Electronic Arts (P.1): Những nghệ sĩ tiên phong

Khách mới

  

Liệu một chiếc máy tính có thể khiến bạn phải đổ lệ?

Ngay lúc này có lẽ không ai biết được, bởi vì nhiều người sẽ cho rằng đây là một ý tưởng ‘khùng khùng’, mà nếu bất cứ ai trả lời được thì trước tiên phải giải thích được những câu đại loại như: Tại sao chúng ta lại khóc ‘thút thít’? Tại sao lại cười ‘bần bật’, hay yêu thương say đắm em nào, hoặc chỉ mỉm chi ‘vu vơ với một cô hàng xóm’?

Đó là đoạn trích những dòng quảng cáo nghe có vẻ huyền bí vãi chưởng, đánh dấu sự ra đời của một huyền thoại, mà có thể (chắc chắn luôn) anh chị em game thủ ai cũng biết, đó là Electronic Arts gọi tắt là EA. Cái hãng mà đã làm mưa làm gió tại sự kiện E3 vừa qua với tựa game Battlefield 1, với gameplay và đồ hoạ cực chất. Tui có xem qua đoạn video thấy anh Snoop Dogg vừa kéo ngao weed vừa chiến trên bản demo tại gian hàng EA, đúng là nhìn thèm được chơi vãi, nhưng đành phải đợi đến tháng 10 mới hốt được em nó vậy.

Ấn tượng đầu tiên của tui về cái hãng này phải nói là từ cái thời học phổ thông, lúc đó đang giờ ra chơi, tui thì đang đứng ngoài ban công chiếu tướng mấy em “hót gơ” lớp bên cạnh, thằng Tâm (thằng bạn chí cốt) nó vỗ mạnh cái lưng giật bắn mình, “Bà Tám mới đem dzìa cái dĩa đá banh mới cáu cạnh, thấy tụi nó bu quá trời, đi coi hông mậy?”, “ờ, ờ đi”. Thế là tui với nó chui lổ chó hàng rào trường, hai thằng vừa bước vô tiệm điện tử đông nghẹt mấy đứa đang đứng chờ, bỗng tui nghe câu “EA Sport, turn a game” cái giọng khàn khàn robot khiến tui hứng khởi vô cùng, chỉ mong được chiến em nó ngay, hai thằng đứng mòn mỏi tới tối cũng được quẩy em FIFA 98, vừa bấm nút “xì tạt” thì má đã đứng cầm roi ngoài cửa tiệm.

Đây, chính em nó đã làm mình mất ngủ bao đêm!

Đây, chính em nó đã làm mình mất ngủ bao đêm!

Vậy đó, EA ai mà hem biết? Nhưng cái lịch sử 34 năm lê thê của nó thì đúng là khó mà gặm cho hết, nhưng để tỏ lòng với cái hãng mà đã mang lại cho mình những ký ức khó mà nhạt nhoà, tui cũng đành mần mò tìm hiểu đôi điều về chặng đường để trở thành một trong bốn hãng game lớn nhất thế giới của Electronic Arts, thương hiệu của những người nghệ sĩ thực thụ?

Lặng lẽ khởi nghiệp

“Mùa hè năm 1975 tui có cơ hội tìm hiểu về việc phát minh ra bộ vi xử lý máy tính và việc ra đời cửa tiệm đầu tiên cho thuê máy trạm có thể dùng tại nhà. Thời điểm đó đã giúp hình thành những ý niệm đầu tiên để tui khai sinh ra EA vào năm 1982, và nhận ra rằng cần phải mất ít nhất bảy năm nữa để chiếc máy tính có thể là vật sở hữu tại nhà, để mọi người có thể chơi những trò chơi điện tử mà mình muốn làm ra.” – Đó là lời tự sự của Trip Hawkins, người sáng lập, đồng thời là người có ảnh hưởng lớn đến thành công của EA sau này.

Bố già EA, Trip Hawkins

Bố già EA, Trip Hawkins (1983)

Khi học xong MBA ở Stanford năm 1978, Hawkins về làm cho Apple, lúc đó Apple có vọn vẹn 50 người và mới bán được 1000 chiếc máy tính đầu tiên, 5 năm sau Apple lọt vào top Fortune 500 với 4000 nhân viên với lợi nhuận năm gần 1 tỉ USD. Giữ vài trò là Giám đốc chiến lược và marketing , cầm trong tay bộn tiền sau đợt IPO của Apple, Hawkins biết rằng thời điểm của mình đã đến. “Đúng như dự định, tháng 1 năm 1982 tui xin nghỉ làm tại Apple, nhưng tới tháng 4 mới chính thức được nghỉ, đến ngày 28 tháng 05, 1982 EA chào đời. Ban đầu tui làm việc một mình tại nhà, trong 6 tháng đầu EA hoạt động bằng vốn tự có của tui. Đến tháng Tám mới bắt đầu làm việc tại văn phòng ở Sequoia Capital, lúc đó tui bắt đầu tuyển dụng những nhân viên đầu tiên”. Trụ sở chính của EA ban đầu được đặt tại San Mateo, California, đến năm 1998 thì dời đến Redwood City.

Logo đầu tiên của Electronic Arts

Logo đầu tiên của Electronic Arts

Amazin’ Software là tên đầu tiên mà Hawkins đặt cho công ty, nhưng phần lớn nhân viên của hãng điều không thích (đúng là nghe có vẻ thiếu tính cách thiệt). Sau năm hồi mười hiệp, họp tới họp lui, cuối cùng tất cả điều thống nhất là Electronic Arts thay vì Electronic Artists hay SoftArt. Chữ Arts đứng sau là được Hawkins lấy cảm hứng từ hãng phim United Artists, vì ông cho rằng người viết game cũng là những nghệ sĩ thực thụ của thời đại mới.

Khai hỏa

Ngay từ lúc đầu Hawkins đã có một tầm nhìn đầy tham vọng về điều mà trò chơi điện tử có thể làm được. “Chúng tui học hỏi bằng cách dấn thân vào làm, và điện toán mô phỏng chính là cách hiệu quả nhất để có thể đạt được điều đó. Tui muốn giúp thế giới chuyển từ phương tiện truyền thông “ngu não” thụ động như truyền hình sang một một hình thức truyền thông tương tác mà có thể giúp kết nối mọi người với nhau, cũng như giúp họ phát triển khả năng của mình”.

Những siêu sao nhạc rock đầu tiên của EA

Những ‘siêu sao nhạc rock’ đầu tiên của EA

Hawkins còn muốn trả lương hậu hĩnh, cũng như tán thưởng những tài năng làm game, và xem trọng họ giống những nghệ sĩ hoạt động trong những lĩnh lực truyền thông khác. Ông đã hình dung EA như là một hãng phát hành trò chơi điện tử mà được biết đến bởi chất lượng, phong cách chuyên nghiệp, cộng với những tài năng bá đạo nhất, để khiến ngành công nghiệp trò chơi điện tử có thể sánh ngang với phim ảnh, sách và nhạc.

Các tựa game đầu tiên được cho ra mắt vào mùa Xuân 1983 như: Hard Hat Mack, Pinball Construction Set, Archon, M.U.L.E, Worm? và Murder on the Zinderneuf (hem có tựa nào mà tui biết hết). Những đứa con đầu lòng này được đóng gói một cách trang trọng, với bìa được thiết kế rất tinh tế cùng với tên của người làm game, nhìn chúng ngầu không thua gì một album nhạc Rock hết á.

Những đứa con đầu lòng

Những đứa con đầu lòng

Thuở đầu bán buôn

Tựa game bán chạy đầu tiên khác của EA là “Doctor J and Larry Bird Go One on One”, phát hành vào năm 1983, đây là sản phầm được quảng bá bởi 2 ngôi sao bóng rổ Julius Erving và Larry Bird. “EA Sports đã thực sự khởi đầu với One on One, tựa game mà tui đã thiết kế và là nơi để thể nghiệm chiến lược quảng bá kinh doanh với sự xuất hiện của người nổi tiếng” – Hawkins phân trần.

Và những ngôi sao bóng rổ

Và những ngôi sao bóng rổ

Để bán sản phẩm, EA đã tích cực phá bỏ những quy tắc phát hành phần mềm kiểu truyền thống. Cương quyết với chính sách của mình Hawkins đã cắt giảm được những khoản hoa hồng phải chi cho nhà phân phối, đem đến một khoản lợi nhuận không nhỏ cho công ty.


Mùa thu năm 1984, Larry Probst gia nhập EA với vai trò phó giám đốc kinh doanh, Probst đã đưa ra một chiến lược kinh doanh ngoại hạng chưa có tiền lệ, ông đem thẳng sản phẩm đến các nhà bán lẻ không thông qua một kênh phân phối nào, đây cũng chính là tiền đề của sự phát triển về sau của công ty. Với tiềm lực đang ngày càng lớn mạnh, EA bắt đầu phân phối sản phẩm của những hãng khác như Lucasfilm Games, SSI, và Interplay.

(còn tiếp, mời các bạn đón đọc Phần 2 trong tuần sau nhé)

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện