Chắc hẳn mọi người đều nghe hay thấy ít nhất một vài lần hình ảnh hay các bài viết về “manga’’, nói đơn giản chính là truyện tranh. Trên các trang báo giải trí, tin tức game cũng bắt đầu phổ biến hình ảnh các bộ truyện tranh đến từ Nhật Bản đang nổi tiếng như Naruto, One Piece, Kimetsu No Yaiba,…
Truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của nhiều 8x và 9x đời đầu như Bảy Viên Ngọc Rồng, Đô-rê-mon, Nô-bi-ta… nên nhiều bạn không còn xa lạ nữa. Tôi thì vẫn đọc từ hồi trẻ con cho tới tận bây giờ khi đã là trẻ con nhiều tuổi (lol).
Cũng có nhiều ý kiến trái chiều về truyện tranh. Có người cho rằng truyện tranh không hợp với tâm hồn trẻ nhỏ, nhiều cảnh máu me, bạo lực. Có những ý kiến chia sẻ về cảm nhận rằng truyện tranh chỉ gắn liền với tuổi thơ nhưng giờ không còn phù hợp khi đã trưởng thành.
Tôi là người thích đọc, và đọc cũng nhiều. Nên thấy khó nói ý kiến nào là đúng hay sai, chỉ có cảm nhận là khác nhau. Cảm nhận của tôi là đọc truyện tranh cũng như đọc sách, có nội dung hợp, có nội dung không hợp với mỗi người nên cứ nghĩ hay bàn luận về nó một cách đơn giản, là thích hoặc không chứ không có gì độc hại hết. Truyện tranh thực sự thú vị và có nhiều thể loại, nội dung phù hợp với nhiều độ tuổi, nên tôi cũng muốn chia sẻ rõ hơn một chút.
Manga là gì? Sao truyện tranh lại gọi là manga?
Manga chỉ là cách gọi truyện tranh tại Nhật Bản thôi (phương tây gọi truyện tranh nước họ là comics, Trung Quốc gọi là manhua, Hàn Quốc gọi là manhwa…). Nhật Bản cũng là đất nước mà truyện tranh phát triển và được in ấn xuất bản mua đọc nhiều nhất, từ người nhỏ tới lớn đều yêu thích.
Theo tiếng hán việt manga nghĩa là mạn họa – câu chuyện tản mạn được kể lại bằng hình vẽ. Nó phát triển suốt một thời gian dài từ những trang truyện ngắn 4 khung tranh được dán tản mác ở xe lửa, tới bây giờ đã thành một ngành công nghiệp lớn, một biểu tượng cho nền văn hóa tại Nhật Bản.
Manga nổi tiếng khắp thế giới và được biết đến rộng rãi, phương tây coi manga ở Nhật Bản là tiểu thuyết bằng tranh. Những bạn đọc truyện tranh tại Việt Nam đã quen thuộc với cái tên manga rồi, nó không khác gì những câu chuyện như Harry Potter hay các truyện tiểu thuyết khác, điểm khác là câu chuyện được kể bằng tranh.
Ở Nhật, họa sĩ vẽ truyện tranh chuyên nghiệp được gọi là mangaka. Họ sáng tạo câu chuyện của mình và vẽ lại nó, gửi tới các nhà xuất bản để các biên tập viên nội dung ở đây đánh giá. Nếu truyện có nội dung tốt, nó sẽ tới với các độc giả qua tạp chí về truyện tranh phát hành hàng tuần, thường là mỗi tuần một chương truyện, mỗi chương có khoảng 15-20 trang.
Manga có thú vị không?
Rất thú vị, nó ngày càng được biết đến và yêu thích nhiều hơn trên toàn thế giới. Tôi nghĩ nếu bạn thích đọc sách hay tiểu thuyết, thì thường cũng sẽ dễ dàng yêu thích đọc truyện tranh. Truyện tranh bây giờ không chỉ dành cho trẻ con với nội dung đơn giản nữa mà dành cho mọi độ tuổi. Rất nhiều bộ thực sự có chiều sâu, thậm chí phải đọc lại nhiều lần để suy ngẫm, kết nối giữa các chương truyện.
Thú vị hay không cũng phụ thuộc mỗi người, phụ thuộc vào câu chuyện bạn vô tình đọc. Có hàng trăm bộ truyện khác nhau, có bộ đã kết thúc, có bộ đang tiếp diễn, có bộ thì nổi tiếng, có bộ thì ít ai biết đến. Manga không phải chỉ có Bảy Viên Ngọc Rồng, Đô-rê-mon… mọi người quen thuộc, cũng không phải Naruto hay One Piece đang nổi tiếng khắp nơi, nó có nhiều nội dung để đọc hơn thế. Vì có nhiều họa sĩ với nhiều câu chuyện khác nhau, manga có rất nhiều thể loại, phong cách và đề cập đến rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Vấn đề là bạn có tìm thấy những bộ truyện hợp với mình hay với từng độ tuổi không.
Nếu bạn thấy mình đủ lớn rồi, tìm đến manga để đọc hay giải trí mà đọc Naruto hay One Piece cũng có thể sẽ không thích và thấy nó có phần trẻ con hay không phù hợp dù nổi tiếng khắp thế giới.
Chiếm phần nhiều trong truyện tranh vẫn là các bộ có nội dung với mô típ khá đơn giản. Vốn là không có thật, thường viết về hành trình nhân vật chính phiêu lưu chiến đấu chống lại kẻ xấu rồi mạnh lên y như game nhập vai. Truyện đề cao tình bạn, lòng tốt, chính nghĩa. Như One Piece, điểm hấp dẫn nhất là ở sức sáng tạo nhân vật và thế giới trong tranh vẽ. Truyện mở ra thế giới phiêu lưu bên ngoài đầy màu sắc chứ không phải chiều sâu tâm lý bên trong. One Piece đã được vẽ cách đây hơn 20 năm với hơn 900 chương (tức tương đương 90 tập truyện), đọc lại từ đầu và cày cuốc một lúc nhiều tập thường sẽ không đọng lại điều gì cả.
Tôi sẽ giới thiệu một số bộ mà mình cho là rất hay và phù hợp với tuổi trưởng thành.
“Space Brother” Tên tiếng nhật là Uchuu kyoudai – anh em phi hành gia. Truyện khai thác cuộc sống thường nhật, nói về hai anh em với ước mơ trở thành phi hành gia từ nhỏ, có tình cảm anh em, gia đình, bạn bè. Có rất nhiều kiến thức về vũ trụ, huấn luyện phi hành đoàn, cảm xúc vui mừng hay đố kỵ của mỗi nhân vật hết sức bình thường, gần gũi mà ai cũng có thể thấy mình trong đó. Và nó cũng hài hước tuyệt vời theo một cách giản dị. Bộ này hiện chưa được xuất bản tại Việt Nam, nhưng có thể tìm đọc online cả bản tiếng việt hoặc tiếng anh.
“Hỏa Phụng Liêu Nguyên“ của tác giả Chan Mou của Đài Loan. Bộ này thể hiện tài trí, mưu lược chiến trận của những nhân vật thời Tam Quốc theo cách nhìn vừa sáng tạo vừa bám sát chính sử. Mưu kế đan xen, mọi nhân vật đều được đầu tư miêu tả độc đáo, đa mưu túc trí. Lưu Bị cũng thâm sâu toan tính, Trương Phi vờ như thô kệch bên ngoài nhưng tinh tế bên trong… chứ không phải được hình tượng hóa như tam quốc diễn nghĩa quen thuộc. Bộ này cũng chỉ toàn mấy ông lớn đầu đọc, tụi trẻ con không đọc vì nội dung phức tạp, nhiều chữ mà mưu kế rồi chính trị nhiều quá, đọc một hồi không biết ai lừa ai… (lol)
Nhiều bộ vẫn theo mô típ nhân vật chính chiến đấu chống lại kẻ thù, nhưng lại thể hiện chiều sâu tâm lý phức tạp của nhân vật, thể hiện cái nhìn ẩn dụ về những mặt tối có phần lạnh lùng tàn khốc của thế giới, chiến tranh, phân biệt chủng tộc, người tốt thành kẻ xấu, tối sáng đan xen… Tôi muốn giới thiệu hai bộ, “Attack on Titans” và “Tokyo Ghouls”. Truyện xây dựng thế giới nơi mà con người phải chiến đấu chống lại những “kẻ ăn thịt” và những “kẻ ăn thịt” cũng phải chiến đấu với con người để có thể tồn tại.
Nếu bạn muốn được cười một cách đơn thuần, để xả stress, thì đọc thử “Gintama”. Nó giống như phong cách hài nhảm của vua phim hài Châu Tinh Trì vậy, có những lúc đọc đi đọc lại vẫn thấy có thể cười ngặt nghẽo.
Cũng có nhiều bộ thì phù hợp với mọi độ tuổi, lớn hay nhỏ đọc đều thấy hay. Như Đô-rê-mon mà những thế hệ 8x, 9x từng đọc hoặc có thể là One Piece, Naruto, Bleach… Truyện đề cao lòng dũng cảm, tình bạn, nội dung đơn giản, hấp dẫn mà hài hước, nhiều cao trào nhưng không nhiều toan tính, mưu mô. Một truyện như vậy là “Gash Bell” tựa tiếng việt là “Gasshu – cậu bé bí ẩn”.
Truyện kể về cuộc chiến tranh ngôi vua tổ chức 1.000 năm 1 lần ở thế giới quái vật. 100 ứng viên quái vật được gửi tới thế giới con người, năng lực bị phong ấn trong sách pháp thuật và phải tìm ra con người có thể đọc được quyển sách đó. Cùng làm bạn đồng hành và chiến đấu với quái vật khác cho tới khi chỉ còn 1 quái vật chiến thắng. Gasshu có đủ mọi yếu tố, hài hước, cảm động rơi nước mắt, dễ thương và gay cấn, hấp dẫn.
Một bộ truyện khác của cùng tác giả là “Vương quốc động vật” cũng hay y chang như vậy. Tên gốc của nó là “Doubutsu no Kuni” kể về một cậu bé bị mẹ bỏ rơi nhưng có thể nói chuyện với mọi loài động vật, với mơ ước tạo ra một thế giới nơi 2 loài ăn thịt và ăn cỏ có thể chung sống.
Ở Việt Nam, truyện tranh cũng ngày càng phổ biến và phát triển. Điều đó thể hiện qua chất lượng của từng quyển truyện được in ra, bìa, chất lượng giấy đều tốt hơn rất nhiều, mà giá cũng đã đắt hơn.
Ngày trước học sinh thường chỉ biết bớt xén tiền ăn sáng ra tiệm sách thuê truyện về đọc. Một quyển Bảy Viên Ngọc Rồng có giá mua là 2000-3000đ thì tiền thuê 1 ngày là 200-500đ. Giờ thì khoảng 20.000đ một quyển truyện. Nhiều truyện hay in mấy nghìn cuốn một tập mà vẫn được mua hết. Có nhiều truyện thì bạn chỉ có thể đọc trên internet vì chưa được Việt Nam xuất bản. Cũng đã có nhiều họa sĩ truyện tranh ở nước ta nhưng chỉ đang dừng lại ở những mẩu chuyện ngắn với nội dung hài hước về cuộc sống là nhiều.
Ở Nhật Bản, truyện tranh là một ngành công nghiệp. Nhưng công việc mangaka không dành cho người bình thường, thậm chí nếu có năng khiếu vẽ tranh cũng chưa đủ. Một họa sĩ vẽ truyện bắt buộc làm việc bằng tất cả đam mê, sức sáng tạo và sự tận lực.
Để mỗi tuần có 1 chương truyện khoảng 20 trang A4 đăng trên tạp chí, trung bình mỗi ngày các họa sĩ chỉ ngủ 3-4 tiếng, cũng không có nhiều thời gian cho gia đình. Thời gian còn lại là để làm việc, vẽ, lên ý tưởng. Cứ liên tục hàng ngày như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về tiến độ xuất bản. Chỉ khi câu chuyện kết thúc, mangaka mới nghỉ ngơi một thời gian trước khi quyết định có sáng tác tiếp một câu chuyện khác hay không. Có lẽ họ đã cạn kiệt dần về sức lực và cả cảm xúc.
Mỗi quyển truyện được vẽ và ra đời như thế. Nhiều người sẽ thấy truyện tranh trẻ con vì thế giới, câu chuyện trong nó chỉ là tưởng tượng, nhưng truyện tranh hay manga thì là thật, nó là một sản phẩm chuyên nghiệp cần sự làm việc cật lực của nhiều người mới có thể hoàn thành. Lúc rảnh rỗi bạn hãy thử dốc hết tài năng hội họa và óc sáng tạo vẽ một truyện ngắn có 4 khung xem, điều đó không đơn giản.
Với tôi, đọc một quyển truyện tranh đương nhiên dễ hơn đọc một cuốn sách. Đúng là đa phần truyện tranh có nội dung phù hợp với độ tuổi thanh thiếu niên, và thiên về nội dung giải trí, nhưng chọn lọc lại cũng có nhiều bộ hấp dẫn và đọng lại nhiều điều trong tâm trí và suy nghĩ của những người đã trưởng thành. Nhiều người lớn rồi vẫn thích đọc truyện tranh, đơn giản vì nó thú vị và dành cho tất cả, đơn giản vì trong mỗi người vẫn tồn tại một cậu nhóc lưu giữ những điều từ bé tới lớn không hề thay đổi. Tôi chọn truyện tranh là một trong những điều như thế.
Bạn hãy thử đọc một trong những truyện tôi đã giới thiệu. Đừng để ý tới nét vẽ quá nhiều, đừng lấy một phong cách vẽ hay sáng tác nào là chuẩn mực, cũng đừng đọc cày cuốc từ đầu tới cuối vì như thế sẽ không đọng lại điều gì. Mỗi tác giả có một cách vẽ khác nhau, đặt cảm xúc, suy nghĩ khác nhau vào câu chuyện, nhân vật của mình, làm nên điều độc đáo riêng cho câu chuyện mà họ sáng tạo.
Sau cùng, nếu vẫn không thích cũng chẳng sao, nhưng từ những bài viết thế này, có thể mọi người hiểu hơn và thấy không quá kỳ lạ nếu gặp một người thích đọc truyện tranh. Dù đó là một cậu nhóc hay một ông chú, dù đang học tiểu học hay có khi đã thành một chủ tịch (… có thể tôi lại nói quá).
Mỗi người chỉ đang tận hưởng điều mình yêu thích, hằng ngày…
Cám ơn vì đã đọc tới đây.
hay