Tiếp nối phần trước, phần này mình sẽ kể về thời đại mới của Yu-Gi-Oh! trong một thập niên vừa qua. Đây cũng là thời kì có rất nhiều thay đổi với Yu-Gi-Oh!.
Yu-Gi-Oh! trong thời đại mới
Năm 2011, Yu-Gi-Oh! lại có bước chuyển mình mới. Series 5D nhường chỗ cho Zexal với sự ra đời của Xyz monster. Đây là một dòng monster khá dị ở thời điểm đó với những cơ chế chưa từng xuất hiện. Ví dụ như thay cho LV như tất cả mọi loại monster khác, Xyz lại dùng Rank với biểu tượng ngôi sao màu đen. Cách triệu hồi Xyz cũng lạ lẫm với nhiều người khi bạn cần phải dùng những monster cùng LV và xếp đè lên nhau để triệu hồi ra Xyz monster. Mọi người lúc đó nói vui là chơi xếp hình ấy. Thời đại Xyz ghi dấu với những deck chuyên spam Xyz monster. Lúc này thì mình cũng theo thời đại mà cầm những deck Xyz như Mermail, Fire Fist hay Dragon Ruler.
Ấn tượng nhất của mình về thời kì này là việc Konami thay phiên buff các deck theo LV. Trong giai đoạn đầu của Zexal thì những deck LV3 khá là nổi trội với Inzektor hay Wind-Up. Tiếp sau đó lại là thời kì của những deck LV4 như Dino Rabbit, Hero Beat hay Evilswarm. Tiếp theo là chuỗi ngày thống trị của những deck LV7 với bộ tứ Dragon Ruler hủy diệt, Mermail với Abyssgaios, Spellbook với High Priestess of Prophercy. Có một điểm hơi đáng buồn trong thời kì Xyz là Konami đã quá ưu tiên cho Xyz mà lơ là các dòng monster khác như Synchro hay Fusion.
Những sự thay đổi lớn
Năm 2014 Yu-Gi-Oh! tiếp tục thay đổi triều đại bằng việc ra mắt series ARC-V và hệ thống Pendulum summon. Đây cũng là một bước ngoặt cho khá nhiều người chơi Yu-Gi-Oh!. Cho tới thời điểm hiện tại, Pendulum có lẽ là cơ chế summon gây nhiều tranh cãi nhất cho cộng đồng Yu-Gi-Oh!. Thay vì bạn phải gọi từng monster trên tay ra sân bằng nhiều effect khác nhau thì Pendulum sẽ giúp các bạn gọi tất cả ra một lần. Điểm khó chịu thứ hai của Pendulum monster là khi chết chúng sẽ vào Extra deck và lượt sau bạn có thể tiếp tục gọi những monster đã chết đó lên lại sân như chưa có gì xảy ra.
Ruling rắc rối cộng với lợi thế quá lớn của Pendulum đã khiến nhiều người chơi không theo kịp thời đại và nghỉ game. Thời kì Pendulum chứng kiến khá nhiều meta xoay quanh cơ chế này như Qliphort, Performapal, Magician,… Có một điểm sáng ở thời kì này là Konami đã tiếp tục hỗ trợ cho những dòng monster khác như Ritual thì có Nekroz và Ritual Beast, Fusion thì có Shaddoll, Synchro với Yang Zing,…
Bước sang năm 2017, đây có thể coi là thay đổi lớn nhất của Yu-Gi-Oh! trong vòng một thập kỉ trở lại đây. Với việc tốc độ của các deck quá nhanh, Konami quyết định giới hạn việc summon từ Extra deck thông qua cơ chế Link summon trong Master Rule 4. Hệ quả là một trong số những khái niệm phức tạp nhất Yu-Gi-Oh! được ra đời, đó chính là Link summon.
Theo cá nhân mình thì Konami đã thành công trong giai đoạn đầu khi tốc độ của các deck giảm rõ rệt vì cần phải sử dụng thêm Link monster. Nhưng sau một thời gian, Link trở nên đáng sợ hơn với những deck có tốc độ nhanh hơn tên lửa như cơn ác mộng Knightmare, dàn giao hưởng chết chóc Orcust hay là sức mạnh thiêu đốt của Salamangreat. Bên cạnh sự thay đổi về game thì tựa anime Yu-Gi-Oh! VRAINS cũng để lại cho mình một số điều thú vị.
- Monster biểu tượng của nhân vật chính trong anime Yu-Gi-Oh! VRAINS là Firewall Dragon khi mới được giới thiệu lần đầu đã gặp phải không ít sự chế giễu từ cộng đồng vì effect quá vô dụng. Nhưng người tính không bằng trời tính. Sau một thời gian thì Firewall Dragon lại trở thành động cơ chính của nhiều deck meta (những bộ bài mạnh nhất game thời điểm đó) như Grinder Golem, Gouki, v.v… Thế là Firewall Dragon biến thành kẻ bị cả cộng đồng ghét bỏ. Cuối cùng trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Konami đã phải ban Firewall Dragon ra khỏi game và đưa vị trí monster biểu tượng của Yusaku cho Decode Talker. Một pha cướp slot rất ngoạn mục.
- Việt Nam chính thức xuất hiện trong anime Yu-Gi-Oh! với tổ chức phản diện Hanoi Kishi (Hiệp sĩ Hà Nội). Không hiểu là vô tình hay cố ý đây.
Đầu năm nay thì Konami lại tiếp tục công cuộc chữa cháy của mình bằng việc ra Master Rule 5 cùng với sự xuất hiện của series anime Yu-Gi-Oh! Sevens. Master Rule 5 đã đảo ngược hoàn toàn Master Rule 4 bằng việc cho phép người chơi tự do Fusion, Synchro, Xyz mà không cần đến Link. Hiện tại thì mình đang cầm khá nhiều deck test thử trong format mới nhưng ưng ý nhất vẫn là deck Dino True King, một thế lực cũ từ tận thời đại Xyz.
Duel mọi lúc mọi nơi
Một trong những điều mình cảm thấy may mắn nhất khi chơi Yu-Gi-Oh! là cộng đồng game có những con người rất tâm huyết. Kể từ sau bộ ba Power of Chaos vào đầu những năm 2000 thì Konami hầu như làm ngơ với thị trường game PC. Mãi cho tới tận năm 2016 thì họ mới quay trở lại PC với phiên bản Yu-Gi-Oh! Legacy of the Duelist trên Steam. Nhọ một điều là game Konami trên Steam phần lớn đều bị khóa vùng với người dùng Việt Nam.
Trong suốt thời gian này thì những cá nhân trong cộng đồng Yu-Gi-Oh! tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã tự phát triển những công cụ duel để đáp ứng người chơi. Có thể kể ra đây những cái tên tiêu biểu như:
- Yu-Gi-Oh! Virtual Desktop: phần mềm duel trực tuyến thời kì đầu. Chơi hơi cực vì phải kết nối bằng địa chỉ IP. Thao tác hoàn toàn thủ công. Tuy nhiên vào giai đoạn những năm 2000 thì Yu-Gi-Oh! Virtual Desktop lại khá phổ biến ở cả trên thế giới và Việt Nam.
- Website Yugiohnetwork: đây là một trang web duel do người Việt tự xây dựng, có thể nói là thỏa mãn đủ mọi nhu cầu của người chơi. Ưu điểm là nền tảng website có thể truy cập từ mọi nơi, miễn là có máy tính kết nối mạng. Thời đó mình hay lên trường tranh thủ giờ nghỉ trưa ra làm vài ván. Tiếc là sau vài năm hoạt động thì website đã đóng cửa.
- Website Duelingnetwork: đây có thể coi là một huyền thoại của cộng đồng Yu-Gi-Oh! thế giới. Website này được rất nhiều người chơi kể cả chuyên nghiệp và không chuyên sử dụng. Website có đội ngũ trọng tài thường trực để xử lí các pha tranh cãi trong trận đấu. Mình từng tham gia khá nhiều giải đấu trên Duelingnetwork. Hiện tại Duelingnetwork đã ngừng hoạt động.
- Phần mềm YGOPRO: nếu bây giờ các bạn lên Youtube search về chiến thuật build deck thì phần lớn các video sẽ được thực hiện bằng YGOPRO. Đây có thể coi là công cụ duel mạnh mẽ nhất hiện nay khi hỗ trợ auto toàn bộ mọi khâu. Người chơi Yu-Gi-Oh! thường sử dụng YGOPRO để giao lưu với bạn bè ở xa hoặc test deck chuẩn bị cho các giải đấu ngoài đời. Theo cá nhân mình đánh giá thì YGOPRO cung cấp khá đủ các tính năng người dùng cần từ việc tìm kiếm card cho đến hỗ trợ test deck một mình, v.v… Nhược điểm của YGOPRO là thỉnh thoảng vẫn có bug nhưng không đáng kể và thường được fix ngay.
- Website Duelingbook: trang web này được xem là người thừa kế của Duelingnetwork với phần giao diện và tính năng khá quen thuộc. Hiện tại Duelingbook được khá nhiều người chơi tại Việt Nam và thế giới sử dụng để thi đấu giao lưu. Trong đợt dịch Covid vừa qua thì đây cũng là nền tảng tổ chức các giải đấu online.
Nhờ những trang web và phần mềm đến từ người dùng mà dù có những lúc mình bận không thể ra hội duel giao lưu với mọi người thì mình vẫn có thể tiếp tục theo đuổi đam mê. Đây cũng là một điểm mạnh của Yu-Gi-Oh! so với những card game khác trên thế giới nói chung. Ngoài những nền tảng kể trên thì hiện tại các bạn cũng có thể chơi Yu-Gi-Oh! online qua các tựa game chính hãng Konami như Yu-Gi-Oh! Duel Links.
Trên đây là một bài viết dông dài của mình về quá trình lăn lộn với Yu-Gi-Oh! từ thời kì còn cắp sách đến trường cho đến nay. Ngót nghét cũng đã hai thập kỉ trôi qua nhưng niềm đam mê trong mình chưa bao giờ tắt. Có thể vì lúc này lúc khác tất bật với những thứ trong cuộc sống mà mình có bỏ bê game nhưng lúc ngồi vào duel thì lại cảm thấy hào hứng như xưa. Mình sẽ còn tiếp tục những bài viết về Yu-Gi-Oh! trên page nên bạn nào có hứng thú thì nhớ theo dõi nhé.
Cái bản legacy 2016 còn xấu hơn cả power of chao từ chục năm trước, ước gì có bên nào thầu yugioh làm 1 bản tử tế trên pc, mobile như hearthstone thì tốt bao nhiêu, à ngày xưa thằng konami cũng có làm 1 game onl trên pc nhưng hẻo quá nên dẹp tiệm rồi
Konami giờ chuyển qua làm game mobile thôi chứ chả làm game console với PC nữa rồi. Chán ghê.