Trong hai phần trước của series này mình đã kể về hành trình hai thập kỉ gắn bó của mình với Yu-Gi-Oh!. Từ bài viết hôm nay mình sẽ giới thiệu những thứ liên quan đến tựa game này. Đầu tiên sẽ nói về những luật chơi cơ bản nhất của game.
Các thể loại Card trong Yu-Gi-Oh!
Yu-Gi-Oh! là một Trading Card Game, đây là điều mà rất nhiều bạn đều biết. Vậy trong Yu-Gi-Oh! bao gồm những loại Card nào? Câu trả lời là Yu-Gi-Oh! được tạo thành từ ba loại Card chính. Đó là Monster Card, Spell Card và Trap Card.
Monster (còn được gọi là quái vật): Những Card này có sức tấn công (ATK) và phòng thủ (DEF). Đây sẽ là những nhân vật chính của trò chơi, chúng giúp bạn tấn công đối phương và qua đó giành chiến thắng. Trong thế hệ đầu tiên của Yu-Gi-Oh! thì Monster có hai loại chính là Normal Monster (quái vật không có năng lực đặc biệt) với khung nền màu vàng và Effect Monster (quái vật có năng lực đặc biệt) với khung nền màu cam. Dần dần theo sự phát triển của game, rất nhiều loại Monster khác nhau được sinh ra với những màu Card khác. Cái này mình sẽ nói trong phần sau của series này.
Spell (hay còn được gọi là phép thuật): Đây là những Card hỗ trợ trong chiến đấu. Nếu bạn nào có chơi các tựa game nhập vai thì có thể hình dung đây là những kĩ năng phép thuật, giúp bạn tăng cường sức mạnh cho quân mình và gây khó khăn cho đối phương. Spell có thể được sử dụng trực tiếp từ trên tay ngay trong lượt của bạn. Spell trong Yu-Gi-Oh! được chia ra rất nhiều loại khác nhau như Normal Spell, Continuous Spell, Quick Spell,… Dù vậy, khác với Monster, tất cả các loại Spell đều có khung nền màu xanh lá.
Trap (hay còn được gọi là cạm bẫy, đừng nhầm với “cú có gai” nha các bạn): đúng như tên gọi, những Trap Card chính là cái bẫy để đối phương bước vào. Đặc điểm của Trap Card trong Yu-Gi-Oh! là bạn phải úp nó xuống sân trong lượt của mình và chỉ được sử dụng nó từ lượt tiếp theo trở đi. Trap Card thường có những Effect chính là tiêu diệt các Card của đối phương, tăng sức mạnh hoặc hỗ trợ cho Card của mình. Trong số nhiều loại Card Game mình đã chơi qua thì Trap Card trong Yu-Gi-Oh! là thứ khiến nó khác biệt với những game khác. Khi thấy đối phương có một Card đang úp trên sân thì bạn phải suy tính rất nhiều để đề phòng rơi vào cạm bẫy. Chẳng hạn như một Trap Card rất nổi tiếng ở trong truyện là Mirror Force sẽ khiến bạn phải đau đầu xem có nên tấn công hay không, nhỡ lao lên trúng Mirror Force là đi nguyên cả hàng tiền đạo. Trap Card trong Yu-Gi-Oh! phân ra làm ba loại chính là Normal Trap, Continuous Trap và Counter Trap, tất cả chúng đều có khung nền màu đỏ.
Những thành phần trong một Deck (bộ bài)
Yu-Gi-Oh! nói riêng và Trading Card Game nói chung đều có thể thức thi đấu đối kháng giữa hai người với nhau. Mỗi người sẽ sử dụng một Deck (bộ bài) riêng của mình. Do đó, việc thắng thua trong trận đấu được quyết định rất lớn nhờ vào cách xây dựng Deck của từng người. Sau đây mình sẽ giới thiệu với các bạn những thành phần chính trong một Deck của Yu-Gi-Oh!.
Đầu tiên là Main Deck. Đây là Deck chính của bạn khi thi đấu. Mọi Card bạn rút lên tay để chơi đều từ Main Deck. Main Deck có số Card từ 40-60 lá. Các bạn được phép bỏ cả ba loại Card chính trong Yu-Gi-Oh! là Monster (trừ những Monster phải bỏ vào Extra Deck), Spell và Trap vào Main Deck. Trong những thời kì đầu thì Main Deck của Yu-Gi-Oh! thường có tỉ lệ 20-12-8 hoặc tương tự như vậy. Đây là số lượng Monster – Spell – Trap trong Main Deck. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của game, hiện tại đã không còn tỉ lệ chung cho các loại Card trong Main Deck nữa. Bạn có thể đánh Deck với bất kì tỉ lệ nào miễn sao nó phù hợp với chiến thuật của mình chơi.
Tiếp theo là Extra Deck. Trong thời kì của Duel Monster và GX thì đây được gọi là Fusion Deck vì nó dùng để chứa Fusion Monster (những quái vật được dung hợp). Fusion Deck không có giới hạn số lượng. Kể từ thời 5D cho tới nay thì nó được đổi tên là Extra Deck và giới hạn tối đa 15 Card. Extra Deck là nơi để chứa một số loại Monster không được đặt trong Main Deck. Ví dụ: Fusion, Synchro, Xyz, Link,… (mình sẽ giới thiệu kĩ hơn về các loại Monster này ở bài viết sau). Hiện nay thì Extra Deck là một nguồn sức mạnh rất lớn của mỗi Deck. Các bạn có thể gọi ra những Monster siêu khủng từ Extra Deck ngay từ đầu trận đấu mà không cần phải chờ rút nó lên tay như Main Deck.
Cuối cùng đó là Side Deck. Có thể hiểu đây giống như là băng ghế dự bị ở các trận bóng đá. Một trận đấu chính thức của Yu-Gi-Oh! được gọi là một Match và bao gồm ba ván đấu. Mỗi ván đấu được gọi là một Duel. Người nào giành chiến thắng hai trong ba Duel sẽ thắng Match. Side Deck có tối đa 15 Card. Mỗi khi kết thúc một Duel, người chơi được phép đưa những Card trong Side Deck vào để thay thế những Card trong Main Deck hoặc Extra Deck giống như là thay người trong bóng đá ấy. Mục đích của việc này để giúp bạn khai thác điểm yếu đối phương và hạn chế điểm yếu của Deck mình.
Trên đây là ba thành phần chính mà bạn cần phải chuẩn bị trước khi thi đấu. Tổng cộng là khoảng từ 70 – 90 Card.
Điều kiện chiến thắng
Yu-Gi-Oh! là một tựa game mang tính đối kháng cao, do đó việc giành chiến thắng trong game luôn là ưu tiên hàng đầu. Để đạt được điều này, bạn cần thỏa mãn một trong những điều kiện sau.
Bắt đầu trận đấu, mỗi người chơi sẽ có 8000 LP (Life Point a.k.a điểm gốc). Bạn có thể dùng Monster để tấn công trừ điểm đối phương, hoặc dùng các loại Spell, Trap để trừ điểm. Khi LP đối phương về 0, bạn sẽ là người chiến thắng.
Đối phương buộc phải rút Card từ Deck nhưng trong Deck không còn Card để rút thì sẽ thua cuộc.
Trong một số trường hợp, khi bạn tạo ra lợi thế quá lớn và đối phương nhắm không thể lật kèo được, đối phương có thể chủ động bỏ cuộc.
Một số Effect của Card có thể giúp người chơi chiến thắng một Duel, ví dụ: Final Countdown, Exodia the Forbidden One (a.k.a Thần Sức Mạnh trong bản dịch của Vua Trò Chơi).
Tuy có nhiều điều kiện để chiến thắng như trên nhưng theo kinh nghiệm của mình thì 95% các trận đấu đều được giải quyết thông qua việc trừ hết LP của đối phương. Vì vậy nên các Deck trong game hiện nay cũng đều hướng đến việc tấn công để bào máu.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Bạn nào có xem qua anime hay manga Yu-Gi-Oh! thì chắc sẽ thấy các nhân vật hay cầm theo một chiếc Duel Disk để thi đấu. Tuy nhiên trong thực tế thì chẳng ai dùng nó để thi đấu cả, mà những người chơi Yu-Gi-Oh! ngoài đời sẽ cần những món đồ chơi khác để hỗ trợ.
Đồng xu được dùng để phân định người đi trước hay đi sau trong mỗi trận đấu. Ngoài ra một số Effect của Card sẽ có yêu cầu tung đồng xu, ví dụ như Time Wizard hay là dòng Arcana Force.
Xí ngầu có thể xem là một thứ phụ kiện rất hay xuất hiện tại các trận đấu Yu-Gi-Oh!. Hiện tại thì tung xí ngầu là phương pháp phổ biến nhất để xác định người đi trước trong mỗi trận đấu. Xí ngầu còn dùng để đếm các loại Counter trong trận đấu hoặc là dùng cho các Effect yêu cầu tung xí ngầu như Sniper Hunter hay là Dice Jar.
Khi thi đấu, để tránh Card bị bẩn hoặc trầy xước, người chơi sẽ cho Card vào một túi bằng nhựa được gọi là Card Sleeve. Đây là một món phụ kiện vừa dùng để bảo vệ cho các quân bài quý giá của bạn lại vừa giúp tăng tính thẩm mĩ cho Deck. Sleeve cho Yu-Gi-Oh! nói riêng và TCG nói chung thì có vô số loại. Nhưng thường chia ra hai dạng chính là loại mặt sau chỉ có một màu (như các loại Sleeve của Ultra Pro) và loại có nhiều hình ảnh (các Sleeve theo nhân vật trong Yu-Gi-Oh! hoặc là các loại Sleeve Anime). Một người chơi thường sở hữu nhiều Sleeve hơn cả Deck của mình. Đặc biệt còn có cả những người sưu tầm các bộ Sleeve độc chỉ để ngắm chứ không dùng.
Playmat có thể xem là vật bất li thân của bất kì Duelist nào hiện nay. Đây là một tấm cao su bọc vải (các bạn có thể hình dung là gần giống như miếng lót chuột). Tác dụng của Playmat là lót lên trên mặt bàn để khi đặt Card lên sẽ không bị ướt hoặc là trầy xước. Ngoài ra thì Playmat còn thể hiện cá tính của Duelist với những hình ảnh khác nhau. Đi chung với Playmat thì sẽ có một ống đựng bằng nhựa.
Máy tính hoặc Smartphone cũng là một công cụ cần thiết giúp bạn ghi lại LP của cả hai bên trong quá trình thi đấu, tránh nhầm lẫn.
Trên đây là sơ sơ về những thứ bạn cần chuẩn bị để bước vào một trận đấu trong Yu-Gi-Oh!. Ở các kì sau mình sẽ giới thiệu thêm các bước cơ bản trong trận đấu. Các bạn cùng theo dõi nhé.
Đang ngóng phần 4 ạ.