Fire Emblem (FE) hay như cách mấy lão anh họ tui gọi dân dã từ mấy phiên bản thời máy NES là Mộc Đế là một trò chơi kết hợp giữa thể loại chiến thuật và nhập vai (TRPG) được phát triển bởi Intelligent Systems và phát hành bởi Nintendo. Các phiên bản trong serie thường lấy bối cảnh Châu Âu trung cổ với nét vẽ đậm chất manga Nhật Bản, người chơi sẽ dành phần lớn thời gian để đồng hành cùng một vị hoàng tử, công chúa nào đấy trong hành trình giải cứu cho vương quốc và ngăn chặn một tên xấu xa nào đấy hủy diệt thế giới và trong suốt quá trình chơi đội quân của chúng ta ngày càng thêm đông đảo và đa dạng với đủ loại nhân vật, vũ khí và phép thuật khác nhau. Phiên bản đầu tiên mà tui có cơ hội chơi và cũng là phiên bản đã khiến tui trở thành fan chính là Fire Emblem hay chính xác hơn là Fire Emblem 7: The Blazing Blade.
Tại sao đã gọi là Fire Emblem rồi mà còn chính xác hơn là Fire Emblem 7 ? Chuyện là cũng như phần lớn các tựa game đến từ xứ sở Mặt Trời mọc, những phiên bản đầu tiên của dòng FE chỉ là hàng độc quyền cho thị trường nội địa, đến mãi tận phiên bản thứ 7 thì các anh ấy mới chịu mang ra ngoài cho phần còn lại của thế giới thưởng thức hay còn gọi là “Tây tiến” ý. Chung quy cũng là vì Nintendo đã nhận ra 2 nhân vật Roy và Marth ( vốn là nhân vật chính trong FE6 và FE1 ) xuất hiện trong Super Smash Bros. Melee làm dân tình thế giới rất tò mò và thứ hai là một tựa game TRPG khác cũng được phát triển bởi IS đã đạt được những thành công nhất định ở phương Tây là Advance Wars, thiên thời địa lợi nhân hòa là thế, Fire Emblem 7 đặt chân sang phương Tây với tên gọi Fire Emblem dưới danh nghĩa là tựa FE đầu tiên ở đất này và phải nói rằng đó là một trong những quyết định đã khiến tui yêu Nintendo biết bao nhiêu!
Ngày hôm đó sau khi đã quá chán chê với Pokemon và Mario, tui bắt đầu tìm cho mình một tựa game mới và tình cờ bắt gặp cái tên Fire Emblem với hình ảnh 3 nhân vật mà sau này tui sẽ gắn bó rất lâu, Lyn, Eliwood và Hector. Sau khi nhờ ông anh xử lý mảng kỹ thuật xong, tui bắt đầu bước vào cuộc hành trình! Bản nhạc nền khá bắt tai vang lên, New Game, chọn Slot Save, đặt tên nhân vật,… toàn là những hành động quen thuộc. Và nhân vật của tui được một cô gái đánh thức dậy trong một ngôi nhà giữa thảo nguyên xanh cỏ. Trò chuyện đôi ba câu thì có vẻ tui là một tên ất ơ nào đấy lạc vào giữa chốn này và được cô gái đó cứu, Lyn của bộ lạc Lorca. Sau một hồi xã giao thì có vài tên thảo khấu xuất hiện bên ngoài và Lyn nói rằng cô sẽ xử lý chúng, nhân vật của tui không hiểu thế nào lại chạy ra theo và bảo rằng muốn hỗ trợ và đó là lúc trò chơi bắt đầu.
Nhân vật của tui chỉ là một kẻ không rõ lai lịch nhưng sau một hồi thì hóa ra cũng là một nhà chiến lược đầy kinh nghiệm và sẽ là người dẫn dắt Lyn đến chiến thắng bằng cách ra lệnh cho cô phải làm gì. Trí óc non nớt của tui mau chóng hình dung ra các mechanic của trò chơi, tóm gọn lại thì trên một bản đồ chia theo ô như bàn cờ vua, với mỗi ô đại diện cho một loại địa hình khác nhau và mỗi nhân vật chiếm giữ một ô trên bản đồ. Và người chơi sẽ phải di chuyển những “quân cờ” để ăn nhau và đi đến thắng lợi cuối cùng. Một thiết kế đơn giản nhưng chiều sâu nó mang lại là vô cùng lớn, luật chơi vô cùng đơn giản phù hợp cho mọi lứa tuổi nhưng những chiến thuật có thể tạo ra được là rất phong phú, hay gọi chuyên môn hơn là một giao kèo rất thành công giữa “độ phức tạp” và “chiều sâu” trong game. Nhưng điều khiến FE vượt trội hơn chỉ là một bàn cờ bình thường chính là những yếu tố RPG trong nó, các loại “quân cờ” là cực kì đa dạng, trong hành trình tiến về thành Caelin để tìm lại nguồn cội của Lyn, FE đã giới thiệu cho chúng ta kỵ binh (Cavalier), cung thủ (Archer), kỵ binh pegasus (Pegasus Knight), pháp sư (Mage), giáo sĩ (Cleric), cung kỵ binh (Nomad), một tên trộm (Thief) và cả một vị tướng quân (General) giáp trụ đầy mình chỉ vỏn vẹn trong 10 màn chơi đầu tiên nhưng nếu chỉ vậy thì FE đã không trở thành cả một anh hùng ca Mộc Đế Chiến Ký rồi.
Không bao giờ có 2 quả trứng giống hệt nhau, và trong FE cũng vậy, ở cùng một phiên bản không bao giờ có hai chàng kỵ binh hệt như nhau. Nói như vậy chính là vì game cũng áp dụng hệ thống stat cho mỗi nhân vật và tỉ lệ tăng trưởng stat của họ là hoàn toàn khác nhau, nhưng điểm thú vị chính là stat của họ sẽ tăng dựa trên tính cách và hoàn cảnh của họ, ví dụ như Kent là một kỵ binh điềm tĩnh và biết suy nghĩ nên chỉ sổ của anh tập trung vào skill ( tỉ lệ đánh trúng ) hơn so với Saint, một anh chàng thích thể hiện và cứng đầu luôn có được những điểm streng ( sát thương ) hơn hẳn so với người đồng đội Kent, hay như Nino là cô con bé được cho là thần đồng pháp thuật vậy nên dù xuất hiện rất trễ trong game nhưng nếu bạn bỏ thì giờ để lên cấp thì Nino rất có thể sẽ là đại pháp sư (Sage) mạnh nhất trong đội hình của bạn.
Hấp dẫn hơn là sau khi vượt qua một ngưỡng lv nhất định, những nhân vật của bạn còn có thể được nâng cấp trở thành một class cao cấp hơn, nhận được một khoảng stat cộng thêm và reset lv lại từ đầu, nôm na là trùng sinh ý mà, cái cảm giác sử dụng Fell Contract (món item rất khó lấy được) để biến kẻ trộm thành sát thủ (Assassin) cả đời này chắc không thể nào tui quên được, trang bị cho gã sát thủ đó một cây Killing Edge là bạn sẽ hiểu ý tui ngay. Tính năng này cũng đã trở thành một trong những đặc điểm then chốt nhất của dòng FE, một phần thưởng rất giá trị và xứng đáng giúp người chơi quên đi mọi khó khăn cực nhọc, save/load hàng chục lần trong arena để đưa “tốt” trở thành “hậu”. Hơn cả một ván cờ chiến thuật bình thường, mỗi quân cờ đều có một câu chuyện, cá tính riêng, chọn ra những nhân vật yêu thích và biến họ trở thành những chiến binh thiện chiến chính là cốt lõi của niềm vui mà FE mang lại cho người chơi.
Bên cạnh những yếu tố RPG đầy thú vị kia thì FE về cơ bản vẫn là một trò chơi chiến thuật, nhưng như tui đã nói, làm sao để game không quá phức tạp nhưng vẫn sở hữu chiều sâu chiến thuật đa dạng là rất thử thách, nhất là khi đối tượng người chơi được hướng đến là trẻ con. Nhưng IS đã làm rất tốt, bàn cờ của họ được tạo nên từ nhiều loại địa hình đa dạng, mỗi địa hình cung cấp một chỉ số phòng thủ khác nhau ảnh hưởng tới những pha giao chiến và có một số địa hình đặc trưng phải dùng một số đơn vị quân đặc trưng mới vượt qua được. Giao chiến giữa 2 đơn vị trong game được quyết định bởi một hệ thống chỉ số rất đơn giản nhưng thú vị, phù hợp với mọi lứa tuổi, các chỉ số cơ bản như HP, Def, Str, Mag, Skil, Spd quyết định phần lớn và một tí Luck thêm phần hấp dẫn. Nhưng điểm then chốt sẽ được quyết định bởi hệ thống vũ khí đa dạng và đồ sộ của game, các loại vũ khí trong game “ăn” và “thua” nhau dựa trên một tam giác oẳn tù tì và phép thuật cũng tương tự. Bên cạnh vũ khí thì hệ thống item bùa phép cũng rất đa dạng đủ các thể loại từ tăng chỉ số, sửa vũ khí, teleport một đơn vị, khống chế, mở cửa,… để ngời chơi bỏ công sưu tầm. Rất đơn giản nhưng thừa sức để giữ chân người chơi hàng chục giờ liền, chính là Fire Emblem!
Cuối cùng, tính năng đặc trưng nhất, thú vị nhất của Fire Emblem chính là hệ thống Support hay xa hơn nữa là Relationship, gần như mọi nhân vật khác giới trong game đều có thể yêu nhau, chỉ cần cho họ sát cánh cạnh nhau trên chiến trường đủ lâu là bạn đã thành công trong việc tác hợp cho đôi trẻ, quá trình này được ghi nhận qua một thang điểm từ C cho đến S là cao nhất. Một cặp đôi với liên kết support sẽ được tăng một số chỉ số nhất định trong chiến đấu nếu ở gần nhau bất kể giới tính, nếu khác giới họ có thể sẽ yêu nhau và kết hôn với nhau vào cuối game, vậy là tùy thuộc vào bạn cái kết của các nhân vật cũng sẽ được thay đổi! Nhưng từ phiên bản Fire Emblem: Genealogy of the Holy War hay FE4, ở một số phiên bản sau này các nhân vật còn có thể sinh con đẻ cái và nhân vật con cái của họ sẽ được thừa hưởng những đặc trưng di truyền như khả năng tăng chỉ số, skill, class,… Tính năng này hẳn là rất thỏa mãn những người thích “chèo thuyền” như tui rồi, nhưng hay ho nhất phải nói đến các phần sau này khi người chơi được thể hiện là một đơn vị có thể chiến đấu trong game và tự do yêu đương các nhân vật khác, không còn phải tưởng tượng nữa nhé!
Còn cốt truyện của Fire Emblem ? Đơn giản là một toán anh hùng theo chân một vị hoàng tử hay ít nhất cũng mang dòng máu hoàng gia trên con đường đòi lại vương quốc từ tay kẻ xấu hay đôi khi xa hơn nữa là bảo vệ sự tồn vong của thế giới! Nghe vô vị, đơn giản là thế nhưng bản thân tui lại nghĩ sự vô vị ấy lại là một trong những cái hay của FE, nó dễ dàng giúp những nhà viết kịch bản có thể thỏa sức phát triển thế giới của mình với những nút thắt khác nhau, mục tiêu của cuộc hành trình tuy đơn giản nhưng con đường lại đầy chông gai thử thách bất ngờ, thay vì dùng một cốt truyện phức tạp với đầy nội dung phức tạp rất hấp dẫn ban đầu nhưng có thể nhanh chóng đi vào lối mòn, bí ý tưởng để theo đuổi sự phức tạp đó. Quá trình vượt qua những thử thách khó khăn, gặp những người bạn mới, chứng kiến những câu chuyện mới ở những vùng đất mới và nhân vật chính theo đó mà trưởng thành để cuối cùng đối mặt với kẻ thù cuối cùng, đấy chính là tính sử thi của Fire Emblem. Mọi nhân vật của FE đều có một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng để người chơi gắn bó, phải nói thêm rằng game tồn tại cơ chế permanent death nơi mỗi nhân vật chết thì sẽ là chết vĩnh viễn trong phần còn lại của game, càng khiến người chơi thêm gắn bó và thực sự cẩn thận khi điều khiển nhân vật yêu thích của mình. Tất cả những điều đó tạo nên một Fire Emblem không hề đơn giản vô vị tí nào, ngược lại là vô cùng lôi cuốn và hấp dẫn, trường tồn mãi với thời gian!
Tóm lại, Fire Emblem, một dòng game thuộc top game của tui, chưa bao giờ khiến tui phải thất vọng, hoàn hảo để giải trí, hoàn hảo để cày cuốc nếu muốn tỏ ra hardcore. Tui đã nghe rất nhiều người nói về việc không thích rpg-turn based vì nó chán và cày cuốc mệt mỏi, nhưng tin tui đi, FE không hề như vậy, FE là một trải nghiệm thú vị và lôi cuốn hơn rất nhiều đại đa số turn-based RPG ( theo quan điểm của người ghét turn-based RPG ), vì tính chiến thuật và đa dạng của các màn chơi và hơn hết là vì hệ thống nhân vật và khả năng tương tác rất phong phú mà không cần phải cày cuốc quá nhiều. Hy vọng sau bài viết này, ai chưa trải nghiệm qua dòng game lâu đời này có thể bỏ ra một chút thời gian để xem qua! Cám ơn những ai đã đọc đến tận đây!
Bài viết rất hay! Nâng ly chúc mừng nào!
“game tồn tại cơ chế permanent death nơi mỗi nhân vật chết thì sẽ là chết vĩnh viễn trong phần còn lại của game, càng khiến người chơi thêm gắn bó và thực sự cẩn thận khi điều khiển nhân vật yêu thích của mình” – tui cũng khoái cơ chế này của FE, mỗi lần sơ xẩy chết nhân-vật-mình-dồn-công-sức-vào thật là đau đớn :'(