Anh kể em nghe về lịch sử game (P.4): Game online Việt Nam phát triển thế nào?

Chủ xị

  

Sáng hôm nay Mít học đến 5 tiết mà toàn là những môn học “dễ dàng” đưa học sinh vào giấc ngủ. Hai tiết cuối đã mệt lại còn trúng tiết Văn nữa, thế là thằng Tồ ngồi gần Mít mới buông lời mật ngọt dụ Mít đi chơi net với nó. Sẵn đang máu chơi game mấy ngày hôm nay, Mít gật đầu ngay tắp lự, cùng thằng Tồ cúp học trốn ra tiệm game gần trường.

Phải nói thêm về Tồ, mặc dù học hành không phải là điểm mạnh của cu cậu nhưng về game online thì Tồ biết tuốt. Cứ game online nào hay hoặc nổi tiếng mới ra là Tồ tìm mọi cách để chơi thử cho bằng được. Vì thế kinh nghiệm ở khoản này Tồ chẳng kém ai cả. Mít biết vậy nên mới lân la hỏi Tồ:

Mít: Tồ à, ông có biết game online ở Việt Nam ra đời như thế nào không?

Cơ chế hoạt động ADSL

Cơ chế hoạt động ADSL

Tồ: Haha đúng lĩnh vực tủ của tôi rồi đó ông! Cột mốc đầu tiên đánh dầu nền tảng của phong trào game online tại Việt Nam thực ra không liên quan đến một sản phẩm game nào cả mà là sự ra đời của dịch vụ ADSL ông ạ. Vào tháng 6/2003, lần đầu tiên người dân Việt Nam được cung cấp dịch vụ ADSL cùng giá thành ngày càng giảm giúp cho việc kết nối mạng Internet trở nên nhanh chóng hơn nhiều so với dịch vụ Dial-up thời trước. Cùng năm đó, cũng chính nhờ sự phổ biến của Internet tốc độ cao mà game online nổi tiếng nhất thời bấy giờ – MU Online cũng trở nên nổi hơn bao giờ hết. Thậm chí ngày đó có nhiều người còn tưởng rằng, MU Online đồng nghĩa với game online cơ! Việc lộ mã nguồn của MU và dễ dàng tạo server làm cho những bản lậu của MU xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này cũng xảy ra tương tự với World of Warcraft, thậm chí số người chơi ở những server lậu cũng chiếm một số lượng không nhỏ làm cho các nhà phát hành phải đau đầu vì mất khách ở bản gốc.

Mít: Thời điểm đó ngoài MU Online thì hình như game online nào cũng làm mưa làm gió bởi giới trẻ Việt Nam lần đầu được trải nghiệm một trào lưu giải trí mới như vậy đúng không?

MU Online

MU Online

Tồ: Chính xác ông ạ! Nhưng công bằng mà nói, chính bởi vì đó là những game online thời kì đầu nên các nhà phát hành chăm chút cho nó hơn rất nhiều, vì thế mà những sản phẩm thời kì ấy vẫn còn đọng lại rất nhiều ký ức tốt đẹp cho các thế hệ 8x 9x bây giờ, thậm chí còn có nhiều sản phẩm đạo lại ý tưởng của game thời đó nữa. Một trong những game cũng rất nổi hồi năm 2004 là Gunbound. Nhờ có đồ hoạ xuất sắc và thân thiện với người chơi cùng gameplay phải nói là đạt mức hoàn hảo, Asiasoft đã thành công khi lần đầu tiên mang một văn hoá game online đúng nghĩa tới Việt Nam. Đúng một năm sau, Võ Lâm Truyền Kỳ ra đời với phiên bản close beta do VinaGame phát hành. Chỉ sau vài tháng thành lập mà VNG đã có thể tung ra một game gắn liền với tuổi thơ của các thế hệ 8x 9x như vậy quả thực là rất đáng nể. Những phút giây háo hức cùng đi công thành chiến hay đại chiến giữa các bang hội… không dễ gì diễn tả bằng lời. Nhiều bang hội thường xuyên tổ chức offline cho các thành viên gặp mặt tạo ra không khí như anh em một nhà vậy. Đây chính là những thứ mà những game online về sau này khó lòng đạt được.

VLTK Công thành chiến

VLTK Công thành chiến

Mít: Cảm giác chơi game với những người lạ cùng đi phó bản, diệt boss rồi đại chiến và dần trở thành bạn thân thật tuyêt vời ông nhỉ? Ngoài VLTK, tôi cũng biết về đối thủ lớn nhất của nó, game Audition do VTC Game phát hành vào tháng 8/2006. Thậm chí đến tận bây giờ cũng khó có game casual nào qua mặt được độ khủng của Audition. Nếu như VLTK là vua của game online thời đó thì Audition xứng danh nữ hoàng. Quan trọng hơn, Audition không chỉ thu hút các game thủ nam mà rất nhiều trong số đó là nữ nữa, điều này có thể coi là vượt mặt VLTK. Thiết kế nhân vật kiểu anime của Audition cũng rất băt mắt, các hiệu ứng và âm nhạc thì càng không chê được vào đâu khiến cho Audition thật sự là một tượng đài game online.

Tồ: Đúng thế, Audition thực sự là đối thủ lớn của VLTK thậm chí có phần nhỉnh hơn một chút. Nhưng theo tôi lý do lớn nhất của sự “đổi ngôi” này có lẽ đến từ việc VLTK bắt đầu thu phí giờ chơi vào gần cuối năm 2005. Mức giá khi đó là 20.000VNĐ cho 25 giờ chơi và 60.000VNĐ cho 100 giờ chơi làm nhiều người chơi không chấp nhận được. Một cơ số các game thủ là học sinh hay sinh viên không có đủ khả năng theo đuổi sự “hút máu” này của VNG. Dù vậy, VLTK vẫn hoạt động được thêm một thời gian nữa do có nhiều game thủ quá gắn bó và khó lòng dứt ra nổi. Số tiền VNG thu được từ cách quản lý mang màu sắc giống với World of Warcraft này cũng không phải là con số nhỏ, tạo tiền đề cho việc đầu tư cho nhiều game online nổi tiếng sau này.

Audition Nhịp điệu cuộc sống

Audition Nhịp điệu cuộc sống

Mít: Vào thời gian 2005-2006 là thời gian phát triển rất thịnh của game online, vậy sự phát triển ấy có gặp khó khăn nào không ông?

Tồ: Có chứ ông, rất nhiều khó khăn là đằng khác. Từ thuở hồng hoang hay cho đến tận bây giờ, game online là một cái gì đó rất quyến rũ đối với giới trẻ chủ yếu là học sinh sinh viên, nhưng đồng thời là nỗi lo lắng và “kẻ thù” lớn của rất nhiều bậc phụ huynh bởi chúng làm xao nhãng việc học hành của con em họ. Chính vì thế, không biết có phải do trùng hợp không nhưng ngay khi VNG quyết định thu phí giờ chơi VLTK thì truyền thông đồng loạt công kích game online với vô số các bài báo nói về tác hại của việc chơi game cùng rất nhiều những vụ việc, scandal liên quan đến game như lừa đảo tiền, hack database, hay phát tán virus máy tính. VNG đã vô cùng khốn đốn khi mà từ Bộ Thông tin – Truyền thông cho đến báo đài đều không ai đứng về phía họ và suýt phải đóng cửa, may mắn là điều này chưa bao giờ xảy ra.

Mít: May mắn cho VNG khi họ vẫn đứng vững sau nhiều thử thách như thế, quả đúng là VNG xứng danh nhà phát hành game lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Thế sau thời kì khủng hoảng như vậy thì game online phát triển ra sao?

Tồ: Thời kì khủng hoảng chỉ xuất hiện trong 1 thời gian ngắn, khoảng 2 tháng thôi nên game online vẫn đều đặn với vòng xoay phát triển như vũ bão của mình. Càng ngày càng nhiều game online xuất hiện tại Việt Nam, thậm chí cả những game của nhà phát hành nước ngoài như “Con đường tơ lụa”, và có cả những game phải rời sân và gục ngã như “Con đường đế vương”. Lý do mà rất nhiều game gục ngã là do cấu hình yêu cầu quá mạnh trong khi phần lớn máy tính cá nhân của người dùng tại Việt Nam lúc bấy giờ chỉ ở mức trung bình yếu. Tuy vậy các game online còn đứng vững được đều có những động thái mạnh mẽ để duy trì và phát triển, thậm chí là mở rộng liên kết từ game ra hoạt động xã hội nữa cơ.

Mít: Có phải ông đang nói đến cuộc thi Miss Audition, tiền thân của Miss Teen nơi mà sản sinh ra rất nhiều hotgirls như Bảo Thy, Huyền Baby,.. không?

Miss Audition 2006

Miss Audition 2006

Tồ: Chính nó đấy ông ạ! Đây cũng là một lợi thế của Audition vì game được cả nam và nữ chơi nên rất dễ tổ chức những sự kiện quy mô như vậy. Thêm nữa, VLTK cũng lần đầu tổ chức một giải game online tại Việt Nam, bước đệm cho các giải đấu E-Sport trong nước sau này. Giá trị của giải “Thiên Hạ Đệ Nhất Bang” lên đến hàng trăm triệu đồng quy ra Kim Nguyên Bảo (đơn vị tiền trong game). Những vật phẩm quý hiếm có được từ giải đấu này cũng có giá trị không hề nhỏ với giá trị lớn nhất lên đến hơn 1 tỷ VNĐ.

Mít định hỏi tiếp Tồ nhưng cuộc nói chuyện vừa rồi cũng đã ngấu hết 1 tiết học rồi, còn có 1 tiết nữa là phải về với anh Tít nên hai cu cậu tranh thủ ngồi chơi cho “tập trung”. Mặc dù sự phát triển của game online là cả một câu chuyện dài và còn nhiều điều để kể nhưng mà… Mít phải tận dụng thời gian cúp học đã. Hẹn gặp lại các bạn trong kì tới để hiểu hơn về lịch sử game online nhé!


Nguồn: Gamek

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện