Muốn tìm một game hay trong thời điểm hiện tại thì không khó nhưng tìm một con game vừa hay mà vừa phải đáp ứng được cái cấu hình máy “không được mạnh cho lắm” thì không phải dễ dàng gì. Đối với những game thủ không có điều kiện, việc sở hữu dàn PC cấu hình khủng là điều vô cùng khó khăn, nhất là khi đồ họa của những tựa game hiện nay liên tục được nâng cấp, đòi hỏi người chơi phải sở hữu chiếc PC tốt để trải nghiệm. Tui cũng từng như vậy vào thời điểm năm 2012 đến khoảng 2018. Một con máy với chip G2020, 2gb ram, không Card đồ họa, main H61… thì việc chơi game còn khó hơn là có người yêu nên tui phải lựa chọn những tựa game phù hợp với máy. Vì vậy, trong bài này tui muốn tổng hợp những con game tui đã chơi qua và phá đảo trong giai đoạn khó khăn ấy.
Hyper Light Drifter
Như đã nói ở trong một bài nào đó tui đã viết thì tui là một người có cảm xúc mãnh liệt một cách lạ lùng với những con game hành động, chặt chém, Platform 2D, rough-like… một trong số đó là Hyper Light Drifter. Tựa game indie đồ hoạ 16-bit đẹp một cách bất ngờ, vừa mang chất kinh dị nhẹ vừa mang chất giải đố và hành động. Những màn chiến đấu đậm chất võ sĩ đạo, liên tục và dồn dập, những pha né đòn, chém, bắn súng, phản đòn lặp đi lặp lại, một nhát chém, một viên đạn được bắn ra, một nước đi, những kĩ năng được nâng cấp là một sự tính toán kĩ lưỡng… Một điều khá “dị” của game là lời thoại sẽ được thay bằng những hình ảnh và những kí tự của game khiến cho cốt truyện của game càng bí hiểm hơn. Những màn đánh boss cũng như mini boss khiến bản thân tui như có được tốc độ của The Flash vậy, những chiêu thức được tung ra liên tục không có thời gian để do dự, chỉ 0,1s rất nhỏ cũng khiến cho bản thân mất mạng. Chính Hyper Light Drifter là 1 phần hình thành nên sở thích cho bản thân tui với những game Platform 2D, rough-like.
Fran bow
Đây là một trong những tựa game kinh dị hiếm hoi mà tui có thể chơi (không phải do cấu hình máy yếu mà do tui sợ game kinh dị). Nói là tui có thể chơi vì game không lấy những pha jumpscare làm điểm mạnh, sự kinh dị đáng sợ của game nằm trong artstyle có phần trẻ con và thơ mộng của game, Ngoài ra với cốt truyện với nhân vật chính là Fran có vấn đề về thần kinh khiến cho chúng ta khó có thể phân biệt được đâu là thực tại và đâu là sự hoang tưởng của Fran, khiến cho không khí và cốt truyện của game càng độc đáo và khó đoán hơn rất nhiều. Bối cảnh trong game làm cho tui cảm thấy như đang xem Alice ở xứ sở thần tiên phiên bản kinh dị vậy, vừa tràn đầy màu sắc, hi vọng, vừa u tối, đáng sợ.
The Final Station
The Final Station là một game sinh tồn 2D, nơi đây bạn là một người lái tàu trong một bối cảnh có thể nói là tận thế. Bạn phải duy trì và tiếp tục di chuyển đến trạm tiếp theo trong khi sửa chữa những phần hỏng hóc của con tàu và quan tâm đến những hành khách của mình. Mỗi trạm dừng là nơi để bạn lấy mã vận chuyển để con tàu có thể đi tiếp, đó cũng là nơi bạn lấy thêm đồ tiếp tế cũng như chạm mặt những sinh vật bị biến đổi từ thảm họa (tui may mắn được biết tới tựa game này trong một lần tình cờ xem được video trên channel cờ su).
Enter the Gungeon
Bắn, bắn và bắn, game thật sự chỉ tóm gọn đơn giản trong 1 chữ “bắn”. Hệ thống súng đạn vô cùng nhiều và đa dạng cho người chơi có thể thoải mái lựa chọn phong cách của riêng mình từ cháy nổ như Michael Bay bằng khẩu Yari Launcher hay one hit one kill bằng khẩu Makeshift Cannon. Không những vậy, người chơi còn phải ấn tượng trước sự… khó hiểu và dị hợm của những con boss được làm theo đề tài súng đạn. Gameplay dễ làm quen mà khó, đồ họa pixel đẹp và real smoothhh, rất đáng để giết thời gian. Cốt truyện của game cũng khá sáng tạo, một nhóm những nhà thám hiểm đã từng mắc một sai lầm lớn trong cuộc đời đang cố gắng sửa sai bằng cách phiêu lưu vào một tòa tháp lấy chủ đề súng đạn, mục tiêu chính là tìm được viên đạn có khả năng giết được quá khứ để làm lại từ đầu.
Late Shift
Late Shift là một trò chơi điện tử FMV (FMV Game là thể loại video game được trình bày trực quan dưới dạng điện ảnh và chứa rất nhiều mã kịch bản, thường là thông qua việc sử dụng các đoạn phim thực). Bạn, trong vai một bảo vệ gác đêm, bất ngờ bị đe dọa bắt tham gia một vụ cướp cực kỳ nguy hiểm. Mọi lựa chọn của bạn trong từng đường đi nước bước đều sẽ ảnh hưởng đến kết cục của bạn trong game. Với 180 lựa chọn khác nhau và 7 kết thúc, có thể khẳng định rằng, tác phẩm này phi tuyến tính đến mức tuyệt đối. Được chính biên kịch của bộ phim Sherlock Holmes (2009) chắp bút, có thể khẳng định là không cần nghi ngờ về chất lượng cốt truyện của Late Shift. Dù rằng có dung lượng lên đến 7.5GB, nhưng tất cả chúng đều chỉ là những đoạn video clip ở độ phân giải 1080p, phụ đề và mã lệnh để khi bạn lựa chọn phương án cho nhân vật, game sẽ tự động chuyển sang đoạn phim kế tiếp. Tất cả tạo ra một trải nghiệm cực kỳ hoàn chỉnh, không có tải màn chơi gây gián đoạn gameplay.
Geometry Dash
Thật sự thì tôi không chơi mà anh tôi chơi cơ, ổng chơi giỏi cực =). Geometry Dash có lối chơi vừa đơn giản vừa cực kỳ phức tạp, đơn giản vì chỉ cần chạm tay vào màn hình để nhân vật do mình điều khiển né những chướng ngại vật, phức tạp vì những chướng ngại vật xuất hiện với tần suất dày đặc và có tốc độ di chuyển nhanh dần. Âm nhạc mới là điểm nhấn khi nhà phát hành đã canh chuẩn xác khi một giai điệu vang lên là một lần người chơi phải chạm tay vào màn hình để né chướng ngại vật, tất cả các level (trừ ba level cấp độ Demon trong phiên bản đầy đủ) được mở khóa ngay từ đầu, do đó chúng có thể được chơi không theo trật tự nào hết. Game hiện có 21 màn chơi chính và gần 30 triệu màn chơi khác được người hâm mộ tạo ra (theo thông tin từ nhà phát hành) và đang mở rộng ra từng ngày. Chứng tỏ tựa game đã giành được cảm tình rất lớn từ người chơi nên đã khiến họ dành rất nhiều tâm huyết để chung tay phát triển nó ngày một lớn mạnh.
Limbo
Với tông màu đen trắng đối nghịch nhau làm chủ đạo, Bạn sẽ vào vai một cậu bé Limbo lạc vào khu rừng bí mật xuyên suốt trò chơi, chàng trai trẻ sẽ đụng độ vô số những thử thách khó khăn đòi hỏi người chơi cần có sự kiên trì nhất định để vượt qua. Đồ họa ở Limbo không đòi hỏi yêu cầu quá cao mà rất nhẹ nhàng với một game platform với một dung lượng game cũng khiêm tốn không kém so với mức đồ họa. Không có màn chơi tách biệt, LIMBO là một hành trình xuyên suốt. Trò chơi sẽ khó dần lên khi càng về sau, đòi hỏi người chơi vận dụng quán tính, trọng lực và sự chính xác tuyệt đối để có thể vượt qua chướng ngại vật. Thay vì sử dụng các hiệu ứng đồ hoạ hay âm nhạc dồn dập để kích thích thị giác, tăng trải nghiệm, LIMBO tác động đến người chơi thông qua sự ảm đạm, trống rỗng, im lặng.
Thế thôi =), mặc dù lúc đó khó khăn thật nhưng vẫn vui khi có thể chơi được những tựa game hay như này. Bây giờ, dù có chơi được nhiều tựa game bom tấn hay bom tạ gì đó nhưng tui lại cảm thấy có gì đó không vui nữa. Đây chỉ là 7 trong số nhiều tựa game mà tui đã chơi qua thôi, do bài viết khá dài rồi nên tui để dành cho bài sau. Hẹn gặp lại, byeee.