Có thể nói Homefront là một một trong những game có cốt truyện gây tranh cãi nhất, đặc biệt là nó động đến một trong những vấn đề chính trị nhạy cảm nhất thời bấy giờ – Căng thẳng giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Game lấy bối cảnh một tương lai giả tưởng, nơi cục diện thế giới thay đổi chóng mặt chỉ trong vòng vài chục năm. Homefront chính thức đã bị cấm ở Hàn Quốc, đặc biệt là trò chơi bị buộc tội tăng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Homefront ban đầu được phát triển là Trung Quốc sẽ thành siêu cường và là “bad guy” chính, nhưng lại bị thay thế bằng Triều Tiên do nhà sản xuất nghĩ rằng Trung Quốc không đủ “đáng sợ” bằng chính phủ Triều Tiên.
Và đây là diễn biến trước cốt truyện chính:
2010
Triều Tiên đã và đang củng cố nền quân đội của họ đến mức tối ưu nhất có thể. Những chính sách quân sự hiếu chiến của chính phủ Kim Jong-il làm cho sự căng thẳng giữa Triều Tiên và NATO trở nên nóng hơn bao giờ hết. Ngòi nổ chiến tranh cứ mãi cháy âm ỉ trên bán đảo 70 triệu dân. Đặc biệt sau vụ thử thành công vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và sự kiện lịch sử có thật: Vụ chìm tàu ROKS Cheona của Hàn Quốc.
Ngày 29 tháng 03 năm 2010, chiến hạm cỡ nhỏ Cheonan thuộc Hải Quân Đại Hàn Dân Quốc chở 104 nhân viên, bất ngờ bị chìm tại bờ tây gần đảo Baengnyeong, giết chết 46 người. Mặc dù nguyên nhân của vụ việc vẫn gây tranh cãi gay gắt, phần lớn chứng cứ đổ dồn về kẻ đối lập phía bắc. Và tất nhiên, chính phủ Triều Tiên thẳng thừng bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc dính líu.
Năm 2013
Sự kiện chấn động làm thay đổi cục diện chính trị Đông Á, mà có lẽ là cả khối quân sự NATO, đã diễn ra. Một năm sau cái chết của Cựu Chủ Tịch Kim Jong-il, con trai của ông, cũng chính là người kế thừa chức vụ – Kim Jong-un, đã hoàn thành xuất sắc việc thống nhất hai miền Triều Tiên, thành lập nên nước Cộng Hoà Đại Triều Tiên, hay Greater Korea Republic (GKR). Một siêu cường kinh tế, quân sự kết hợp giữa nền kinh tế giàu mạnh của Nam Hàn và sức mạnh quân sự của Bắc Hàn.
Năm 2015
Cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Iran và Ả Rập Xê Út, đã tàn phá nguồn cung cấp dầu mỏ cho thế giới. Giá dầu tăng vọt lên 19,99$ một Ga-lông, khiến cho nhiều nước lâm vào khủng hoảng dầu mỏ, biến thành những con nợ và gây ra sự hỗn loạn khắp thế giới. Khủng hoảng kinh tế tồi tệ ảnh hưởng bất cứ quốc gia nào, kể cả ông lớn Mỹ.
Năm 2017
Đại Hỗn Loạn Thế Giới đã khiến cho siêu cường Mỹ phải đối mặt với hàng tá vấn đề, trong đó có khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đi kèm với bất ổn chính trị, xã hội. Để vượt qua con bão tài chính, chính phủ Mỹ quyết định cắt giảm chi phí quân đội bằng cách rút hầu hết lực lượng quân sự đang đóng ở những nước Đồng minh, đặc biệt là khu vực Thái Bình Dương.
Năm 2018
Với việc Hiệp Định An Ninh Mỹ – Nhật bị phá vỡ, nền quốc phòng của Nhật Bản suy yếu trông thấy, chỉ sau một năm. GKR đã nắm bắt cơ hội và dễ dàng xâm chiếm toàn bộ Nhật Bản, sau đó dựng lên một chính phủ bù nhìn trong một thời gian ngắn.
Năm 2022
Nước Mỹ trở nên kiệt quệ do sự sụp đổ của hệ thống tài chính, và sự bùng phát dịch cúm gà khiến cho 6 triệu người thiệt mạng. Điều này khiến cho Mexico bắt buộc phải kiểm soát đất nước bằng cách hạn chế tối đa số lượng người nhập cư khi dịch bệnh tiếp tục càn quét nước Mỹ.
Năm 2024
Cộng Hoà Đại Triều Tiên đã hoàn thành chinh phục toàn bộ Đông Nam Á. Cộng thêm sức mạnh của một nền kinh tế mới nổi và chưa hề có dấu hiệu chững lại, GKR bành trướng sự ảnh hưởng lên toàn bộ Châu Á.
Năm 2025
GKR phóng một vệ tinh GPS lên quỹ đạo, nói rằng sẽ mang một thông điệp hoà bình đến toàn thế giới. Thực chất, những kẻ mưu mô trong bộ máy GKR đã bí mật phát triển một loại Vũ Khí Quỹ Đạo, từ đó kích hoạt Thiết Bị Hạt Nhân Quỹ Đạo Cao, tạo ra một loại bom xung điện (EMP) thổi bay hầu hết thiết bị điện tử trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. Chính phủ GKR lập tức tuyên chiến với Mỹ, trong cuộc hỗn loạn, Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên, hay Korean People’s Army (KPA) triển khai một cuộc đổ bộ quy mô lớn nhằm xâm lược cựu siêu cường.
Cuộc chiến tranh Mỹ – Triều bắt đầu bằng lợi thế kỹ thuật và yếu tố bất ngờ hoàn toàn ngả về phía Triều Tiên. KPA làm chủ đảo Hawaii và phần lớn bờ biển Mỹ tiếp giáp Thái Bình Dương. Quân đội Triều Tiên cử lính nhảy dù xuống vùng Trung phía Tây Mỹ, cuộc giao tranh xảy ra giữa lính KPA áp đảo về hoả lực, số lượng, hỗ trợ kỹ thuật và những tiểu đoàn lính Mỹ bị thương và rải rác. Quân Mỹ quyết tâm tổ chức một cuộc phản công trong tuyệt vọng để dành lấy quyền kiểm soát một vài bang. Cuộc tấn công thành công bất ngờ, nhưng phải trả giá bằng cái chết của phân nửa lực lượng Quân Sự còn sót lại. Nước Mỹ bị chia làm hai nửa, lấy sông Mississipi làm ranh giới, nửa phía Đông làm vùng kiểm soát tự do, nửa phía Tây là Chính Phủ Công Đoàn Triều Tiên Mới Thuộc Lãnh Thổ Tạm Chiếm Mỹ, một chính phủ bù nhìn của GKR.
(Còn tiếp)