The Witcher Netflix – Mùa I – Một vài điều kết thúc, một vài điều khởi đầu…

Chủ xị

  

20/12 năm ngoái, The Witcher Netflix đã được phát sóng toàn cầu, và đối với một fan The Witcher như tôi thì cũng rất vui rất vui vì thế giới của The Witcher hơn. Cả ngày hôm đó tôi dành thời gian từ lúc 3h chiều cho đến 11h đêm hôm đó chỉ để cày xuyên suốt The Witcher Netflix. Và tôi có rất nhiều cái để nói, không chỉ là chuyện chuyển thể hợp lý hay không hợp lý, mà còn mấy cái ngoài lề bên cạnh khác. Vậy nên đây sẽ là một bài viết có spoiler, không chỉ cho TV show mà lẫn cả sách, đặc biệt là 2 cuốn The Last Wish và Sword of Destiny trong toàn bộ The Witcher novel saga. Vì vậy tôi khuyên bạn hoàn thành cả hai trước rồi hẵng đọc bài viết này. Và bạn cũng nên coi sách, video game và TV show là 3 vũ trụ riêng biệt đi.

Geralt of Rivia: Những chuyến phiêu lưu chưa đọng lại nhiều cảm xúc

Chuỗi câu chuyện của Geralt of Rivia là những gì tôi không quá hứng thú vì tôi đã biết sẵn gần hết những gì câu chuyện nó xảy đến như thế nào rồi. Tôi cũng cần nhắc nhở bản thân mình rằng đây là một TV show chuyển thể, vì vậy thay đổi là không thể tránh khỏi. Mỗi tập là một cuộc phiêu lưu của Geralt, vì vậy tôi sẽ viết rõ ràng từng tập một đối với nhân vật này.

Tập 1: The End’s Beginning

Được dựa trên truyện ngắn The Lesser Evil trong cuốn The Last Wish, đây là có thể coi là câu chuyện về nàng Bạch Tuyết của thế giới The Witcher. Một trong những điều hay nhất của tập này là trận đấu kiếm giữa Geralt và Renfri, nó được quay và đạo diễn rất tốt, chưa kể phim bám khá sát nguyên tác dù bị chia sẻ thời lượng với tuyến truyện của Ciri. Nhưng dù vậy không phải là không có nhiều điểm mình chưa hài lòng.

Những cảnh quay lại: do thay đổi diễn viên đóng Renfri và đạo diễn hành động nên tập 1 của series đã được quay lại. Dù hầu hết chúng không lộ rõ nhưng đây là một điều mà tôi cảm thấy khó chịu khi nó xuất hiện. Từ khi Geralt cưỡi Roach vào Blaviken cho đến cảnh Geralt chuẩn bị vào tòa tháp của Stregobor, ta có thể thấy anh mặc một chiếc áo choàng, nhưng sau khi bước vào trong, không những áo choàng của Geralt biến mất, mà thanh kiếm của anh cũng tự nhiên mà xuất hiện. Dù cái này không phải một lỗi quá lớn, nhưng nó làm mất đi tính tiếp tục của một cảnh quay.

– Renfri và lời nguyền “Mặt Trời Đen”: Mặt Trời Đen là điềm báo sự trở về của Lilit, vẫn được tôn vinh ở phương Đông dưới cái tên Niya, và ngày tàn của nhân loại. Con đường của Lilit sẽ được chuẩn bị bởi “sáu mươi người phụ nữ đội vương miện vàng, những kẻ sẽ đổ đầy những con sông trong thung lũng bằng máu. Dù vậy cả trong phim lẫn truyện, Geralt đều bác bỏ lời nguyền này và cho rằng nó là nhảm nhí. Nếu sách bày tỏ rõ ràng sự cân bằng về tính xác thực của lời nguyền này thì phim lại hơi quá đà để cho Renfri gần như mang lời nguyền này hoàn toàn.

Trong truyện, Renfri trở nên kháng phép sau một lần Stregobor biến cô thành một viên pha lê và được giải phóng một gã hoàng tử dốc hết gia tài cho việc này. Nhưng nó có thể cũng được giải thích rằng cô giữ một vật gì đó kháng phép rất mạnh. Điều khiến cô trở nên có vẻ có bị dính lời nguyền là cô đã đoán trước được trận đánh của Geralt ở phiên chợ Blaviken: “Anh nói rằng cái ác nhỏ hơn không tồn tại. Anh đang đứng trên viên đá lót đường đẫm máu, cô độc và cô độc làm sao bởi vì anh không thể chọn, nhưng anh buộc phải chọn. Và anh sẽ không bao giờ biết, không bao giờ chắc chắn, anh đúng hay sai… Và phần thưởng của anh sẽ là một viên sỏi, và một lời chửi rủa. Tôi thương hại anh…”. Điều này khiến cho ta không biết được rằng lời nguyền có thực hay không, hay Renfri chỉ là một người bị đối xử tồi tệ mà sinh ra hận thù.

Trên phim đã có thay đổi ít nhiều, có thể bắt đầu với cuộc trò chuyện “định mệnh” trong rừng. Geralt được cho là “định mệnh” khi mà Renfri gặp anh và hi vọng sẽ giúp cô giết Stregobor. Lời đoán về Geralt dù về cơ bản vẫn được giữ nguyên, nhưng thêm vào đó là “cô gái trong rừng sẽ luôn ở bên anh, sẽ luôn là định mệnh của anh”. Có rất nhiều lời giải thích cho câu nói này cho việc tại sao Renfri lại biết đến Ciri dù lúc đó Ciri còn chưa sinh ra. Nhiều người ngụ ý rằng Renfri đang nói đến chính bản thân cô. Nhưng vì câu nói này được nói vào lúc mơ ngủ cùng với những lời nói về Geralt trong trận đấu kiếm ở Blaviken, nên đây không thể là lúc đoán mò và nói về bản thân Renfri được. Cái kì quặc thứ 2 là Renfri kháng phép trên phim. Điều này chưa bao giờ được giải thích, khiến cho việc khán giả cảm nhận Renfri bị dính lời nguyền là thật chứ không phải do bị đối xử tồi tệ. Dù vậy lời tiên tri này không phải là không hợp lý. Nó lại nói lên rất nhiều về chủ đề của câu chuyện: Định mệnh và gia đình.

– Trận đấu kiếm tại phiên chợ Blaviken: Nếu như trận đấu kiếm trong truyện được người dân chứng kiến tận mắt và đứng xung quanh. Do tập này đã bị quay lại, vì vậy ta có thể thấy trong trận đánh có rất ít diễn viên quần chúng hoặc chỉ đứng ở xa. Các cảnh đánh mãn nhãn này lại không có mấy diễn viên quần chúng, khiến cho cảnh trở nên hơi đơn điệu và thiếu đi lớp dân chứng kiến chạy tán loạn mạnh mẽ như truyện. Và cả cuộc đấu giữa Renfri và Geralt cũng vậy, thiếu đi diễn viên quần chúng chứng kiến khiến cho cảm giác câu chuyện nói về việc Geralt có cái tên Đồ Tể Blaviken bị yếu đi hẳn. Dân chúng chỉ bắt đầu ló mặt ra khi trận đánh đã xong. Về cơ bản, câu chuyện Geralt, gã Đồ Tể Blaviken vẫn hoạt động, chỉ là nó không thực sự y nguyên như trong sách nữa.

Vài người bạn của tôi khá thất vọng về cách chuyển thể của tập này, tôi thì không. Thứ duy nhất tôi thực sự thất vọng trong câu chuyện này là họ đã hơi quá đà khi dùng lời nguyền Mặt Trời Đen để truyền tải cái chủ đề câu chuyện, khiến cho câu chuyện của Renfri không thực sự là một câu chuyện đầy bi thảm nữa mà thành câu chuyện về một cô gái bị dính lời nguyền thực sự. Dù ngay cả bản thân trong truyện cũng rất nhiều ngầm ý Renfri thực sự bị dính lời nguyền, nhưng chúng cũng hoàn toàn có cố gắng cân bằng lại để biến lời nguyền thành một thứ gì đó rất mơ hồ. Tập 1 đáng ra đã có thể cân bằng hơn nữa, nếu như họ không chia sẻ thời lượng với một tuyến truyện khác.

Tập 2: Four Marks

~ You think you’re safe

Without a care

But here in Posada

You’d be wise to beware… ~

Mở đầu tuyến truyện của Geralt là giọng hát cực kì mê hoặc của Joey Batey, diễn viên đóng vai Jaskier, đã gợi cho tôi một chuyến phiêu lưu đầy thú vị của Geralt với Jaskier. Nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra đó chỉ là màn dạo đầu của một cuộc phiêu lưu nhạt nhẽo. Vì tập 2 chú tâm vào Yennefer hơn, nên bản chuyển thể của “The Edge of The World” là một nỗi thất vọng toàn tập đối với tôi. Dù ngay cả bản thân tôi chưa bao giờ là một người thích truyện ngắn “The Edge of The World”, TV show chuyển thể câu chuyện này là không thể chấp nhận được.

– Sự lạc lõng trong chủ đề: Nếu chủ đề chung của cả series là “định mệnh và gia đình”, The Edge of the World bản TV show lại chẳng có một tí tị ti nào liên quan. Nếu bạn nghĩ rằng nó là điều tốt, có thể, nhưng khi phải chia sẻ thời lượng phim với 2 tuyến câu chuyện khác thì đây là một điều rất tồi tệ. Tôi ước câu chuyện này nên được làm riêng rẽ ra hoàn toàn để có thể truyền tải hết được nội dung linh hồn câu chuyện.

– Dol Blathanna và nỗi niềm tộc tiên: Câu chuyện The Edge of the World thực ra là để giới thiệu tộc tiên đến với người đọc trong truyện. Tộc tiên, đại diện ở đây là Filavandrel aén Fidhái, cho rằng Con Người đã cướp đi tất cả những gì thuộc về thiên nhiên và những gì thuộc về tộc tiên. Nhưng con người, ở đây là Geralt và Jaskier, lại cho rằng tộc tiên không như những witcher, không biết chung sống với con người, chỉ biết giữ cái vẻ cao quý thượng đẳng mà để cả dân tộc đang dần chết mòn vì đói và ốm đau bệnh tật. Đó là lý do tại sao mà phải dùng đến sylvan tên Torque đến lấy trộm đồ ăn và thuốc thang.


Khi Filavandrel định giết Geralt và Jaskier, Torque đã ngăn cản, thuyết phục rằng Geralt là một witcher, một kẻ dị biệt, một kẻ hiểu rõ cả Human và Non-Human. Trong phim vì Filavandrel đã nhận ra sự sai sót của mình mà thả cả hai người ra.

Trong truyện thì Dana Méadbh của Elf, Bloemenmadge của người lùn, là Nữ Thần của những cánh đồng với con người xuất hiện và bảo Filavandrel qua thần giao cách cảm rằng tộc tiên rút “phía Đông, nơi có dãy núi”. Anh nói với Witcher rằng:

“Ta đã đi tới kết luận rằng ngươi đã đúng. Khi ngươi thương hại chúng ta. Vậy nên tạm biệt. Tạm biệt cho tới khi ta gặp lại nhau, vào cái ngày chúng ta xuống thung lũng để chết trong danh dự. Ngày đó chúng ta sẽ tìm ngươi, Toruviel và ta. Đừng để chúng ta thất vọng.”

Khá đáng tiếc là trong phim, mọi việc xảy ra quá vội vã, The Edge of the World là một câu chuyện cần nhịp độ chậm rãi và mang chút căng thẳng trong cuộc trò truyện. Bởi đây là một cuộc tâm sự về góc nhìn của hai loài về một thế giới. Chúng cần những nét trầm tư, như cách George Lucas muốn chúng ta cảm nhận chuỗi thời gian luyện tập the Force của Luke Skywalker một cách đầy căng thẳng và hi vọng và rồi để lại một sự thất vọng nhẹ nhàng.

– Sự bắt đầu của mối quan hệ Jaskier và Geralt: dù mối quan hệ kì quặc giữa một “người anh hùng nghiêm túc” và “nhân vật bạn thân hài hước” này khá là quen thuộc với nhiều khán giả, từ văn học, tới phim ảnh và video game. Nhưng Geralt và Jaskier vẫn là cái gì đó khi đọc lại sách hay xem lại TV Show, tôi vẫn cảm thấy nó vẫn rất vui để xem hay đọc. Dù có thay đổi giữa phim và sách về hoàn cảnh gặp gỡ, nhưng mối quan hệ trái triều này luôn thú vị. Và tất nhiên không thể nhắc đến tài hát của Joey Batey, khiến tôi khá là thích thú với band The Amazing Devil của anh.

Dù sao thì tôi cũng phải thừa nhận, đây là một câu chuyện rất khó chuyển thể, chúng không phù hợp với phim ảnh mà phù hợp với lời văn hơn bởi cách nhà văn miêu tả một thế giới phức tạp qua cuộc đối thoại giữa Human và Non-Human. Đáng ra nó nên có một tập riêng lẻ hoàn toàn để đẩy hết được những gì đẹp nhất trong linh hồn câu chuyện lên TV series.


Tập 3: Betrayel Moon

“Mặt trăng phản bội” là tập chuyển thể truyện ngắn The Witcher từ cuốn The Last Wish, và tôi thích nó. Dù tập phim này có cực kì nhiều thay đổi đến ngạc nhiên, nhưng nó lại đi song song với tuyến truyện của Yennefer khiến câu chuyện về việc Geralt giải lời nguyền cho công chúa Striga trở nên hấp dẫn và độc đáo hơn bao giờ hết.

– Khác với trong sách, vốn Geralt bị làm phiền khi đang uống bia, tập phim bắt đầu với một witcher khác đang điều tra một nạn nhân làm thợ mỏ ở Temaria về một con quái vật. Sau khi gã witcher có được thông tin, gã đòi 3000 Orens và lên đường chiến đấu (và tất nhiên không thành và chết). Geralt lúc này lại đang trên giường với gái bán hoa… Anh đã nằm ở đó 3 hôm mà còn chưa trả tiền phòng. Khi nghe được gái bán hoa kể chuyện về gã Witcher xấu số đó. Anh lên đường lập tức… bằng việc đi bộ do kêu ông chủ trọ giữ tạm Roach để anh lên đường dến lâu đài Temaria kiếm tiền.

Thay vì gặp Velerad như trong sách, Geralt lại gặp đám thợ mỏ kêu lật đổ nhà vua vì không chịu giết quái vật. Khi suýt nữa xảy ra xô xát thì, Ostrit, cận thần vua Foltest đến ngăn cản cả hai bên và đuổi Geralt. Trên đường ra khỏi đó thì anh gặp Triss Merigold, và cô muốn anh giải lời nguyền cho con quái vật. Dù cả Geralt lẫn Triss đều cố thuyết phục vua Foltest cho điều tra tòa lâu đài nhưng không thành, nên cả hai người quyết định lẻn vào. Từ đó phá hiện ra con quái vật là con của Foltest và em gái ông, Adda. Nhưng đứa trẻ đó đã bị nguyền và không ai khác ngoài Ostrit, người thầm yêu Adda.

– Vua Foltest: Khác với trong sách, một trong những khía cạnh khác của tập này khiến mình thất vọng. Thay vì là một vị vua gầy, khôn ngoan thì trong phim lại là một lão vua già béo, và có vẻ bị tổn thương nặng về mặt tinh thần. Dù vậy đây là một ảnh hưởng nhỏ và không thục sự đáng để tâm quá nhiều. Vua Foltest trong phim dù có tổn thương về mặt tinh thần, ông vẫn là vua có suy nghĩ, dù phải mãi sau này Geralt mới khiến ông chấp nhận để cho Sói trắng bước vào tòa lâu đài bị bỏ hoang để giải lời nguyền cho con quái vật.

– Trận chiến giữa Geralt và con quái vật Striga: Dù xem thoáng qua thì có vẻ khá sát nguyên tác, nhưng có một điểm làm tôi không thực sự hài lòng là: Striga giết Ostrit hay gã Witcher đầu phim là gần như ngay tức khắc. Nhưng với Geralt, con Striga chỉ có mỗi việc quang quật Geralt, chứ mọi cơ hội làm Geralt bị thương đến máu chảy đều bị bỏ phí. Nên khi xem nó không được thỏa mãn lắm. Dù vậy, khi kết hợp việc phẫu thuật của Yennefer với trận chiến này quả là một điều thú vị. Nó mang ý nghĩa tái sinh khá rõ ràng, điều mà tôi rất thích.

Tập 4: Of Banquets, Bastards and Burials

~ Toss a coin to your Witcher

O’ Valley of Plenty

O’

Toss a coin to your Witcher

And friend of humanity ~

Tiếp tục lần này, Geralt phải theo chân Jaskier bảo vệ anh khỏi mấy… rắc rối gạ tình trước của nhà thơ tại bữa tiệc tìm người kết hôn với công chúa Pavetta Fiona Elen of Cintra, con gái của nữ hoàng Calanthe Fiona Riannon of Cintra. Hơi đáng tiếc là do Geralt lần này không dùng cái tên Ravix of Fourhorn như trong sách, nhưng thú thực đây có lẽ là tập phim chuyển thể truyện ngắn được làm tốt nhất cả mùa. Dù đúng là nó có bị rút ngắn lại, nhưng nó vẫn giữa được linh hồn nguyên tác nhất trong tất cả các truyện ngắn được chuyển thể. Dù vậy có một điều mình không hoàn toàn hài lòng.

– Calanthe: “The Lioness of Cintra” đã hơi bị hoang dã quá và bớt đi cái vẻ điềm tĩnh, khôn ngoan trong truyện. Bản thân bà muốn phá bỏ đi sự trọng nam khinh nữ nhưng lại muốn ép Pavetta lấy Crach an Craite. Sự thiếu thống nhất này lại hơi kì quặc nhưng dù sao đây vẫn chỉ là tiểu tiết nhỏ. Màn trình diễn của Jodhi May vẫn hoàn toàn tuyệt vời trong mắt mình.

Nghiêm túc thì đây là một trong những tập mình không thể tìm thêm điều gì để chê trách nữa cả.

(Tập 5 và 6 xin phép để phần cho câu chuyện về Yennefer).

Tập 7 & 8: Before the Fall và Much more

Geralt đã trở lại Cintra sau khi chia tay Yen ở vụ săn rồng Tập 6. 13 năm là quãng thời gian dài, nhưng Geralt không ngờ rằng đứa trẻ bất ngờ là một đứa con gái. Calanthe thì kiên quyết đuổi anh khỏi Cintra, từ dùng lính định giết anh cho đến dùng một đứa con gái khác giả làm Cirilla, con của Pavetta và Duny.

– Dù trong sách anh kiên quyết trốn tránh đón nhận Ciri kể cả khi Calanthe cho anh chọn 1 trong 10 đứa trẻ, trong đó có Ciri. Anh chỉ tình cờ gặp Ciri 1 lần nữa tại nhà thương nhân Yurga. Phim lại cho thấy anh đã chấp nhận suy nghĩ lại về điều này vì sau khi Yen tiết lộ rằng cô muốn có một đứa con và mắng chửi anh về việc bỏ rơi Đứa Trẻ Bất Ngờ của mình. Anh đã định rời đi một lần nữa nhưng vua Eist đã giam giữ anh lại tại Cintra. Dù vậy khi xảy ra Fall of Cintra, Geralt có tìm Ciri khắp Cintra nhưng cũng không thấy nữa.

– Anh cứu Yurga khỏi bầy quái vật nhưng bị trọng thương, khiến cho Yurga phải đem anh đi cứu chữa. Và người cứu chữa không ai khác chính là mẹ của Geralt, Visenna. Anh trách móc mẹ tại sao lại bỏ rơi mình tại một con đường và để Vesemir nhận mình làm một witcher. Visenna cố gắng ngăn cản anh đừng hỏi nữa và rời đi một lần nữa, cho dù anh cầu xin bà ở lại sau những việc tồi tệ bà làm với anh. Đây là một phần lý do nhỏ mà Geralt không tin rằng Yen sẽ là một người mẹ tốt đối với một đứa trẻ.

Kịch bản kết thúc gốc, thậm chí đã quay rồi…

– Và giờ đây là cái ending, thay vì trả bằng luật bất ngờ, Geralt muốn được trả bằng rượu. Khi nghe vợ Yurga nói rằng cô nhận nuôi một đứa bé gái, Geralt lập tức chạy ngay vào rừng vì nhớ lời của Renfri. Và anh gặp Ciri, lần đầu tiên sau suốt cả mùa, mọi thứ đã gần hoàn hảo cho đến khi câu “Who’s Yennefer” được thốt lên. Damnit! Ending đã bị cắt đi rất nhiều trong khi kịch bản đã gần giống trong sách. Tôi đã rất bực và phải đi đọc sách để nguôi giận…

8 tập phim, Sói Trắng của chúng ta giờ đây sẽ lên đường về Kaer Morhan cùng với Ciri. Một hành trình từ Đồ Tể của Blaviken cho đến Sói Trắng quả là 1 chuỗi “hmm… Fuck” với định mệnh, có những câu chuyện thú vị, có câu chuyện không. Nhưng khoảnh khắc cảm động nhất và nằm ở Tập 3 và Tập 4 của mùa đầu tiên này, những khoảnh khắc chạm mặt định mệnh. Henry Cavill đã có màn trình diễn xuất sắc không thể bàn cãi được.

Yennefer of Vengerberg: Hành trình đi tìm bản thân đầy trắc trở

Yennefer of Vengerberg trong mắt fan sách là luôn lạnh lùng và không thể đồng cảm cho mãi đến tận sau này, được phát triển qua mối quan hệ giữa Yen và Ciri. Tôi đã không thích điều này, và rất vui mừng khi TV show quyết định làm origin cho Yen. Đúng tôi có lo ngại riêng, nhưng tôi phải nói thật lòng, Yennefer là nhân vật phát triển tốt nhất của mùa một này.

10 Marks cho 1 con lợn, 4 Marks cho Piglet aka Yennefer, cô gái lưng gù chỉ biết trách bản thân mình xấu xí. Cô đã tìm đến cái chết, nhưng rồi lại được cứu bởi Tissaia de Vries. Khi cô thất bại trong việc học tập, cô đã sợ hãi, cô tìm đến Istredd, chàng trai pháp sư đầu tiên phát hiện ra sức mạnh ma thuật của cô và cả đem lòng yêu nhau. Khi biết mình vẫn có khả năng phát triển phép thuật chứ không bị biến thành lươn, cô đã hết sức học tập.

Nhưng rồi giấc mơ bị vỡ vụn do Istredd để lộ ra Yen mang ¼ dòng máu tiên. Khiến cô bị hội đồng không cho cô được đi đến Aedirn. Yen đã tức giận và biến mình trở nên xinh đẹp hơn, rồi cướp lấy vua Aedirn từ Fringilla Vigo. Nhưng nếu bạn nghĩ đây là một kết khởi đầu mới tốt đẹp cho Yen thì bạn đã sai lầm. Đây là chuỗi ngày cô bắt đầu dần dần đánh mất bản thân.

30 năm “chùi đít” cho Aedirn khiến cô nhận ra rằng hoàng gia không đáng để cô phí sức nhúng tay vào. Và khi hoàng hậu Lyria nhờ bế đứa con gái mới sinh, Yen bắt đầu nhen nhúm lại ý định có một đứa con. Cô cố cứu đứa trẻ khỏi người mẹ hoàng hậu vô cảm và tay sát thủ nhưng bất thành. Và khi cô chôn đứa trẻ, tôi đã khóc. Không chỉ vì tôi đọc hết đống sách hay nó được editing đan xen với câu chuyện của Pavetta và Duny, mà giờ đây tôi hiểu rằng Yen đang cố lấy lại những gì tự bản thân cô đánh mất, vì những gì cô nhận lại là một sự kềm cặp khác chứ không hề mở ra con đường mới cho bản thân cô. The Voice of Reason VI, trước truyện ngắn The Last Wish của sách có nhắc đến việc Yen cố chữa cho mình về việc vô sinh nhưng bất thành. Show dường như đã dựa vào đó mà viết lên nhân vật Yennefer rất thành công.

Đến tập 5, chuyển thể từ câu chuyện The Last Wish, cô sử dụng Djinn để giúp cho cô có thể có lại khả năng sinh đẻ của một người phụ nữ thay vì mong muốn có sức mạnh như truyện. Tập 6, mục đích của cô là kiếm tim rồng để chữa vô sinh, tranh cãi giữa cô và Geralt về việc không thể làm mẹ khiến cô bực tức và chửi bới anh về việc anh định bỏ rơi Đứa Trẻ Bất Ngờ. Nhưng khi biết con rồng vàng chỉ đang cố bảo vệ một quả trứng của rồng xanh, cô tập tức sẵn sàng đánh trả vụ những ai định giết rồng. Show đã khám phá Yennefer một cách xuất sắc dưới góc nhìn của một người phụ nữ mất đi khả năng làm mẹ, thay vì để khán giả tiếp xúc cái vẻ lạnh lùng đanh đá, và đôi khi là cả sự khó chịu như cách The Witcher 3 thực hiện.

Khi vụ săn rồng thất bại, cô lạc lối và không biết làm gì. Tissaia de Vries đem cô trở lại với trận Sodden, cô không làm vì biên giới các vương quốc phương Bắc, cô làm vì Tissaia de Vries, hình mẫu người mẹ của cô. Và cô trở thành Hero of Sodden…

Có thể thấy rằng, Yennefer là nhân vật có phát triển nhất trong cả series, nhưng cái thú vị hơn nữa là, những biên kịch của show lấy rất nhiều nguyên tác để biến đổi phù hợp với tuyến câu chuyện của Yennefer. Mối quan hệ giữa Tissaia de Vries và Yennefer là dựa trên mối quan hệ giữa Yennefer và Ciri trong sách, Yen mang dòng máu tiên cũng là sáng tạo của TV show, cố ý rằng kiểu gì cũng sẽ có sự kết nối giữa Yennefer và Ciri. Hay về cơ bản, cả tuyến truyện của Yen trên phim dường như là tuyến truyện của Ciri trong cả The Witcher Saga nén lại và dựa trên những gì ta đã biết về Yennefer trong sách. TV show theo tôi, đã lựa chọn đúng khi cho khán giả làm quen với Yen với origin đầy cảm thông cũng không kém phần thú vị, giúp cho ta có thể thấu hiểu hơn về nhân vật một cách dễ dàng hơn.

Cirilla Fiona Elen Riannon of Cintra: Đi tìm Geralt thôi mà cũng lắm rắc rối

Cuối cùng là Ciri, và tôi cực kì thất vọng sau khi chứng kiến sự phát triển nhân vật đầy tuyệt vời của Yennefer. Do sự thay đổi về cách tiếp cận nhân vật này mà giờ đây, những lần Ciri xuất hiện trên màn hình là những lúc nhàm chán kinh khủng. Tôi biết show đang cố giấu khán giả những vấn đề liên quan đến Ciri sau này, nhưng chất lượng tạo dựng tình huống xảy đến với Ciri dường như là bị động và đáng quên.

Nếu bây giờ có ai đó hỏi tôi về việc Ciri làm gì trong cả câu chuyện của cô ở mùa một, tôi chỉ có thể nhớ rằng Ciri đang trốn chạy khỏi Cahir, The damn Nilfgaardian. Cô gặp Dara, một cậu bé tiên được show tạo ra để Ciri có thể nói chuyện mà thú thực tôi cũng chả nhớ là chuyện gì. Rồi gặp một gia đình người Cintra, ghét nữ hoàng Calanthe và tưởng rằng sẽ nhận nuôi Ciri như một đứa trẻ bình thường, ai ngờ lại bị chết bởi tay nô lệ người lùn và Nilfgaard. Cô chạy trốn và lạc vào trong rừng Brokilon của Dryad và Hamadryad. Và sau một đống vấn đề nữa thì cô cũng gặp Geralt…

Khi xem lại show, tôi luôn cảm thấy bản thân bị bỏ lỡ điều gì đó về câu chuyện của Ciri. Và tôi nhận ra, câu chuyện của Ciri nên được kể liền mạch chứ không nên tách rời và đi song song với câu chuyện của Geralt hay Yen. Ciri coi việc tìm Geralt như một nhiệm vụ, một định mênh. Cô gặp nhiều khó khăn trong cái việc này, nhưng cô ấy không hề có một dấu hiệu buông bỏ nào. Và khi tôi nhận ra vậy, nó cho thấy Ciri không có một dấu hiệu phát triển nhân vật một chút nào, cô vẫn là Ciri của tập 1. Nhân vật của Geralt có phát triển, do anh mắc lỗi sai và từ chối lặp lại lỗi sai đó một lần nữa (Luật Bất Ngờ). Ciri đáng tiếc là không như vậy. Đó là lý do tôi cảm thấy thỏa mãn và không thỏa mãn cũng một lúc, câu chuyện của Geralt được khép lại khéo léo trong khi câu chuyện của Ciri được khép lại một cách dang dở và khiên cưỡng.

Kì vọng về một thời trung cổ giả tưởng trong The Witcher Netflix

Những gì khán giả đại chúng mong chờ ở The Witcher là gì? Một câu chuyện nặng chính trị giả tưởng như Game of Thrones? Cuộc phiêu lưu đậm sử thi anh hùng như Lord of The Rings? Những kị sĩ phải đi diệt con rồng, quái vật, vì chúng độc ác và gây hại cho con người? Đó là hầu hết những gì khán giả đại chúng muốn thấy ở The Witcher. Nhưng không, TV show đã thực sự chơi đùa ngược lại với những kì vọng này. Rồng trở nên độc ác vì chúng bị con người đe dọa về giống loài, Tiên trở nên ghét bỏ con người vì con người xâm lấn những gì thuộc về thiên nhiên và tộc tiên. Quái vật đôi khi chỉ là những con người bị kẻ gian nguyền rủa. Và witcher, với nữ pháp sư chỉ là những người khiếm khuyết về tình yêu thương. Có thể đến từ một đứa trẻ, có thể đến từ những bậc phụ huynh. Và đó là thoáng qua về một thời kì trung cổ.

Chúng ta luôn hài lòng với những chi tiết to lớn như quái vật, rồng, những cuộc chiến tranh trung cổ phi thực tế mà lại đi chăm soi những chi tiết nhỏ vô lí. Cứ người trung cổ là phải bẩn thỉu, cứ kị sĩ là sẽ đi diệt trừ cái ác, nhà thờ sẽ săn phù thủy… Chúng ta không hề than vãn về những điều đó, vì chúng đã ăn sâu nào não chúng ta, qua hàng chục năm nhờ vào những tác phẩm giả tưởng khác trong giai đoạn thế kỉ 19.

Và giờ đây có những diễn viên da màu như Triss Merigold của Anna Shaffer, Fringilla Vigo của Mimi Ndiweni hay thậm chí là Yennefer of Vengerberg của Anya Chalotra lại bị chỉ trích vì họ đóng trong một tác phẩm giả tưởng, những vai giả tưởng? Họ bị chê là không phù hợp, xấu xí và tệ hại hơn là miệt thị, chứ không nhiều người chú tâm vào khả năng diễn xuất và thể hiện linh hồn nhân vật. Mấy cái đó đâu có thực sự tồn tại trong thời trung cổ thực sự. Và The Witcher không có (nhiều) những thứ đó, chúng dùng những thứ đi ngược với truyện cổ tích và các truyện fantasy thông thường kể những chuyện rất thông thường của con người, chứ không phải của thời trung cổ. The Witcher Netflix chơi đùa với những điều đó vì họ biết rằng họ đang viết một tác phẩm giả tưởng lấy cảm hứng từ thời trung cổ hơn là một tác phẩm quen thuộc với những “kì vọng trung cổ” của khán giả thường thấy ở các câu chuyện khác.

Something ends, Something begins…

Ba nhân vật, ba dòng thời gian, một Định Mệnh, đó là The Witcher Netflix mùa đầu tiên. Tôi đã không trông đợi một show như The Witcher lại đi lấy cảm hứng từ cách editing của Dunkirk. Nếu như Dunkirk dùng 3 dòng thời gian để nói về D-Day và sự khốc liệt của chiến tranh, The Witcher Netflix lại muốn người xem một trải nghiệm kì lạ về Định mệnh. Đúng, thi thoảng cách kể truyện phim phi tuyến tính này có hoạt động, đặc biệt ở tập 1, 3 và 4, nhưng cũng lắm khi tôi cảm thấy mùa này bỏ rơi câu chuyện của Ciri ở phía sau. Và tệ nhất, cách kể truyền đã làm mất đi sự bất ngờ ở câu chuyện của Geralt. Khi Geralt gặp Ciri, tôi cảm thấy không thỏa mãn, vì những điều tôi đã chú ý tới ở trên.

Tôi có thất vọng, và tôi cũng có hi vọng, The Witcher Netflix không hoàn hảo, nhưng nó là một show enjoy được. Tôi cũng có quen vài người từ khi xong show, họ sẵn sàng lao vào cày hết đống sách cũng khi khám phá game The Witcher của CD Projekt RED. Nó khiến tôi nghĩ rằng show đã hoàn thành với việc chuyển thể tốt cỡ nào, và tôi nghĩ rằng, nó khá tốt trong việc nắm giữ linh hồn của The Witcher. Đương nhiên tôi vẫn mong muốn Netflix làm tiếp season 2, nhưng tôi cũng mong show cần làm tốt hơn nữa trong một số vấn đề, đặc biệt là kịch bản. Vì nếu thực sự thành công lâu dài, The Witcher chắc chắn sẽ là một trong những câu chuyện fatansy độc đáo nhất mà khán giả toàn thế giới xứng đáng được trải nghiệm.

Và cảm ơn Hùng Lý về mấy bài tổng hợp 2 cuốn The Last Wish & Sword of Destiny trên Spiderum và gabriel931000 đã dịch 7 cuốn truyện thuộc The Witcher Saga để đọc dễ dàng hơn. Và một bài viết đào sâu hơn về The Witcher và Kì vọng về một thời trung cổ.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện