Chinh phục tốc độ là một trong những ham muốn lớn nhất của con người. Đương nhiên nếu sở hữu một chiếc xe rồi vi vu trên những con đường đèo hay đường cao tốc với vận tốc 100 km/h bạn có thể trải nghiệm cảm giác tuyệt vời đó tuy rằng rất mạo hiểm. Chính vì thế những game đua xe ra đời không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm tốc độ nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người chơi mà còn luôn cập nhật những mẫu siêu xe mới nhất.
1. Need for Speed
Trong tất cả những danh sách về các tựa game đua xe chắc chắn một tên tuổi không bao giờ thiếu đó là Need for Speed. NFS có thể gọi là khởi nguyên của tất cả những game đua xe thể thao hiện đại sau này. Mới đây nhất phiên bản ra mắt năm 2016 lấy nguyên tên Need for Speed vừa được ra mắt. Nếu từng chơi qua phiên bản Underground hẳn bạn sẽ cảm nhận được bước đi của NFS 2016 cũng nối gót thành công của đàn anh. Ghost Games đã làm tương đối thành công khi cố gắng giảm sự dễ dàng trên những cung đường của game. Hệ thống drift giờ đây đòi hỏi những kĩ năng cao hơn chứ không drift bừa ở bất cứ góc độ nào hay mặt đường nào như các phiên bản trước. Thậm chí game cũng cung cấp option Handling Style để người chơi có thể tinh chỉnh độ bám đường của lốp xe sao cho phù hợp với bản thân nhất. Tuy nhiên NFS 2016 cũng chứa tương đối những hạt sạn lớn nhỏ. Chẳng hạn như việc cày điểm Speed point quá đơn giản thậm chí bạn đang lao đi như con thú với tốc độ 300 km/h nhưng khi bị đâm thì chỉ bị trầy xước nhẹ, chẳng thực tế chút nào.
2. Forza Horizon 3
Lấy bối cảnh tại đất nước Australia xinh đẹp và lễ hội đua xe Horizon Festival cuồng nhiệt, phần 3 của Horizon hứa hẹn sẽ làm bạn phải đạp ga hết cỡ để trải nghiệm tốc độ thực sự cùng phong cảnh nơi đây đấy. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa lái những mẫu siêu xe mới nhất của Lamborghini, BMW,… trên những con đường rừng rộng thênh thang hay là bờ biển cát trắng nắng vàng. Bộ sưu tập của Horizon 3 lên tới 350 chiếc xe, thậm chí vượt mức hài lòng cho bất cứ người hâm mộ đam mê xe cộ nào. Chưa hết, những tính năng đặc trưng cho một tay đua cũng được phát triển cẩn thận, đặc biệt là phần độ xe. Người chơi ngoài tuỳ biến vẻ ngoài của con xe yêu thích, tinh chỉnh động cơ còn có thể thay đổi lốp xe của các hãng sao cho phù hợp với đường đua và thời tiết. Âm nhạc cá tính cũng là một phần quan trọng đối với bất cứ tựa game đua xe nào. Ngoài việc tuỳ chỉnh các kênh radio với đủ các thể loại âm nhạc underground, bạn còn có thể tải lên những bản nhạc trong máy vào game để thưởng thức nữa. Horizon 3 sở hữu cả một hệ thống Auction House và Storefront cho phép người chơi đấu giá những mẫu xe độ hầm hố hoặc đơn giản chỉ là show-off thành quả lao động mà mình đã cày cuốc nhiều giờ.
3. Rocket League
Với Rocket League, người chơi không đơn thuần là đua xe xem ai về đích trước mà phải điều khiển chiếc xe như một cầu thủ bóng đá trong một trận cầu nảy lửa. Chiếc xe do người chơi điều khiển sẽ tăng tốc rồi tạo cú húc vào quả bóng và muốn quả bóng đi theo đúng hướng mình muốn đương nhiên người chơi sẽ phải căn hướng di chuyển thật chuẩn xác. Tính ganh đua của trò chơi nằm ở chỗ người chơi sẽ phải tranh giành, cản phá người chơi đội khác bằng mọi cách và ngăn không để họ ghi bàn. Trò chơi đòi hỏi kỹ năng điều khiển xe thành thục từ người chơi. Bạn cần khéo léo dẫn bóng và không để bị đối phương giành mất trong khi nếu bạn là người đang tranh bóng thì tốc độ chính là thứ bạn cần. Rocket League là một game rất dễ gây nghiện bởi những pha làm bàn thường gây ra sự kích thích rất lớn tới người chơi. Trong sân sẽ hiện ra một vài điểm hỗ trợ cố định mà người chơi có thể dùng để tăng tốc độ, gây nổ để tạo lực húc, bật cao xe để “đánh đầu”,… Không chỉ có vậy, người chơi sẽ được tuỳ ý trang trí chiếc xe đồ chơi của mình với đủ loại phong cách từ hầm hồ đến dễ thương.
4. Shift 2
Shift 2 là phiên bản đánh dấu sự trưởng thành mới của dòng game NFS. Không còn đâu những phong cách bụi bặm đường phố của những tay đua ngoài vòng pháp luật suốt ngày chạy đua với cảnh sát và ganh đua nhau mà giờ đây trò chơi trở nên “thể thao” hơn mang đến cảm giác của một tay đua thực thụ. Điểm nổi bật nhất của Shift 2 là người chơi có thể chọn để đua dưới góc nhìn thứ nhất. Khung hình bạn nhìn thấy sẽ là tầm nhìn từ trong mũ bảo hiểm ngồi bên trái của xe và lúc này thì những pha đua tốc độ lên đến 200 km/h chắc chắn sẽ khó hơn nhiều. Đây cũng là một “con dao hai lưỡi” bởi nếu không sử dụng helmet camera thì bạn gần như đã loại bỏ đi giá trị của game còn nếu sử dụng góc quay này thì bạn đang mạo hiểm với chính đường đua của mình. Những tay đua sẽ làm mọi cách kể cả cách chơi xấu nhất để có thể về đích đầu tiên nên việc chú ý quan sát luôn phải được đặt lên hàng đầu. AI trong Shift 2 cũng không phải dạng vừa, nếu bạn vừa làm hắn chệch khỏi khúc cua vừa rồi thì rất có thể hắn sẽ tìm cách trả đũa bạn ở lối rẽ tiếp theo.
5. DiRT Rally
DiRT là điển hình của dòng game đua xe mang phong cách bụi bặm với những đường đua khó nhằn trên địa hình offroad chứ không bằng phẳng trên đường nhựa đúng như cái tên Rally của game. Game không chỉ mang đến cảm giác đua xe đơn thuần mà thay vào đó là một trò chơi mô phỏng thật sự. Bạn không thể cứ đơn giản ấn rẽ hay hãm phanh để tạo ra các cú drift đẹp như mơ giống trong NFS mà bạn phải vô cùng thành thục trong việc lên số, giảm ga mỗi khi thực hiện một cú ôm cua. Những đường đua của game thật sự rất gai góc và tốc độ tối đa mà bạn cần sử dụng chỉ có thể đạt tầm 80-90 km/h chứ không thể nào lên tới cả 200 km/h nếu như đua đường nhựa. Thử thách chưa chấm dứt ở địa hình mà còn nằm ở một số yếu tố khách quan khác. Nếu bạn đang đua đường cát mà chỉ cần một trận mưa nhỏ ngang qua thì khả năng ma sát giữa lốp xe và mặt đường sẽ giảm đi rất nhiều và cũng đồng nghĩa với việc điều khiển rất khó khăn. Đó là chưa kể tới nếu bạn lỡ làm hỏng đèn pha trước khi đang đua trong màn đêm thì coi như vô phương cứu chữa. DiRT Rally không cung cấp cho bạn mini radar để theo dõi đường đua như bình thường mà có hệ thống định vị hướng dẫn người chơi qua giọng nói được gắn trong xe hoặc biểu tượng hướng dẫn trên màn hình.
6. Gran Turismo Sport
Mặc dù tới năm sau mới phát hành nhưng Gran Turismo Sport vẫn là cái tên đáng chú ý cho những fan hâm mộ cuồng nhiệt của thể loại đua xe, đặc biệt là đua xe online. Trò chơi mô phỏng giải đua xe quốc tế do FIA (Federation International Automobile) tổ chức. GTS mô tả chính xác nhất những chi tiết của một chiếc xe đua theo mô hình ngoài đời thật cho nên có thể nói đây là một game dạng mô phỏng cũng không sai. Có khá nhiều kiểu chơi để game thủ tuỳ chọn như: Arcade Mode, Campaign Mode, Brand Central, Sport Mode, Livery Editor, Scape. Đặc biệt hơn nữa, người chơi có thể tạo ra ID của riêng mình trên hệ thống lưu trữ những thông tin về thành tích mà bạn đạt được qua các giải đấu. Game cũng dựa theo thông tin này để phân loại người chơi, sao cho khi sử dụng matchmaking, người chơi sẽ được bắt cặp với các đối thủ vừa tầm. Hệ thống Watch & Participate cho phép bạn theo dõi trực tiếp trận đua của người chơi khác hay thậm chí là tham gia cùng để thay thế cho vị trí của AI. Với hơn 140 mẫu xe và sẽ còn được cập nhật thêm, GTS xứng đáng để người chơi trên hệ máy PlayStation chờ đợi vào năm sau.
7. Asphalt 8
Asphalt 8 ra đời năm 2013 trên hệ mobile là sự cải tiến rõ rệt của dòng game này. Đồ hoạ của Asphalt 8 giờ đây đã mượt mà hơn, những khung hình motion blur khiến người chơi cảm nhận được tốc độ thật sự khi điều khiển chiếc xe của mình. Game tạo nên một không khí đua xe thực sự khi người chơi phải vô cùng tập trung trong mỗi màn nếu không muốn bị những tay đua khác vượt mặt. Những pha bay xe lên không trung vẫn là đặc sản của Asphalt nhưng với phiên bản thứ 8 này người chơi thậm chí có thể điều khiển chiếc xe của mình xoay vòng trên không trung tạo ra những màn nhào lộn đặc sắc. Asphalt 8 có chế độ chơi sự nghiệp, 47 mẫu xe đẹp mắt và cả chơi online. Chỉ từng đó là quá đủ sự hấp dẫn cho một game đua xe mobile rồi.
HAY KHÔNG KÉM
Horizon Chase
Horizon Chase được thiết kế theo một style art đặc biệt, phong cách retro hoài cổ nhưng vẫn mang màu sắc tươi mới. Game có nhiều tính năng đột phá đang chờ bạn khám phá đấy
8. Project CARS
Xác định bước đi phát triển ngay từ đầu, Project CARS được Slightly Mad Studios hướng tới theo phong cách mô phỏng đua xe. Cụ thể hơn, người chơi không đơn thuần là điều khiển chiếc xe của mình với các phím mũi tên, phanh và nitro mà còn phải nhìn trước sau, kiểm soát tốc độ, hộp số của xe. Số lượng đường đua của Project CARS có thể nói là khổng lồ với không dưới 100 màn đua trên khắp các châu lục cùng rất nhiều mẫu xe từ cổ lỗ sĩ đến hiện đại để người chơi lựa chọn. Đặc biệt, game không bắt người chơi phải unlock bất cứ mẫu xe nào mà ngay từ đầu bạn cũng dễ dàng sở hữu một chiếc Audi R8 mới nhất hoặc thậm chí là vài chiếc xe F1 từ thế kỉ trước. Có thể người chơi sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng bởi nếu cất công cày bừa thì mới cảm nhận được giá trị của một chiếc xe. Nhưng như đã nói từ đầu, Project CARS nhắm đến việc mô phỏng nhiều hơn là tính cày cuốc của những game đua xe thông thường. Hệ thống sự nghiệp được Slightly Mad mô phỏng chi tiết nhất có thể. Trong vai một tay lái tập sự, bạn sẽ tiến dần lên từ vị trí thấp nhất đến cao nhất mà một tay đua có thể đạt được. Có đến 8 cấp độ giải đấu để người chơi “cày” dần dần. Bạn cũng phải làm nhà quản lý cho chính bản thân khi lựa chọn nhà tài trợ, những hợp đồng đua béo bở. Để đạt được điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào việc bạn thể hiện ra sao khi cầm vô lăng.
9. Assetto Corsa
Ra mắt trước Project CARS một năm và người ta cũng thường so sánh cả 2 trò chơi như một kẻ tám lạng người nửa cân. Sự cạnh tranh trong thị phần game đua xe ngày càng khốc liệt bởi nội dung trong game này hầu như không có, chỉ đơn thuần là tốc độ. Cũng giống như đối thủ của mình, Assetto Corsa sở hữu rất nhiều mẫu xe từ mới đến cũ. Thông thường các game đua xe cho phép người chơi đâm và phá huỷ các vật cản trên đường hoặc va chạm với vỉa hè mà không có thiệt hại gì. Nhưng trong AC người chơi sẽ phải chịu những hình phạt nhất định khi làm điều này, ví dụ như giảm tốc độ của xe trong một thời gian. Điều này thật sự khủng khiếp nếu như bạn đang trong một cuộc đua khốc liệt với đối thủ và việc mà người chơi thường làm khi gặp tình cảnh này chỉ là ấn nút restart. Mục chơi career sẽ đem lại những khó khăn thực sự cho game thủ bởi luôn đòi hỏi người chơi phải đứng top 3 trở lên. Phần chơi mạng cũng là điểm nhấn của AC. Đương nhiên việc tranh tài cùng người thật sẽ thú vị hơn nhiều việc đua cùng AI rồi (mặc dù AI trong AC cũng không phải là tay mơ với bất cứ tay đua lão làng nào đâu). Điểm trừ nho nhỏ cho phần chơi nào là nếu bạn về trước trong cuộc đua, bạn sẽ phải ngồi đợi ở đường pit cho tới khi tất cả những người chơi còn lại hoàn thành.
10. Need for Speed: Rivals
Rivals là phiên bản được đánh giá cao nhất trong tất cả những game theo dòng NFS lấy bối cảnh open world. Lối chơi truyền thống của dòng NFS xoay quanh những cuộc chiến tốc độ giữa cảnh sát và các kẻ ngoài vòng pháp luật được Ghost Games đầu tư rất kĩ càng và thêm thắt kha khá nâng cấp đáng giá so với các phiên bản trước. Người chơi đến với NFS cũng chính vì sự tự do của việc thoải mái nhấn ga, phóng xe bạt mạng mà không gặp nguy hiểm đến tính mạng. Đôi khi để ngăn chặn việc ấy, những tay cảnh sát sở hữu chiếc xế hộp khủng không kém sẽ tạo ra giữa bạn và họ cuộc đua vô cùng gay cấn. Trong Rivals người chơi hoàn toàn có thể lựa chọn một trong 2 phe với những điểm ưu việt khác nhau. Cụ thể cảnh sát có thể dễ unlock xe hơn nhưng những tay “phá phách” lại được tuỳ biến xế hộp nhiều hơn. Thông thường người chơi phải sử dụng số Speed point kiếm được để lên cấp độ nhưng với Rivals bạn sẽ phải làm nhiều hơn thế. Người chơi sẽ có một Speed list với những nhiệm vụ đa dạng để vượt qua trước khi mở khoá cấp độ tiếp theo. Điều này làm tăng sự gay cấn và gây được cảm hứng cho người chơi rất nhiều. Số lượng siêu xe trong game cũng tương đối nhiều và kết hợp với những tinh chỉnh độ xe thì chắc chắn Rivals sẽ mang lại cho bạn cảm giác trên vô lăng tuyệt vời nhất.