Giới thiệu
Hearthstone là một game thẻ bài sưu tập đến từ Blizzard Entertainment, công ty giải trí cực kì nổi tiếng với hàng loạt những tựa game đã trở thành tượng đài (và không dead) như: World of Warcraft, Warcraft, StarCraft, Overwatch và Diablo Immortal.
Trong Hearthstone, người chơi sẽ bước vào thế giới của những nhân vật đã quá quen thuộc với người chơi Blizzard lâu năm, như Weasel Tunneler, Gruul và Microbot. Tuy nhiên, vậy còn những người chơi mới bỡ ngỡ bước vào con đường dát vàng đầy cám dỗ của Hearthstone thì sao? Bài viết này không được viết ra nhằm mục đích hướng dẫn những người chơi mới đó, và giúp họ có một khởi đầu tương đối hiệu quả.
Tổng quan
Nói đơn giản về một ván bài Hearthstone thì, cũng như đa số các game thẻ bài khác, hai người chơi sẽ dùng bộ bài của mình để triệu hồi quái vật, thực thi bùa phép, triển khai bẫy rập để kéo điểm gốc của đối phương về 0 càng hiệu quả càng tốt. Nói là càng nhanh càng tốt thì cũng đúng, nhưng trong Hearthstone, yếu tố kiểm soát sàn đấu cũng là một phần cốt yếu trong lối chơi của nó, nên người chơi sẽ rất hiếm khi có thể chỉ tấn công thẳng đối phương mà thắng được.
Trong Hearthstone, có 4 loại thẻ bài chính: thẻ bài quái vật (Minion), thẻ bài phép (Spell), thẻ bài vũ khí (Weapon) và thẻ tín dụng (Visa, có nơi còn dùng MasterCard). Trong số 4 loại thẻ nói trên, thì thẻ tín dụng của người chơi là loại thẻ mạnh nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất đến toàn bộ cục diện trận đấu. Thẻ tín dụng của người chơi có một chỉ số đặc biệt gọi là “số dư tài khoản”. Mục đích của chỉ số này rất đơn giản, miễn số dư tài khoản của bạn lớn hơn của đối phương thì bạn thắng. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất lớn vào hoàn cảnh sống của bạn, nên cho dù bị than phiền rằng OP cách mấy thì thẻ tín dụng vẫn chưa bao giờ bị giảm sức mạnh một lần nào.
Ngoại trừ thẻ tín dụng thì ba loại thẻ bài kể trên đều có hiệu ứng rất riêng, và mỗi lá đều được phân biệt bằng hệ thống độ hiếm. Mỗi thẻ bài (trừ những thẻ trong bộ Basic) đều có đính theo một viên ngọc, và màu sắc của viên ngọc đó xác định độ hiếm của thẻ bài đó. Nếu viên ngọc màu trắng, thì thẻ bài đó có độ hiếm là Phổ biến (Common), màu xanh là Hiếm (Rare), màu tím là rất hiếm (Epic), màu cam là “nạp thêm tiền để biết thêm chi tiết” (Legendary).
Lối chơi
Giới thiệu về các loại thẻ bài xong thì tiếp theo sẽ là lối chơi. Hearthstone có lẽ là game thẻ bài ảo dễ chơi nhất trên thị trường hiện giờ, vì công thức của nó vẫn giữ nguyên, cho dù tính đến giờ trò chơi đã hơn 6 năm tuổi. Hai người chơi đối đầu nhau trên một sàn đấu, điểm gốc của ai về 0 trước người đó sẽ thua, rất đơn giản và dễ làm quen. Kể cả hệ thống từ khóa của game đều đơn giản và được giải thích sẵn trong game, nên người chơi mới có thể làm quen với game chỉ qua vài lần chơi thử.
Ví dụ, những quái vật có từ khóa Battlecry trong mô tả sẽ kích hoạt hiệu ứng khi được người chơi triệu hồi từ trên tay. Những quái vật có từ khóa Deathrattle sẽ kích hoạt hiệu ứng khi chúng bị tiêu diệt. Những quái vật có “Spell Damage” sẽ làm tăng sát thương của bài phép.
Còn con quái vật mang tên Blizzard Entertainment thì mỗi năm sẽ nhảy ra khỏi màn hình máy tính và vả vào mặt bạn một cái bốp rõ thốn và bắt bạn trả thêm tiền, để mua bài mới trong bản mở rộng mới.
Mỗi hiệu ứng đều độc nhất (ngoại trừ những hiệu ứng không độc nhất) và đều giúp người chơi theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi có vài thẻ bài giết chủ nhân luôn, nhưng chính sự ngẫu nhiên đó mới làm cho Hearthstone thật cuốn hút, vì nó làm cho người chơi thể hiện được kĩ năng ăn may thiên bẩm của mình.
Trong Hearthstone, chúng ta có 10 lớp nhân vật. Đúng ra là có 9, nhưng do 9 lớp nhân vật quá khó cân bằng nên Blizzard quyết định thêm một lớp nhân vật nữa vào cho dễ cân bằng hơn. Bằng chứng là Blizzard không cần phải cân bằng 9 lớp nhân vật kia nữa, vì mỗi cái lớp thứ 10 là đã cân bằng lòi bản họng rồi. Demon Hunter – tên lớp nhân vật thứ 10 đó – đã chịu 13 đợt giảm sức mạnh liên tiếp, và vẫn chưa có biểu hiện nào là yếu đi rõ rệt. 9 lớp nhân vật còn lại bao gồm:
- Chiến Binh (Warrior)
- Thầy Bùa (Shaman)
- Sát Thủ (Rogue)
- Hiệp Sĩ (Paladin)
- Thợ Săn (Hunter)
- Ông Già Có Hai Cái Sừng Nai (Druid)
- Pháp Sư Hắc Ám (Warlock)
- Pháp Sư (Mage)
- Tu Sĩ (Priest)
Mỗi lớp đều trang bị cho mình những mánh khóe rất riêng để đánh bại đối thủ. Ví dụ, Warrior thích chiến đấu thẳng và chịu sát thương để khiến bản thân mạnh hơn, còn Mage thì thích dùng ma pháp để tiêu diệt đối phương thay vì triệu hồi nhiều quái vật như những lớp khác. Rogue đi ăn trộm. Priest cũng đi ăn trộm nhưng có hồi máu.
Tất cả những lớp nhân vật này đều tạo ra vô vàn sự đa dạng về lối chơi và cách xây dựng bài, nên một người chơi thông minh (và giàu) sẽ chỉ cần sử dụng tối đa sức mạnh của thẻ tín dụng, để tạo ra những bộ bài mạnh nhất, để leo lên thứ hạng cao nhất, để ngắm cho đẹp vì lỡ quăng tiền vô rồi nên bỏ game cũng uổng. Thôi bán tài khoản vậy.
Bộ sưu tập
Nhắc tới chuyện ngắm cho đẹp, thì bộ sưu tập thẻ bài trong Hearthstone quả thực rất bắt mắt. Cách thiết kế của nó làm cho cả hệ thống vừa cổ điển, vừa hiện đại và vẫn mang màu sắc fantasy từ thế giới trong vũ trụ Warcraft.
Và có một hệ thống nữa mà chỉ Hearthstone mới có, là hệ thống thẻ vàng. Thẻ vàng có nghĩa là thẻ dát vàng, đơn giản vậy thôi, và nó thành ảnh động thay vì ảnh tĩnh như thường. Giá tiền để tạo một thẻ Legendary vàng (nếu quy đổi từ dust ra tiền thật) thì đâu khoảng 35 đô-la Canada, một giá tiền rất rẻ cho những người có tiền. Thẻ vàng có tăng hiệu quả lá bài hay gì không? Không hề. Nhưng nó làm người chơi cảm thấy mình giàu hơn nhiều, cho dù họ vẫn họ Đỗ tên Khỉ. Chắc bạn đọc cũng biết tên lót là gì rồi.
Nếu nói nghiêm túc thì Hearthstone có sức hút như vậy vì nó được trau chuốt rất, rất kĩ càng. Từng thẻ bài một, từng tương tác một đều có những câu thoại để giúp thế giới của Hearthstone trở nên vô cùng sinh động. Ngay cả những lá bài có độ hiếm thấp nhất cũng sở hữu câu thoại của riêng mình, cả khi tấn công và khi được triệu hồi.
Những nhân vật xuất hiện trong Hearthstone đều gây được ấn tượng lớn với người chơi, như League of Explorers với Reno Jackson, Elise Starseeker, Brann Bronzebeard và Sir Finley Mrrglton. Những nhân vật này xuất hiện trong các bản mở rộng trong Hearthstone vừa với vai trò là thẻ bài, vừa với vai trò là nhân vật chính trong những phần chơi đơn.
Những phần chơi đơn của Hearthstone là một bất ngờ thú vị, vì nó sẽ khiến người chơi trầm trồ vì những điều mà Blizzard có thể làm được với một game thẻ bài tưởng chừng khô khan và đơn giản. Người chơi sẽ còn trầm trồ hơn nếu biết một phần chơi đơn này thường có giá 20 đô-la Mỹ và lên YouTube coi sướng hơn nhiều.
Những lùm xùm gần đây
Những ngày gần đây, Blizzard có phát hành một hệ thống Battle Pass cho Hearthstone rất được lòng người hâm mộ trên Reddit, vì nhờ hệ thống này mà những người chơi đăng bài chửi Blizzard đều nhận được rất nhiều karma.
Sau khi tính toán một hồi thì người chơi đã tính được Battle Pass mới làm giảm lượng vàng nhận được đi rất nhiều, và cho dù có trả thêm tiền cũng không tăng thêm được bao nhiêu. Tuy nhiên, người chơi Hearthstone lâu năm đều biết Blizzard là một công ty độc lập rất nhỏ và đang cần thêm tiền để làm thêm game nên mọi người chỉ chửi cho sướng chứ chưa dám tẩy chay vì game hay quá.
Kết luận
Nhưng suy cho cùng thì, Hearthstone là một game hay. Phải công nhận điều đó. Nhưng Hearthstone đang dần dần tự giết chết chính mình, do thiếu sự lắng nghe từ phía Blizzard. Trò chơi yêu cầu quá nhiều sự đầu tư từ phía người chơi, song lại không đền đáp xứng đáng cho sự đầu tư đó. Với Huyền Thoại Runeterra, game thẻ bài thuộc vũ trụ LMHT, mới phát hành rộng rãi, ngai vàng mà Hearthstone đang chễm chệ ngồi đang lung lay dữ dội hơn bao giờ hết.
Tiếp xúc 3 lần, bỏ 3 lần, đang suy nghi có nên chơi vào lúc này ko
Bài viết truyền cảm xúc lắm bạn.
Hay lắm bạn!