Yu-Gi-Oh! – Đam mê không bao giờ tắt (P.1)

Khách mới

  

Các fan Anime-Manga tại Việt Nam hẳn không còn lạ gì với cái tên Yu-Gi-Oh! hay còn gọi là Vua trò chơi. Đây là bộ truyện rất nổi tiếng được tác giả Kazuki Takahashi sáng tác vào giữa những năm 90. Khoảng năm 1998 thì Yu-Gi-Oh! được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Vua trò chơi. Mình còn nhớ lúc đó bộ truyện này rất nổi trong lứa thế hệ 8x và đầu 9x. Nhờ vào một dịp tình cờ mình có cơ hội xem thử Yu-Gi-Oh! tập 17 và đã bị cuốn hút vào những trận duel (đấu bài) nảy lửa trong game. Từ đó mình đã tìm xem những tập khác của truyện và thế là bắt đầu hành trình 20 năm gắn bó với tựa game này.

Những chặng đường đầu tiên

Khi Yu-Gi-Oh! được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam, đã có một số sản phẩm ăn theo tựa game này. Phần lớn là xuất xứ từ Trung Quốc mà sau này người chơi hay gọi là card fake. Đó là cái thời điểm mà bọn con trai trong lớp mỗi đứa đều thủ sẵn một chồng card fake nhưng phần lớn là để chơi đập hình chứ chưa biết duel là gì. Mãi tới đầu những năm 2000, khi mà game PC bắt đầu phổ biến tại Việt Nam thì mình mới có cơ hội được tiếp xúc với dòng game Power of Chaos. Dòng game này bao gồm ba phiên bản làm về ba nhân vật chính của bộ truyện là Yugi, Kaiba và Joey.

Truyện Yu-Gi-Oh! được xuất bản lần đầu ở Việt Nam

Truyện Yu-Gi-Oh! được xuất bản lần đầu ở Việt Nam

Nhờ việc được chơi game trên PC mà mình mới hiểu rõ hơn về luật chơi so với cái luật chơi cực kì bựa trong truyện. Từ những điều cơ bản như là LP (điểm gốc) của mỗi người là 8000 hay là Trap (bài bẫy) đã úp xuống thì phải lượt sau mới được dùng cho đến những điều nâng cao hơn như muốn gọi ra quái vật từ LV5 trở lên thì cần phải tribute (hiến tế quái vật khác).

Thời kì này thì các sản phẩm card fake Trung Quốc vẫn khá phổ biến trên thị trường. Mình và đám bạn cũng mua về để duel nhưng chỉ chơi theo kiểu bắt chước trong truyện hoặc game chứ card toàn chữ Trung Quốc nên không hiểu gì. Mình cũng khá may mắn khi gặp được nhóm bạn chơi chung có cùng đam mê về Yu-Gi-Oh!. Sau một thời gian thì bước thay đổi lớn đã đến với mình.

Yu-Gi-Oh! Power of Chaos: Yugi the Destiny

Yu-Gi-Oh! Power of Chaos: Yugi the Destiny

Thời đại giả lập

Thời điểm năm 2007, mình có tình cờ đọc được một bài báo giới thiệu về tựa game Yu-Gi-Oh! GX: Spirit Caller. Đây là game cho hệ máy Nintendo DS với bối cảnh thế hệ kế tiếp của bộ truyện Yu-Gi-Oh!. Nhân vật chính của GX không còn là Yugi nữa mà là anh chàng Yuki Judai. Ngay lập tức mình lên mạng tìm hiểu thì biết đến phần mềm giả lập Nintendo DS. Sau một thời gian mò mẫm thì mình cũng đã chơi được Yu-Gi-Oh! GX: Spirit Caller trên PC.

So với thế hệ của Power of Chaos trước đây chỉ có vài trăm card thì Yu-Gi-Oh! GX: Spirit Caller thật sự đồ sộ hơn gấp mấy lần. Đây là lần đầu tiên mình được tiếp xúc với những dòng monster (quái vật) mới như Elemental Hero, Destiny Hero,… Lúc này thì cứ như là nông dân lên thành phố ấy. Mình chỉ biết build các thể loại deck cục súc, ATK lớn như Blue-Eyes White Dragon hay Vorse Raider để đánh nhau chứ chưa hề biết cách kết hợp combo theo deck này nọ.

Yu-Gi-Oh! GX: Spirit Caller

Yu-Gi-Oh! GX: Spirit Caller

Yu-Gi-Oh! World Championship

Sau khi cày cuốc Yu-Gi-Oh! GX: Spirit Caller một thời gian thì mình search thêm trên mạng và tìm được những tựa game Yu-Gi-Oh! khác của Konami trên Nintendo DS. Đó là dòng game Yu-Gi-Oh! World Championship. So với Yu-Gi-Oh! GX: Spirit Caller vốn dĩ đi theo cốt truyện của bộ anime cùng tên thì Yu-Gi-Oh! World Championship tự do hơn, bạn chỉ cần đi thi đấu với hàng loạt NPC để kiếm tiền trong game và vào shop mua pack rồi bóc ra card.

Đây là một hình thức game khá gần với Yu-Gi-Oh! ngoài đời thực. Bạn nào có chơi các tựa game Gacha của Nhật thì chắc cũng biết về thể loại này. Số lượng card và chiến thuật của Yu-Gi-Oh! World Championship nhiều hơn so với Yu-Gi-Oh! GX: Spirit Caller nên mình cũng bắt đầu lần mò trên mạng tìm hiểu về những cách build deck của người chơi khác. Mình phải công nhận rằng nhờ vào việc chơi Yu-Gi-Oh! trên các tựa game giả lập mà khi tiếp xúc với real duel mình cảm thấy khá dễ hiểu.

Tiếp xúc với real duel

Chơi game trên máy tuy hay nhưng vẫn không đã bằng cảm giác so tài với người thật. Nhưng khó khăn lớn nhất của thời kì đấy là ở Việt Nam gần như không có bán card tiếng Anh, muốn thì phải ship từ nước ngoài về với chi phí rất đắt. Nên việc mua card tiếng Anh để chơi là không thể đối với lứa tuổi học sinh sinh viên. Trong một lần tình cờ thì mình biết tới việc tự in card để chơi và thế là mình test thử.

Card được in trên chất liệu giấy ảnh tuy không thể so sánh với card thật nhưng chừng đó cũng đã đủ để mình rủ rê tụi bạn và bắt đầu vào con đường real duel. Thay vì ngồi trước một cái màn hình thì cảm giác khi thi đấu ngoài đời hồi hộp hơn và những chiến thắng sẽ đã hơn. Việc chơi game trong một hội giúp mọi người có thể chia sẻ với nhau về chiến thuật, tham gia các giải đấu, giúp đỡ nhau về card khi cần thiết, v.v…

Card Yu-Gi-Oh!

Yu-Gi-Oh! 5D và những thay đổi

Thời kì năm 2008, Yu-Gi-Oh! có một bước thay đổi lớn khi series Yu-Gi-Oh! GX kết thúc và được thay thế bằng Yu-Gi-Oh! 5D cùng sự xuất hiện của một loại monster mới là Synchro monster. Sự xuất hiện của Synchro làm thay đổi rất nhiều cục diện của game. Các thể loại deck có tốc độ chậm trước đây bị sức mạnh kinh hoàng của Dark Armed Tele đè bẹp. Lúc đó mọi người nói vui rằng trước đây đi xe đạp, còn bây giờ là chạy xe đua.

2008 cũng là lúc mình bắt đầu tham gia forum ygovn.com và biết về trang web https://yugioh.fandom.com/wiki/Yu-Gi-Oh!_Wiki, nơi tra cứu toàn bộ thông tin về card của Yu-Gi-Oh!. Nhờ việc được tiếp xúc với cộng đồng người chơi Yu-Gi-Oh! tại Việt Nam mà mình đã hiểu thêm được nhiều thứ về game. Sau một thời gian chơi card in thì năm 2009 mình đã bắt đầu tập tành chơi card real (card chính hãng của Konami). Thời đại Synchro là một trong những thời kì để lại nhiều kỉ niệm ở trong mình nhất với các deck như Cat Synchro, Black Wing, Six Samurai,…

Synchro Dragon của Signer

Những con rồng Synchro của các Signer

Trên đây là câu chuyện kể về những ngày đầu mình chập chững bước vào con đường Yu-Gi-Oh! (nói chập chững chứ cũng ngót nghét 10 năm luôn). Phần này tạm thời kết thúc tại đây. Trong bài tiếp theo mình sẽ giới thiệu với các bạn về thời kì từ năm 2010 tới bây giờ. Hi vọng các bạn tiếp tục theo dõi nhé.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Phúc trần - 06.07.2020

    Khi thấy tên bài viết là tôi muốn đọc ngay rồi :v Tuổi thơ tôi toàn rủ mấy đứa trong xóm chơi mà mình là đứa biết tiếng Anh duy nhất nên toàn bịa mấy eff khi mình sắp thua để lật lại đối thủ Đọc bài này lại nhớ đến hồi đó kkk
    Cụng ly!


    • Dark Zetaro - 06.07.2020

      Hehe, hồi xưa còn chơi card Trung Quốc, mỗi chỗ chơi 1 kiểu, toàn chế eff ra mà chơi không à.