TwoFace đã có một câu nói nổi tiếng “Hoặc là bạn chết như 1 người anh hùng, hoặc bạn sẽ sống đủ lâu để thấy bản thân trở thành kẻ phản diện”, ngành công nghiệp game trong những năm qua đã chứng kiến vô số sự biến chuyển không ngừng đã khiến cho nhiều công ty bỗng dưng trở thành kẻ ác của bất kỳ game thủ nào. Chắn hẳn bạn đã từng nghe qua bước đi đầy sai lầm của Blizzard khi ra mắt Warcraft Reforged, bê bối Fallout 76 do những lời hứa hẹn có cánh của Bethesda hoặc bom xịt thất vọng The last of us 2 của Naughty Dog. Vâng hôm nay mình sẽ cùng các bạn bốc phốt quá khứ và khám phá góc tối của một công ty game chẳng xa lạ gì với chúng ta, đó chính là Konami-một tượng đài đã sụp đổ.
Khai sinh của Konami
Hãy cùng tôi quay ngược thời gian trở lại năm 1969, Konami lúc này chỉ là một công ty bán và sửa chữa máy hát đĩa tự động. Vào năm 1973 công ty đã chuyển sang game thùng và thu được doanh tiếng nhất định. Cái tên Konami thực sự bùng nổ sau năm 1978 khi Konami quyết định tự mình làm game và cho ra mắt rất nhiều tựa game đình đám cực kì thân quen với game thủ 8x 9x như Castlevania, Contra, Silent Hill, Yu gi Oh, PES và không thể thiếu dòng game Metal Gear Solid. Không dừng lại ở đấy, Konami tiếp tục phát triển mảng game thùng của mình và lấn sân sang cả những chiếc máy đánh bạc slot machine được đặt ở khắp nơi tại Nhật Bản.
Giai đoạn cực thịnh
Nếu nói riêng ở mảng làm game truyền thống thì giai đoạn từ đầu những năm 90 đến khoảng 2013-2014 có thể coi là giai đoạn cực thịnh của Konami. Họ liên tục có trong tay những tựa game rất đột phá về mặt gameplay cũng như đồ họa. Những seri kinh điển như Castlevania tiếp tục đều đặn cho ra những phiên bản game vô cùng chất lượng như RONDO OF BLOOD, ARIA OF SORROW, Symphony of the Night, Contra thì đưa Konami code hay mã hack 30 mạng đến với toàn thế giới. Dòng cheat code nổi tiếng đến mức rất nhiều game không do Konami sản xuất cũng sử dụng nó như Bioshock Infinite, Rocket League, Dead by Daylight,… Yu-gi-oh là tựa game trao đổi thẻ bài nổi tiếng nhất thế giới, metal gear solid thì nhận vô số các giải thưởng bởi chất lượng không thể bàn cãi của mình. Nhưng ở Việt Nam, nổi tiếng nhất ở giai đoạn đấy chắc chắn phải là Pro Evolution Soccer hay còn gọi là PES. Nó nổi tiếng đến mức các quán game Playstation mọc lên như nấm chỉ để người người nhà nhà vào chơi tựa game này. Khi nói chuyện với nhau, không ai rủ đi chơi Playstation cả, chỉ đơn giản là: Đi đá PES không?
Thế nhưng, tất cả đã thay đổi.
Kojima và Konami
Một trong những drama gây chấn động giới game thủ toàn cầu vào năm 2015 không đâu khác chính là cuộc chia ly đầy tai tiếng của Kojima và Konami, vậy lí do vì sao cơ sự lại ra nông nỗi này.
Trước tiên hãy tìm hiểu về cha đẻ của dòng game Metal Gear Solid và Snatcher, Hideo Kojima làm việc cho Konami từ năm 1987 đã cho ra đời rất nhiều tựa game định hình lại hướng đi của dòng game thể loại hành động lén lút bấy giờ. Cốt truyện game hấp dẫn, li kì kết hợp với đồ họa và lối chơi đặc sắc đã giúp ông được đồng nghiệp trong ngành cùng các fan hâm mộ đánh giá là nhà sáng tạo game vĩ đại với nhiều ý tưởng mới lạ đi trước xu hướng. Với chức danh giám đốc điều hành công ty vào năm 2014, lời nói của Kojima lúc này có cân nặng rất lớn trong các tựa game của Konami. Và bản demo Silent Hill P.T được ví như siêu phẩm kinh dị ra mắt vào mùa hè năm 2014 những tưởng có thể khiến tương lai của Kojima tương sáng hơn bao giờ hết.
Trong một lần phát biểu trước công chúng, Kojima đã không ngần ngại khi thừa nhận rằng: “Nếu 70% cơ thể con người là nước thì game của tôi 70% là phim”- quả đúng vậy, game của ông là trải nghiệm điện ảnh cực kì ấn tượng. Nhưng đó cũng là lí do tại sao cần nhiều thời gian và tiền bạc để ra đời những tượng đài game bất hủ của bao nhiêu thế hệ người chơi, nhưng Konami lại có hướng đi khác, một hướng đi vào lòng đất khiến doanh tiếng của công ty sụp đổ chỉ trong vòng 6 tháng.
Chúng ta phải hiểu rằng tên tuổi của Konami được gây dựng nên trong thời đại game thùng, các tựa game nổi tiếng của hãng có doanh thu cao ngất ngưởng chủ yếu nhờ các game thùng nổi tiếng. Và cái tên Dragon Collection- một game thu thập thẻ bài cơ bản trên web, về sau được chơi chủ yếu trên các thiết bị di động với lối chơi cơ bản dễ hiểu đã biến tựa game này thành cơn sốt với giới trẻ nhật, chẳng mấy chốc hàng triệu người Nhật Bản đã tải và trải nghiệm giúp cho doanh thu của công ty tăng vọt. Điều này khiến Konami chợt nhận ra rằng chẳng cần phải có một game AAA được đầu tư kĩ càng để kiếm lợi nhuận trong khi các game nền tảng di động có giá thành rẻ hơn rất nhiều có thể thành cái máy in tiền rất tốt.
Tháng 3 năm 2015, phát súng đầu tiên đã nổ ra, Konami tiến hành tái cấu trúc lại toàn bộ công ty, ban điều hành mới được đưa ra và Kojima không còn giữ chức giám đốc, điều này khiến cho Kojima Production trở thành cỗ máy kiếm tiền tầm thường khác trong công ty. Nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra, Konami tuyên bố “Vẫn tiếp tục ủng hộ và phát triển series Metal Gear mặc dù có Kojima hay không” và âm thầm xóa tên ông khỏi các sản phẩm do chính ông làm ra, bao gồm cả bản Metal Gear Solid: the phantom pain mới nhất.
Việc Kojima chính thức rời Konami vào ngày 9 tháng 10 năm 2015 đã đánh dấu bước ngoặt mới của ông sau gần 30 năm cống hiến cho công ty. Như để châm thêm dầu vào lửa, Konami khiến cả thế giới chợt hiểu ra định nghĩa “người xấu” thực sự là như thế nào khi ngăn Kojima đến The game award 2015 khi game của ông được nhận giải hành động/phiêu lưu xuất sắc nhất. Và ngay cả series game Silent Hill nổi tiếng cũng bị tạm dừng vô thời hạn. Hai hành động cực kì khó hiểu này khiến giá cổ phiếu công ty tụt không phanh, biến cái tên Konami thành chủ đề mọi người bàn tán, youtuber liên tục gọi hồn chỉ để hỏi một câu duy nhất “Chuyện đéo gì đang diễn ra thế Konami?”
Góc khuất sau ánh hào quang
Theo tờ báo Nikkei Asean Review, bộ phận nhân viên tại Kojima Production phải làm việc trong điều kiện vô cùng tồi tệ, bọn họ không nhận được bảo hiểm sức khỏe, không có kết nối mạng khắp văn phòng và chỉ được giao tiếp bằng email. Camera ở khắp nơi để quan sát nhất cử nhất động của nhân viên. Một số nhân viên có năng suất làm việc thấp sẽ phải vui vẻ nhận thêm nhiệm vụ của bảo vệ và lao công, điều này không chỉ áp dụng cho nhân viên bình thường mà ngay cả những nhà sản xuất cho những tựa game nổi tiếng cũng phải chịu đựng điều tương tự. Vào năm 2013 tờ báo nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản- Asahi News, đã phỏng vấn một nhân viên may mắn từ vị trí lập trình viên xuống làm việc bình thường tại bộ phận sản xuất máy đánh bạc, khiến cho anh ta trải nghiệm trầm cảm ở mức độ nhất định.
Có thể bạn sẽ tự hỏi rằng, nếu điều kiện làm việc tồi tệ đến thế, tại sao nhân viên không nghỉ việc và đặt tương lai của họ ở một công ty khác? Câu trả lời đơn giản là không thể, Konami nói không phũ như crush của bạn vậy, có thể sẽ khá sốc khi biết rằng sau khi nghỉ việc tại công ty, Konami sẽ đặt bạn vào “danh sách đen” và gửi cảnh báo cho bất cứ công ty nào có ý định tuyển dụng với code “ex-kon” (tượng trưng cho ex konami employees) ngăn bạn đến với bất kì bến đỗ nào. Konami thậm chí còn bị cáo buộc đe dọa các nhân viên cũ sẽ kiện họ ra tòa nếu họ có những lời nói chống đối Konami trước công chúng.
“Nếu bạn rời công ty, bạn không thể trông chờ vào cái tên Konami để kiếm một công việc khác”- trích lời một nhân viên giấu tên.
Coi thường chính di sản của mình
Konami có trong tay rất nhiều thương hiệu mang tính biểu tượng, nó như một phần phản chiếu hình ảnh của họ trong mắt người hâm mộ. Nhưng KHÔNG, họ không quan tâm đến việc duy trì danh tiếng của những trò chơi này. Castlevania , Silent Hill và Metal Gear những đứa con cưng đã được biến thành những cỗ máy pachinko, một cỗ máy tương tự máy đánh bạc slot machine nhằm hút máu một cách nhanh nhất. Hoặc đơn giản là kéo những fan thèm khát được trải nghiệm những trò chơi này phải trở thành con bạc. Castlevania là nghiêm trọng nhất, không chỉ đơn thuần sử dụng hình ảnh thương hiệu, Konami còn chèn thêm các yếu tố bạo lực và khiêu dâm để tăng sự hấp dẫn của các máy Panchinko này. Đó là một vết nhơ vĩnh viễn trên cái tên Castlevania.
Nạn nhân tiếp theo là Silent Hill, phiên bản Demo tên P.T được phát triển bởi Kojima Production hợp tác cùng với đạo diễn phim lừng danh Guillermo del Toro được giới thiệu vô cùng hoành tráng. Với việc gameplay thay đổi sang góc nhìn thứ nhất cũng như chất kinh dị có phần rất điện ảnh đã khiến người hâm mộ phát cuồng. Tuy nhiên, những lùm xùm phía sau đã khiến Konami quyết định hủy bỏ dự án này một cách khó hiểu. Thứ khó hiểu hơn nữa là gì bạn biết không, họ giới thiệu một chiếc máy Pachinko Silent Hill sau đó không lâu. Ờ thôi cũng là tiền cả, làm cách này cho nhanh vậy, fan phẫn nộ thì kệ fan.
Còn tượng đài nào để phá nhỉ, à còn Bomberman. Konami ra mắt tựa game spin-off với cái tên Bombergirl. Thay đổi hình tượng các bomber của chúng ta thành những nhân vật anime nữ gợi cảm và chẳng có một tí tị tì ti nào liên quan đến cái cốt lõi cả. À ngoài việc các cô gái này vẫn có thể đẻ ra bom. Với anh em theo dõi kênh thì các bạn biết, bọn tôi yêu hình tượng các nhân vật nữ anime kèm với một chút fan-service đến thế nào. Nhưng xin các ông đấy, tha cho Bomberman của tôi đi.
Các ông tưởng thế là xong rồi á, còn lâu. Metal Gear bị làm panchinko thì không phải nói chắc các ông cũng đoán ra, vì có cái tựa ăn khách nào họ không hút máu một cách thô thiển thế này đâu. Thế nhưng ngồi yên, để nghe bài tế riêng của tôi cho 2 tựa game Metal Gear và Contra bởi đớn đau thay. Tôi vì đã trót yêu nên lỡ nếm trái cấm à nhầm trái đắng.
Metal Gear Survive và Contra: Rouge Corps
Xin trích dẫn lại câu nói huyền thoại của một trong những reviewer tôi yêu thích nhất “You done fuck this up”. Có trong tay những tên tuổi nổi tiếng nhất thế giới, Konami quyết định điều mà chả ai trong chúng ta dám nghĩ đến, đó chính là mang lũ zombie không não từ một thế giới mà chẳng ai biết tìm mọi cách giết thằng nhân vật chính mà chả ai quan tâm. Còn nhớ đến anh chàng lén la lén lút Snake cực kỳ cẩn trọng trong mọi hành động không? Quên hết đi, xóa sạch kí ức của bạn đi vì giờ đây Konami cho bạn vào vai thằng tân binh ất ơ nào đó chả biết làm vẹo gì với cuộc đời và thể lực thua thằng nhóc lên mười. Với gameplay và cốt truyện đỉnh cao như vậy khiến tôi buộc phải quên đi trải nghiệm 10 tiếng kinh khủng nhất mà tôi chưa bao giờ nghĩ dòng game Metal Gear sẽ mang lại cho mình.
Cái gọi là “không cần đến Kojima” đã thể hiện được khả năng làm game cẩu thả và thiếu đầu tư đến mức bạn phải nghĩ thầm trong đầu rằng “wow, bọn họ có fox engine, bọn họ có Metal Gear, làm thế quái nào tựa game này có thể tệ đến mức này cơ chứ?”. Hãy bỏ ra 30 đô, thứ bạn nhận được sẽ là sự nhàm chán ngao ngán dưới vỏ bọc đồ họa tuyệt vời của phantom pain và zombie đầu đinh phát sáng, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm đáng nhớ nhất, chân thật nhất về cái gọi là hối hận khi không xem review trước mà mua game. À mà tôi quên mất, bạn tưởng EA là vua của Microtransition ư. Konami bảo “Từ từ đã bạn êi”. Bán đồ, skin đã là gì, tao bán luôn cả Slot save game. Đúng, bạn không nghe nhầm đâu, Metal Gear Survive bán luôn với giá 10 đô la mỹ. Tức là nếu bạn muốn có cỡ 4 slots để save game chính, save thêm đoạn back-up hay cho đứa em chơi cùng thì bỏ thêm 30$ nữa.
Và thực sự rất khó, phải nói là cực kì khó cho tôi có thể tìm được bất cứ cái lí do nào cho việc Konami hoàn toàn không rút được tí kinh nghiệm sau thất bại ê chề Contra: Legacy of War, và…và tôi thậm chí còn chả biết phải gọi cái đống bùi nhùi mang cái tên Contra: Rouge Corps là gì nữa? Lần đầu tiên xem gameplay trên youtube, tôi kiểu như “À ừ game mobile năm 2019 cũng đẹp phết chứ nhở” cho đến khi nhìn vào những nền tảng mà game đã phát hành thì ôi thôi, thề với các bạn rằng tôi đứng hình mất 5 giây, trong 5 giây đấy tôi hoài niệm về Contra, bản Contra thực sự và duy nhất mà tôi được tận hưởng là vào năm 1987, chứ không phải game mobile trá hình như cách mà Konami đối xử với thứ làm nên tên tuổi của họ. Tôi có tưởng tượng rằng Konami đang cố gắng đập vỡ cái quan tài ra và hét vào mặt một series đã chết rằng “Ngồi dậy và kiếm tiền đi” bằng cái cách thô bạo nhất mà loài người có thể nghĩ ra.
Với cái giá trên thiên đình và chất lượng dưới âm phủ, cả hai tựa game này nên là hồi chuông cảnh báo cho việc đi lệch đường ray dẫn dắt họ đến với thành công. Sự xuống cấp trầm trọng về cốt truyện, thiếu đầu tư về lối chơi, tư duy phát triển game di động cộng với việc Konami đang nắm giữ trong tay vô vàn những series game nổi tiếng khác thì tôi hoàn toàn có lí do chính đáng để lo lắng cho những mảnh kí ức tuổi thơ của mình bị các bản hậu truyện dở tệ phá hoại, cũng như lo sợ rằng một mai tựa game yêu thích bỗng dưng trở thành công cụ kiếm tiền tầm thường thiếu chất sáng tạo. Với tham vọng về sắp vượt xa đàn anh EA, giờ đây Konami đã trở thành kẻ ác đích thực, một tấm gương sống vô cùng chân thật cho những công ty khác tránh vết xe đổ của hãng game doanh tiếng nhất nhì Nhật Bản.
Liệu còn hi vọng nào cho Konami?
Giờ đây, sau sự sụp đổ có thể đoán trước của không ít dòng game nổi tiếng, Konami tuyên bố họ đã đường ai nấy đi với cuộc tình làm game, thay vào đó thì sẽ tập trung chủ yếu vào mảnh di động và máy đánh bạc. Tin đồn gần đây nhất về việc bỏ qua hiềm khích trong quá khứ với Kojima để hồi sinh bản Silent hill đang bỏ dở cũng bị chính Kojima bác bỏ. Phải thú thật với các bạn rằng, bản thân tôi chẳng còn bất cứ niềm tin nào với Konami nữa, có thể phiên bản PES mới nhất nhận được kha khá đánh giá tích cực đấy nhưng đừng cho tôi thêm hi vọng gì nữa vì đây chẳng khác nào cái cách mà Electronic Art vắt sữa đến cùng cực dòng game thể thao của họ. Có lẽ chúng ta cũng nên tập quen dần với hình tượng Konami mới- một đế chế Konami với cái nền là lợi nhuận và mục tiêu chính là túi tiền của người tiêu dùng mà bỏ túi quần cái giá trị cốt lõi ban đầu đưa danh hiệu Konami lên đỉnh cao.
Suikoden cũng là dòng game khá hay bị Konami khai tử, yugioh thì ko làm nổi 1 bản online pc cho tử tế
j1gjza