Anh kể em nghe về lịch sử game (P.6): Game online của thế kỉ 21

Chủ xị

  

Hôm nay là một buổi chiều thứ 7 đẹp trời, cả Tít và Mít đều không đi học. Nhớ lại những câu chuyện từ lần trước khi mà Tít và người bạn Tồ đã kể cho Mít nghe rất nhiều kiến thức về lịch sử game online của nước ta nói chung và nước ngoài nói riêng làm Mít hào hứng vô cùng. Ở phần trước Tít cũng đã hứa với em trai sẽ cùng đàm đạo về tình hình game online thế giới từ năm 2000 đến giờ nên Mít hào hứng vô cùng.

Mít: Lần trước anh hứa sẽ nói tiếp về lịch sử game online thế giới đúng không, giờ là lúc để anh thực hiện lời hứa đó!

Một sự kiện LAN party lên đến hàng ngàn người tham gia

Một sự kiện LAN party lên đến hàng ngàn người tham gia

Tít: Được rồi anh biết rồi. Lần trước chúng ta đã nói về xu hướng chơi game kiểu LAN party những năm 2000 rồi đúng không? Thật ra game thủ thì thường cả thèm chóng chán và thế giới thì luôn luôn thay đổi. Các nhà phát triển game cũng nắm được xu hướng này và ngày càng tìm thêm nhiều cách để kết nối việc chơi game của mọi người lại gần nhau hơn. Điển hình là vào những năm 2002 đến 2004, việc Xbox cho ra đời hệ thống Xbox Live là một sự phát triển lớn của làng game, đánh dấu thành công trong việc ra đời dịch vụ trực tuyến trên console của Microsoft. Mặc dù ban đầu, hệ thống này bị cho là vô ích bởi không có game gì đáng để chơi trực tuyến cả. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi Halo được ra mắt. Với cách chơi kịch tính vốn có của một game bắn súng, cùng sự hấp dẫn trên đấu trường với nhiều người chơi khác nhau, nó đã mở ra cả một cánh cổng lớn cho ngành game trực tuyến phát triển. Càng về sau người ta càng làm ra nhiều game tích hợp phần chơi mạng nữa, chính vì vậy mới nói: càng ngày ranh giới giữa game offline và game online càng bị xoá nhoà.

Mít: Công nhận là hệ thống trực tuyến trên các console, điển hình như Xbox hay Playstation cho đến nay đều rất thịnh hành anh ạ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cộng đồng game thủ và game online trên PC còn lớn hơn rất nhiều.

Thời hoàng kim khi người chơi đông nghẹt

Thời hoàng kim khi người chơi WoW đông nghẹt server

Tít: Rất chính xác đó! Thời kì 2000-2004 là thời kì hoàng kim của game online trên PC với lý do đơn giản là game thủ lúc đó mới bắt đầu được trải nghiệm khi chơi trực tuyến, tương tác với những người thật thú vị hơn chơi một mình rất nhiều. Được biết đến nhiều nhất từ thời đó cho đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều người chơi, World of Warcraft là một tượng đài MMORPG không bao giờ có thể bị phá bỏ, thậm chí trải nghiệm mà thế giới game này mang lại được nhiều người so sánh như là cuộc sống thứ 2 của họ. Cùng chơi, cùng nỗ lực săn boss vượt ải, đôi khi là anh em trong guild hỏi han nhau cảm giác như người nhà vậy.

Mít: Em cũng biết chút ít về WoW này! Đạt được thành công từ nhiều tựa game trước đó như Diablo, Warcraft, Starcraft nên Blizzard quyết định lấn sân sang lĩnh vực game online và họ đã hoàn toàn thành công với World of Warcraft khi số lượng người chơi tăng dần theo từng ngày. Cho đến thời điểm này theo một vài thống kê sơ bộ thì WoW đạt đến hơn 10 triệu lượt người chơi, một con số khổng lồ với một thế giới ảo. Thậm chí nhiều người do không có đủ khả năng chi trả để chơi WoW đã chọn cách chơi free trên các private server và số lượt những người chơi trên các server lậu này cũng đạt đến hơn 1 triệu cơ. Thành công của WoW có lẽ là nhờ cách họ học hỏi từ lối chơi của một huyền thoại khác là EverQuest và luôn cập nhật, làm mới game để chiều lòng người chơi.

Call of Duty - Siêu phẩm FPS

Call of Duty – Siêu phẩm FPS

Tít: Ừ anh đang tính xem có nên chơi WoW ở một private server để trải nghiệm cảm giác chơi một tựa game khủng như vậy ra sao. À, bên cạnh đó, năm 2004 cũng đánh dấu sự ra đời của Call of Duty với hệ thống chơi mạng cùng bản đồ chiến trường cho phép tối đa 64 người chơi tham chiến cùng lúc. Sau này Xbox Live cũng thêm vào chức năng kết nối các người chơi có trình độ ngang nhau, tương tự như hệ thống rank vậy. Đây cũng là kỉ nguyên của game FPS khi mà những siêu phẩm Battlefield hay Call of Duty luôn luôn cạnh tranh nhau cho ra đời sản phẩm tốt nhất, đều đặn mỗi năm một phiên bản với những cải tiến về nội dung, hình ảnh đáng ngạc nhiên và nhất là phần chơi mạng.

Mít: Ngoài game bắn súng ra thì em thấy các game chiến thuật cũng đặc biệt được giới game thủ chú ý. Không chỉ ở nước ngoài mà trong nước phong trào chơi game chiến thuật rất được ưa chuộng, đặc biệt nhất có thể nói tới dòng Starcraft. Với 3 chủng tộc Zerg, Protoss, Terran sở hữu những ưu nhược điểm riêng nhưng về sức mạnh và chiến thuật có thể nói là rất cân bằng. Kinh tế trong game chỉ phát triển bằng 2 đơn vị tài nguyên chính là khoáng sản và gas giúp người chơi đơn giản hoá tối đa việc khai thác tài nguyên và tập trung hơn vào quân sự cùng các trận đánh. Đến năm 2010, Blizzard cho ra mắt Starcraft 2 gây được nhiều tiếng vang lớn nhờ sở hữu đồ hoạ đỉnh nhưng chiến thuật, gameplay trong game cũng không kém phần long trọng đâu.

DOTA 2-MOBA được yêu thích nhất thế giới

DOTA 2-MOBA được yêu thích nhất thế giới

Tít: Hay đó, để anh bổ sung thêm một chút. Trong giới chơi game MOBA không thể không nói tới Dota (Defense of the Ancient). Nhớ lại những ngày đầu, vào năm 2002 khi lần đầu tiên custom map Dota được đưa lên Warcraft đã được rất nhiều game thủ ưa chuộng và nhanh chóng, nó trở thành map được chơi nhiều nhất trên Battle.net. Không lâu sau đó, cái tên Dota Allstars ra đời đánh dấu một bước trưởng thành lớn với Dota. Game trở nên cân bằng hơn, các tính năng trong game chạy ổn định cùng như cải tiến, update liên tục, thậm chí là đưa thêm vào những heroes mới. Ngay sau đó, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Dota trên toàn thế giới, nhiều những giải đấu và các team e-sports lần lượt nối tiếp nhau ra đời càng tăng tính cạnh tranh và lôi kéo nhiều người chơi hứng thú với game hơn. Tới năm 2013, Dota 2 chính thức ra đời dưới bàn tay của Valve kết hợp với Icefrog, phiên bản mà hiện nay chúng ta vẫn đang chơi.

Mít: Đúng là càng ngày những game online ra mắt càng được nhiều sự quan tâm của người chơi anh nhỉ! Thế này thì chơi bao giờ cho hết game đây…

Tít: Kể hết ra tên những tựa game online thành công thì đúng là quá khó, nhưng nói cho chính xác thì đúng là các game bây giờ đều được thiết kế để có thêm phần chơi mạng hết, tất nhiên là nếu không kể tới các tựa game indie có campaign bắt người chơi phải đi một mình rồi. Với tốc độ phát triển công nghệ hiện nay thì không biết trong vòng 5 năm tới thôi sẽ còn bao nhiêu siêu phẩm game online nữa để game thủ thưởng thức!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện