Đây sẽ là một loạt bài viết mà mình sẽ đăng mỗi tháng một lần, tổng hợp lại suy nghĩ của mình về những tựa Game mà mình đã được trải nghiệm và cày kéo trong suốt một tháng, cũng như là một vài gợi ý nếu bạn cần một tựa Game để thư giãn sau những khoảng thời gian học tập và làm việc căng thẳng.
1. Hades (2020)
Thể Loại: Hack n’ Slash – Roguelike
Nền Tảng: Nintendo Switch – PC Steam/Epic
Hades bắt đầu giai đoạn Early Access từ năm 2019 và gây ra một cơn bão trong cộng đồng người chơi và các nhà phê bình bằng sự hấp dẫn mà nó đem lại. Mới đây vào tháng 9/2020, Supergiant Games chính thức ra mắt phiên bản 1.0 với rất nhiều cải tiến tạo nên độ hoàn chỉnh tuyệt vời dành cho tựa game của họ.
Hades là một tựa Game hành động Roguelike lấy bối cảnh thần thoại Hy Lạp. Người chơi được nhập vai Zagreus, hoàng tử địa ngục, con trai của thần chết Hades và nữ thần mùa màng Persephone. Tận dụng câu chuyện Zagreus vượt qua các thử thách được Hades đặt ra để thoát khỏi địa ngục, tìm gặp người mẹ Persephone mà cậu vì một lý do nào đó không được gặp mặt kể từ khi được sinh ra tới lúc trưởng thành.
Hades có một lối chơi rất cuốn hút, đặc biệt với một người yêu thích các tựa Game hành động tốc độ cao như mình. Zagreus di chuyển và tấn công rất mượt mà, từng đòn đánh của vị Hoàng Tử Địa Ngục cũng rất có lực, gây cảm giác thỏa mãn dành cho người chơi. Zagreus sẽ phải đi qua 4 khu vực chính được chia ra thành nhiều màn được khởi tạo ngẫu nhiên. Sau khi hoàn thành mỗi một màn, người chơi sẽ nhận được những phần thưởng để nâng cao sức mạnh của bản thân. Hãy kết hợp sức mạnh mà các vị thần Olympus trao cho một cách hợp lý để đào tẩu khỏi địa ngục thành công. Hãy thoát khỏi địa ngục đi, Hades sẽ cho bạn lý do để bạn phải quay lại đó thêm nhiều, rất nhiều lần nữa. Sức mạnh của bạn sẽ tăng theo từng lượt chơi, game luôn biết cách để mang lại cho bạn những thử thách mới khiến từng lần tẩu thoát như một trải nghiệm mới toanh mà bạn sẽ luôn háo hức để được trải nghiệm nó.
Game có những nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm cho người chơi thông qua số lượng đồ sộ các đoạn hội thoại mà Zagreus tương tác cùng. Playtime của mình là 22 tiếng, và mình cam đoan với các bạn là mình chưa gặp một đoạn đối thoại nào trùng lặp cả. Điều này khiến cho tựa Game không gây cảm giác chỉ đơn thuần là một không gian với các NPC đứng trong đó và nói những câu thoại được soạn sẵn. Nó khiến người chơi cảm nhận như mình đang thực sự được sống trong đó vậy.
Đồ họa của Game dù sử dụng phong cách hoạt họa cổ điển nhưng không hề lỗi thời. Rất đẹp mắt và phù hợp với bối cảnh thần thoại mà Game đặt vào. Phải dành lời khen ngợi cho các Artist, đặc biệt trong đó có rất nhiều họa sĩ Việt đã tạo nên một tựa Game đẹp như đúng tưởng tượng của mình về thế giới của những vị thần Hy Lạp. Thiết kế tạo hình và bối cảnh rất đẹp, các mảng màu được sử dụng rất hợp lý cho từng khu vực mà người chơi đi qua. Hoạt ảnh được xử lý trơn tru cũng như các hiệu ứng giúp người chơi dễ để nhân biết dù đang ở trong những pha hành động tốc độ cao.
Âm thanh cũng là điểm cộng rất rất mạnh của Hades. Cũng như sự thành công của những Bastion, Pyre và Transistor đã làm được, Supergiant Games không hề khiến mình thất vọng khi chất lượng âm nhạc của Hades rất tuyệt vời. Biên soạn rất hợp với bối cảnh mà Game đặt vào, nhưng vẫn có trong đó những biến tấu mà khiến người chơi có thể nghe mãi không ngán dù chúng ta có gặp phải đoạn nhạc đó thêm bao lần nữa trong suốt thời gian chơi Game.
Tổng Kết: 9/10 – Must Buy/Must Play.
2. Raft (2018)
Thể Loại: Sinh Tồn – Thế Giới Mở
Nền Tảng: PC Steam
Game thuộc thể loại sinh tồn thế giới mở giờ không hề thiếu những gương mặt nổi bật trong thị trường bây giờ. Nhưng “Raft” là một trong những tựa Game có Concept đặc dị nhất mà mình từng được chơi. Người chơi sẽ khởi đầu Game trên một mảnh gỗ trôi lênh đênh giữa đại dương. Nhiệm vụ của người chơi rất đơn giản, làm mọi cách để sinh tồn giữa một thế giới mà 99.9% bề mặt là nước.
Mô tả đơn giản là như vậy, công thức tuyệt vời cho mọi tựa Game sinh tồn thành công, một concept độc đáo và cách triển khai ý tưởng tuyệt vời. Vậy cách mà Raft triển khai ý tưởng của nó ra sao?
Giống như tất cả các Game Survival khác, Raft cũng có trong mình hệ thống Crafting đồ sộ. Nhưng vì được đặt vào đặc thù của Game, thuyền là nhà, nên tất cả mọi thứ đều được xoay xung quanh chiếc thuyền và đại dương bao la. Tất cả những gì người chơi được cung cấp ban đầu là một mảnh gỗ và một cái Hook. Người chơi cần phải câu và gắp mọi tài nguyên mình gặp phải trong quá trình trôi lênh đênh nhằm mở rộng chiếc thuyền của mình, đáp ứng nhu cầu ăn và uống, tìm kiếm thêm nhiều loại tài nguyên mới để có thể craft thêm được nhiều thứ cần thiết cho việc sinh tồn hơn. Nhưng người chơi sẽ không làm tất cả những điều đó trong yên bình. Sẽ luôn có một hoặc nhiều con cá mập hung hãn sẵn sàng lao vào cắn nát chiếc thuyền của bạn, hay thậm chí cả chính bạn nếu bạn dám chạm chân xuống dưới nước.
Trong quá trình chơi, bạn sẽ tìm được nhiều cái đảo lớn nhỏ, và khi bạn có thể craft được radar thì đây mới chính là lúc Game thực sự bắt đầu. Radar được sử dụng để đi đến các địa điểm quan trọng trong cốt truyện. Đúng rồi bạn không đọc nhầm đâu, Raft có cốt truyện, chứ không hẳn là một Endless-Survival Game như là Minecraft. Những địa điểm đó có thể là một trạm khoan dầu bị bỏ hoang, có thể là những hòn đảo to tổ chảng. Ở trên các địa điểm quan trọng đó sẽ có những màn giải đố yêu cầu người chơi phải suy nghĩ rất nhiều, từ đó mà lần ra nhiều mảnh Note để giải thích về cốt truyện và về thế giới trong Game, cũng như để mở khóa ra cách tới được địa điểm tiếp theo. Hiện tại Raft mới chỉ cập nhật tới Chapter 2 của cốt truyện, có nghĩa là sẽ còn nhiều các Content trong tương lai để các bạn thưởng thức.
Vì là một Game Indie, nên thực sự mình không có kì vọng gì nhiều ở mặt đồ họa và âm thanh. Raft theo hướng đồ họa tối giản nhưng vẫn vô cùng sặc sỡ sắc màu. Âm thanh cũng không có gì quá đặc sắc để nhận xét.
Khám phá thế giới và liên tục tìm ra những điều mới mẻ là điều khiến cho Raft trở nên thú vị. Tuy nhiên Game sẽ tuyệt vời nhất nếu bạn trải nghiệm cùng với nhiều người bạn, tạo nên những khoảnh khắc giải trí vô cùng chất lượng cho một buổi Gaming Party tuyệt vời.
Rating: 7/10 – Một trong những trải nghiệm sinh tồn thú vị.
3. BPM: Bullets Per Minute
Thể Loại: Roguelike – Rhythm – 1st Person Shooter
Nền Tảng: PC Steam
Mình là một con mọt của thể loại Rhythm Game, tức là Game âm nhạc. Ngoài ra cũng có một niềm đam mê với các tựa Game hành động tốc độ cao, bất kể là bắn súng góc nhìn hay là hành động chặt chém. Nên BPM: Bullets Per Minute như được sinh ra để thỏa mãn cho cái thú chơi Game của bản thân mình vậy.
Ấn tượng đầu tiên về BPM là một ý tượng rất độc đáo, có lẽ là chưa từng được thấy trước đây. Khi hai thể loại Game trái ngược hẳn lại có thể kết hợp một cách “duyên dáng” được với nhau tạo. Bạn sẽ phải thực hiện các hành động thuần túy của một Game bắn súng góc nhìn thứ nhất như bóp cò và nạp đạn theo nhịp của nhạc nền. Nếu làm đúng, các thao tác sẽ được thực thi và người chơi sẽ được cộng điểm. Chuỗi hành động thành công càng cao, điểm nhân lên sẽ càng nhiều. Và nếu lệch nhịp thì sao ? Thao tác không được thực thi và combo điểm sẽ bị gãy ngay lập tức. Điều khiển các thao tác đúng nhịp đã khó, đây lại còn đặt trong tình huống như người chơi sẽ phải đối mặt với vô vàn các loại quái vật khác nhau. Vừa phải chạy nhảy liên tục, né đòn và bắn một cách chuẩn xác trên nhịp nhạc khiến BPM trở thành một tựa Game rất khó để có thể thành thục, nhưng khi đã hoàn toàn điều khiển được thì cảm giác mà nó đem lại sẽ cực kì thỏa mãn.
Game áp dụng cơ chế Roguelike đang rất thịnh hành trong khoảng thời gian gần đây. Các màn chơi được chia ra thành các căn phòng nối tiếp một cách ngẫu nhiên. Nhiệm vụ của người chơi là đi qua các căn phòng đó, diệt trừ các loại quái vật, thu thập tài nguyên như tiền hay chìa khóa để mua các vật phẩm, trang bị, hay mở hòm và nâng cấp các chỉ số khác nhau, nhằm nâng cao sức mạnh cho nhân vật chính. Lượng vũ khí trang bị dù không nhiều nhưng đóng vai trò cực lớn trong lối chơi của Game. Ví dụ nếu bạn sử dụng một cây súng lục thì nó sẽ bắn từng viên theo nhịp và yêu cầu 2 nhịp để nạp lại đầy băng đạn, trong khi một khẩu revolver sẽ yêu cầu 1 nhịp mở ổ đạn, mỗi nhịp tiếp theo để nạp lại 1 viên đạn, hoặc Shotgun yêu cầu người chơi lên đạn sau mỗi phát bắn. Điều này tạo nên sự phức tạp cho lối chơi của Game, nhưng lại mang tới nhiều thử thách hơn dành cho người chơi.
Hình ảnh của Game theo đánh giá chủ quan của mình thì hơi rối mắt, và phần nào đó mang phong cách của một tựa Game bắn súng góc nhìn thứ nhất tốc độ cao vô cùng nổi tiếng là Doom. Và vì là Game có yếu tố âm nhạc can thiệp trực tiếp vào lối chơi, nên chất lượng các bản nhạc nền bắt buộc phải thật tốt nếu không muốn phá hỏng hoàn toàn trải nghiệm của người chơi. Thật may mắn là BPM đã làm tốt yếu tố này, khi mà nhạc nền cho mỗi khu vực điều rất bắt tai. Những bản nhạc thuộc thể loại Rock, Industrial Rock và Metal cực bốc sẽ khiến bạn muốn trở thành một tay săn quái vật đích thực.
Rating: 7.5/10 – Doom on Steroid.
4. Genshin Impact
Thể Loại: Gacha Game – Action RPG – Open World
Nền Tảng: PC – PS4 – Xbox One
Đây là cái tên đang gây cực nhiều tranh cãi ở trên các diễn đàn Game trong suốt quãng thời gian mà nó được công bố và ra mắt. Genshin Impact được phát triển bởi Mihoyo, với một Game Mobile khác mà mình cũng đã từng cày là Honkai Impact 3, mà theo mình là “Budget Bayonetta”. Để thẳng thắn mà nói, lần đầu tiên mình xem đoạn Gameplay của Genshin Impact, mình đã nghĩ nó là “NieR: Breath of the Waifu”. Vì tất cả những gì mình xem được thông qua những đoạn Gameplay đó là những yếu tố rất quen thuộc từ những tựa Game mà mình đã được chơi qua. Một phong cách độ họa đậm chất Zelda Breath of the Wild và một hệ thống chiến đấu không khác NieR: Automata là bao.
Khi nhìn vào, ai cũng có thể thấy được những sự tương đồng “quá trắng trợn” giữa các tựa Game mà mình kể ở trên. Nhưng ở trên vị trí là một Reviewer, mình không vội đánh giá Genshin Impact ngay mà muốn được thử chơi trước đã. Nhưng kì vọng của mình cũng không cao, nhất là khi nó đã để lại ấn tượng xấu cho mình khi là một sản phẩm cóp nhặt ý tưởng từ những người đi trước. Đến nay, sau khoảng 2 tuần chơi Game, mình khá là thích nó và dưới đây là lý do tại sao.
Genshin Impact là một sản phẩm cóp nhặt, mình không phủ nhận điều đó. Những điều mà mình đã được quen với các Game RPG thế giới mở nói chung và Zelda BOTW nói riêng đều xuất hiện dưới một dạng nào đó trong Genshin Impact. Đi cùng đó, dĩ nhiên GI sẽ có được cho mình những ưu điểm của các tựa Game đi trước, ít nhất là tới đây Mihoyo vẫn đã làm tốt vai trò của họ. Như là cách mà Genshin Impact xây dựng bản đồ và thế giới của Game. Các câu đố Puzzle được ẩn giấu xuyên suốt bản đồ của Game, khiến người chơi phải căng mắt tìm kiếm, vắt não tìm cách giải và thành quả đem lại. Hệ thống nấu ăn như một dạng mini-game cũng được thêm vào như một yếu tố tạo nên tính đa dạng trong thế giới của GI. Các loại khoáng thạch yêu cầu người chơi phải khai thác để tạo ra vũ khí mới và nâng cao sức mạnh của nhân vật. Đó là những điều rất cơ bản mà bất cứ tựa Game RPG thế giới mở nào cũng có, và Genshin Impact đã áp dụng đúng công thức đó vào tựa Game của họ.
Nhưng tất nhiên, GI cũng phải có những bản sắc riêng của nó để không tự biến mình thành một tựa Game được đánh giá là không có tính nguyên bản. Và tới đây, đã đến lúc để Mihoyo làm cái điều mà họ làm tốt nhất trong tất cả các tựa Game của họ. Gacha Game. Ở trong các Game khác, người chơi sẽ nhập vai và điều khiển một nhân vật duy nhất, và họ sẽ tùy chỉnh nhân vật đó thông qua suốt cuộc hành trình.
Ở trong Genhsin Impact, dù người chơi có một “nhân vật chính” cho riêng mình, nhưng họ vẫn có khả năng để tạo nên một Party cấu thành bởi 4 nhân vật khác nhau. Các nhân vật này sẽ có cho mình những bộ kĩ năng riêng biệt, sử dụng các loại vũ khí khác nhau và phục vụ một mục đích khác nhau ở trong một team. Cách để bạn có thể kiếm được các nhân vật này ? Gacha. Vì tính chất của một Gacha Game nên sẽ có những điều liên quan tới hệ thống Lootbox hay tỉ lệ Roll ra nhân vật hoặc vũ khí độ hiếm cao nó vẫn luôn hiển nhiên là như vậy, nên mình sẽ không bàn luận nhiều tới yếu tố này. Nhưng một cái mà mình phải nói tới, là các nhân vật độ hiếm thấp vẫn vô cùng mạnh mẽ nếu được xây dựng và nâng cấp hợp lý, vẫn có thể giúp người chơi hoàn thành tới các content endgame hiện tại.
Để nâng cấp sức mạnh cho các nhân vật mà bạn mong muốn, tới đây sẽ chia làm 2 khía cạnh của Genshin Impact. Mình sẽ tạm gọi đây là khía cạnh “Online” và “Offline” của Game. Về khía cạnh “Offline”, sẽ có những vật phẩm là tài nguyên mà người chơi có thể kiếm được ở trên bản đồ. Đó là những vật phẩm có tỉ lệ rớt ra khi hạ gục một con quái xuất hiện xung quanh bản đồ, đó là những tài nguyên như hoa, quả, khoáng vật mà người chơi có thể nhặt ở một địa điểm cụ thể nào đó. Sau một khoảng thời gian, những tài nguyên đó sẽ lại tự hồi phục để người chơi có thể khai thác nhiều hơn nữa.
Còn khía cạnh Online, sẽ có những món đồ hay vật phẩm bắt buộc người chơi phải sử dụng một loại đơn vị là “Resin” mới có thể thu thập được. Đây là hệ thống Stamina thể lực mà rất nhiều những tựa Game Mobile sử dụng. Sau khi hạ gục được một con Boss, hay là sau khi đi được một “Domain”, có thể hiểu là “Dungeon” ở trong GI, để có thể nhận được phần thưởng thì người chơi sẽ phải bỏ ra một lượng Resin tương ứng. Số Resin này sẽ hồi lại dần dần theo thời gian hoặc thông qua các loại vật phẩm hồi phục ngay lập tức. Để tăng cường sức mạnh cho các nhân vật, người chơi sẽ phải sử dụng tới các vật phẩm có được thông qua cả 2 cách thức này. Người chơi có thể hoàn thành các hoạt động này một mình hoặc thực hiện cùng với người chơi khác thông qua hệ thống Co-Op của Game. Đây là lý do tại sao mà Genshin Impact được gọi là “Offline Game”, nhưng không thực sự là “Offline Game”.
Về hệ thống chiến đấu, GI sử dụng rất nhiều yếu tố từ các tựa Game Hack n’ Slash mà chủ yếu là NieR: Automata. Tuy vậy để được đồng bộ với hệ thống RPG và Party Building mà Game đã đặt ra mà một vài khía cạnh bắt buộc sẽ phải thay đổi. Game cho phép người chơi sử dụng 1 nhân vật nhưng có thể luân chuyển linh hoạt ngay trong khi đang chiến đấu khiến cho việc setup các loại combo sẽ nằm ở việc bạn setup party của mình như thế nào. Game áp dụng cơ chế Elemental Combat, mỗi nhân vật có sức mạnh của một hệ nguyên tố và nguyên tố đó sẽ chi phối bộ kĩ năng của nhân vật. Khi các nguyên tố được kết hợp với nhau sẽ gây ra phản ứng. Ví dụ như mình sử dụng một nhân vật hệ Thủy tấn công tạt nước lên kẻ thù, sau đó chuyển sang nhân vật hệ Lôi giật sét gây phản ứng Electro-Charge, khiến kẻ thù phải nhận thêm sát thương theo thời gian.
Chính vì hệ thống chiến đấu như thế này mà việc Combat sẽ không chỉ đơn thuần là tấn công, né tránh và sử dụng kĩ năng, người chơi sẽ còn phải liên tục luân chuyển các nhân vật để tối ưu hóa lượng sát thương mà mình gây ra, cũng như là xây dựng đội hình sao cho thích hợp nhất để chiến đấu với từng loại kẻ thù. Đây cũng là điểm đặc trưng gây hứng thú cho mình ở GI. Còn rất nhiều các yếu tố chi tiết phức tạp trong hệ thống Gameplay nữa như phải set-up đội hình ra làm sao, xây dựng Artifact dành riêng cho nhân vật để nó đạt hiệu quả tối ưu nhất như thế nào, thì mình cũng xin phép không đề cập thêm quá sâu.
Về phần cốt truyện của Game theo mình đánh giá là đủ lôi cuốn để khiến người chơi không bị nhàm chán khi phải liên tục thực hiện các Quest chính và Quest phụ trong quá trình chơi. Đồ họa khá bắt mắt khi tận dụng triệt để các yếu tố trong Engine hình ảnh, khiến nó dù có giống phong cách của Zelda BOTW đi nữa vẫn có cho mình một sự khác biệt. Tuy nhiên đây cũng là một điểm trừ khi mà ở trên phiên bản điện thoại, sẽ rất khó khăn để các loại smartphone bắt kịp được với Game. Nên mình vẫn khuyến khích các bạn chơi Game ở trên PC hoặc các hệ máy Console để tránh nổ điện thoại hoặc hỏng pin.
Âm thanh của Genshin Impact cũng được đầu tư rất kĩ lưỡng, tạo nên các bản BGM khá hay cho Game. Giọng lồng tiếng của tiếng Anh và tiếng Nhật cũng được đầu tư chỉn chu khi có sự góp mặt của những gương mặt quen thuộc trong thị trường Game và Anime của cả phương Tây lẫn Nhật Bản. Còn một điểm nữa mình cũng phải đề cập là mặt dịch thuật sang tiếng Việt của game khá tốt so với mặt bằng chung của các Game có dịch thuật chính thức trên thị trường hiện nay. Dịch rất sát nghĩa mà vẫn tạo nên được sự tự nhiên cho bối cảnh, chứ không bị giống Google Dịch quá.
Tôi chơi GI và hiện đang ở AR 32, và qua góc nhìn người ít có thời gian cày thì việc đọc guide và chuẩn bị là điều khá quan trọng. Game gacha nên tỉ lệ như hạch (chắc bằng FGO), tài nguyên không giới hạn nhưng giờ chơi có hạn (vậy nên tôi ko có ý kiến nhiều về cái thể lực resin, nhưng thời gian hồi của nó đúng là lâu thật: 8 phút/resin. Cái tôi không thích chắc là MiHoYo cập nhật khá chậm so với các game gacha tôi đang chơi (Arknights 3 tuần/update, F/GO 4 tuần/update, GI thì 6-7 tuần nhưng thông cảm được khi game thuộc dạng thế giới mở).
Cốt truyện và mức độ đầu tư cho phần thoại với NPC đúng là điều làm ai cũng bất ngờ nhất khi chơi Hades. Không bao giờ trùng lặp (kể cả những đoạn do người dẫn truyện đọc khi Zagreus vuốt ve con chó Cerberus) và gần như luôn mở ra các yếu tố tương tác mới trong cốt truyện. Chính sự đầu tư đó khiến kể cả người vốn không quen với thể loại roguelike chết đi chết lại nhiều lần cũng không cảm thấy nản. Game cũng có một số quick-time event hoặc random boon drop giảm độ khó để giúp người chơi casual khám phá cốt truyện khá hợp lý nữa.
Art và âm thanh thì không có gì để chê. Lâu rồi mình cũng mới chơi một game chặt chém roguelike hay toàn diện vậy.