Red Dead Redemption 2 – Gã cao bồi tự bắn vào chân mình

Chủ xị

  

Sau khi hoàn thành Grand Theft Auto V (GTA V), tôi chẳng còn muốn đụng vào nó là mấy nữa. Map của GTA V được chia làm 2 phần: khu rừng núi, sa mạc và khu thành phố. Khu thành phố chắc chắn là nhiều hoạt động vui chơi đủ thứ hơn, trong khi rừng núi gần như tồn tại cho câu chuyện của game. Vậy thì Red Dead Redemption 2 (RDR2) liên quan gì ở đây? Hãy tưởng tượng game có vài địa điểm như thành phố Los Santos (như Valentine, Strawberry, Saint Denis) được bao quanh bởi mấy khu rừng núi như trong GTA V mà xem. Red Dead Redemption 2 đối với tôi là như vậy, giống GTA V ở thiết kế bản đồ nhưng phần đồi núi rừng rú rộng hơn nhiều so với phần thành phố, và đến đây tôi cảm nhận được một điều gì đó không lành khi mới vào game.

Nhưng trước khi nói về cái cảm nhận không lành của tôi, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu chút những lời khen có cánh dành cho Red Dead Redemption 2 đến từ đâu. Một trong những lời khen có cánh tôi thấy nhiều nhất là câu chuyện của Red Dead Redemption 2 được viết rất tốt, tốt đến nỗi bạn có biến phần gameplay của RDR2 thành một bộ phim cũng được. Và chính vì nó tốt theo kiểu một bộ phim đã vô tình làm hại chính bản thân tựa game. Những lời khen này cũng dần tung hô nó là tựa “game của thế kỉ”, “tựa game của năm 2018”, hầu hết đều chú ý vào cốt truyện của game là chính. Đừng để những lời khen này đánh lừa bạn, vì RDR2 không tốt đến vậy…

(Spoiler nhẹ game)

Cái tốt

Như đã nhắc đến ở trên, câu chuyện của RDR2 thường được coi là một trong những câu chuyện hay nhất của video game trong thập kỉ vừa rồi. Tôi không hoàn toàn đồng ý lắm, nhưng tôi sẽ phải đồng ý với một cái: Athur Morgan có lẽ là một trong những nhân vật chính hay nhất mà Rockstar từng tạo nên, hay thậm chí là một trong những nhân vật chính hay nhất từng xuất hiện trong video game.

Arthur Morgan là nhân vật chính được người chơi điều khiển trong phần lớn thời gian ở Red Dead Redemption 2. Anh mang cho mình vẻ bề ngoài của một gã côn đồ khá đáng sợ, nhưng tính tình anh lại khá hài hước và mỉa mai, nhưng khi đã vào việc là rất nghiêm túc. Anh trung thành tuyệt đối với Dutch, người đã nuôi dạy anh khi còn tuổi thiếu niên. Arthur cũng mang trong mình chút máu nghệ sĩ, chăm viết nhật ký và vẽ rất khá (nghiêm túc, vẽ còn khá hơn cả người đang viết bài này hồi đi học vẽ). Nhưng trái ngược với cái máu nghệ sĩ, hài hước mỉa mai mà người chơi thường thấy, Arthur có một quá khứ đầy bất hạnh.

Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha là tội phạm và cũng chết sớm. Cuộc đời Arthur, dựa vào trải nghiệm game của người chơi, ít nhất trải qua 2 mối tình. Mối tình đầu tiên mà người chơi biết đến sẽ là Mary Gillis, hay theo tên họ của người chồng quá cố của cô là Mary Linton. Arthur và Mary yêu say đắm lúc còn trẻ, nhưng tình yêu này bị gia đình Mary, hay cụ thể hơn ở đây là bố của Mary, một bợm rượu và một tay bài bạc, ngăn cản. Ông ta gọi anh là kẻ ngoài vòng pháp luật, tên ăn trộm và giết người, mặc cho mối quan hệ giữa anh và Mary rất thắm thiết và anh cũng rất thân với em trai Mary, Jamie. Mối tình đành phải kểt thúc, Mary đi lấy chồng còn Arthur lại tiếp tục trung thành với băng Van der Linde.

Và mối tình còn lại, chỉ được biết qua lời kể của Arthur, rằng anh có mối quan hệ với một cô hầu bàn là Eliza và họ cùng có với nhau một đứa con tên là Isaac. Arthur ít khi thăm hai mẹ con do lối sống ngoài vòng pháp luật của mình. Nhưng đến một ngày, Eliza và Isaac đã bị bọn cướp bắn chết ngay tại nhà chỉ vì vài đồng dollar ít ỏi. Đó là lúc mà Arthur có phần nhận ra rằng, cái lối sống ngoài vòng pháp luật này có thể mang đến cho anh sự tự do, nhưng chưa chắc đã mang đến cho anh hạnh phúc. Và đó là một phần lí do tại sao cả game không hề có một love interest cho Arthur, đó là cái khổ đau mà anh phải gánh chịu. Và giờ đây, tình cảm của anh dành nhiều hơn cho một gia đình chung: Băng Van der Linde.

Những cử chỉ nhỏ cũng có thế khiến nhiều người chơi nhìn nhận Arthur là một người thủ lĩnh lý tưởng hơn cả chính thủ lĩnh hiện tại của băng…

Và đây cũng là một phần câu chuyện của RDR2 tỏa sáng. Ngoài những cắt cảnh mang một đống kịch tính cảm xúc, khi người chơi cùng Arthur bắt đầu đi quanh khu trại của băng Van der Linde thì sẽ càng tìm ra nhiều đoạn hội thoại ẩn giữa các NPC và càng làm giàu thêm mối quan hệ giữa các thành viên trong băng Van der Linde. Thậm chí mỗi khi những xích mích xảy ra giữa các thành viên, Arthur có thể an ủi họ hoặc than phiền với những thành viên gây xích mích. Từng cử động của Arthur như việc không bao giờ chạy trong trại (bởi vì game không cho…), tôn trọng những cử chỉ đẹp của của những thành viên có thể biến Arthur trở thành một người thủ lĩnh lý tưởng hơn cả Dutch.

Arthur khác biệt với Dutch rất nhiều, Dutch muốn níu kéo lại cái cuộc sống tự do, không phải làm thuê cho bất kì ai, giết người cần giết, cứu người cần cứu, mọi việc là do chính Dutch quyết định cho ảo mộng tự do của mình. Arthur lại là một người dần dần thấy được cái lối sống của Dutch sẽ kéo cả băng vào cái chết, nhưng anh vẫn trung thành với Dutch, cùng lúc đó anh cũng có thể giúp đỡ từng người của băng rời khỏi cái chốn địa ngục này, vì anh quan tâm nhiều đến từng người của băng hơn, cái băng đó là gia đình mà anh không muốn đánh mất, không muốn để ai chịu khổ đau thêm lần nữa.

Red Dead Redemption 2 là một câu chuyện về sự thay đổi. Chắc chắn, cho dù là bất cứu câu chuyện lớn nhỏ nào, cái chủ đề về sự thay đổi vẫn hiện hữu trong đó, dù ít hay nhiều, dù rõ ràng như mặt trời hay ẩn mình lấp ló như những ngôi sao ban đêm. Chúng đã xuất hiện trong những cuộc xung đột giữa mối quan hệ của các nhân vật. RDR2 là một chuỗi câu chuyện bi kịch tuyệt vời của các nhân vật bị mắc kẹt theo cách của họ đến nỗi họ từ chối chấp nhận rằng mọi thứ đã và đang thay đổi, quá cứng nhắc trong lý tưởng của họ đến nỗi họ có thể nhìn thấy những tác hại mà họ đã gây ra cho chính họ và những người khác.

Trong khi người chơi vẫn còn trên lưng ngựa ngao du, tiếng nhạc nhẹ nhàng sẽ thi thoảng xuất hiện…

Và hỗ trợ cho câu chuyện tuyệt vời này chính là âm nhạc và âm thanh của game. Âm thanh có lẽ là một trong những khía cạnh hay bị bỏ qua trong video game nhất vì một phần, hầu hết người chơi hay review không có chuyên môn về cái việc này. Tôi cũng chả ngoại lệ, nhưng âm thanh của RDR2, đặc biệt là tiếng ngựa chạy là cực kì tuyệt vời, chúng có phần bass khá nặng và thậm chí có thể cảm nhận được nếu loa mọi người có chỉnh bass. Mỗi khi Arthur ngồi lên con Roach (yeah tôi đặt tên ngựa là Roach) và bắt đầu cưỡi ngựa lên đường đến nơi làm nhiệm vụ, tiếng chân ngựa chạy nghe cực kì tuyệt vời, chúng cực kì mạnh mẽ chứ không có yếu ớt như tiếng chân Roach trong The Witcher 3. Tôi sẽ không nói nó thật vì… thú thực là không ai làm âm thanh lại sử dụng âm thanh đời sống thực cả, nhưng chắc chắn rằng đây là một cái mà team làm âm thanh cho game nên tự hào.

Phần còn lại là âm nhạc, và tôi chỉ có thể nói là tuyệt vời. Bởi vì âm nhạc được ghép một cách hoàn hảo trong mỗi nhiệm vụ câu chuyện và không bản nhạc nào lại giống bản nhạc nào. Mỗi bản nhạc cho mỗi cuộc đấu súng là độc nhất cho cuộc đấu súng đó. Nhưng đó không phải cái thứ âm nhạc duy nhất mà tôi muốn đề cập tới. Khi người chơi cùng Arthur dạo quanh thế giới, âm nhạc rất hiếm khi xuất hiện, nếu có cũng chỉ là một tiếng ghi-ta nhẹ rồi lại để người chơi thưởng thức tiếp âm thanh thiên nhiên. Cái thứ âm nhạc này khiến tôi nhớ tới The Legend of Zelda: Breath of The Wild cũng dùng một tiếng piano nhẹ mỗi khi người chơi du ngoạn vùng đất Hyrule.

Cái tệ hại

Nhưng những lời khen trên mới chỉ là màn dạo đầu của bài viết này, và ở đây mới đến lúc tôi viết chỉ trích thực sự. Tôi thực sự mong muốn Red Dead Redemption 2 thành một game có thể khiến tôi đáng kinh ngạc hoàn toàn, nhưng thay vào đó, nó lại rất đáng thất vọng về gameplay. Đã có quá nhiều sự thay đổi về gameplay trong một game thế giới mở tính từ 2018 trở về trước.

Hầu hết những game thế giới mở của Ubisoft đã theo đuổi gameplay hoạt động theo hệ thống, mở ra nhiều kiểu chơi khác nhau tiếp cận mục tiêu. The Legend of Zelda: Breath of The Wild (BOTW) thì không yêu cầu người chơi buộc phải làm main quest để hoàn thành game, chỉ 2 điều duy nhất mà người chơi phải làm là hướng dẫn đầu game và đánh bại Ganon. Phần còn lại của Hyrule là đưa ra để người chơi tự khám phá và trải nghiệm theo cách của bản thân. Chưa kể đến là môi trường trong BOTW rất tuyệt khi để người chơi tận dụng nó cho nhiều việc kể cả việc hỗ trợ người chơi đánh bại quái vật hay giải đố.

RDR2 thì dường như chả thay đổi tẹo nào kể từ GTA V 2013 và RDR 2010, thi thoảng gặp sự kiện ngẫu nhiên thì cũng sẽ ảnh hưởng đôi chút đến việc có súng mới hay kiểu dạng như vậy. Thi thoảng trong câu chuyện chính nhưng những lựa chọn đó cực kì nhạt nhẽo vì chủ yếu là có thì sẽ có thêm content game hoặc không có thêm content game. Nhưng những lựa chọn đó cũng chả khiến game rẽ đi một hướng đi cực kì khác mà chỉ vẫn quay về hướng đi cũ, cực kì tuyến tính.

Mission Failed

Mission Failed vì phá luật… trong khi Arthur là kẻ ngoài vòng pháp luật…

Đây chính là điều đầu tiên người chơi sẽ cảm nhận khi chơi ở bất kì tựa game nào của Rockstar, và tất nhiên RDR2 cũng chả phải ngoại lệ cho điều này. Game bảo bạn làm gì, bạn phải như thế, không thì bạn thua game, cấm có sai.


Game bảo bạn xông lên bắn súng, bạn stealth, Mission Failed. Game bảo bạn cưỡi ngựa, nhưng bạn muốn đi bộ, Mission Failed. Game bảo bạn không được săn gấu, và bỏ lại NPC ở phía sau, làm ngược lại thì auto Mission Failed. Bạn không chờ NPC làm xong việc của mình rồi mới đi tiếp chứ gì, Mission Failed. Tất cả những điều này khiến tôi thực sự chán ngán và mệt mỏi. RDR2 dường nhu muốn nói rằng, không đây không phải lúc người chơi sáng tạo, mà là lúc Rockstar thể hiện tài năng biến mọi nhiệm vụ game trở nên tuyến tính của họ.

Đây là cách duy nhất để bắt kẻ bị truy nã, không thì Mission Failed

RDR2 sợ game thủ sẽ làm hỏng cái “trải nghiệm điện ảnh tuyến tính” mà họ tạo ra, vậy nên họ gắn Mission Failed cho mọi game thủ đang cố ý phá cách. Game sẽ sẵn sàng tự loại bỏ các cơ chế cho đến khi bạn kích hoạt được đúng chuỗi hành động mà nhà làm game mong muốn. Ở bounty hunter đầu tiên (Good.Honest.Snake Oil), game sẽ cho bạn gặp một tay thuốc lang. Game nói rằng bạn phải đối đầu với gã thuốc lang này nếu bạn xác định được vị trí của hắn trên bản đồ rồi. Tôi tưởng tôi sẽ phải rút súng ra để dọa gã, hoặc phải dùng dây thừng trói. Không, khi game nói rằng bạn phải đối đầu với gã nghĩa là bạn phải đối đầu với gã theo nghĩa đen. Bạn phải quay camera về phía NPC giữ chuột phải hoặc L1 rồi ấn một nút nó ghi là Confront, còn không thì đừng mơ tưởng mà tương tác với NPC. Những điều này là cấm kị trong tất cả các thiết kế game ở thời điểm hiện tại và càng cấm kị hơn ở game thế giới mở. Ngay cả game thế giới mở của Ubisoft trước đây cũng rất tuyến tính không khác gì game của Rockstar, giờ đã đổi thay.

“Súng là bạn thân nhất của người chơi”

Một trong những lí do dẫn tới Mission Failed nhiều đến vậy vì Rockstar chỉ cho người chơi tương tác thế giới của mình rất yếu ớt và hạn chế. Ví như việc tương tác với NPC, người chơi thường có ba lựa chọn, chào hỏi (Greet), đùa cợt (Antagonize) và giương vũ khí vào NPC để cướp tiền. Và nếu bạn có đùa cợt NPC thì bạn cũng có thể gỡ gạc tình huống đó vì game sẽ cho bạn nút Defuse. Nhưng đó là tất cả những gì mà bạn tương tác với NPC, chúng thậm chí còn không lên được cỡ lựa chọn hội thoại của Fallout 4 chứ đừng nói gì đến The Witcher 3 hay Fallout: New Vegas. Trò truyện với NPC trong RDR2 chả dẫn đến một tình huống thú vị nào hết, thay vào đó thường là sẽ chào hỏi nhạt nhẽo, NPC sẽ phản ứng theo cách tệ nếu như người chơi đùa cợt gây hấn, như việc bỏ đi, đấm Arthur hay rút súng ra bắn.

Tôi thực sự nhớ có một sự kiện ngẫu nhiên trong game, là một người phụ nữ bị ngựa chết đè lên người. Tôi giúp người phụ nữ đó và cố đưa cô về Valentine. Nhưng do định hướng đường không tốt mà tôi cưỡi ngựa chở cô vấp phải tảng đá. Người phụ nữ đó chạy nhanh nhất có thể, đến mức tôi không thể đuổi theo mà xin lỗi. Mà có đuổi kịp cũng chẳng thể xin lỗi vì đơn giản game không cho.

Và như đã nói ở trên, sự tuyến tính của RDR2 là một sự tuyến tính đến khó chịu. Nếu như bạn có thể stealth nhưng chả có cách nào để bạn đánh lạc hướng địch, vậy là bạn lại rút cung tên ra ngắm bắn hoặc ném dao rìu. Chả có cách nào bạn cố trộm lấy vũ khí của địch khi địch đang ngủ. Bạn cũng chả thể đặt bẫy địch như trong Watch Dogs 2, hay thậm chí còn chả thể đặt bẫy thú vật dù trong game hoàn toàn có sự kiện ngẫu nhiên NPC giẫm phải bẫy thú. Và bạn cũng chả khiến lũ kêu “I AM THE LAW” tới ổ tội phạm để thoát khỏi tình trạng truy nã (đến The Witcher 3 còn có thể dẫn đám lính đến tụi quái vật để chạy thoát khỏi bị chém). Trong RDR2, khẩu súng là bạn thân của bạn trong mọi cuộc chiến và không gì khác. Tất nhiên, bắn súng trong RDR2 không phải bắn súng trong DOOM hay Titanfall 2 nên về cơ bản chúng cự kì tẻ nhạt. Chỉ đơn giản là nấp, ngắm và bắn.


Hệ thống tiền thưởng, nhân chứng và hệ thống trại.

Một khi đã trả xong tiền thưởng là không phải lo lắng gì nữa…

Nói về hệ thống tiền thưởng và nhân chứng trước, về cơ bản chúng cực kì nửa vời và thiếu thống nhất. Nếu như Arthur phạm tội mà bị dân thường bắt gặp, người chơi có thể dọa họ im lặng, và chắc chắn NPC sẽ không biết tên người chơi. Nếu như Arthur phạm tội nhưng đeo mặt nạ, có bị NPC bắt gặp cũng không biết rõ mặt mũi Arthur ra sao. Điều đó ổn. Nhưng nếu cảnh sát bắt gặp Arthur phạm tội thì tự động bị thấy tên mình có tiền thưởng trên đầu, cho dù Arthur có đeo mặt nạ hay không. Điều này khiến nhiều vụ phạm tội trở nên rất bất hợp lý.

Đặc biệt nhất là vụ cướp tàu, không hiểu bằng một cách nào đó, cảnh sát ở phía Đông bản đồ có thể biết được một vụ cướp tàu ở phía Nam bản đồ cho dù người chơi đã chơi stealth hết sức có thể. Và thậm chí biết được cả tên kẻ cướp để treo tiền thưởng. Hệ thống game tôi đã mong muốn có nhiều ý nghĩa hơn, hy vọng tạo nên những tình huống thú vị thì lại thiếu đi tính thống nhất. Chưa kể đến hệ thống này cũng rất nông cạn về mặt hậu quả nữa, một khi bạn trả xong tiền thưởng là coi như tiền thưởng reset lại từ đầu chứ không bắt bạn phải trả giá cao hơn số tiền trước.

Nhắc đến cái hậu quả, tôi chẳng thể nào ngừng nghĩ đến hệ thống trại của băng Van der Linde. Thú thực, tôi chẳng có lý do nào để nâng cấp trại vì một điều đơn giản thôi: nó chả có ảnh hưởng gì hết, chả ảnh hưởng đến Arthur hay các nhân vật trong trại. và thế quái nào tôi lại phải nâng cấp trại hộ Dutch hay John? Nâng cấp thêm chỗ đựng đạn dược làm gì khi Arthur auto loot đạn trên bãi chiến trường, nên đâm ra đạn lúc nào cũng sẵn có. Nâng cấp có thêm đồ hồi máu, stamina cũng được nhưng cũng chả cần lắm vì đôi khi đi mua tại cửa hàng còn nhiều và nhanh hơn. Thứ duy nhất tôi thấy đáng để nâng cấp là bản đồ để có gì còn fast traver được. Nhưng đôi khi chạy ngựa cũng là đủ vui rồi.

Tựa game quá dễ để bạn sinh tồn qua ngày mà chả cần nâng cấp trại. Số tiền bạn gửi vào trại cũng chả để làm gì hết ngoài việc làm đẹp trại (dù thú thực là cũng chả đẹp) và nâng cấp một số thứ mà có khi cả game bạn cũng chả dùng đến. Arthur săn thú lấy tiền chả để làm cái gì hết. Người chơi cướp tàu, xe ngựa, người đi đường cũng chả để làm gì ngoài việc mua súng và nâng cấp súng là hữu dụng nhất. Và nếu bạn thích thời trang thì có thể mua quần áo để mặc (well outfit Arthur của tôi lại trông khá giống Inidiana Jones vậy). Có lẽ nên có cách nào để khiến số tiền của Arthur khiến trại trở nên có ích, ví như phải kiếm đủ số tiền và thức ăn mới có thể khiến trại di chuyển chỗ mới, kiếm nâng cấp đủ ngựa mới có thể khiến trại di chuyển hay kiểu dạng vậy.

Thế giởi mở cũ

Nơi đâu có nhiệm vụ, nơi đó có các chấm tròn xuất hiện trên bản đồ…

Thú thực, chê thế giới mở trống rỗng không còn gì là điều xa lạ trong mỗi lần bàn luận về game thế giới mở: luôn có đứa mở miệng ra kêu thế giới mở này trống rỗng quá. RDR2 cũng chả thể thoát khỏi các lời chê như vậy, và với tôi thì tôi không hoàn toàn đồng ý lắm, mà ở đây tôi gọi thế giới mở của RDR2 là cũ. Tổng diện tích bản đồ của RDR2 là 75 km2, lớn hơn BOTW 3 km2 và nhỏ hơn tổng diện tích của GTA V cũng kha khá. Dù địa hình của RDR2 đa dạng hơn nhiều, đầm lầy có, thành phố to có, thị trấn nhỏ có, đồn điền có, rừng thông có, sa mạc có và cả đồi núi nữa, nhưng lý do để quay lại hay đến nơi đó thì không có nhiều.

Tất cả những lý do là tôi đã liệt kê ở trên, bạn có thể chơi game mà không cần phải lo nghĩ về tiền nong hay đồ ăn, thức uống, đạn dược vì chúng rất rẻ. Bạn cũng chỉ cần săn 2-3 con thú là hoàn toàn có thể không phải lo lắng gì về đồ ăn. Tiền sẽ có nếu bạn chăm làm main mission. Tôi hoàn toàn có thể cảm thấy rằng, câu chuyện của RDR2 có thể tồn tại mà chả cần đến open world. Side mission thì gần như không ảnh hưởng đến main mission và cũng chả có nhiều nhặng gì. Sự giới hạn trong việc tương tác thế giới đã tự tay bắn chết cái thế giới rộng 75 km2 của RDR2. Rất giống với những tựa game thế giới mở cũ nói chung và thế giới mở của Rockstar nói riêng.

Thế giới của RDR2 cũng có rất nhiều bí ẩn thú vị mong muốn bạn khám phá, nhưng mức tương thưởng cho những bí ẩn đó là không hoàn toàn xứng đáng. Ví dụ như bí ẩn về Panoramic Map và UFO chẳng hạn, những câu chuyện được hoàn toàn chỉ được kể qua môi trường của game, để người chơi tự liên kết các manh mối lại với nhau. Nó rất tuyệt, thực sự luôn, nhưng mức độ tương thưởng cho việc khám phá nó là cảm giác phí hoài thời gian. Và có rất nhiều các cái khám phá phụ họa của RDR2 thuộc kiểu dạng như vậy, khiến người chơi nhiều khi cảm giác rằng họ không có lý do nào để hoàn thành những điều này ngoài sự tò mò của họ. Và chắc chắn không thể không kể đến những fetch quest, cho một khấu súng đẹp và một chiếc mũ độc, yeah, có thể nó sẽ hứng thú với bạn. Nhưng với tôi, nó cần cái gì đó hơn cả một khẩu súng đẹp và một chiếc mũ độc.

Và có lẽ điều tôi khó chịu nhất là: các sự kiện ngẫu nhiên lặp lại. Nếu như chúng chỉ là trại cao bồi hay cướp đường thì có lẽ tôi sẽ bỏ qua, nhưng tôi cứu 1 người phụ nữ 2 lần với trường hợp giống nhau như ngựa chết và 2 người đó đều kể câu chuyện tôi đã nghe rồi. Nó khiến cái thể giới của RDR2 trở nên thiếu chân thực và nhàm chán. Dù vậy có một số side mission tìm kho báu khá thú vị. Nhưng khác với The Witcher 3 hay Zelda, chúng thường được giấu ở trong các hang đá. Mà muốn lấy được thì bạn phải kích hoạt mission trước mới có thể lấy được kho báu. Chứ sẽ không thể theo kiểu tình cờ lang thang mà tìm thấy được đồ vật. Tôi cảm giác rằng Rockstar đã không còn chịu nhìn xem các game thế giới mở khác đã làm những gì để khiến người chơi tiếp tục chơi thế giới mở của họ.

Cái xấu xí

Ở phần này, tôi muốn nói đến mấy cái vấn đề có cả mặt tốt và mặt xấu và RDR2 thì có cũng vô vàn. Nhưng tất cả cái sự xấu xí vô vàn lại nằm trong một cụm từ: chân thực. Tại sao sự chân thực trong RDR2 lại là một cái sự xấu xí của RDR2? Câu trả lời cũng đã nằm thoáng qua ở trên rồi, nhưng dưới đây sẽ đi sâu hơn nữa.

Cái tốt của sự chân thực là nó cho người chơi cảm giác đắm chìm và trong thế giới của video game. Nhưng RDR2 không chỉ ngừng lại ở mỗi thế giới của video game, mà nó còn tái tạo một thời kì lịch sử của nước Mỹ, thời kì chuyển giao giữa thế kỉ thứ 19 và thể kỉ thứ 20. Nước Mỹ lúc đó phát triển nhanh tơi mức không có đủ luật pháp ở những bang phía Tây nước Mỹ, dẫn tới có những gã cao bồi ngoài vòng pháp luật như RDR2 thể hiện lại đây.

Vì mong muốn truyền tải được hết cái vẻ đẹp hoang dã của thời kì đó, Rockstar đã đưa hết khả năng của mình để tạo nên một vùng đất đa dạng đẹp đáng kinh ngạc. Những vùng núi đầy tuyết đến đầu gối, khu đầm lầy đáng sợ vào cả ban ngày lẫn ban đêm, rình rập quanh mình là những hiểm nguy. Thi thoảng người chơi lướt qua những rừng thông khi cưỡi ngựa ngao du, gặp những con thú hươu nai, thỏ, chim, và thi thoảng lại gặp cả sói với gấu nữa. Đến đây tôi xin tạm ngưng lại vì có kể cho người không chơi RDR2 cả ngày cũng chả hết được cái độ hùng vĩ trong thiên nhiên của tựa game. Tắt HUD chơi RDR2 thì đúng là tuyệt vời miễn bàn.

Một yếu tố nữa vô cùng quan trọng đóng góp lên cái hiện thực của RDR2 mà tôi nghĩ rằng ai cũng biết rồi: Animation. Cử động của các nhân vật là cực kì chi tiết từ cái vẫy tay chào, cho đến làm bếp, nấu ăn. Đặc biệt hơn là ở nhân vật Arthur, mỗi khi loot đồ là gã lại cúi người xuống, lục lọi từng cái xác một. Muốn có thêm thảo mộc hả? Nhặt từ đất một nắm thảo mộc, bỏ đi phần ngọn và lấy phần rễ. Săn thú xong thì có thể lột da từng động vật một, rồi lại còn có thể nhấc con thú lên vai và để lên lưng ngựa. Râu của Arthur thì mọc theo thời gian thực, Arthur béo hay gầy cũng là do người chơi cho anh ta ăn nhiều hay ít. Tất cả những điều đó là đáng kinh ngạc đối với người chơi và đáng khâm phục với đội ngũ làm animation của Rockstar.

Nếu lần đầu tiếp cận thì ấn tượng thật đấy, nhưng với hơn gần tựa game gần 100 giờ chơi như RDR2 thì những dạng animation như vậy sẽ làm bạn chán nản, rất nhanh. Những animation này là kĩ càng, nhưng rất chậm, chậm một cách kì cục. Nó có quá nhiều cử động cho một hành động, ví như việc looting xác: Arthur bước đến gần xác, Arthur cúi người xuống, Arthur lục lọi áo của xác, Arthur lấy đồ ra khỏi áo của xác, Arthur đứng lên và cho đồ vào trong túi của mình. Nó nhìn lần đầu thì cực kì tuyệt vời nhưng sau ba chục lần nhặt xác, người chơi bắt đầu chán nản. Chưa kể đến là tốc độ looting rất chậm khiến ảnh hưởng đến về nhịp độ của game.

Hầu hết những game khác không làm những điều này vì họ biết rằng nhìn những animation rất nhanh chán, chứ không phải họ lười. Trong BOTW khi có đồ vật mà muốn nhặt, bạn chỉ cần đến gần nó, ấn nút và bem, món đồ đã có trong túi của bạn. Ngay cả việc mua sắm của RDR2 cũng rất lấn cấn, bạn tiếp cận chủ cửa hàng, rồi bạn mở sách thấy những mục lục, bạn chọn phần nào thì tay của Arthur sẽ giở trang sách ra đúng phần đó. Hài hước là trông trong sách chả khác gì mấy cái menu mua bán của những game khác, chúng chỉ đơn giản là khó sử dụng hơn mà thôi.

Thi thoảng “gamey” một chút cũng không chết ai, và RDR2 rõ ràng cũng nhận ra điều này. Bản đồ được thiết kế theo kiểu dạng có ký hiệu nào lạ trên bản đồ thì đi đến đó để có mission mới, game vẫn có mini map và HUD các thứ. Và tất nhiên là không thể kể đến việc auto loot đạn từ xác chết nữa. Và RDR2 online có tốc độ looting nhanh hơn nhiều so với phần chơi đơn. Nhưng cái vấn đề là, RDR2 càng cố đưa nhiều animation kĩ càng vào để cái game có vẻ thực tế hơn thì cái gameplay gốc lại ngược lại, càng chứng tỏ nó cực kì “gamey” do sự giới hạn trong việc tương tác thế giới của game.

Sự chậm chạp và lặp lại của animation đã vô tình giết chết một phần trong RDR2, game có đồ họa và phong cách nghệ thuật về thiên nhiên đẹp nhất tôi từng thấy. Thậm chí ngay cả khi Arthur đi bộ và bắn súng cũng rất khó khăn để điều khiển hoặc làm chủ được hoàn toàn, không giẫm nhầm lên cái bàn thì cũng giẫm nhầm lên cái ghế. Trong combat lại càng tệ hơn, sẽ luôn có hàng tá các cử động ngăn cản Arthur chuyển đổi vị trí ẩn nấp, và thậm chí là lấy súng để bắn. Những điều đó là rất phiền phức, và càng cảm thấy khó chịu hơn vì biết rằng phần hơn nhân viên trong Rockstar làm thêm giờ trong thời điểm phát triển game chú tâm nhiều vào animation của game hơn là làm gameplay sao cho tốt.

Và bất chấp tất cả việc đẩy mạnh sự chân thực của Rockstar, cắt cảnh của game lại có thêm hai cái dải đen đen trên và dưới, chỉ để làm cho cắt cảnh trở nên “điện ảnh” hơn. Cắt cảnh của game nhiều lần lôi tôi ra khỏi chính thế giới của game, rất nhiều lần. Mỗi lần cắt cảnh xuất hiện là hai dải đen cũng xuất hiện theo và tôi biết ngay rằng mình đang xem cắt cảnh chứ không còn ở trong thế giới của game nữa. Và có một số cắt cảnh còn khiến tôi chơi game ít đi chứ không phải để diễn tả cốt truyện hay gì cả. That’s weird.

Và cuối cùng là thanh Honor của game khiến tôi lấn cấn vô cùng. Rất nhiều game có dạng đánh giá cả quá trình chơi của người chơi qua kiểu này. Dishonored thì có hệ thống Chaos, bạn càng giết người nhiều, lính càng tăng cao, chuột càng nhiều và ảnh hưởng đến Emily nhìn nhận bạn như thế nào. Metro series thì bạn càng ít khám phá, và càng bắn giết nhiều thì bạn càng tệ (tất nhiên có cả kiểu bạn không gảy đàn thì ăn bad ending nữa). Nếu bạn hỏi tôi, thì tôi khá là không ưa hai hệ thống đó của cả 2 series, nhưng chúng vẫn hợp lý ít nhiều.

Nhưng với hệ thống honor của RDR2 thì khác. Bạn làm việc xấu thì trừ honor, bạn làm việc tốt, tăng honor. Điều đó rất dễ hiểu, nhưng chúng không ngừng lại ở đó. Cho dù thanh honor của bạn có xuống thấp cỡ nào, thì bạn cũng hoàn toàn có thể lấy lại được honor và đưa nó lên mức cao nhất. Về cơ bản, bạn chơi Arthur low honor ở chap 2, mà đến chap 6, Arthur của bạn lại có high honor thì nó lại rất phù hợp với câu chuyện của chính RDR2, sự thay đổi. Nhưng nếu bạn chơi Arthur ở high honor ở chap 2 và đến chap 6, Arthur của bạn vẫn high honor thì đến đây câu chuyện của người chơi và câu chuyện của game bắt đầu có một sự xung đột ít nhiều.

Có thể bạn thấy không quan trọng vì về cơ bản, oh nó chỉ là video game mà thôi, nhưng với tôi thì không. Sự thiếu sót về mặt hậu quả lâu dài trong câu chuyện của game và người chơi đã gây nên xung đột lớn. Thanh honor trong game rất dễ để người chơi kiểm soát khi nó cứ hiện lên màn hình một cách rất rõ ràng rằng bạn là người tốt hay người xấu. Và thật khó để đắm chìm mình vào một thế giới khi ta có thể hoàn lương bằng việc chào hỏi dân thường trong khi trước đó vừa giết cả thị trấn.

Lời kết

Red Dead Redemption 2 là tựa game nói về sự thay đổi, đó là một chủ đề hay và thú vị mà hiếm game nào có. Ngay cả bản thân tựa game cũng có sự đổi thay, nhưng chủ yếu là cái mã bề ngoài của tựa game, chứ sâu tận cùng, RDR2 vẫn là một game mà Rockstar làm suốt hơn chục năm. Gameplay của Rockstar hết thời nặng nề, mắc kẹt ở những nhiệm vụ tuyến tính không lối thoát, ngay cả những nhiệm vụ phụ hay nhất của tựa game này cũng chả thể thoát khỏi các chuỗi gameplay thiếu thú vị. Còn thế giới mở của game thì tách biệt hoàn toàn với câu chuyện của game, tôi sẽ chả ngạc nhiên nếu ai đó than phiền rằng chơi RDR2 cảm giác như đang chơi 2 tựa game cùng một lúc.

Tên bài viết này là “Gã cao bồi tự bắn vào chân mình”, nhưng trước đó tôi đã đặt cho nó một cái tên khác: “Nút tự hủy của Rockstar”. Nhưng tôi đã xóa bỏ hết và đặt lại một cái tên hoàn toàn mới, bởi vì fan của Rockstar vẫn đông, reviewer vẫn chấm những điểm dố rất cao và họ vẫn còn hỗ trợ Rockstar lâu dài. Gọi RDR2 là nút tự hủy của Rockstar là hơi sai sai, nhưng tôi nghĩ đây là nút kích hoạt cho một quả bom nổ chậm, nếu như Rockstar vẫn còn chày cối không chịu đổi thay cách thiết kế game hiện tại. Vẻ đẹp chân thực, bầu không khí và câu chuyện xuất sắc của Red Dead Redemption 2 chắc chắn sẽ không thể nào cứu nổi những chuỗi nhiệm vụ và gameplay tuyến tính nhàm chán. Và đối với tôi, Red Dead Redemption 2 là một trong những game overrated nhất tôi từng chơi.

Dù vậy, đây chắc một trong những “TV series” hay nhất tôi từng chơi…

P/S: Yeah tôi biết là tôi chơi và viết cái này muộn rồi, nhưng bạn có chơi trên PC, làm ơn hãy tải cái mod no black bars về giùm vì bạn sẽ được trải nghiệm cắt cảnh theo cách tuyệt vời nhất.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Yama Kuma - 10.03.2020

    Bài này sao nana review của 7 ngày chơi game nhỉ


    • Nemo Nobody - 10.03.2020

      Cái duy nhất mà mình thấy giống trong bài viết của mình với video review của & ngày chơi game là các mục lớn được chia theo tên bộ phim The Good, The Bad and The Ugly thôi mà bạn…