Anh kể em nghe về Lịch sử game – Phần 1: Khởi đầu gian nan

Chủ xị

  

Chuyện của hai anh em Tít và Mít.

Hôm nay được ngày nghỉ hè Tít anh mới dắt Mít em đi chơi game cho gọi là “khai sáng” đầu óc chứ học mãi thì cũng phải nghỉ ngơi chút chứ. Bật lap lên hỏi han chỉ trỏ mãi cuối cùng hai anh em quyết định sát phạt nhau bằng PES 13.

Với bản lĩnh hơn người cùng kinh nghiệm chinh chiến PS3 bao nhiêu năm với các bạn, Tít dễ dàng vượt qua Mít trong mọi trận đấu, kể cả khi đã chấp Mít phong độ đỏ. Thấy thế, Mít ta đành chuyển qua đánh đòn tâm lý, vặn vẹo hỏi ông anh để đánh lạc hướng:

Mít: Game bây giờ đẹp quá anh nhờ? Không biết ngày xưa ai làm ra game mà game gì đầu tiên anh nhỉ?

Tít thấy ông em có vẻ quan tâm thật mà lại đúng lĩnh vực “tủ” của mình, trả lời ngay:

He, để anh kể cho mà nghe: Ngày xửa ngày xưa lâu lắm rồi ấy từ hồi hết chiến tranh thế giới thứ 2, thế giới hoà bình người ta không bắn với chém giết nhau nữa. Chán quá không có gì làm ngoài xem tivi giải trí, thế là có một ông tên Ralph Baer được giao nhiệm vụ làm cái tivi sao cho cải tiến lên có giá trị đặc biệt chút để thu hút người mua. Ông này định bụng làm một trò chơi gì đó trên tivi, trình bày với ông chủ xong bị vùi hoa dập liễu không thương tiếc luôn, thế là nghỉ game!

Mít: Sao khổ thế, thế là ông Ralph Baer từ đó về sau nghỉ luôn không làm game hả anh?

Tít: Không phải, ông này cũng thuộc loại cứng đầu cứng cổ nên năm 1968, ổng với ông bạn Bill Harrison chuyển qua làm công ty khác và được chấp thuận cho phép làm trò chơi đuổi bắt (Chase: Hai người là hai chấm tròn trên màn hình và đuổi nhau) với trò bóng bàn và trò bắn súng trên tivi.

Mít vừa cướp được bóng nhưng sút trượt, tiếp tục hỏi:

Game gì chán thế không có game gì hay hơn mấy trò ông ấy nghĩ ra hả anh, trò cờ carô thì sao hình như trò đấy cũng lâu lắm rồi?

Tít: Ơ thằng này khá đấy, sao biết? Cờ carô hồi đấy người ta gọi là OXO, do ông Douglas nghĩ ra vào năm 1952 để làm luận án ở Cambridge về tương tác giữa người và máy tính thôi. Chắc ông này cũng phải làm trùm AI hồi đấy nhỉ, lập trình được cả trò này trên cái máy EDSAC cổ lỗ sĩ cơ mà. Còn một ông nữa tên là William Cường, à nhầm, William Higinbotham, cũng được coi là cha đẻ của video game. Ông này nghĩ ra trò đánh bóng bàn trên máy sóng âm, điểm đặc biệt là khả năng di chuyển của bóng phụ thuộc vào trọng lực thật nên khá thú vị.

Trò cờ caro ngày ấy

Mít: Bóng bàn thì hay đấy nhưng mà mấy trò này đồ hoạ cùi bắp quá mà bán chắc chẳng ai chơi luôn.

Tít: Ừ nên mấy trò này đâu có bán được đâu. Trò đầu tiên bán được là trò Spacewar bắn nhau phi thuyền không gian. Spacewar được hai ông Nolan Bushnell và Ted Dabney bán ra nhưng cũng chẳng có mấy ai mua, chắc do marketing kém quá. Hai ông này cũng cay cú quyết không bỏ cuộc, thành lập công ty Atari và chế trò bóng bàn lên tầm cao mới và đặt tên Pong sau đó bán máy chơi game này. Cuối cùng bán được 19000 máy, cũng không tệ.

Trò Pong huyền thoại

Mít: Ui nhiều tiền thế, 2 ông này chắc thành tỷ phú rồi nhưng mà sao chưa nghe tên nhỉ, mặc dù em thấy Atari cũng quen tai?

Tít: Thì thành công cũng chẳng được bao lâu. Đến năm 1977 do bị nhái nhiều quá thành ra hàng tồn không bán nổi, Atari đành chịu lỗ. Đến năm 1981 thì trở lại với trò Tennis, lần này đã có hình ảnh màu sắc các thứ lung linh lắm rồi. Nhưng cũng trong cùng thời kì này, nhiều game rất hot mà bây giờ người ta vẫn biết tiếng đã được tạo ra, như: Space Invaders, Asteroid hay Galaxian. Tất cả đều mang lại núi tiền cho các nhà sản xuất.

Space Invaders là mong ước của mọi thanh niên thời ấy

Nhắc đến tiền là mắt Mít sáng lên liền, cu cậu bắt đầu quên mất mục đích ban đầu là hỏi để đánh lạc hướng mà bây giờ chuyển sang hỏi một cách tò mò luôn: Nhiều tiền như vậy nhưng mà nãy giờ toàn nói về mấy máy game thùng thôi. Còn máy tính để bàn thì sao hả anh?

Tít: Ủa mày chơi đá bóng hay mày đi học lịch sử vậy? Nhưng thôi đã hỏi thì kể tiếp: Thập niên 80 là thập niên đầy thử thách cùng sóng gió nhưng cũng chứng kiến nhiều bước đột phá của ngành công nghiệp game. Đây cũng chính là thời điểm mà các loại máy tính để bàn ra đời. Mấy ông phát triển game khôn lanh lắm, thấy vậy liền chớp ngay thời cơ để cho ra đời nhiều sản phẩm trên máy tính.


Ban đầu chỉ là những bản làm lại từ các game hệ máy arcade, sau dần nhiều công ty làm game xuất hiện và cho ra đời càng nhiều sản phẩm hơn. Nhưng đây cũng là thời kì đen tối bởi nhiều sản phẩm chất lượng dở ẹc bán ra gây mất lòng tin thị trường và người mua. Những sản phẩm kém chất lượng này hầu hết đến từ hệ arcade. Cũng trong thời điểm này mấy game trên console bắt đầu có nhiều người yêu thích hơn bởi khả năng đồ hoạ tốt hơn của nó. Phổ biến phải kể đến như dòng sản phẩm Game and Watch của Nintendo sử dụng màn hình tinh thể lỏng LCD ấy. Nhưng đáng sợ nhất là vào năm 1983 khi mà cả ngành game gần như sụp đổ. Hãng Atari lúc đấy gần như trên bờ vực phá sản với đỉnh điểm là vụ “ém” hàng ngàn băng game E.T the Extra-Terrestrial ở một bãi rác vì nó siêu siêu tệ.

Đến đây cũng là lúc mà mẹ gọi xuống ăn cơm nên Tít và Mít đành tạm dừng câu chuyện đang dang dở lại. Mặc dù kế hoạch phân tâm của Mít đổ bể nhưng những kiến thức mà Mít hiểu thêm về game cũng không ít đâu.

Hẹn gặp lại các bạn lần sau trong câu chuyện của Tít và Mít để biết thêm về sự hình thành và phát triển game ở những giai đoạn tiếp theo nhé!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện