Con đường lãng du: Atari, Inc.

Khách quen

  

Sản phẩm mà các bạn vừa thấy chính là Atari 2600, một trong những sản phẩm bán chạy nhất của hãng Atari. Nhắc đến cái tên Atari hẳn người đọc cũng không mấy lạ lẫm bởi họ cùng từng đứng tên làm nhà phát hành cơ số game nổi tiếng trên Thế Giới. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến quá khứ huy hoàng của nó. Cái thời mà Atari còn được biết đến là một trong những hãng chuyên làm máy console chơi game lớn nhất thế giới.

Ý tưởng khởi nguồn từ chàng trai trẻ Nolan Bushnell trong một dịp trải nghiệm game Spacewar! của Steve Russell khi còn là sinh viên trường Đại học Utah. Đến năm 1968, Bushnell trở thành nhân viên chính thức của công ty điện tử Ampex tọa lạc ở San Francisco – Mỹ, và lúc này anh cũng gặp gỡ một người mà sau này đồng sáng lập hãng Atari nổi tiếng: Ted Dabney. Trong suốt quá trình làm việc cùng nhau, cả hai chia sẻ về sở thích chung về những trò chơi điện tử đầu tiên trên thế giới và họ cũng rất yêu thích môn cờ vây nổi tiếng của Trung Hoa. Bushnell cũng chia sẻ về ước mơ hoài bão của anh rằng sẽ thiết kế một chiếc máy chơi game thật ấn tượng dựa trên hệ thống máy tính ở Stanford Artificial Intelligence Laboratory. Họ bắt đầu làm việc với dự án riêng cùng một kỹ sư nữa tên là Larry Bryan. Mẫu thiết kế được gọi nôm na là máy tính 16-bit nó giống với chiếc Supernova Minicomputer mà hãng Data General cho ra mắt vào tháng tư cùng năm. Chỉ vài tháng sau đó, Data  General công bố giá thành của các mẫu máy PC của họ, cũng vì ấn tượng với giá thành của những chiếc PC này, Bushnell nhanh chóng mở gấp cuộc họp nhóm tìm kiếm phương án triển khai thực hiện mẫu thiết kế ban đầu sao cho phù hợp với kinh tế. Trong buổi làm việc nhóm này, cái tên Syzygy hình thành. Dự án “Syzygy” được đóng góp tiền kinh phí chỉ ba người mỗi người là 100 Mỹ kim. Sang đến năm 1971, Larry Bryan tách khỏi nhóm để lại hai thành viên là Bushnell và Dabney. Nhóm này được biết đến với cái tên Syzygy Co. dưới sự kiểm soát của Ampex. Số quỹ lúc đó tăng lên 700$ do mỗi người nâng số tiền góp vào là 250$ (tính thêm 100$ là tổng cộng 350$ mỗi thành viên).

Ý tưởng được nhen nhóm đến một ngày nọ, Nolan Bushnell xin nghỉ việc tại Ampex để thực hiện ước mơ. Anh tiến hành làm việc cùng với công ty Nutting Associates – đây là công ty chuyên làm máy game Arcade. Dựa trên kiến thức nền tảng và kinh nghiệm làm việc của mình, Dabney đã phát triển hệ thống máy tính cho phép xuất ra hình ảnh nhưng với giá thành rẻ hơn cũng như kích cỡ nhỏ hơn cỗ máy PC bình thường. Ban đầu Dabney làm dưới danh nghĩa cùng team Syzygy Co. về sau anh nghỉ hẳn bên Ampex để chính thức tham gia cùng Bushnell trên con đường lập nghiệp.

Thế là cả hai cùng nhau đẩy sản phẩm đầu tiên của mình lên mô hình máy này với cái tên Computer Space! Lấy cảm hứng từ game Spacewar! năm nào. Về phía công ty Nutting, họ hỗ trợ thiết kế một lớp vỏ gỗ bên ngoài có lồng kính để cho phép màn hình không quá gần người chơi. Nhưng đó không phải là sản phẩm chiếm hết thời gian làm việc của cặp bài trùng nọ, song song với việc phát triển Computer Space! Họ còn tham gia dự án sửa các máy chơi game pinball dưới danh nghĩa Nutting nữa. Về phía Computer Space!, tựa game này không nhận được sự chào đón tích cực từ phía cộng đồng. Con số bán ra tổng cộng 750 là khá ít so với tổng sản phẩm là 2300 chiếc (các bạn biết rằng thời xưa việc sản xuất máy móc tốn kém rất nhiều tiền mà lại không thành công nữa thì dễ dẫn đến tình trạng bankrupt/phá sản). Lý do chính đến từ mức độ phức tạp của trò chơi, bởi vì tính chất đi trước thời đại mà Computer Space! Đã không chạm đến tay người chơi như những gì mong đợi.

Bushnell bắt đầu mở rộng ngoại giao với các công ty lớn ngoài Nutting và rồi công ty chuyên làm máy game Bally đã để mắt đến. Họ đồng ý tài trợ cho các dự án thiết kế máy game Arcade của team nếu như team không còn làm việc cùng Nutting nữa. Ngay sau đó cặp bài trùng hiểu phải làm gì, họ nghỉ việc tại Nutting và lập hẳn văn phòng nghiêm chỉnh của Syzygy tại Sunnyvale. Trong giai đoạn đầu tiên, team Syzygy làm việc không công. Về sau, hãng Bally hỗ trợ 4000$ mỗi tháng với kỳ hạn 6 tháng kế tiếp phải hoàn tất game đua xe và một máy game Pinball mới. Lúc này, team Syzygy lại có thêm nhân lực là Allan E.Alcorn – cậu sinh viên vừa hoàn tất khóa thực tập tại Ampex. Alcorn phụ trách thiết kế kỹ thuật, đồng thời anh cũng nghiễm nhiên trở thành người đồng sở hữu Syzygy. Không may là Bushnell nhận thấy dự án này đã vượt quá tầm của một tay “non” mới ra trường như Alcorn.

Tháng 5 năm 1972, Bushnell chứng kiến sự nổi trội của dòng máy Magnavox Odyssey mà mấu chốt là game quần vợt được trình chiếu trên đó. Nhận thấy có tiềm năng, Alcorn đề bạt ý kiến nên làm lại trò chơi Tennis của dòng máy Odyssey theo cách riêng. Và để tăng tính thuyết phục, Alcorn sử dụng mạch trình chiếu phim của Dabney để mô phỏng ý tưởng của mình. Không ngờ rằng kết quả vượt xa mong chờ của Dabney lẫn Busnell, khiến họ tự tin sẽ thắng lớn trong dự án lần này, họ cũng đồng ý cung cấp Pong (tên sản phẩm khởi nguồn từ ý tưởng của Alcorn) cho Balley như một phần trong hợp đồng. Một bước tiến khác của Syzygy chính là quyết định đăng ký tên thương hiệu cho công ty, không may là cái tên Syzygy lại trùng với một công ty khác nằm ở bang California. Trong lúc phân vân, Bushnell quyết định chơi một ván cờ vây để tìm ra cái tên phù hợp (nghe như quân sư Trung Hoa cổ nhỉ? 🙂 ). Cuối cùng anh chọn cái tên Atari đặt cho công ty, Atari là một cụm từ ám chỉ vị trí hiểm hóc sắp bị đối phương chiếm giữ (dựa trên bàn cờ vây). Vậy là cái tên Atari vào ngày 27 tháng 07 năm 1972 mới chính thức xuất hiện trên thị trường quốc tế.

Dabney và Bushnell làm thủ tục trao tác quyền Pong cho Balley, tuy nhiên hãng Bally lại không biết nên phát triển như nào với trò chơi độc đáo đó, họ chần chừ trong việc tiếp nhận quyền sở hữu Pong… Mặt khác, Dabney và Bushnell thì lại mở cuộc thăm dò xem mức độ ảnh hưởng của Pong như thế nào tại địa phương bằng viêc tung ra mẫu sản phẩm Pong thử nghiệm. Pong xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 08 năm 1972, kết cấu của nó gồm màn hình CRT mua từ cửa hàng Walgreens, bọc ngoài là cái thùng máy giặt của thập niên 70s cho phép đặt tiền xu lên để chạy (xem tại đây để biết), nhưng nó được thiết kế lại khi khu vực đặt tiền xu là một cái hộp sữa chứa tiền xu chứ không giống như các cỗ máy giặt thông thường. Máy Pong đặt tại một quán bia có tên là Andy Capp. Không ngờ kết quả hết sức mỹ mãn. Dựa theo đó, cặp bài trùng tiếp tục tiến hành “bào chế” thêm mười mẫu nữa và gửi đi thử nghiệm các quán bia khác cùng khu vực.

Tổng doanh thu mỗi tuần của một máy Pong là 400$, một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên song song đó vẫn có trục trặc xảy ra và các chủ quán bia cũng có báo lại bên Atari. Sau một khoảng thời gian xem xét, Alcorn cho rằng vì số lượng người chơi quá đông, khiến cho lượng tiền xu đổ vào nhiều đến mức nghẹt khe dẫn đến máy không hoạt động tốt. Bushnell cùng đồng bọn suy nghĩ đến giải pháp mở rộng Pong để biến nó thành bài toán kinh tế thực sự. Nhưng hãng Balley thì lại mãi chần chừ trong việc tiếp nhận giấy giờ bản quyền để phát triển Pong vì họ cho rằng dự án Pong không thực sự khả thi. Cho đến cuối cùng, Bushney và Dabney nhận ra cần phải tách biệt với hãng để mở rộng trò chơi, họ đề nghị với Balley sẽ tạo cho công ty cha một trò chơi khác với điều kiện chấp nhận quyền sở hữu trí tuệ của Pong thuộc về Atari. Balley đồng ý, và thế là Atari hoàn toàn thoát khỏi câu chuyện làm thuê.

Từ đây cái tên Atari được đổi thành Atari Inc, là một công ty chuyên cung cấp , thiết kế các máy chơi game thùng liên quan đến tiền xu.

Sang đến năm 1973. Tình hình nội bộ bên trong Atari bắt đầu lục đục, Dabney cho rằng Bushnell bắt đầu cho mình ra rìa, một số cuộc họp hội đông cấp cao đều bị Bushnell loại bỏ với một số lý do khách quan. Mặt khác Bushnell cũng giao cho Dabney vai trò giám sát khâu sản xuất thay vì làm thiết kế như lúc trước. Nghiêm trọng hơn, Dabney đã phát hiện Bushnell tự ý lấy bằng sáng chế hệ thống mạch chiếu hình ảnh từ thuở sơ khai cho bản thân như một người sáng tạo ra nó. Giọt nước tràn ly, Dabney đề đơn rời khỏi Atari và bán lại cổ phần của mình với giá 250.000 Mỹ Kim. Nhưng Dabney vẫn còn tiếp tục làm việc với Bushnell ở các công ty liên doanh khác gồm có nhà hát Pizza Time của Bushnell một thời gian nữa trước khi mối quan hệ giữa họ diễn biến xấu hơn. Cho đến cuối cùng Dabney chính thức rời khỏi ngành công nghiệp điện tử và bị lãng quên dần. Mãi cho đến năm 2009, Dabney mới có dịp chia sẻ nỗi niềm của mình với tạp chí Edge, kể về vai trò từng là chủ chốt một thời của hãng Atari.

Cũng trong năm này, Atari âm thầm tạo dựng một nhãn hiệu “đối thủ” giả trên thị trường làm máy game có tên là Kee Games với người đứng đầu cũng không xa lạ gì là vị hàng xóm của Bushnell – Joe Keenan. Lý do thành lập cũng vì không muốn người dùng bận tâm chuyện độc quyền thương hiệu phân phối các máy pinball. Mối quan hệ bí mật này kéo dài cũng không bao lâu, chỉ đúng một năm sau đó đã bị lộ tẩy. Nhưng những thành tích của Joe Keenan thực hiện trong một năm đó cũng đủ  khiến ông thăng tiến thành chủ tịch của Atari trong năm 1974.

Năm 1975 là năm đánh cột mốc quan trọng thứ hai của Atari sau Pong, ý tưởng của Bushnell là tạo ra một chiếc máy nhỏ gọn có hình dáng bảng, có các nút điều khiển và có thể chơi cả bốn trò mà Atari đang vận hành trên Thế Giới. Cuộc nghiên cứu tiến hành tại phòng lab riêng trực thuộc hãng Atari, có rất nhiều phát kiến được thực hiện nhưng vẫn không tài nào giải quyết được triệt để bài toán kinh tế. May mắn thay, ngay vào năm 1976 công nghệ chip CPU 6502 được ra mắt, một con CPU cho hiệu năng cao lại có chi phí thấp hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu mà đội ngũ nghiên cứu của Atari đã đề ra. Dĩ nhiên, Atari đã tốn thêm một năm miệt mài làm việc để cho ra cỗ máy nổi tiếng nhất nhì lúc đó lẫn ghi tên mình vào danh sách các máy console thành công nhất trong lịch sử : Atari 2600.


Doanh thu bán Atari 2600 nhanh chóng khiến Bushnell nghĩ đến một ý tưởng lớn hơn nữa, nhưng để thực hiện nó thì lại tốn kém nhiều chi phí. Năm 1976, Bushnell bán thương hiệu Atari cho công ty Warner Communications với giá 28 triệu Mỹ Kim và dùng một phần tiền để mua căn biệt thự nhà Folgers.

Kế hoạch sản xuất các máy tiền nhiệm được thực hiện ngay sau khi Atari 2600 được bày bán trên thị trường. Họ tính toán tuổi đời của Atari sẽ rơi vào khoảng tầm ba năm, và họ muốn tạo ra thêm sản phẩm nữa để duy trì tên tuổi. Quá trình nghiên cứu diễn ra với nhiều chỉnh sửa liên tục bởi vì đây cũng là giai đoạn bùng nổ phát triển các hệ máy PC. Việc có thêm bàn phím đã tạo nên sức hút cho hai đời máy Atari 800 và Atari 400 giống như điều mà các hàng chuyên làm máy vi tính Commodore, Apple hay IBM đã từng thành công. Tuy nhiên cả hai sản phẩm trên đều không thể giành trọn vẹn tình yêu từ phía fan hâm mộ dòng Apple II. Dù sao chúng cũng sớm vượt chỉ tiêu mong đợi của hãng Atari ở trong năm 1980.

Dưới cái tên Warner, Atari có những thành tựu lớn nhất trong lịch sử phát triển của mình, họ bán cháy hàng cỗ máy Atari 2600 và đến giai đoạn đỉnh điểm chiếm một phần ba doanh thu của công ty mẹ Warner. Với thành tích trên thì Atari nghiễm nhiên trở thành công ty phát triển nhanh nhất lịch sử Hoa Kỳ ở thời điểm bấy giờ. Mặt khác, Atari vẫn có đối thủ canh tranh trực tiếp là máy Intellvision của Mattel, cỗ máy mang sức mạnh phô diễn đồ họa đẹp hơn so với Atari. Chỉ là cạnh tranh không thể nào lại Atari, bởi vì mức độ nổi tiếng cũng như các tính năng thú vị mà cỗ máy Atari 2600 mang đến cho người chơi.

Nhưng mà… đằng sau hào quang cũng là mảng đen tối không ngờ của Atari. Vào cái thời điểm phát triển tốc độ chóng mặt của công nghệ thì việc ghép nối các thành phần lại thành máy Atari rất khó tồn tại lâu dài. Điển hình là nhiều công ty liên kết cũng như các công ty chuyên làm máy móc họ đẩy mạnh phát triển chuyên biệt cho từng sản phẩm. Nhưng những hành động trên khiến Atari rơi vào cảnh khốn đốn, hãng này thực hiện các cuộc đe dọa từ trong nội bộ đến các đối tác nhằm trì trệ quá trình phát triển của công nghệ. Trong suốt giai đoạn 1980-1983 nhiều thông tin sai lệch được đưa ra từ phía Atari, đa phần để bao bọc cho những khiếm khuyết và những lục đục bên trong.

Tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi Atari phải đối chọi với hai địch thủ lớn là Commodore lẫn Apple ở một lĩnh vực mà họ không phải chuyên môn. Với một chiếc máy lai tạp thì khó khăn trong việc cạnh tranh với chiếc PC là điều hiển nhiên. Đến năm 1982, các tựa game về Pacman và E.T Terrestrial được phát hành nhưng lại thất bại thảm hại. Atari còn phải nhận lại vô số các đơn đặt hàng và tự tay tiêu hủy 700.000 băng chơi (một con số khủng khiếp!). Song song đó, công việc làm ăn với các hãng chuyên tạo game như Activision, Imagic, Parker Brother cũng không mấy thuận lợi, làm giá trị của loại băng game Atari bị giảm sụt đáng kể từ 75% xuống 40% tổng thị phần trên Thế Giới. Năm 1983, Atari nhận thêm một cú bash mạnh bởi scandal tài chính liên quan đến giám đốc điều hành Ray Kassar. Về sau Atari còn có thêm một sản phẩm gọi là Next-gen console: Atari 5200 nhằm cứu vãn tình thế nguy cấp của hãng. Tính ra chiếc máy này cũng rất thành công nhưng chắc chắn một điều là không thể đạt đến đỉnh cao như thời Atari 2600 nữa.


Tiếp tục là chuỗi sự kiện sụp đổ của thể loại video game giai đoạn 1983 diễn ra, Công ty mẹ Warner đồng thời cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi để giá cổ phiếu sụt giảm từ 60$ thành 20$ cho mỗi phiếu. Warner bắt đầu tìm kiếm các đối tượng chấp nhận mua lại Atari này trong thời gian sớm nhất có thể. Mặt khác, thị trường cạnh tranh cũng hạ bớt nhiệt khi Texas Instrument tuyên bố rời khỏi cuộc chơi sản xuất các bộ máy tính gia đình (home-computer) để lại cuộc canh tranh máy giải trí điện tử giữa Commoredore và Atari. Tuy nhiên giới quan sát nhận định rằng chính Atari sẽ là kẻ tiếp theo chấp nhận rời cuộc chơi.

Dĩ nhiên sân chơi không chỉ dành riêng cho Atari độc diễn. Ở một mặt trận khác xa ơi là xa, Nintendo lại là một thương hiểu được ưa chuộng hơn hẳn với cỗ máy NES – Famicom. Vốn dĩ Nintendo cũng có ý tưởng làm một bộ máy chơi game từ trước, nhưng khả năng truyền tải điều này cho Thế Giới biết là có hạn thành ra họ bắt tay với Atari để có thể cung cấp các sản phẩm ở thị trường quốc tế, và trả cho Nintendo tiền bản quyền. Thỏa thuận diễn ra trong suốt năm 1983 và chuyện vỡ lở giữa hai hãng vào ngày ra mắt máy tính Adam của Coleco. Hãng này sử dụng Donkey Kong để giới thiệu chiếc máy nhưng chính đúng ra chỉ có Atari mới độc quyền xuất bản Donkey Kong thôi. Vụ lùm xùm giữa ba hãng kết thúc bằng việc Kassar rời khỏi Atari và thỏa thuận giữa Nintendo với Atari cũng tan tành.

Atari được bán cho Tramiel – ông chủ của Commodore. Hãng cũng được giữa lại tên tuổi như ban đầu nhằm dễ đẩy sản phẩm của mình hơn. Chiếc máy tính 16/32 bit đầu tiên của Atari có tên là Atari ST với ST là viết tắt của hai con số 16/32 ám chỉ máy sử dụng hệ thống bus giao tiếp 16-bit và cpu 32-bit. Sau đó là liên tiếp các máy Atari 65XE rồi Atari 130XE cũng đồng loạt ra mắt. Ngoài ra phiên bản nâng cấp Atari 2600jr và bộ máy đặc biệt Atari 7800 cũng được tung ra giai đoạn 1986. Atari thể hiện sự trở lại mạnh mẽ khi kiếm lợi nhuận 25 triệu Mỹ Kim trong năm đó.

Để trở lại cuộc chơi, Atari bắt đầu thực hiện các phi vụ mua lại Federated Group với giá 67,3 triệu USD để chắc rằng các sản phẩm của mình xuất hiện đầy đủ trên 60 cửa hàng khắp các tiểu bang Cali, Arizona, Texas, Kansas. Dẫn đến một số cửa hàng miễn cưởng treo biển hiệu Atari bên trong khu mua sắm, ngoài ra tổng số 2/3 PC của Atari cũng được bán thành công ở khu vực Châu Âu. Về sau Federated Group cũng thuộc về Silo vào năm 1989.

Năm 1989 cũng đánh dấu bước tiến của Atari khi hãng này cho ra mắt con máy handheld đầu tiên mang tên Atari Lynx một chiếc máy cầm tay có đồ họa màu đặc sắc. Tiếc rằng thị phần của Atari bị con Gameboy của Nintendo chiếm lĩnh. Tuy chỉ đơn thuần là màu sắc trắng đen nhưng lượng pin thì cực kỳ dồi dào. Mặt khác, do bởi vì sự thành công của Atari trên mảng Computer-home nên Atari Lynx lại không được đón chào như mong đợi. Cũng có nhiều kiện tụng xảy ra giữa Nintendo và Atari giai đoan này nhưng đều không đi đến kết quả.

Bước sang những năm cuối cùng của thế kỷ 20, Atari Jaguar ra mắt như một chiếc máy 64-bit mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ. Tuy nhiên với thực lực của Jaguar không thể nào đánh bại được siêu máy chơi game của hãng Nintendo là Snes. Vì lẽ đó Jaguar nhanh chóng chuốc lấy thấy bại đồng thời đánh dấu cột mốc chính thức rút lui của Atari khỏi thị trường làm máy chơi game. Nó cũng là chiếc máy console cuối cùng do một hãng bên Mỹ sản xuất cho đến năm 2001 – năm mà Xbox của đại ca Microsoft chào đời.

Tháng 3 năm 1998, Atari lại bị bán cho Hasbro Interactive với giá “siêu bèo” 5 triệu USD, nó còn không bằng một phần năm trị giá mà Warner Communications mua từ lúc xa xưa. Rồi đến năm 2000 Hasbro lại được mua bởi Infogrames.

Tháng 10 năm 2001, Infogrames thông báo sẽ phục sinh thương hiệu Atari thông qua ba tựa game: Splashdown, Mx Rider và Transworld Surf. Các tựa game mang “nhãn” Atari được Infogrames sử dụng để đánh vào lứa tuổi 18 – 34. Ngoài ra cái tên Atari còn có mặt trên một số game khá nổi như V-Rally 3, Neverwinter Nights, Stuntman và Enter the Matrix.

Bước sang giai đoạn 2003 – 2008, Infogrames tiến hành quá trình hợp nhất với Atari, hãng này đề nghị công ty “con” bán lại mình với trị giá 1,68 đô cho mỗi cổ phiếu và dĩ nhiên thỏa thuận chấp nhận.

Tháng 9 năm 2009, Infogrames đổi tên thành Atari SA như ngày nay.

Mới đây nhất có lẽ là sự kiện giới thiệu Ataribox của hãng mà về sau có cái tên hẳn hoi là AtariVCS, một chiếc máy hứa hẹn chạy nền tảng Linux và cho phép tùy biến giao diện khi hiển thị lên TV. Liệu nó có thực sự là cú hit khác của Atari hay chỉ là một phiên bản mini Atari như kiểu mà Nintendo đã làm với Snes/Nes Classic hay PSmini của Sony sắp tới đây?

Dẫu sao Atari vẫn là cây cổ thụ của làng console trên bản đồ quốc tế, cũng giống như cách mà Taito đã thực hiện xây dựng nền móng thế hệ game thùng vậy. Có rất nhiều game của Atari được làm ra dù đối với thế giới game hiện tại thì trông khá là hài hước vì một số game cũng chẳng hiểu nổi được tạo ra nhằm mục đích gì. Tuy nhiên điều đáng ghi nhận nhất chính là Atari đã tạo dựng được một cộng đồng lớn mạnh. Có vô số trang web ghi nhận lại lịch sử hình thành, cách các nhà phát triển game thực hiện, chia sẻ source code lẫn hướng dẫn cách làm game từ A-Z cho Atari. Điều này chứng tỏ dù Atari đã “chết” nhưng “linh hồn” của nó vẫn còn đọng lại ở trong lòng fan hâm mộ.

Trước khi kết thúc bài viết, xin gửi đến bạn đọc vài đường link thú vị liên quan đến Atari:

https://mcurrent.name

https://www.atariarchives.org

https://www.dev-docs.org/docs/

http://www.atari-forum.com

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện