Auto Chess: Tam Quốc Diễn Nghĩa

Khách quen

  

Auto Chess là một tựa game đình đám được ra mắt đầu tiên vào tháng 1 năm 2019. Sự ra mắt của Auto Chess đã thổi vào “một làn gió mới” trong khi sự thống trị của các thể loại Battle Royale game vẫn đang làm mưa làm gió. Auto Chess đã ra mắt với nhiều hình hài, màu sắc, đặc thù riêng biệt. Tuy vậy ba thế lực nổi trội nhất trong dòng game này, như tượng trưng cho ba nhà Ngụy – Thục – Ngô trong Tam Quốc là: Dota Auto Chess (Drodo Studio), Dota Underlords (Valve) và Teamfight Tactics (Riot).

Bài viết này của tui sẽ không hướng dẫn bạn bước vào con đường tà đạo cờ bạc. Mà bài viết này của tui sẽ đánh giá chung và đánh riêng những tựa game trên để bạn chọn cho mình một hướng đi riêng và hiểu rõ về thể loại game này. Ngồi chắc xuống ghế và chuẩn bị cho bài viết này. À quảng cáo xíu cái guide của tui viết hồi lâu lẩu lầu lâu ở đây (nhưng chỉ cho riêng game DAC) hoặc là nếu bạn muốn đọc guide toàn bộ cho mọi thể loại Auto Chess mà bạn muốn chơi thì nó ở đây. Nào giờ cùng đi vào chủ đề chính.

Tui cho cái hình Tam quốc vào chứ tôi chưa đọc bộ này yo

Đánh giá chung

Nguồn gốc của các tựa game trên xuất phát từ custom game ở trên “trình duyệt” Dota mang tên Auto Chess do Drodo sáng lập ra. Thoạt đầu nghe tựa game Auto Chess ai cũng sẽ nghĩ đến một game cờ quạt căng não. Cơ bản nó đúng là vậy. Khi bạn nghe tên game nó đã sặc mùi “tactics”. Ngoài ra thì đây là một game liên quan đến khá nhiều may mắn. Nếu như trình độ bạn có chỉ ở mức 70% thì tui chắc chắn 30% còn lại sẽ là may mắn ở trong cái game này. Khá nhiều đúng không? Vì vậy mà nó có tên là “Cờ tự động”. Mỗi lượt sẽ xuất hiện tự động những quân cờ tự động và nó phụ thuộc vào thuật toán của Dev. Cho nên nếu như bạn đang có một cuộc sống không hài lòng hoặc gặp những chuyện xui xẻo, tui khuyên bạn không nên vô vào thời điểm này.

Luật chơi rất đơn giản: “Bạn sống sót cuối cùng – bạn thắng”. Mỗi quân cờ lại có kĩ năng cá nhân riêng, tộc riêng, nghề riêng. Chúng như những mảnh ghép và bạn phải phối hợp làm sao những mảnh ghép đó tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh đạt chuẩn tầm cỡ thế giới là win. Đi sâu hơn xíu về phần gameplay. Chúng ta có vòng lặp: Vô game -> Lấy tiền -> Đi sắm sửa đội hình -> Đội bạn mạnh -> Bạn win. Điều binh khiển tướng thế nào là một chuyện, bạn còn phải chống chọi với 8 đối thủ trên cùng một ván đấu. Mỗi hiệp đấu bạn phải chống cự lại những cuộc đổ bộ của Neutral Creeps hoặc những đội hình của nhà người chơi khác xâm lăng. Với những hiệp có Neutral Creeps (Quái vật/Thú/Lính/Bọn NPC điên cuồng/…) thì bạn sẽ nhận được items khích lệ chút xíu để giúp quân cờ người của bạn trở nên khỏe hơn hoặc chí ít bớt vô dụng hơn. Với mỗi hiệp thắng người thì bạn sẽ nhận được thêm chút khích lệ và nếu thắng “quá nhiều” so với dự kiến thì bạn sẽ được winning streak. Ngược lại bạn thua để nuôi một đội hình kéo về late game cũng sẽ được phần thưởng an ủi losing streak với mức tiền cũng kha khá.

Một năm trước mình cũng giống như bạn, cũng ngồi đây và đếch hiểu phải làm gì với số tiền ấy. Nhưng đừng lo hãy để nhân phẩm định đoạt xem bạn đi được tới đâu. Ngoài ra thì số level sẽ tương ứng với số con tướng bạn có trên bàn chơi. Số level càng cao thì chất lượng tướng sẽ càng ngon. Hẳn là bạn sẽ không chọn một con nhỏ gớm ghiếc 1 gold cả đời được mà phải sắm cho mình một em đào với giá 5 gold là chắc rồi. Tổng quan có khá nhiều thứ để biết để hiểu nhưng tạm hiểu sơ sơ đó là ổn rồi.

Đây là thứ quyết định nhân phẩm bạn đấy

Cuộc chiến của ba nhà Ngụy – Thục – Ngô

Khi một tựa game mới nổ ra, chúng ta luôn luôn thấy sẽ có sự tranh chấp từ phía người chơi, chỗ đứng, vị thế của các tựa game cùng thể loại giống nhau. Tính tới thời điểm bây giờ DAC (Dota Auto Chess của Drodo Studio) hay DU (Dota Underlords của Valve) thậm chí là TFT (Teamfight Tactics của Riot Games) đang tạo ra cuộc đua dài trong thể loại này. Khởi đầu tất cả là DAC của Drodo Studio. Tiền thân của nó chỉ là một custom game của Dota sau những giờ “2 tangoes one ward, Me mid bobo, me play invoker” căng thẳng.

Thực ra trước đó đã có một vài tựa game cũng na ná như DAC nhưng vì lượng Dota gamer quá lớn nên DAC đã dậy sóng tạo ra một cơn gió mới. Lối chơi có tính chiến thuật cao, cuộc thi xem ai được Phật “độ” nhiều hơn, sự đấu trí căng thẳng giữa nhiều người đã khiến game này có chỗ đứng trong loạt game hiện nay. DAC những ngày đầu còn gặp khá nhiều lỗi, tối ưu chưa được tốt, game không có giá trị chơi lại hay trao đổi đồ giữa những người chơi,… Nhưng chỉ sau vài phiên bản cập nhật, sửa lỗi thì DAC thì sự bùng nổ của chế độ này mới bắt đầu. Drodo đã quyết định tự tay mình sẽ cho lên một phiên bản DAC lên trên hệ máy Android và iOS. Nhưng khi bước ra khỏi lớp vỏ mang tên “Dota”, Drodo đã phải tự mình làm lại mọi thứ từ đầu.

Không thể bê hình ảnh những heroes trong dota, không được sử dụng hình ảnh của Dota, Drodo như tự phải làm lại mọi thứ từ đầu mà vẫn giữ nguyên được sự quen thuộc trong lối chơi, thiết kế để người chơi khi chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác đều có thể thích nghi dễ dàng. Cá nhân tui nếu như bạn muốn thấy cái hay toàn diện của trò này, bạn nên đi từ DAC. Nó hội tụ đủ mọi thứ và là khởi nguyên của dòng game Auto Chess này. Với những thanh niên “mông mốc rêu” vẫn sẽ “âm thầm bên em” với DAC thuần túy thay vì chạy theo xu hướng mới.

Bạn biết phải làm gì rồi đấy

Valve chắc chắn sau sự ra mắt flop dập đít của Artifact – “barely breathing game” thì đã nhanh tay nắm bắt món hời ngay trước mắt. “Cây nhà là vườn – thiên thời địa lợi” chỉ vài tháng sau khi lên kế hoạch Valve đã cho ra mắt sản phẩm con lai hệ F1: Dota Underlords. Dota Underlords bê hầu như nguyên si mọi thứ của DAC vào và dĩ nhiên có chỉnh sửa để người chơi có cảm thấy sự khác biệt thay vì “Hồn Trương Ba – Da hàng thịt”. Sở dĩ DU có thể bê nguyên như vậy vì lợi thế của họ đã là hình ảnh, thiết kế có sẵn của những heroes và lối chơi hấp thụ từ tinh hoa của DAC. Ngoài ra Valve đã rất khôn khéo khi giảm thiểu bớt sự may mắn bằng cách cho người chơi có thể cân nhắc, chọn lựa thuộc tính cộng thêm cho bộ quân cờ người trong những round nhặt đồ. Ngoài ra với việc giảm thiểu sự xuất hiện cùng lúc 8 bàn chơi sẽ làm cho game tối ưu hơn, quân cờ ngộ nghĩnh hơn và số ô hiển thị rõ hơn.

Ngoài ra AI của các con bot bên DU làm cũng khá tốt và bạn sẽ không mất tiền xoay kẹo để có courier như DAC nữa. Ngoài ra hiển thị máu, bàn chơi, số tiền, tướng tui thấy khá rõ ràng và đập vào ngay trước mắt. DU còn hỗ trợ tiếng Việt (cho những người không hiểu biết nhiều về tiếng Anh), đây cũng là một lợi thế rất lớn. Nhưng điểm yếu cũng có thể thấy rõ.

Thứ nhất là DU khá giống với DAC phiên bản đầu, sẽ không có sự đa dạng về lối chơi hay nhiều line-up dị hợm như bên DAC. Ngoài ra thì các tương tác giữa các người chơi sẽ không có nhiều (gáy bẩn,..). Bạn cũng khó theo dõi xem nhà thằng hàng xóm đang làm cái gì vì phần hiển thị không rõ ràng như bên DAC. Hoạt ảnh khi lên cấp tướng cũng chưa rõ ràng,.. Dù gì thì cũng chỉ là màn open beta dạo đầu của Valve. Mong Valve tiếp tục phát triển và đừng bỏ rơi nó như con ghẻ Artifact. Với lượng fandom đông đảo chắc chắn DU cũng sẽ giữ lại được khá nhiều người chơi ở bên “Dead game”.

Hình ảnh ngộ nghĩnh, cây nhà lá vườn Valve tội gì không đơm hoa kết trái ra Underlords

Nếu như bạn là một người đã từng học lịch sử và đã biết đến The Cold War (Chiến tranh lạnh) thì League of Legends và Dota cũng giống như vậy. Đây là hai thế lực lớn nhất trong các tựa game Moba. Vì vậy khi thấy “thằng hàng xóm” ra DU thì Riot Games đã có động thái đáp trả bằng việc cho ra đời Teamfight Tactics (TFT) – cái tên nói lên tất cả và nó vẫn đi theo vết xe “Auto Chess” được vạch sẵn. Valve với lợi thế cây nhà lá vườn từ fandom,heroes… thì Riot Games cũng không kém phần long trọng với những cây vườn lá nhà như vậy. Và đặc biệt hơn là các champions của LOL khác so với heroes của Dota nên nếu như người chơi từ game Y chuyển sang game X thì sẽ phải đọc sương sương lại tất tần tật từ race/class cho đến skill của từng con heroes.

Về lối chơi thì TFT vẫn giữ nguyên cho mình lối chơi cốt lõi. Nhưng TFT đã tăng sự may mắn của người chơi lên bằng cách cuộc đọ nhân phẩm xuất hiện vào mỗi vòng “Chọn chung”. Bạn sẽ như đi vào hội chợ triển lãm với vô vàn đồ ăn đồ uống các loại. Việc của bạn như là chen chân vào cửa hàng khuyến mãi và chọn cho mình con tướng mà mình chơi (hay cảm thấy ngon nghẻ). Vòng đi chợ khá hay và khác bọt so với hai tựa game kia nhưng tỉ lệ nhân phẩm của bạn lại càng tăng lên và tui khá không thích điều này.

Lấy nhanh không tụi nó xí của mình

Thay vì bàn chơi là những ô vuông tẻ nhạt 8×8 mô phỏng lại bàn cờ vua thì TFT lại có cho mình bàn cờ ô tổ ong riêng biệt. Nếu như bạn đã quen với các hiệp quái ra ngẫu nhiên ở mỗi bàn rồi thì vấn đề nhỏ này không đáng bận tâm. Nhưng ở TFT mỗi hiệp có quái lại đem đến cho bạn sự chi tiết, thông tin rõ ràng về con quái bạn sắp gặp. Ngoài ra hiệu ứng đi qua cổng không gian mỗi hiệp đấu chân thực hơn rất nhiều so với việc tự dưng bất thình lình có thằng vào nhà mình rồi đấm vào mặt mình vài cái. Phần giao diện khá khó nhìn so với bên DU và DAC vì nó sẽ nằm ở phía bên dưới. Ngoài ra bạn sẽ phải trả phí nếu muốn có courier mong muốn (tượng trương cho những linh vật giữ máu – giữ nhà cho bạn). Di chuyển của quân cờ cảm thấy vẫn chưa logic như bên DU. Đổi lại phần hiển thị các hệ/tộc khá rõ ràng và phần hiệu ứng tiền lãi hay tiền lãi tối đa mà bạn có cũng sẽ nằm ở một góc khá dễ thấy trên bản đồ.


Về độ cân bằng giữa tướng thì cũng chưa có sự cân bằng. Vì đôi khi họ cố gắng chủ đích dành sự quan tâm chỉ cho một con tướng duy nhất bằng cách dồn toàn bộ items (tài nguyên duy nhất cho quân cờ) chỉ để nó có những pha “gank tem” thần thánh. Với cá nhân tôi việc xây dựng một quân cờ mạnh là đúng. Nhưng để có một ván chơi hoàn hảo thì tất cả quân cờ nên phát huy tác dụng của mình. Dù vậy đây cũng chỉ là bản thử nghiệm nên chắc chắn qua nhiều bản fix, update thì game cũng sẽ cân bằng hơn. Cuối cùng, sao đi chăng nữa, TFT cũng có cho mình riêng một lượng fan đông đảo. Ai mà chả thích con tướng yêu thích của mình được làm quân cờ rồi nhìn nó đánh cơ chứ. Hiện tại TFT cũng chưa thể có mặt luôn trên các hệ máy khác ngoài PC nên chờ đợi là hạnh phúc.Thiết kế thuần túy 8×8 nhưng hình tổ ong khá đã mắt và sáng tạo

Tổng Kết

Chung quy lại mỗi game đều có thế mạnh và đặc điểm riêng biệt của mình trong thời “Nhân phẩm hóa”. Nếu như bạn muốn có một tựa game không quá căng thẳng nhưng thiên về sự đấu trí giữa các người chơi, nếu như bạn cảm thấy quá chóng mặt, buồn nôn với những tựa game FPS, hãy chọn Auto Chess. Nếu như bạn cảm thấy đời không mấy suôn sẻ – hãy chọn Auto Chess, nhưng đừng đấm vào màn hình. Nếu như bạn có một con máy đủ trâu bò để chịu nổi đội hình Beast (với hàng chục units xuất hiện trên bàn chơi cùng lúc) hay pin đủ khỏe, thậm chí đơn giản chỉ là thực sự có thời gian và sự kiên nhẫn đến 30-45 phút ngồi yên một chỗ chơi game trên smartphone thì nó có thể là sự lựa chọn khá tốt. Nhưng nếu như ai có một chiếc điện thoại tôi không nghĩ họ sẽ chọn tựa game này và đủ thời gian, sự bình tĩnh để trải nghiệm như đã nói ở trên. Hiện nay đã có một vài giải đấu khá tai tiếng về tựa game này.

Một vài giải đấu Auto Chess

Nhiều người đã nghĩ tựa game này “CÓ THỂ” trở thành Esport game. Tui thì không. Vì Esport luôn dựa trên những gì công bằng nhất và cơ hội luôn chia đều cho mọi người chơi, may mắn chỉ chiếm một phần rất rất nhỏ và có thể trong vòng kiểm soát được (như tỉ lệ chí mạng, né tránh trong một số game Moba). Nếu như muốn trở thành một tựa game Esport thì điều đầu tiên nên làm là giảm thiểu những yếu tố may mắn đó đến mức thấp nhất có thể. Mặc dù vậy thì nó rất khó vì nó mang cho mình cái tên “Auto Chess”. Không biết rằng Auto Chess sẽ nổi lên như một thế lực hay ngọn lửa này rồi sẽ bị dập tắt bởi một làn gió mới. Chờ xem đã. Dù gì thì kiếm vài bịch snack ngồi xổm lên ghế rồi ngắm bọn cờ người đánh nhau thôi nào!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện