Câu chuyện lần trước của hai anh em kết thúc bằng cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử ngành game vào năm 1983. Mít quyết tâm tìm hiểu về những nấc thang phát triển ở thời kì sau khủng hoảng và lý do làm sao mà ngành game lại lớn mạnh được như bây giờ. Có vẻ cu cậu quyết tâm nghiên cứu một cách nghiêm túc lắm đây. Biết đâu sau này lại trở thành nhà làm game nổi tiếng như anh Nguyễn Hà Đông không chừng.

Công cuộc tìm hiểu của Mít bắt đầu bằng việc cậu “tận dụng” mối quan hệ với bác bán máy Nintendo đầu phố. Vì bác bán Nintendo từ thời xửa xưa cho đến mấy cái 3DS hiện đại bây giờ nên hai anh em Tít Mít thường gọi bác là bác Nin luôn. Bác Nin không chỉ biết rất nhiều về hệ Nintendo nói riêng mà còn cả console và video game nói chung nữa, vì thế Mít chắc mẩm bác “không phải dạng vừa đâu”.

Sau một hồi tà lưa chém gió thì bác Nin cũng đi vào chủ đề chính về câu hỏi mà Mít đang thắc mắc từ tuần trước đến giờ: thời kì sau khủng hoảng ngành game.

Bác Nin: Cháu biết không, từ sau năm 1983 thế giới game gần như sụp đổ. May mắn thay, chỉ sau đó 2 năm, Nintendo là cái tên nổi lên như một vị cứu tinh cho tất cả những ai đang khao khát được chơi trò chơi điện tử. Các sản phẩm lúc bấy giờ của Nintendo chủ yếu trên nền đồ hoạ 8-bit và phát hành trên các máy console. Cháu phải hiểu là đồ hoạ 8-bit thời bấy giờ lung linh tuyệt đẹp cỡ nào. Thế hệ console này được gọi là thế hệ thứ 3 (gen-3) và làm mưa làm gió nhất chính là Super Mario. Nói là cải tiến bởi vì Mario là trò chơi đầu tiên chuyển từ chơi một màn hình sang màn hình cuộn (side-scrolling screen). Thêm vào đó, trò chơi còn có cốt truyện, các ngóc ngách bí ẩn để khám phá, rất được người chơi thời đó và thậm chí cả bây giờ ưa chuộng. Khi rảnh rỗi bác cũng hay chơi lại Mario lắm.

Mít: May mắn là Mario đã cứu cả ngành game, nhưng tại sao người ta lại gọi là thế hệ console gen-3 hả bác?

Bác Nin: Hỏi hay lắm! Console gen-3 là một bước cải tiến lớn về thiết kế máy chơi cầm tay, điều này cũng dẫn đến những sự thay đổi trong cách thiết kế game. Với sự nâng cấp này, cần điều khiển to lớn bị loại bỏ và thay vào đó là tay cầm paddle sở hữu nút cuộn đặc trưng. Thêm nữa, phím điều hướng được thiết kế để có khả năng di chuyển 8 hướng. Cháu cứ nhìn mấy tay cầm bây giờ ấy, đều là nâng cấp từ tay cầm gen-3 hết đấy. Thế mới thấy sức ảnh hưởng và sự thay đổi của console gen-3 lớn thế nào.

1280px-Famicom-Console-Set

Một mẫu console gen-3 của Nintendo

Mít: Ra là vậy. Nhưng chắc chắn là một cánh chim “Mario” cũng không thể làm nên mùa xuân đúng không bác? Hồi đó còn game nào cũng nổi tiếng không ạ?

Bác Nin: Ơ thằng này có đọc bài trước ở nhà không mà đến hỏi bác chuẩn thế? Đúng là thời kì 1985 phải gọi la sau cơn mưa trời lại sáng. Hàng loạt game ra đời nối tiếp thành công của Mario. Năm 1986 là khởi nguồn của The Legend of Zelda và Dragon Quest. “Dấu ấn rồng thiêng” – Dragon Quest nổi tiếng khắp cộng đồng Nhật Bản những năm đó và tạo ra một trào lưu lớn chưa từng thấy. Sau năm đó, Nhật như được tiếp thêm nguồn lực sáng tạo, liên tục tạo ra những tên tuổi lớn mà bây giờ vẫn vang danh như Metal Gear, Final Fantasy.

Mít: Hì, thì cháu cũng có đọc sơ sơ trước ở nhà mà. Cháu còn biết là, thập niên 80 cũng là thời điểm mà máy tính cá nhân phát triển mạnh vì thế người ta tiện tay phát triển luôn game trên PC. Năm 1984, vì sự sụp đổ từ cuộc khủng hoảng của các hệ máy game arcade nên thị trường game máy tính cũng thừa nước đục thả câu, nhảy vào hốt luôn thị trường game cho console. Có được lợi thế này là nhờ máy tính khi đó đã phát triển ở mức đủ để cung cấp khả năng chơi game gần như console, hơn nữa còn cho phép game sử dụng và điều khiển phần cứng giúp khởi động dễ hơn nhiều. Cháu đọc trên mạng thấy mẫu máy tính đầu tiên có sử dụng cả cổng cắm cho tay cầm và cũng là mẫu máy tính bán chạy nhất mọi thời đại là Commodore 64. Sau đó tới cuối năm 1985, 2 mẫu máy tính Atari ST và Amiga của Commodore mở cửa bắt đầu kỷ nguyên màu 16-bit. Tiếc một điều là những máy này đắt quá chả ma nào mua, mà cũng vì họ không có nhu cầu.

Máy tính Commodore 64

Bác Nin: Chính xác! Và cho đến cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thì những nhà sản xuất phần cứng chuyên biệt mới bắt đầu xuất hiện. Theo bác đoán là người ta đã phát hiện ra khả năng tương thích giữa các phần cứng để sản xuất linh kiện riêng biệt. Nhờ vậy mà giá thành tạo ra một chiếc máy tính đã dần cạnh tranh và rẻ hơn rất nhiều, vì vậy mới thúc đẩy được khả năng phát triển công nghệ mà không sợ tăng giá bán quá nhiều.

Mít: Vậy còn game online thì sao hả bác, cháu nhớ là nó cũng được phát triển từ thời kì này phải không ạ?

Bác Nin: Game online thời kì đầu cũng tương đối… chán cháu ạ. Ngày đó lúc ban đầu game online của người ta chưa có đồ hoạ gì đâu mà chỉ có đoạn text nói với nhau thôi. Tiêu biểu nhất là loại trò chơi Dungeons & Dragons với hệ thống Multi User Dungeons. Những đoạn text sẽ tượng trưng cho người chơi, quái vật, trang bị và các thử thách người chơi phải đối mặt. Ngoài ra còn có hệ thống bảng thông tin bulletin board systems. Hệ thống này cho phép cháu liên kết các máy tính nội bộ với nhau qua một đường dây điện thoại và một modem.

Mít: Ra là thế. Cháu phải công nhận một điều là nội dung về các ngục tối với chiến binh diệt rồng cũng thú vị thật đấy nhưng mà chơi bằng text game thì cũng có đôi chút tẻ nhạt thật.

Đang đàm đạo dở với bác Nin thì Mít nhận được tin… là mẹ đang lùng sục tìm Mít khắp xóm tội không trông nhà mà chạy tót đi chơi. Có lẽ câu chuyện về cuộc du hành tìm kiếm kiến thức của Mít tạm dừng tại đây thôi, không về sớm thì lại ốm đòn. Hẹn gặp lại các bạn vào kì sau với hai anh em Tít Mít nhé!

 


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện