Những bản nhạc game yêu thích nhất của Xám

Khách quen

  

Dựa trên ý tưởng của Hải Stark nay xin mạn phép chia sẻ một số bản nhạc game mà mình yêu thích nhất từ trước đến giờ.

Yuri’s Revenge Music – Drok

Thích bản này hơn bản Red Alert 2 nguyên thủy, có lẽ vì phần nó nhạc sung hơn mà nhất là lúc này mới vừa coi xong bộ Power Ranger Mega Morphin nữa. Còn nếu nói về cảm hứng để chơi game này chắc có lẽ là sự kiện George W.Bush tiến đánh Iraq. Kiểu như thấy Iraq bị thua thiệt quá nên luôn cầm Yuri cùng phe với Iraq đánh với đám Đồng Minh 😀

Eyes On Me

Ca khúc gắn liền với tên tuổi Final Fantasy VIII. Cái lần đầu tiên được nghe bản này là hồi lớp 8 mà cách để thưởng thức nó cũng không phải như bình thường. Mình phải bỏ đĩa game vào chiếc máy cassette của Sony để chạy track nhạc. Bởi vì phiên bản mình chơi nó bị lỗi phần nhạc đó ngay khúc kết thúc game :(. Trong suốt thời gian lắng nghe ca khúc của Vương Phi mình nghĩ đoạn hợp nhất của bản này nên gắn vào lúc Laguna gặp gỡ Jullia.

TenthLevelTaurenChieftain

Ok! Mình chơi warcraft cũng lâu trước khi nghe bản này đầu tiên. Bản này mình biết đến trong khoảnh khắc hai vị thánh tướng (summoning) xuất hiện trong DDAY. Sự kiện này giúp kiếm được kha khá tiền và gỗ để giúp kết thúc game sớm nếu như người chơi đã có đủ nhẫn và sách. Nghe lần đầu ở DDAY thế thôi nhưng hồi đó youtube đâu có thịnh nên không thể nào biết chính xác bài nhạc đó luôn. Thật may mắn là có một hôm mình xin mua quyển sách dạy chơi game ở nhà sách, nó bán kèm cả CD tổng hợp Artmoney lẫn cheat Database nữa (nghe là thích rồi). Hồi đó, Mình do là còn bé quá, chơi mấy map DDAY thì còn được chứ vừa cầm hero vừa chỉnh lính thì cảm giác cực hình vãi ra. Bởi vậy mới dùng cheat, mà hên xui sao dò ra cheat TenthLevelTaurenChieftain nó bật bài nhạc này lên mới hài chứ xD.

Main Theme MGS 2 – Son of Liberty remix by Harry Gregson Williams

Chưa từng chơi qua bất kỳ phiên bản nào của MGS, tuy nhiên việc bản nhạc xuất hiện trong clip highlight sử dụng Tinker của Master Singsing đã khiến mình rất thú vị với nó. Nhạc nổi lên ở trường đoạn Singsing tele vào chim của Beastmaster giêt từng người một tại hồ máu, rừng và lane chỉ trong vòng mấy giây. Mình cũng tốn kha khá thời gian để tìm lại chính xác bản remix này, bởi vì chỉ có bản này mới lột tả được độ hoành tráng (mình đoán vậy dù chưa từng chơi) của một bộ phim dài tập như Metal Gear Solid.

 Kiếm hiệp tình

Haha. Cái này không biết có thực sự thích không nhưng đảm bảo không thể nào quên được. Cảm giác vừa ăn vừa nghe, vừa học vừa nghe, vừa đạp xe vừa nghe, vừa chơi vừa nghe (dĩ nhiên) … nghe văng vẳng bên tai dù không biết có đăng nhập được không :)). Võ lâm truyền kỳ I là một kỷ niệm rất đẹp với mình bất chấp nó có hút máu như nào nhưng cái hồn Võ Lâm mà nó đem lại cho người chơi là không thể phủ nhận.

Thiên long bát bộ soundtrack

http://mp3.chiasenhac.vn/mp3/chinese/c-pop/tlbb~various-artist~tsvbvzzsqq2114.html

Phải thừa nhận là nghe nhạc Trung Quốc rất phiêu. Phiên bản Thiên Long Bát Bộ Offline của HK này mình chưa hoàn thành được 100% nhưng nhờ vào bộ skill ấn tượng và các bản nhạc chất lừ thì thi thoảng mình cũng tải về để thưởng thức lại. Mình không tìm được nguồn mấy track này trên youtube nên chưa có share được. Có gì sẽ cập nhật bài viết sau.

RTK 11 soundtrack

Thêm đại diện nhạc Tàu nữa thuộc dòng game chiến thuật nổi tiếng Romance of The Three Kingdoms. Nhạc của game này có hơi ngắn một chút, nó chỉ thực sự hay khi tất cả các track liên hoàn nối tiếp nhau qua từng giai đoạn lịch sử. Nếu đã từng chơi RTK đúng nghĩa thì không nên mute âm thanh. Bật nó lên và cảm nhận từng lúc vinh quang, lúc dân gặp khó khăn khi bị giặc khăn vàng đánh chiếm hoặc chỉ đơn giản là mùa lúa năm đó gặt hái nhiều hơn bình thường. Tất cả đều đậm chất sử thi.

Wind Scene remix by Black Robinson

Mình thực sự là một fan nặng của Chrono series. Chưa bao giờ có thể loại bỏ các track nhạc của đám này ra khỏi list trong điện thoại hay máy PC cả. Có lẽ từng bản nhạc đều được thổi hồn rất nhiều. Bản Wind Scene cũng không phải ngoại lệ gì, có điều mình thì lại thích bản remix hơn là phiên bản gốc. Cá nhân mình nghĩ Wind Scene nên hòa âm phối khí nhẹ nhàng một chút như vậy sẽ hay hơn.

People Imprisoned By Destiny a.k.a Prisoners of Fate

Cái tên nhìn là thấy nặng nề bi thương rồi. Đây là bản nhạc đặc biệt chỉ xuất hiện trong Chrono Cross có 3 lần thôi nhưng mỗi lần xuất hiện đều dưới một khung cảnh tuyệt vời hoặc trong một tình huống khó xử. Phải nói rằng Yatsunori Mitsuda quá đỉnh khi lồng ghép từng bản nhạc vào trong Chrono Cross, góp phần biến nó thành một trong những game xuất sắc nhất mọi thời đại.
“Chúng ta hiểu rằng định mệnh chọn chúng ta, dù có quyết định hay có bản lĩnh đến đâu thì cũng phụ thuộc vào số mệnh. Đừng nghĩ rằng có thể thay đổi số mệnh. Cũng giống như tôi và cha cậu vậy, Serge à” – Miguel

The Girl Who Stole The Stars


Bản nhạc này trái ngược hoàn toàn với bên trên, nó mang niềm tin, niềm hi vọng mãnh liệt thoát khỏi cái gọi là “số phận”. Một cô gái mang nhiều ước mơ, thơ ngây và luôn hành hiệp trừ gian diệt bạo. Cô ấy sẽ ổn thôi đúng không? Không lý nào số phận lại đẩy cô ấy phải tiêu diệt thế giới này được. Cô ấy sẽ biết mình phải làm gì.

Live-a-live

Trùng tên với tựa game Live a live, nói thật bản nhạc này không có gì hay nếu bạn chưa từng biết đến Live a live. Mình rất thích giai đoạn làm game lúc này của Square,enix kiểu như họ thử nghiệm rất nhiều thứ mới lạ trong cách chơi và cả nội dung cốt truyện nữa. Live a live là một kiểu xuyên không nhưng không đặt nặng gameplay mà chỉ xoay quanh nội dung hướng đến người chơi. Mỗi người đều có ước mơ và mục đích. Hãy sống là chính mình, live a live! Game khá ngắn nên các hiệp sĩ rãnh rỗi có thể thử trong vòng mấy tiếng. Mình đoán chắc cũng cỡ Too the Moon chứ không hơn.

Never endings dream

Ca khúc chủ đề của Mộc Đế. Bản này đúng nghĩ thấm đẫm nước mắt, cảm giác nghe xong muốn khóc chắc tại ca sĩ hát hay quá. Thậm chí nhạc còn thành công hơn cả game nữa! Mà cũng có sai gì đâu, game cũng tên Tearing Saga còn gì :)). Mình thích phiên bản tiếng Anh này hơn Nhật chắc có lẽ là cách nhấn nhá của nữ ca sĩ. Các bạn cũng thấy đó, không khí của bản nhạc tạo ra phù hợp rất nhiều game ở đây đơn cử là Legend of Dragoons, nơi cũng có một câu chuyện tình buồn

 Risen 1 opening theme

Track này khá ngắn, đúng là có nhiều track khác dài hơn xíu nhưng mình lại thích track này. Phần lớn do cảm tính thích nhạc chủ đề với lại bản này giúp mình nhớ về không khí của Gothic ngày xưa. Mình từng có một tuổi trẻ bàn luận sôi nổi với đứa bạn cùng bàn cách để vượt qua thử thách trong game. Nó làm mình nhớ về những đêm không ngủ với đám Warg, lúc đối đầu với bọn Dragon Snapper nhạy bén cực cao. Ở Risen 1, mình tìm thấy nhiều thứ thú vị hơn mặc dầu tụi Dragon Snapper cũng còn đó chỉ là với hình dạng khác thôi.


Tyrian Sountrack

Một trong những game bắn máy bay yêu thích của mình. Hầu hết đều là những bản nhạc điện tử bình thường, nó kéo dài và lặp đi lặp lại nhiều lần. Cũng giống như Live a Live khi mà thực sự chơi Tyrian thì mới cần nghe nhạc. Bởi vì độ dày đặc của làn đạn sẽ khiến bạn sớm bị stress mà nếu không có nhạc nonstop kiểu này thì hẳn là khó mà bình tĩnh tập trung nổi.

It’s Only Us

FIFA 2000 đầu tư quả intro chất lừ nhất từ trước đến giờ (theo ý kiến chủ quan). Các hình nhân đại diện cho thiên niên kỷ trước sang phiên bản này được tô điểm thêm sức sống, hứa hẹn sẽ có nhiều pha sút bóng thực hơn, cháy lưới thủ môn đội bạn. Nhất là bản It’s Only Us quá phê kéo dài hết đoạn intro. Mình cứ nghĩ rằng giai đoạn thăng hoa nhất của cuộc đời chơi game FIFA kéo dài từ 2000 đến 2006 là chấm dứt. Có phải do mình hoài cổ hay do không còn bản nhạc nào đủ cuốn hút mình?

Dota 2 opening music – engine 1

“Dota 2 chưa dở hơn dota 1”. Cái suy nghĩ này giết chết mình trong vòng nhiều năm dù cho đã từng tham gia cỡ 500 game ở Dota 2 vào thời điểm đó. Tuy nhiên chính phần âm nhạc quá đỗi hoành tráng của Dota 2 khiến mình từ ghét thành yêu không biết tự bao giờ. Rõ ràng, DotA có sức hút bởi vì nhiều yếu tố thuộc về Warcraft, Dota 2 lại không phải hãng Blizzard làm ra nhưng họ luôn nỗ lực để vượt qua khỏi người tiền nhiệm của mình. Đầu tư mạnh vào các bản giao hưởng là một trong đòn phủ đầu hay nhất mà Valve đã/đang thực hiện rất tốt. Bất kể ở engine 1 hay 2 thì nhạc của Dota 2 luôn đảm bảo độ Epic vốn có.

Halo Theme song Original

Nó cũng epic không kém Dota 2, nhưng lại có pha lẫn chút gì đó ma mị, rồi một chút gì đó phiêu lưu như thời hải tặc, Sinbad các kiểu. Thật tuyệt! Master Chief cũng có khác là bao Sinbad đâu : )). Cũng kiểu thuyền trưởng phiêu lưu khác chắc khác chỗ sử dụng vũ khí tối tân, chạy tàu không chạm nước thôi.

Neighbours From Hell – Tittle

:)). Nghe là biết phải chạy gấp rồi. Chạy để mà kiếm đồ đi phá làng phá xóm cho kịp chứ mà bị bắt cái là toi. Game này mình đánh giá chỉ hay nhất ở phần 1, phần 2 nó bị thiếu chất một tí. Cũng có thể là do map phần 2 rộng hơn nên không nhìn ấm cúng như phần 1.

Breath of fire 4 opening theme

Breath of fire 4 là nơi bắt đầu của mình. Chính xác là nó khiến mình bắt đầu đi tìm hiểu xem những phiên bản cũ của một tựa game đã từng có những tinh túy như thế nào. Mình nhớ giai đoạn vừa lên cấp 3 chỉ được sử dụng ké máy tính của người cô bên nội. Chơi game rất khó khăn, tầm 1 tiếng cho mỗi ngày, còn lại phải lén lút ra net chơi hoặc lén chơi mà không được phép. Khi đó thì máy cũng chỉ chơi được FF7 và BOF4 này. Đặc biệt cả hai đều tạo cho mình cảm giác muốn quay trở về trải nghiệm những phiên bản đầu tiên của chúng, cách mà chúng thay đổi sau từng phiên bản một. Lần lượt mình thử đến FFI II III,… rồi đến BOF1 2 3 trên Snes và mình tin rằng Capcom đã có một thời kỳ tuyệt vời với thương hiệu nhập vai này. 🙂

David Wise -Hot Head Pop

Mình xin kêt thúc danh sách này bằng một bản nhạc của Donkey Kong Country 2. Thường khi muốn tập trung nhiều một tí thì mình hay chọn bản này nghe, nó không quá hay cũng không quá du dương. Donkey Kong cũng là thương hiệu nổi tiếng của Nintendo mặc dù nó không được chuộng bằng Mario.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly