Trong suốt những năm tháng du hành trên con thuyền giấc mơ mang tên Video Game thì có lẽ khoảnh khắc chuyển giao thiên niên kỷ là đáng nhớ nhất. Có lẽ là vì rất nhiều siêu phẩm đã được trình làng từ các anh tài tên tuổi cộm cán và hầu hết những sản phẩm này đều là những kết tinh tuyệt vời mang đến một sức sống mới mẻ hoàn toàn trong suốt quá trình dài phát triển không ngơi nghỉ.
Thông qua bài cảm nghĩ này, người viết muốn đề cập đến sự ảnh hưởng của một vài tựa game dựa trên… những thước phim intro chưa bao giờ gây phấn khích hơn thế! (tất nhiên là chỉ đối với thế hệ năm đó thôi). Có thể sẽ không phù hợp với đại đa số người đọc nhưng nếu được, xin hãy chậm lại. Chậm lại một chút để cảm nhận và suy nghĩ về những xúc cảm của thế hệ đi trước nó như thế nào nhé.
[…]
Trở lại thập nhiên 90, khi mà mạng lưới ADSL không hề có và dial-up là thứ xa xỉ, đĩa lậu lại là một thú vui bất tận với hầu hết cô chiêu, cậu ấm thì việc trải nghiệm một tựa game một cách “tương đối” đầy đủ gần như khá phổ biến. Bản thân tác giả cũng có phần may mắn nằm trong số đó nên tiện tay gõ vài dòng gọi là gợi nhớ kỷ niệm cho anh em hiệp sĩ cùng nghe… Thông thường đối với từng hãng game lớn, họ đều tự quảng cáo bản thân thông qua những đoạn intro ngắn thú vị được chăm chút kỹ lưỡng. Đơn cử như hãng Apogee Software (tiền thân của ID Software) đã có rất nhiều intro thú vị trình diễn cho fan trong suốt một thập kỷ phát triển. Nắm bắt được yếu tố thu hút này, các nhà phát triển càng lúc càng đầu tư hơn vào các intro của game. Intro game không chỉ đơn giản mà còn thể hiện đủ gần như nội dung chính và một số gợi mở đối với người chơi nữa do đó hầu hết các game xịn sò bấy giờ mặc nhiên sở hữu những đoạn video intro rất chất (tất nhiên không thể so sánh với hiện tại được rồi). Và… cái cảm xúc khó tả khi mở game rồi hóng từng chi tiết xuất hiện từ từ, lộ ra, quái vật xuất hiện, phanh phui/đạp đổ mọi thứ… Đại khái là cảm giác chiêm ngưỡng toàn bộ khoảnh khắc intro của một game. Và có lẽ các bạn sẽ không hiểu được chính xác cảm xúc đó nếu như mục đích của các bạn chỉ đơn thuần là “phá đảo”. Chắc chắn là vậy!
Nhắc đến Electronic Art, chắc là ai cũng mon men gạch đá các kiểu nhưng riêng tác giả thì không bận tâm đâu. Đơn giản là anh này đã phát hành quá nhiều tựa game đỉnh trong quá khứ rồi và ai thì chẳng có lúc này lúc kia. Phải chăng chỉ vì nhìn nhận một khoảnh khắc sai lầm rồi đánh giá tệ toàn bộ quá trình là đúng? Hi vọng một vài sản phẩm thú vị của EA ngay dưới đây sẽ nhanh chóng khiến người chơi suy nghĩ lại.
NEED FOR SPEED: PORSCHE UNLEASHED
Ở tiệm đĩa người ta thường gọi với cái tên: Need For Speed 5 hoặc Need For Speed 2000. Ngay cả chính người viết cũng chưa từng biết đến nó trước khi ông anh nhờ mua hộ dịp Quốc khánh mùa Sea Game 21. Mở đầu game, nó show nguyên cái gara cũ nhưng mà có rất nhiều xe, mấy mẫu này hầu như chưa từng thấy bao giờ luôn (ở xứ Việt này thì chỉ thấy được dăm ba chiếc Huyndai, ngon lành thì Mazda thôi) mà cái bánh xe tự nhiên nguyên khối thấy cũng khó hiểu vì bánh xe nguyên khối kim loại sao chạy ngon được. Hồi sau mới hiểu thì ra sau này mới có xe xịn hơn, ban đầu là đi xe đời cổ dần dà sẽ nâng tầm, đến một lúc nào đó thì có thể cua gắt cho cảnh sát hít khói luôn! Coi hết thấy hype quá trời nhưng éo ngờ là vô game nó khó vãi ra, giai đoạn đầu đua quá cực khổ vì phụ tùng có phải hiện đại đâu phải đua từ từ chắt chiu từng đồng để mua đồ nâng cấp lên… Mà cũng nhờ có những trải nghiệm ban đầu như vậy mới thấy mấy game đua xe hiện đại thiệt là dễ quá…
Command & Conquer: Red Alert 2
Đầu tư hẳn một team làm intro như này thì quả thực không thể chê vào đâu được. Báo Động Đỏ, Battle Realm, “Em-rai”, Starcraft là bộ tứ game dàn trận khuấy đảo biết bao tiệm net cỏ những năm tháng đó. Tuy nhiên, hầu hết phiên bản crack của Báo Động Đỏ đều không có phần intro đầy chất lượng này. Nó đã được lược bỏ để giảm tải dung lượng và sẽ vô cùng thiếu sót nếu như một gamer thực thụ không xem qua. Đoạn đầu phim có vẻ nhạt nhẽo vì chỉ là cuộc đối thoại không khoan nhượng giữa hai phe búa liềm (Xô viết) và chim sắt (Tư bản). Đoạn hấp dẫn kể từ khúc nữ thần tự do bị che phủ bởi hàng loạt khinh khí cầu của Soviet, những cỗ xe tăng hai nòng đầy uy lực sẵn sàng đạp đổ và hủy diệt bất cứ vật cản nào dù có là binh lính nhảy dù ưu việt của Mỹ. Tiếng báo động đỏ vang rền cả đoạn làm người viết rợn cả da luôn ấy chứ. Dẫu là chơi từ lúc mười tuổi nhưng không có dịp coi clip này mãi cho đến năm 2003 – 2004 khi mà cuộc chiến Iraq và Mỹ diễn ra khốc liệt thì mới đi mua một bản đầy đủ hơn để mà chiêm nghiệm. Muộn tí nhưng chắc là không sao.
The Sims
Hồi nhỏ thì thích chơi xây nhà, xây công viên lắm. Hễ xây được công trình mà có người dân vô coi là thấy khoái rồi, mặc dù vẫn rất hay bị âm tiền nhưng mà hành động tạo dựng những sản phẩm giá trị đồng thời mang niềm vui cho mọi người là điều hết sức tuyệt vời. Người viết mong muốn rằng lứa trẻ tầm độ tám đến mười hai có thể trải nghiệm những dòng game xây dựng như vậy. Để trí não cũng như ý thức của chúng được phát triển tốt hơn cho sau này…Thôi không đi xa nữa, trở lại những năm đầu thế kỷ 21, The Sims hay với tên gọi thân mật là “nuôi người” đã trở thành cơn sốt của thế kỷ. Nếu trước đây người chơi chỉ được tiếp xúc với thú vật (Zoo Tycoon) hoặc gián tiếp với con người (Simcity, Rollercoaster Tycoon) thì giờ sẽ được tận tay nhào nặn nhân vật ảo theo ý mình. Không cầu kỳ ồn ào, xuyên suốt đoạn intro game The Sims là tổng hợp những tính năng mà game sẽ mang đến cho người chơi. Bao gồm xây dựng, phát triển mối quan hệ, phát triển sự nghiệp dẫn đến thành quả cuối cùng sẽ là một căn nhà hoàn chỉnh với vô vàn cảm xúc được lột tả thông qua những con người sinh sống bên trong đó. Công bằng mà nói thì, đoạn intro trên có vẻ chẳng là gì nếu không muốn nói là tệ. Nhưng mà… ở cái thời điểm khái niệm “God game” chưa thịnh thì The Sims thực sự quá đỉnh dù chỉ có một cái intro “tầm thường” đến vậy.
FIFA 2000
FIFA 2000 không chỉ đơn thuần là tựa game cuối cùng xuất hiện trên Playstation, nó xứng đáng được xem là đàn em FIFA thành công nhất của thế hệ vàng ngày trước. Có khá nhiều tính năng thêm thắt đầy tính trải nghiệm bao gồm bổ sung 12 đội trong giải MLS từ vô số các giải đấu trên thế giới. Tông màu chỉnh lại, hoạt ảnh animation cũng tỉ mỉ hơn giúp người chơi thấy các cầu thủ bớt gượng gạo. Chế độ ba cấp: Amateur, Professional và World Class cũng tạo nên điểm nhấn của FIFA 2000 so với đàn anh đi trước đặc biệt là ở tầm World Class. Nhìn chung thì FIFA 2000 đã rất thành công và một trong những yếu tố đem đến sự thành công này không thể không kể đến đoạn intro mở màn: một chuỗi hoạt ảnh giữa các thế hệ cầu thủ. Những con người bằng giấy họ nhìn thấy được tương lai sẽ thay đổi như thế nào, sức mạnh của công nghệ hình ảnh, trí thông minh nhân tạo (AI) nâng cấp thêm vài bậc. Những tưởng họ sẽ ra đi, nhường chỗ lại cho công nghệ nhưng không! Họ vẫn ở đó vẫn góp phần tạo nên thế hệ FIFA 2000 đa sắc thái. Bản “It’s Only Us” – Robie Williams kéo dài xuyên suốt đoạn intro chất lượng để đảm bảo tinh thần fanboy hype hơn bao giờ hết.
Shogun: Total War
Trong suốt những năm cuối thế kỷ 20, hầu như các dòng game chiến thuật đều không thể cho phép người chơi sử dụng các chỉ lệnh điều khiển quân lính quá đông. Một số hiếm hoi cho phép điều quân đến con số 500 như Strong Hold: Crusader hay Cossack: Back to War. Nhưng mà AI kém thông minh ngày đó thì việc điều quân khiển tướng với số lượng đông không thực sự hiệu quả trong một số trận đánh lớn. Thế mà Shogun: Total War xuất hiện phá bỏ đi rào cản chiến thuật của đại đa số game dàn trận bấy giờ bằng cách chơi đột phá có một không hai.
Điều khôi hài cần đề cập đến chính là đoạn intro của Shogun không thực sự bổ trợ hiệu quả cho chính con game (thường intro sẽ giới thiệu sơ lược tính năng của game cũng như gameplay). Nó chỉ đơn thuần là giới thiệu bối cảnh thời Sengoku – Jidai loạn lạc gồm các chiến sĩ samurai, các tướng shogun và các cuộc chiến không khoan nhượng để tranh giành lãnh thổ, sự nguy hiểm của các sát thủ cũng như số lượng quân lên đến vài nghìn. Mọi chiến thuật đều phải được tính toán kỹ lưỡng trên bản đồ chiến lược, sai một li đi một “màn”… À… đúng là nó không giới thiệu được gameplay nhưng mặt khác thì nó trao tinh thần rất “võ sĩ đạo” cho bất cứ ai trải nghiệm qua. Shogun đã đẩy vai trò của người chơi lên tầm cao hơn hẳn, một vị tư lệnh điều quân thực sự! Vậy thì hiệu quả của intro là không thể bàn cãi rồi phải không?
Black & White
Không hiểu vì sao mà càng lúc càng ít thấy các dòng game mô phỏng, xây dựng “chất lượng” như ngày trước nữa. Bây giờ hễ có kiểu “sinh tồn” gắn vào thì trở nên hot bất chấp là nó – những tựa game gọi là “xây dựng” đã quá mức phức tạp, tại sao lại cố nhồi nhét nó để biến nó thành mớ hỗn độn phức tạp như vậy? Dựa trên khía cạnh tích cực hơn, một nhánh nhỏ khác của dòng game mô phỏng được gọi là “god game”, ngày trước chỉ có một số tựa game thống trị như The Sims, Populous, Black and White thì giờ đây đã được phát triển thêm tầm cao mới dưới nhãn mác sandbox game. Tính ra sự phát triển thể loại này rất tuyệt vời, người chơi không chỉ dừng lại ở vai trò tương tác với nhân vật nữa, mà giờ còn có thể hoá thân vào chính nhân vật và tương tác với vô vàn chi tiết trong game (Minecraft là một ví dụ hoàn hảo)…
Đoạn intro của Black and White cũng không hẳn là tệ. Chỉ trách mấy ông hoạ sĩ của Lionhead Studios vẽ nhân vật xấu quá, người tối cổ nhưng cũng phải có dáng vóc một tí chứ nhìn thô vậy cũng buồn buồn. Đại khái nội dung có thể hiểu rằng ở thời buổi nguyên sơ, thế giới chưa có gì ngoài các bộ tộc ít người sinh sống thì xuất hiện một vị thần cứu rỗi thế giới. Bàn tay ở gần cuối intro như khuyến khích người chơi nên theo hướng thiện để thấy được happy ending (dẫu rằng trong lời thoại thì bảo người chơi có thể định đoạt số phận con người). Black and White là một game hay, chắc chắn là nó hay hơn phần 2 nhưng để đánh bại Populous thì cần phải xem xét lại rồi.
[…]
Tạm chia tay những đứa con bị lãng quên của ông lớn EA, chúng ta sẽ tìm đến những “đứa con” khác không kém phần hấp dẫn nhé.
Zeus: Master of Olympus
Không được đỡ đầu bởi hãng lớn, Impression Game đã chứng minh thực lực của mình qua các thương hiệu Caesar lẫn Pharaoh. Trước khi có mặt Zeus: Master of Olympus thì dường như người chơi luôn cảm thấy bứt rứt bởi lẽ phải xếp chiếu dưới một ông hoàng. Zeus mang lại trải nghiệm thú vị hơn, ta có thể dựng quân đội để chống trả/chinh phục các quốc gia mà không phải luồn cúi bất cứ ai. Điều quan trọng nhất có lẽ chính là việc đem lại sự ổn định lâu dài cho các khu dân cư mà không mắc phải thiên tai nào. Tiền, lương thực, tượng đồng, rượu nho… có rất nhiều yếu tố cần kiểm soát trong game. Chính vì lẽ đó mà cho đến tận bay giờ bản thân người viết chưa thể tìm ra một sản phẩm nào thay thế đáng giá hơn tựa game mang tên ông lão cầm tinh tia sét này cả (tất nhiên không tính bản mở rộng Poseidon). Chư vị hiệp sĩ dành chút thời gian xem lại cuộc chiến không cân sức giữa một ông già và con quái thú nhiều đầu nhé. Tốn ít thời gian thôi nhưng nó từng là niềm cảm hứng của rất nhà dev trẻ tuổi đấy.
Để chốt sổ kỳ này, chúng ta sẽ điểm mặt qua hai tựa game nhập vai có thế giới u tối bậc nhất. Chúng là:
Rune
Đúng vậy, nó chỉ vỏn vẹn nhiêu đó, Rune – Phế Tích. Được ra mắt vào gần cuối năm 2000 và nó chỉ thực sự gây sốt khi chế độ chơi multiplayer được cộng đồng mạng khai thác triệt để. Chắc chắn một điều rằng cái tên Unreal Tournament rất nổi tiếng trước đó và nó lại tiếp tục nổi hơn khi Rune cũng sử dụng cùng engine để tạo nên tiếng vang cho mình! Sự thành công của mục multiplayer dường như đã khiến đa số người chơi đã bỏ qua màn dạo đầu lạnh gáy ở singleplay. Sự dũng cảm của Ragnar đã khiến Odin dang rộng tay cứu vớt anh trong trận đánh ngoài biển. Bù lại, Ragnar phải hoàn thành trọng trách cứu thế bất đắc dĩ trước khi lũ quỹ xâm chiếm toàn bộ thế giới. Cảm nhận của người viết là không khí đen tối bao trùm xuyên suốt trò chơi không chỉ riêng bất cứ nơi đâu. Bởi vậy nên hồi lớp 7 cũng ngại bật lên chơi cùng lắm bật cái intro lên coi xong hoàn thành màn 1 là tắt. Chứ sang màn tiếp theo thì toàn chết, quái không có đông mà cứ kiểu không thấy rõ rồi lù lù ra cạp vài phát chết tươi :sosad: Thế nên, anh em nào thích thì cứ coi sơ qua đoạn intro ngắn bên dưới để cảm nhận không khí single player nó như nào (chỉ single player thôi nhé) chứ sang mod multiplayer thì choảng nhau vui *** ra í chả sợ tẹo nào.
Diablo 2
Quá nổi rồi nên không cần giới thiệu nhiều về gameplay. Chỉ tiếc là hàng net thời đó hoàn toàn không có được full clip intro cũng như các đoạn movie cắt cảnh xuyên suốt từng chương trong game. Ước chi được quay lại thời điểm lúc đó để coi hết đoạn intro để thưởng thức trọn vẹn tựa game huyền thoại một thời. Clip intro của D2 đặc biệt rất có ý nghĩa với những ai trải nghiệm phiên bản đầu tiên, bởi vì nội dung kế tiếp của nó mô tả khúc khải hoàn vừa cất lên đã vội kết thúc khi mà người anh hùng ngày xưa giờ cũng bị chiếm hữu bởi linh hồn ác ma. Khi mà quỹ dữ tiếp tục trỗi dậy tràn ngập thì liệu nhân loại có được cứu rỗi một lần nữa bởi thế hệ kế tiếp?
Ai cũng có một thời mộng mơ làm hiệp sĩ để cứu công chúa. Ai cũng có một thời để nhớ. Mà khi nhớ thì phải nhớ rõ cảm xúc đã trải qua thì mới “sướng” được. Bái bai và hẹn gặp lại trong thời gian gần ha.