Platform là thể loại game vừa đơn giản nhưng cũng vừa phức tạp. Đơn giản là phần gameplay của chúng, bạn chỉ việc né, chạy, một số game thì sẽ cho bạn tấn công nhưng yếu tố quan trọng nhất trong thể loại này có lẽ là nhảy. Một game platform mà không có nhảy thì khác nào thịt gà không có lá chanh cơ chứ! Nói gameplay của game đơn giản là vậy nhưng nó lại đa dạng vô cùng khi bạn có thể kết hợp với môi trường của game để tạo ra những động tác như đu người, chạy trên tường, lặn xuống nước, bay, v.v… Những điều đó làm gameplay của thể loại này vừa đơn giản nhưng cũng không cảm thấy chán vì bị lặp lại.
Còn nó phức tạp ở chỗ là những màn chơi, những câu đố của game hay thậm chí là chính phần gameplay với những lúc bạn phải canh sao cho nhân vật của mình có thể đến được với mục tiêu, nhưng với những điều khó khăn, phức tạp này thì mới tạo nên một game platform đúng nghĩa và thành công nhất.
Nói đến game thể loại platform thì chắc chắn ai cũng nghĩ tới Mario huyền thoại của Nintendo rồi. Lối chơi đơn giản nhưng gây nghiện, qua bao nhiêu phiên bản nhưng vẫn giữ phong độ. Như phần mới nhất của game gần đây tôi cực kỳ thích là Mario’s Odyssey, với gameplay cải tiến nhưng vẫn đơn giản, không khí, âm thanh và đồ họa game thì cũng vẫn như các game platform bình thường thôi: hoạt hình, vui nhộn, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Nhưng đã bao giờ bạn thấy một game có đồ họa hoạt hình, không khí vui tươi, âm nhạc game vui nhộn và có một nhân vật cực kỳ dễ thương là một chú sóc nhưng bị gắn mác M chưa? Vâng, đó chính là Conker’s Bad Fur Day của chúng ta.
Được phát triển bởi Rare. Một trong những studio được đánh giá cao nhất vào cuối những thập niên 90 và đầu 2000, cùng với những siêu phẩm nổi tiếng như Banjo Kazooie, Perfect Dark, Golden Eyes 007 và tất nhiên Conker’s Bad Fur Day. Đây là một trong những số ít game với đồ họa dễ thương, vui nhộn, lấy những con thú làm nhân vật, hài hước nhưng hài ước theo hướng trưởng thành.
Thử tưởng tượng đó là đầu những năm 2000s, các phụ huynh ra những tiệm bán game, tìm cho con mình một game cho dịp sinh nhật con của họ, và trên kệ đĩa có một game tên là Conker’s Bad Fur Day với box art là một chú sóc màu cam đáng yêu. Hmm, tên game rất bình thường mà ảnh bìa thì lại gần gũi với trẻ em thì tội gì mà không múc chứ, tất nhiên với cái ảnh bìa như vậy thì khá nhiều phụ huynh cũng không để ý phần ESRB ở dưới đâu nhỉ? Thế là những đứa trẻ của họ đã được tặng một game khá là đặc biệt vào sinh nhật thứ 9 của chúng. Khi các ông bố bà mẹ ngồi thưởng thức tựa game mới cùng con thì họ chắc lúc đấy họ mới phải check phần ESRB và mua đền cho con của họ game khác mất.
Phần menu của game, hmm… ok không vấn đề gì, nhưng khi vào phần mở đầu game thì ta bắt đầu thấy nhân vật chính của chúng ta, Conker, một chú sóc dễ thương đang nốc rượu, văng tục, nôn mửa, đ*i bậy thì chắc chắn các bậc phụ huynh phải hãm phanh ngay con mình lại và sẽ rất shock.
Có thể nói đây là một trong những game platform xuất sắc nhất mà tôi đã từng chơi. Độ hài ước của các nhân vật, gameplay, cốt truyện, đều cho ta cảm giác dễ chịu, thoải mái khi kết hợp sự ngây thơ và trưởng thành một cách xuất sắc. Phải cho rằng lời thoại của các nhân vật trong game cực kỳ tốt vì đã cho ta thấy rõ đươc cảm xúc của các nhân vật hay đơn giản hơn là nó gần gũi với đời sống bình thường của chúng ta, những câu chửi thề đã được censord bằng tiếng *beep* và điều đó đã làm tăng độ hài hước của game rất nhiều.
Nói đến gameplay thì như tôi đã nói ở trên, yếu tố quan trọng nhất của game platform chắc hẳn là cơ chế nhảy và phần giải đố, Conker’s Bad Fur Day đã làm tốt điều đó khi có các màn puzzle rất khó nhưng lại hợp lý, những màn puzzle không chỉ “đẩy tảng đá từ trái sang phải” mà chúng ta phải kết hợp những kỹ năng của mình và những cơ chế điều khiển của game một cách chính xác nhất để có thể đạt được đích đến.
Conker’s Bad Fur Day thậm chí có màn chơi với gameplay giống hệt với Max Payne khi màn đó được parody lại với bộ phim cực kỳ nổi tiếng thời đó là Matrix. Ngoài Matrix ra thì game cũng parody rất nhiều các bộ phim nổi thời đó như Star Wars, Jaws, Alice in Wonderland, Jurassic Park, Blair Witch,… Những đoạn parody này phải nói là rất tuyệt vì đã kết hợp gameplay với các trường đoạn nổi tiếng của phim khi lồng ghép với cốt truyện game rất trôi chảy.
Nói đến Boss Fight trong các game platform thì chắc với tôi Conker’s Bad Fur Day có những màn đấu boss hay nhất và con trùm đáng nhớ nhất chắc hẳn là con trùm đầu tiên: Great Mighty Poo. Vâng, cái tên đã nói lên độ đặc biệt, thú vị của con boss này rồi. Nhưng mỗi cái tên và hình dáng của con boss này cũng chỉ là một phần khi tên này còn có khiếu hát nhạc opera, một bản opera có thể khiến hắn trở thành một trong những con boss đáng nhớ nhất từ trước đến nay trong video game nói chung và thể loại platform nói riêng. Các bạn có thể nghe bản opera ở đây.
Cách đánh nhau với tên này cũng đơn giản nhưng lại rất hài hước khi ta ném giấy vệ sinh vào mồm hắn khi hắn đang ngân nga bài nhạc opera của mình rồi xả nước hắn đến chết thôi. Tất nhiên game còn có rất nhiều các con boss bẩn bựa khác và các cách đánh bại chúng lại khác nhau nên việc chán trong đánh boss là không có.
À quên, Conker’s Bad Fur Day có một nhân vật cực kỳ badass và cool ngầu mà tôi lại quên không nhắc tới, đó chính là Conker, chú sóc với vẻ bề ngoài dễ thương, ngây thơ, nhưng lại là một kẻ nghiện rượu. Conker là một nhân vật rất thú vị và tôi cực kỳ thích với độ badass vô hạn khi cậu có một cô bạn gái là phò, làm trái mọi điều cấm của bố mẹ mình đã dạy từ bé là nghiện rượu, tham lam và đ*i ngoài công cộng. Cậu có 1/10 dòng máu của ma cà rồng vì cụ cố 300 tuổi của cậu là một con ma cà rồng, cậu thắng người khổng lồ và giành được vợ hắn, và đặc biệt nhất là cậu có thể vượt qua bức tường thứ 4 (cái này thì anh em phải chơi thì mới biết nó bá đạo đến mức nào, cực kỳ bá đạo luôn). Những điều trên tuy có một số hơi khốn nạn nhưng thực chất cậu là một người tốt và giúp đỡ rất nhiều nhân vật khác trên hành trình trở về nhà bạn gái mình sau một đêm say khướt với lũ bạn.
Về phần cốt truyện game thì tôi chỉ tóm tắt qua. Với tôi thì nó hài hước, hài hước hơn bất kỳ game nào tôi đã từng chơi. Tóm tắt qua thì Conker sau một đêm say khướt với lũ bạn ở quán rượu thì muốn trở về nhà bạn gái mình để ba chấm. Trên đường về cậu bị lạc đường do bị cám dỗ bởi những tập tiền rải rác xung quanh và Conker bị dính vào những rắc rối của các nhân vật xung quanh. Trong khi đó vua Panther, một vị vua trị vì vùng đất Conker đang đi lạc gặp vấn đề với cái bàn bị gãy một chân của mình và hắn đã cho gọi tên nhà bác học điên của hắn để giải quyết vấn đề này. Thì hắn có tìm ra được một giải pháp là thế một con sóc vào chân ghế và hắn đã ra lệnh cho lính tìm một con sóc, nhưng lính của hắn quá ngu, nên lại phải nhờ đến nhà bác học tạo ra một đội quân riêng và hắn đã có một đội quân Teddy bear cực kỳ kinh khủng để tìm một con sóc để làm chân bàn. Rồi tiếp tục thế nào thì tôi nghĩ bạn nên tự mình trải nghiệm.
Tuy đây là một game platform chơi đơn nhưng Rare cũng đã cho thêm chế độ multiplayer và nó cực kỳ xuất sắc trên hệ máy n64 thời đó với tôi, thậm chí còn hay hơn cả Super Smash 64 và Mario Kart. Nhưng để nói về chế độ multiplayer cho game này thì có quá nhiều cái để nói nên có thể tôi sẽ dành cho một bài viết riêng chỉ nói về chế độ này của game.
Tóm lại thì Conker’s Bad Fur Day với tôi là game hay nhất trên hệ máy n64 của Nintendo và cũng là tựa game xuất sắc nhất của Rare, cũng là platform game hay nhất từ trước tới giờ với tôi. Dù game đã ra từ năm 2001 nhưng những joke trong game vẫn rất buồn cười và hợp thời đại. Gameplay, đồ họa và âm thanh với tôi nó vẫn chưa bị quá cũ và vẫn sẽ mang lại trải nghiệm tốt cho mọi người.
Một game platform mà tôi cho là Must Play.