Xây dựng Budget PC case

Khách quen

  

Khi tự lắp một PC cho riêng bản thân mình, ai cũng muốn nó là ngon nhất, là tốt nhất cho mình đúng không. Mà đời thì làm gì có cái nào ngon lành lại miễn phí, ai muốn cái nào cũng mạnh nhất mà tiền có chút thì chỉ có nằm mơ mới thấy được thôi. Vậy nên mình viết bài này, không phải là tư vấn mọi người build một dàn PC ngon nhất, mà chỉ phân tích ưu nhược điểm của việc đầu tư từng linh kiện trong bộ máy tính các bạn sắp sửa lắp cho mình mà thôi.

*Thật ra là nợ bài anh Đăng Bông lâu quá nên phải viết, không ảnh lại giận không chơi với mình nữa thì buồn lắm.

*Budget PC không phải là PC giá rẻ nhất có thể, 10tr cũng gọi là budget PC, 20tr cũng có thể gọi là budget PC miễn sao ta lựa chọn linh kiện hợp lí. Nói thế chứ đừng có đem mấy dàn máy hơn 100tr rồi nói nó là budget PC nhé, người ta vả cho không còn răng á.

*Bài viết về desktop nhưng có thể áp dụng cho laptop, tablet, điện thoại… thậm chí DSLR hay đồ chơi công nghệ khác cũng có thể dính líu tới.

*Bài viết dựa vào một số quy tắc nhất định, có thể không chính xác trong mọi trường hợp nhưng có thể áp dụng tốt cho phần lớn các thiết bị.

Quy tắc 1: Tỉ lệ P/P (performance/price – hiệu năng/giá thành) luôn đi theo đồ thị hình sin: mỗi thiết bị luôn có một mốc giá nhất định X, hiệu năng luôn tăng mạnh khi giá thành sản phẩm tiến từ 0 đến giá trị X đó, khi vượt qua giá trị X thì việc bỏ thêm tiền cho sản phẩm sẽ không đem lại hiệu năng tương xứng tốt nhất với giá tiền bỏ ra (không có nghĩa bỏ nhiều tiền hơn là bị mua đồ cùi hơn).

Quy tắc 2: Hãy cố bỏ thêm tiền cho sản phẩm chủ lực phục vụ cho mục đích quan trọng nhất khi ráp máy: không phải cứ CPU, RAM, GPU… mà có thể là bất kì linh kiện khác, miễn sao nó là linh kiện quan trọng nhất dẫn đến việc mình phải ráp máy để sử dụng cho mục đích nhất định nào đó. Mục đích có thể là tăng hiệu năng, hoặc tăng độ ổn định, thậm chí là tăng trải nghiệm người dùng. Không nên cố quá đối với các linh kiện có thể nâng cấp dễ dàng sau này. Cố quá thành quá cố 😛

Quy tắc 3: Trong cùng một phân khúc sản phẩm, cứ hàng nào gắn mác OC thường có tỉ lệ P/P sida hơn so với bản chuẩn. Tuy nhiên mấy em đó lại có mấy cái râu ria đáng để ta cân nhắc nên trừ phi giá nó bất hợp lí quá còn không ta có thể xem xét. À mà nếu chi thêm chút cho chính sách bảo hành tốt hơn thì nên, hàng điện tử nó ảo diệu lắm nên cứ còn bảo hành là tụi nó còn được giá.

Ok, giờ ta bước vào từng linh kiện một nhé. Mình sẽ đề cập tới một số brand thông dụng làm ví dụ, còn nhiều sản phẩm ít thông dụng hơn nhưng hiệu năng cũng ngon lành nên tùy thuộc sở thích của từng người mà mua sắm nhé. Các sản phẩm mình đề cập hoặc là mình đã dùng qua hoặc là được khẳng định trên thị trường chứ không phải là mình quảng cáo cho một thương hiệu nào riêng đâu (à mà nếu có tiền thù lao quảng cáo thì page cho em hưởng tí nhé).

CPU: Người ta nói CPU là bộ não của máy tính nên ta đã hiểu tầm quan trọng của CPU đối với máy tính như thế nào. Một con CPU mạnh hơn đồng nghĩa với máy tính xử lí được nhiều việc hơn, làm việc gì cũng nhanh hơn… Nhưng công nghệ CPU thường phát triển khá nhanh, việc bỏ ra 500$ cho một con CPU high-end năm nay có thể sẽ lãng phí khi năm sau sức mạnh của một con mid level giá chỉ 200$ lại xấp xỉ em nó, cái này mấy bác mua Kaby Lake trước khi có Ryzen và Coffe Lake chắc biết rõ cảm giác lắm nhỉ? Mà thằng CPU lại là thằng khó thay thế thứ nhì trong dàn máy (tụi CPU nó bền bỏ mịa ra, lại thay đổi socket thường xuyên) nên việc lên đời em nó cũng khá là khoai.

Đối với gaming PC, tùy thể loại game thiên về tính toán hay đồ họa mà yêu cầu sức mạnh xử lí của CPU sẽ khác nhau, mọi người nên hướng tới mục đích chính khi chơi game để chọn CPU vừa phải. VD: nếu chơi CS:GO hoặc đa số các game thể loại hành động khác, chỉ với một con i3 hoặc thậm chí Pentium (đời mới đây thôi nhé, đừng lôi tụi Pentium 4 vào) là có thể chiến tốt, còn trong dòng game chiến thuật kiểu Civilization hay Total War thì i5 đôi khi vẫn ngắc ngoải. Vậy nên tùy thuộc vào thể loại game mà chọn CPU hợp lý, đối với đa số thiết bị + game hiện nay, dòng i5 hoặc Ryzen R5 hiện đang là điểm ngọt của hệ thống, i3 thì hơi yêu, i7 thì lại hơi thừa.

Đối với coder hoặc người làm lĩnh vực sáng tạo: hình như CPU càng nhiều nhân làm việc càng hiệu quả hay sao ấy.

Đối với dân văn phòng: ổn định là được rồi, tụi Pentium bây giờ thừa khả năng đáp ứng nhu cầu (trừ ai chơi Excel vài ngàn dòng nhé)

Mainboard: Thằng này (con chứ nhỉ, người ta gọi là Motherboard mà) là thằng khó thay thế nhất mà lại dễ hỏng hóc vặt nhất trong cả hệ thống. Thường chỉ ai muốn thay CPU socket khác thì mới thay main thôi, còn lại toàn xài cho tới khi nó hỏng thì lắp dàn mới. Nó được ví như bộ khung xương gắn đủ thứ trên đời lên đó nên nó dễ hỏng lắm, bao nhiêu chân cắm, đút ra đút vào nhiều rồi cũng có ngày hỏng vặt (phàm trên đời thứ gì có nhiều lỗ thì thứ đó lại có nhiều vấn đề). Vậy nên thường thì nên chọn mainboard nào tốt tí, bảo hành lâu lâu tí, mắc hơn một vài trăm ngàn nhưng được cái bền thì vẫn tốt hơn, nhất là trong khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.

Ngoài ra Mainboard giá cao hơn thường đem lại mấy cái linh tinh ngon hơn: tản nhiệt ngon hơn, chipset (tất tần tật các loại chipset trên main: chip cầu nam, chip âm thanh, chip mạng, CMOS…) ngon hơn, hỗ trợ nhiều Ram/lane PCI hơn, hỗ trợ bộ nhớ tốt hơn (Sata, M2, PCIe), tụ ngon hơn, bền hơn… vân vân và mây mưa các thứ trên đời. Mà thường mấy cái đó hoặc linh kiện khác xử lí ngon rồi, hoặc tính năng cơ bản là đủ đáp ứng nhu cầu rồi nên việc bỏ tiền thêm cho mainboard chỉ cần tập trung vô một thứ: bền hơn.

GPU: Ai chơi game/làm độ họa hoặc dùng Ryzen thì nghĩ tới, còn lại thì có thể bỏ qua. Nếu CPU được ví như bộ não, mainboard là khung xương thì thằng GPU này chính là cơ bắp vận động của dàn máy tính. GPU mạnh hơn thì ta chơi game sẽ mượt hơn, render ngon hơn, hình ảnh đẹp hơn… nhưng GPU cũng là thành phần ngốn tiền nhất của một dàn máy. Cái này tùy thuộc vào túi tiền và mục đích sử dụng để mua, thích chơi game hành động thì cơ bắp phải khỏe, thích chơi game trí tuệ thì cơ bắp chỉ cần đủ xài, nên tập trung phát triển bộ não. Mà thường tụi GPU này nó có dải P/P khá ổn định, đối với nVidia thì từ thấp lên series x60 P/P tăng, từ x60 trở lên P/P lại giảm dần nên việc chọn lựa khá dễ. Anh em lên HSBT chắc cũng ổn ổn về GPU rồi nên chọn sao thì chọn miễn đừng chọn kiểu 1080Ti dùng chỉ để chơi Liên Minh Huyền Thoại trên màn FHD 60Hz là được (người ta gọi là khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng á).

Đối với bạn nào mua hàng 2nd hand, phải check thật kĩ đặc biệt dòng RX của AMD. Bây giờ bão bitcoin ghê lắm nên không biết cái nào hàng ngon cái nào hàng đểu đâu. Tốt nhất mua mới cho lành.

RAM: Đối với cá nhân mình, 4GB là tối thiểu, 8GB là tạm đủ, 16GB là ngon. Đừng ai nói 4GB là đủ, giờ xài 64bit hết rồi, nếu chơi game nặng nặng tí là không đủ sức gánh thêm vài ba tab trình duyệt đâu. Nếu main hỗ trợ nhiều slot, ưu tiên kênh đôi hơn kênh đơn (2 thanh 2GB cho hiệu năng ngon hơn 1 thanh 4GB cùng phân khúc), mà Ram thì dễ nâng cấp nên nếu kinh phí hạn hẹp có thể chỉ mua trước 1 thanh thôi, sau này có tiền mua thêm. Chọn mua Ram hãng nào, dòng nào tùy sở thích cá nhân, miễn sao mua hàng phân phối và bảo hành chính hãng ở Việt Nam là được, tụi Ram này lung tung lắm, thích thì bền mà thích thì lăn ra chết không à.


Lưu ý giờ giá Ram đang cao lắm, đừng nên mua sắm gì giờ này không lại hối như mình (thanh DDR3 8GB giá 1tr6)

HDD/SSD: Nếu không có dư tiền, SSD only. Nếu tiền tầm trung, SSD cài win, HDD chứa game và tài liệu học tập văn hóa Nhật. Nếu khá giả thì chơi luôn con SSD dung lượng lớn chuẩn PCIe cho nó máu. Tin mình đi, xài SSD một lần là đảm bảo không bao giờ quay lại dùng HDD nữa đâu, mở cái gì cũng nhanh chóng, bật win chưa kịp đi tè đã bắt đầu làm việc được rồi, chơi game thì load map bao nhanh… Bây giờ mạng internet cũng phát triển rồi, dữ liệu gì cũng có thể lưu trữ trên mây hết nên việc bỏ tiền ra để lấy mấy trăm GB dư thừa không phải là ý kiến hay. Tài liệu quan trọng đem lên mây hết vừa an toàn vừa tiện lợi, ở đâu cũng có thể mở được chứ không còn cái cảnh kè kè mang theo USB hay tất tả chạy về nhà vì quên chép tài liệu vô USB.

Đối với dân văn phòng, sắm SSD ngay và luôn, riêng khoản hiệu năng làm việc tăng lên -> tăng lương thôi cũng quá cha số tiền bỏ ra để nâng cấp từ SSD lên HDD rồi đấy.

Nguồn: Bộ nguồn là trái tim của cả hệ thống, CPU có thông minh, GPU có lực lưỡng đi chăng nữa mà mang trong mình trái tim mong manh yếu đuối thì cũng chả làm nên trò chống gì. Tốt nhất nên dành ra một khoản ~1tr (đối với dàn máy trên 10tr) đến gần 2~ (cho dàn máy trên 20tr) để đầu tư cho bộ nguồn. Nguồn xịn thì linh kiện tốt hơn, điện áp ổn định hơn, dòng điện sạch hơn… tất tần tật đều đem đến một hiệu quả: dàn máy chạy ổn định hơn. Chứ xài nguồn dổm có vài ba trăm ngàn để gánh i7 GTX 1080 các loại chẳng chóng thì chày linh kiện trong máy tính cũng hỏng te tua ra thôi, đấy là mình không tính tới vấn đề cháy nổ ấy nhé. Lưu ý nên chọn bộ nguồn có công suất đầu ra thực cao hơn tổng công suất dàn máy tiêu thụ từ 100-150W (tùy dòng máy) để sau này có nâng cấp hay gì đó thoải mái hơn, đồng thời cũng tránh việc nguồn phải làm việc cường độ cao thời gian dài -> bền hơn nữa.

Màn hình: Chúng ta tương tác với máy tính thông qua màn hình và thiết bị ngoại vi, những thứ bên trong mạnh mẽ đến mấy và chúng hoạt động ra sao ta không biết nhưng thành quả của nó sẽ hiện rõ ràng ra trên màn hình. Mà dùng màn hình là ta phải sử dụng đôi mắt nên việc chọn màn hình luôn phải là một trong những linh kiện quan trọng nhất của dàn máy (cốt để bảo vệ đôi mắt thôi, mắt mù khổ lắm). Màn hình thì có đủ thể loại, từ FHD đến 4K, từ TN đến IPS, OLED các kiểu, từ 60Hz đến 144Hz hay thậm chí 200Hz. Tùy kinh phí mà mục đích để ta chọn màn hình phù hợp với nhu cầu bản thân.

Chơi FPS hay game hành động thì màn 144Hz luôn là số một, chơi game chậm rãi muốn ngắm cảnh thì còn gì bằng màn IPS chất lượng cao, muốn độ phân giải cao để nhìn rõ chân lông diễn viên văn hóa Nhật thì màn 4K là nhất (phải có nguồn không che 4K nhé chứ công nghệ nhật sida lắm, toàn bị mờ lung tung thôi). Còn ai thích coi film thì còn gì phê hơn màn hình rộng rãi nào (có màn hình TV).

Gear: Bên cạnh màn hình thì gear là một trong số những cách (gần như là duy nhất) để ta tương tác với máy tính. Bộ lòng ngon đến mấy mà sử dụng trên một con chuột hàng bãi, một bàn phím cao su giá rẻ thì trải nghiệm sử dụng của ta cũng sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực mà thôi. Thường thi mấy linh kiện ngoại vi này dễ dàng nâng cấp, trao đổi nên việc mua đi bán lại không phải là gì khó khăn.


Chuột tốt hơn thì cầm chuột sẽ thoải mái + đỡ mỏi tay hơn, rê chuột cũng mượt mà chính xác hơn, điều này đặc biệt quan trọng với các game MOBA, FPS;

Bàn phím tốt hơn thì trải nghiệm gõ tốt hơn, chơi game ngon hơn. Đặc biệt là với bàn phím cơ, cảm giác như đi xe máy quen rồi không còn muốn đi xe đạp vậy, độ sướng phải nói là không thể tả nổi. Phím cơ cũng dễ mod, dễ trao đổi, dễ bán lại… nên việc trải nghiệm nhiều loại sản phẩm phím cơ khác nhau trước khi tìm ra tình yêu của đời mình khá là dễ dàng. Đối với dân văn phòng hoặc coder thì bàn phím cơ sẽ giúp ta nhập liệu nhanh hơn, chính xác hơn, phê hơn, tránh bị chấn thương hơn… từ đó đem đến một hiệu suất làm việc tốt hơn (và tất nhiên là lương cao hơn nữa). Mà em khuyên thật, nếu ai chưa dính vô thì đừng nên dính vào, heroin nhựa đấy chứ chẳng chơi đâu;

Tai nghe/loa tốt hơn thì trải nghiệm chơi game, nghe nhạc, xem film sẽ phê hơn rồi. Đối với game FPS thì tai nghe xịn sẽ giúp ta xác định vị trí địch tốt hơn. Với film ảnh thì dàn loa 5.1, 7.1 hay thậm chí chỉ là 2.1 tốt cũng đem lại cảm giác hòa mình vào bộ film hơn hẳn hệ thống âm thanh rẻ tiền. Với âm nhạc thì trừ khi bạn là dân chơi audiophile chính hiệu, còn không thì chỉ cần một chiếc tai nghe tốt thôi là ta có thể đắm chìm vô thế giới của piano, của guitar, của violon hay giọng ca đầy truyền cảm cuốn hút lòng người của Tài Smile rồi;

Gamepad, volang, Joystick là những phụ kiện nên có đối với nhiều tựa game. Ngoài các game FPS và dòng game đặc thù, thì việc cầm gamepad ngả lưng ra ghế chơi vẫn sướng hơn là chuột và bàn phím chứ. Chơi game đua xe thì bộ Vô lăng là số 1, cái gì có thể hơn nó á: đua xe thật (mình từng dùng thử bộ vô lăng của Logitech rồi, cảm giác rất là phê, chơi đua xe nó quen cái đi học bằng B2 nhảy lên xe làm quen nửa tiếng là bon bon ngoài đường lộ rồi). Joystick thì bản thân nó sinh ra là dành cho game lái máy bay (không phải bà già) rồi nên không cần nói thêm nhé.

Còn bộ phụ kiện AR nữa, nhưng mà cái đó hàng cao cấp rồi nên mình không có điều kiện trải nghiệm. Bác nào xài rồi cho mình xin đánh giá ạ 😊

Tản nhiệt: Tản nhiệt sinh ra để làm gì? Là để làm mát hệ thống, tránh quá nhiệt từ đó tăng độ bền cho dàn máy tính của mình. Giống như khi ta đi xe, để đảm bảo an toàn cho cơ thể ngoài việc đi xe đúng luật thì ta còn phải đội mũ bảo hiểm các loại ấy, tản nhiệt tốt sẽ giúp cho hệ thống mát mẻ hơn, từ đó tăng độ ổn định cho máy tính hơn. Chỉ 3-400k là có thể mua được một bộ tản nhiệt khí cho CPU loại trung (ngon hơn tản nhiệt stock), khoảng 1tr là được một bộ tản nhiệt nước AIO đủ để chiến hầu hết CPU ở đa số điều kiện (mấy tay Ocer cút ra khỏi đây nhé). Đấy chỉ là tản nhiệt CPU, còn tản nhiệt GPU (cái này tỏa nhiệt còn ghê hơn vi xử lí nữa), tản nhiệt RAM, tản nhiệt main… đủ các thể loại để ta tăng cường độ ổn định của hệ thống. Đó là chưa nói đến việc các bộ tản nhiệt mua thêm thường có thêm mấy cái đèn led lập lòe nữa, vừa tản nhiệt vừa làm đẹp cho cả hệ thống.

Thùng máy: Cái này nâng cấp sau hay mua thẳng cũng chả ảnh hưởng gì nhiều tới tổng giá trị dàn máy, nhưng lại là một vấn đề rất dễ mà cũng rất khó. Bản chất của case phổ thông là giá mới không mắc lắm, nhưng nó lại rất khó bán lại, nên việc thay case thì thường là bỏ xó cái case cũ đi khi đem case mới về. Đó là chưa kể tới việc mang bộ lòng từ case cũ qua case mới cũng nhiêu khê lắm, mình lắp cũng kha khá máy, cũng quen tay nhiều rồi nhưng mà một lần mình chuyển case cũng mất cả nửa ngày trời từ lắp ráp đến tối ưu, đi dây, dọn dẹp “góc học tập”…

Một case chất lượng thì nó cũng ngon hơn case phổ thông nhiều, máy thoáng đãng hơn đi dây dễ hơn, có chỗ giấu dây thoải mái hơn, có basement để giấu linh tinh, có cửa hông để khoe nội thất bên trong (bác nào chơi GPU ram quạt led lủng mà lắp vô case kín bưng thì tự nhận mình ngu đi nhé).

Sound Card: Với nhu cầu sử dụng thông thường, thì chip âm thanh đã đủ để đáp ứng 96,69% người sử dụng, nhưng với một Sound Card loại khá thêm vào, âm thanh sẽ hay hơn, trong trẻo hơn, ít bị nhiễu hơn… ngoài ra khi đó CPU cũng đỡ phải tốn tài nguyên để xử lí âm thanh hơn. Thường thì cái này sẽ là lựa chọn bổ sung cho những ai thích nghe nhạc chất lượng cao.

Linh kiện ngoại vi khác: Bluetooth, Wifi, USB 3.0/3.1/Type C, Lót chuột, Ổ quang Bluray, khe đọc thẻ nhớ, Webcam… hằng hà sa số thứ thêm vào khiến cuộc sống chúng ta tươi đẹp hơn, tại sao lại không cho thêm vào nhỉ?

Phần mềm: Cái này thì cũng hơi nhạy cảm, nhưng mình nghĩ đã bỏ ra chục triệu ráp dàn máy thì sao không bỏ ra thêm chút nữa để sử dụng phần mềm bản quyền? Dùng phần mềm bản quyền thì lợi hại sao so với bản c*ack rồi ai cũng biết nên không nói nữa ha. Không cần thiết phải mua hết tất cả đâu, chỉ cần một số phần mềm thiết yếu ta cần dùng thôi: Windows bản quyền xịn, Office 365 (gói 5PC trong 1 năm ngon lắm, tính ra mỗi tháng 1 người bỏ ra có vài chục ngàn à, mà được hẳn 1TB lưu trữ cùng hỗ trợ tận răng của Microsoft), vài game mình thích… Bỏ tiền ra để dùng một thứ mình thích cảm giác vẫn phê hơn là đi sử dụng đồ ăn cắp chứ đúng không?

Trang thiết bị xung quanh: Trang thiết bị xung quanh là gì? Là bàn, là ghế, là đồ trang trí… cái này tùy kinh phí có thể làm luôn hoặc để dành xây dựng từ từ. Một cái bàn rộng rãi sẽ cho cảm giác thoáng đãng thoải mái hơn, một cái ghế công thái học sẽ giúp cho sống lưng ta được êm ái hơn, đồ trang trí để khẳng định cá tính riêng của mình… tất cả đều giúp cho ta một trải nghiệm tin học vui hơn, phê hơn và hiệu quả hơn 😊

Đây chỉ là phân tích ưu điểm của việc chi thêm chút đỉnh cho một hoặc nhiều linh kiện của máy tính. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bạn tự xây dựng dàn PC cho riêng mình nhé 😊

Bài được viết bởi bạn Việt Anh. Vô cùng cảm ơn bạn đã dành thời gian viết bài.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


9 cụng ly

  • sctiendat - 05.03.2018

    Nhờ mod giúp đỡ build PC:
    Với max là 30tr với nhu cầu của mình là:
    – Ưu tiên 1: Làm game 3D tầm trung bằng Unity.
    – Ưu tiên 2: Sử dụng các ứng dụng như Photoshop,Ilustrator. Nhiều khi phải nhảy sang cả bên After Effect, Premiere hay Lightroom.
    – Ưu tiên 3: Sử dụng các phần mềm 3D như Maya, Blender.
    Mình định build thế này:
    CPU Intel Core i7-8700
    Mainboard Asrock Z370 Pro 4
    RAM Corsair Vengeance® LPX 8GB (1x8GB) DDR4 DRAM 2666MHz (x2)
    Ổ cứng Western Digital Caviar Blue 1 TB 64MB Cache
    Ổ cứng SSD Samsung 860 EVO 250GB 2.5″ SATA III
    Nguồn Xigmatek Shogun SJ-B500 500W
    Màn hình máy tính Dell P2317H – 23 inch LED IPS
    Tản nhiệt khí Air Cooling Deepcool gammaxx 400 (Blue)
    Tổng giá = 26tr.
    Mình đang hoang mang con VGA quá, liệu mình có thể xài tạm card onboard được không nhỉ ? đợi giá VGA nó xuống.
    Chứ nếu thêm con VGA GIGABYTE GV-N1060WF2OC-6GD (GeForce GTX 1060) thì giá đội thêm hơn 8 củ nữa @@ hơi quá sức.
    Mod xem cấu hình như trên đã ổn với nhu cầu của mình chưa với 😀


    • Đến bạn sctiendat
      Theo mình với nhu cầu trên bạn chỉ cần cpu i5 8400 thôi, với sự cắt giảm chi phí như vậy bạn có thể lên 16gb ram, VGA thì xài tạm 1060 6gb của Zotac hay Palit, hoặc nếu thực sự muốn xài 1060 6gb của Gigabyte thì có thể xài đỡ 1050 Ti rồi up lên 1060 sau.


    • sctiendat - 06.03.2018

      Cảm ơn mod nhiều ạ.
      Cấu hình ở trên của e là 16gb ram ạ (1x8gb x2). Em được tư vấn i5 không khác biệt nhiều so với i3, nên lấy i3 tiết kiệm chi phí hoặc lên hăn i7 luôn, làm em phải cố lên i7 😀 Ý kiến đó có đúng không ạ ? Lấy i5 đắp vào VGA chắc ổn ạ.
      Bây giờ giá VGA đang cao quá, liệu em xài tạm card onboard có ảnh hưởng nhiều đến hiệu năng không ạ.


    • Người ta khuyên bạn lấy i3 để tiết kiệm chi phí không phải vì nó same same i5 đâu mà là vì i3 8100 với 8350k có thể gánh được 1060 mà không nghẽn cổ chai rồi. Còn theo tớ thì i5 8400 là best p/p, Trong tình trạng giá VGA đang leo thang thế này thì khó mong nó giảm giá được, sau này có nâng CPU cũng dễ hơn nâng VGA, còn nhu cầu như của bạn thì cũng không xài onboard được đâu.


    • Nguyễn Thái Nhật - 07.03.2018

      Mình nghĩ nên thay i7 =ryzen 5 1600 rồi để nguyên gtx 1060


  • sctiendat - 06.03.2018

    Cảm ơn mod nhiều, mod nhiệt tình quá 😀 Mình rõ rồi 😀


  • Dizzy_Bui - 10.04.2018

    Xin chào Hiệp sĩ. Nhờ Hiệp sĩ build cho mình full bộ gaming PC tầm giá 14tr được không ạ? (Gồm Case + Màn + keyboard, do chuột mình đã có rồi). Thanks Hiệp sĩ ạ 😀


  • Hà Duyên Thắng - 19.09.2019

    Nhờ hiệp sĩ build cho em 1 con pc tầm 17tr dùng lập trình android, chơi được pubg ngon lành. Cám ơn hiệp sĩ :v


Đọc thêm