Chúng tôi có bốn người: tôi, Yên Bông, Giáo Sư và con Pikachu. Khi mọi chuyện xảy ra thì Giáo Sư đang rên rỉ với tôi, còn Yên Bông đang chơi với Pikachu – nó là một con chó ngoan. Rồi bỗng nhiên cái gương phát sáng. Cái nguồn sáng rực đó làm tôi bất động, và khi dịu đi thì tôi không thấy Yên Bông và Pikachu đâu. Tôi nhanh chóng lao vào cái gương, lúc đó vẫn sáng một vẻ xanh xao kì lạ. Theo sau tôi là Giáo Sư. Giáo Sư chẳng bao giờ bỏ lỡ mấy chuyện kì quái.
Tôi lao chúi đầu và vấp vào một cái ghế. Một cái ghế cao, đế tròn, vành ghế bằng gỗ đen và có vị mặn như muối. Tôi không thích ăn ghế, nhưng vì Giáo Sư, do không giữ được sự tự chủ cần thiết, đã húc tôi một cú đáng nể từ phía sau, làm tôi và cái ghế hòa vào nhau như một. Khi mọi thứ yên vị thì mồm tôi đã ôm lấy cái vành ghế, và đó là lí do tôi biết ghế có vị mặn. Một thoáng trong óc tôi bảo rằng vị mặn này là thứ chắt lọc qua lớp biểu bì của vài sinh vật đáng mến, đã tích tụ ở đây qua cả ngàn cuộc vui chơi và buồn bã. Con người ta có nhu cầu và quyền được chảy nước mà. Cơ mà một mặt khác tôi hi vọng rằng cái ghế này mặn tự nhiên. Thỉnh thoảng tôi vẫn ngây thơ, ngây thơ tốt cho nền hòa bình thế giới.
Vì tôi tin rằng cái ghế mặn tự nhiên, nên tôi bỏ qua và tha thứ cho Giáo Sư vì cái sự quá đà của ổng. Giáo Sư thường như vậy. Như một lần ông than thở với tôi về tình trạng bệnh tật của ông. Ông bảo rằng hôm trước ông uống không thấy ngon. Nên ông nghĩ là ông bị bệnh gan. Rồi ông đọc quảng cáo về thuốc chữa gan và tuyệt vọng nhận ra ông có đầy đủ triệu trứng của ung thư gan giai đoạn cuối. Ông thất kinh lên khi thấy dấu hiệu: nào là vàng da, nào là chán ăn… những biểu hiện mà ông có đầy đủ từ khi 3 tuổi. Hóa ra ông đã bị ung thư gan 40 năm qua và giờ chỉ còn 2 tuần để sống.
Ông tìm đến tôi với vẻ chán đời không tả, hỏi tôi rằng di chúc lập như nào, rồi khi nhận ra bản thân chẳng có tiền cũng chẳng có ai để cho tiền thì ông thấy khá hơn một chút. Tôi bảo ông có thể hiến xác cho y học. Ông là bảo tàng bệnh tật của thế kỉ, sờ đâu cũng ra bệnh, một đứa sinh viên y khoa gà mờ nhất cũng có thể kể ra hết một trang A4. Nó sẽ ghi như này vào hồ sơ bệnh án: Ông xyz, hỏng. Ở đâu cũng hỏng, gan hỏng tim hỏng thận hỏng. Điều kì diệu ở đây là ông ấy có thể hỏng một cách hệ thống và trơn tru như thế, cứ như một tạo tác và thông điệp của cuộc sống. Cuộc sống này ngoài những sự tuyệt diệu ngỡ ngàng còn có những hỏng hóc không thể hiểu nổi, và ông xyz là minh chứng hoàn hảo cho điều đó.
Và 2 tuần sau Giáo Sư vẫn uống rượu phè phè. Hóa ra ông không bị ung thư gan. Thật buồn cho nền y học vì đã mất đi một cái xác kiểu mẫu.
Quay lại cái tình cảnh lạ lùng mà chúng tôi vừa trải qua. Đây vẫn là quán rượu, nhưng khác. Quán to và tối, tường không phẳng lì vuông vắn mà tròn, màu nâu cam, trần nhà cong lên cao, phát ra ánh sáng nhờ nhợ. Tôi liên tưởng đến quả bí ngô bị khoét rỗng bên trong. Góc xa có người ngồi, trong ánh sáng mơ hồ tôi không nhìn rõ mặt. Có vẻ như những người đó không ngạc nhiên với việc chúng tôi bỗng dưng nhào ra từ hư không, và đang trơ mắt ếch nhìn mọi thứ. Giáo Sư có lẽ nhận ra vấn đề, bảo rằng hình như chúng tôi vừa lạc vào thế giới của Alice. Tôi hí hửng một chút, rồi nhận ra tôi đã quá già để trở thành nhân vật chính trong bất kì cuộc phiêu lưu nào. Và giây phút đó tôi hiểu ra cốt lõi của câu chuyện: Yên Bông và con Pikachu đi đâu rồi.
Có lẽ Giáo Sư cũng nhận ra điều đó. Vì tôi thấy Giáo Sư nhìn quanh và tiến đến cái cửa ra vào. Rồi Giáo Sư mở cửa. Bầu trời đêm, hơi sáng tím, và có vẻ có gió, vì Giáo Sư đang lấy tay vuốt tóc. Tôi đi ra phía cửa và cẩn thận nhìn phía sau. Những hình bóng người lờ mờ ở góc phòng vẫn ngồi im. Họ tỏa ra một vẻ huyền hoặc xa lạ. Tôi bỗng thấy hơi rợn và liên tưởng đến những cái bóng không hình không tiếng mà tôi hay gặp trong mơ. Chúng luôn đứng ở xa và chế giễu tôi, khinh bỉ tôi, mặc dù tôi không biết chúng làm vậy bằng cách nào khi không có hình thù, không mồm không miệng. Tôi nghĩ rằng có thể có một sự hiểm lầm, rằng tôi không đáng bị vậy, và cố gắng tiến gần chúng để giải thích. Nhưng tôi không thể đến gần. Có gì đó nặng nề, giống như khi vùng vẫy trong sóng để cố trồi lên. Khó thở và váng vất, và tôi thường tỉnh dậy giữa đêm. Từ đó tôi hay tìm đọc những bài báo về chết đuối và cố mường tượng cảnh đó sẽ diễn ra như nào.
Tôi đi nhanh về phía Giáo Sư, lúc này đã ở hẳn phía ngoài. Bỗng dưng cái lưng áo của Giáo Sư làm tôi thấy yên tâm. Bên ngoài là ngõ là phố và một con đường trắng lên trong ánh trăng. Ở đây không có đèn, mọi thứ có nét trắng mờ đục và khi nhìn trong đêm thì giống như như đang phát sáng. Chúng tôi bước xuống đường, nhìn những căn nhà cửa sắt khóa, nhìn những căn nhà cửa sổ mở. Những bức tường uốn quanh ngõ và men theo dãy nhà. Căn nhà ngay bên cạnh quán rượu có treo một cái đèn lồng. Nó sáng nhưng không đung đưa. Không có lửa ở trong đấy. Tôi nhận ra ở góc xa, bên mép đường kia có một bức tượng đặt trước một căn nhà, cũng đang sáng lên cái màu tương tự. Tôi chỉ cho giáo sư phát hiện của mình. Rồi chúng tôi đi đến chỗ bức tượng. Đó là tượng một con vật đội mũ. Tôi không thể đoán được đó là con gì, vì cái mũ và màn đêm. Gió bỗng nổi lên. Giáo Sư bảo với tôi rằng Alice thì đi theo con thỏ nhiệm màu, còn ở đây thì gió đưa ta đi.
Chúng tôi đi trên một con đường nhẵn nhụi. Ánh mắt lần mò trong đêm để tìm những vệt sáng, và thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau, mỗi khi nhìn thấy một điều không dễ chịu. Tôi đi qua một cột treo đầy đèn, tua tủa như mắc áo, và mỗi cái đèn như quả bóng tròn bị treo lên bằng một sợi chỉ. Rồi tôi đi qua một hàng cây cà rốt khổng lồ. Tàng lá sum sê cắm lên trên phần thân đỏ au, vót nhọn xuống dưới. Phần thân trông sinh động, và trong bóng tối thì tôi thấy như cơ thể con người. Nó không có vẻ xù xì hoặc có lớp vỏ gỗ cứng cáp, ngược lại nó mềm mại và trông như đang sống. Điều này làm tôi vô thức tránh xa hàng cây. Nó làm tôi liên tưởng đến đống đỗ đen tôi trồng khi bé. Những mầm đỗ trắng trẻo mong manh mà tôi rất cưng chiều đã bị một con chuột cắn ngang thân. Tôi đã phơi nắng con chuột ba ngày để tượng niệm chỗ đỗ đen đó.
Đường cũng không có nắp cống hay rãnh nước thoát hai bên. Giáo Sư cũng nhận ra điều đó và bảo rằng thế giới này không có mưa. Tôi hỏi Giáo Sư một thế giới không mưa sẽ như nào. Ổng đáp rằng sẽ không có cái gì từ trời rơi xuống. Một ẩn dụ phóng khoáng. Tôi chẳng chờ mong cái gì kì diệu rơi xuống đầu, nhưng nếu không có gì để ngẩng đầu lên thì cũng hơi buồn. Tôi nhớ hồi đại học tôi có quen một đứa bạn biết làm phim. Nó làm một bộ phim có tên là: Sẽ chẳng còn gì rơi xuống. Bộ phim đại để nói về một gia đình, và như mọi gia đình bình thường, gia đình này có đánh nhau cho vui cửa vui nhà một tí. Sẽ có cảnh túm tóc đập đầu, cảnh bát đũa bay, cảnh chó mèo với nhau, song tấu theo lượt hoặc hòa tấu. Mấy cảnh này thì dễ, nó bảo tôi, cái khó là kiếm đâu ra đạo cụ cho cảnh cuối cùng.
Đạo cụ ở đây là đứa trẻ, theo ý đồ của thằng tác giả bạn tôi là nó sẽ lao đầu từ cầu thang xuống, chết một cách tuyệt đối và chấm dứt bộ phim. Một cái kết bi kịch tầm thường và nhàm chán, mà bất cứ thằng nào học đòi nghệ thuật ở tuổi 20 nào cũng có thể nghĩ ra. Xui xẻo hoặc may mắn cho thằng bạn tôi, là nó chẳng dụ được đứa trẻ nào đóng vai phi thân như vậy. Nó đã dụ từ kẹo cho đến việc mời bọn trẻ con ra quán uống cà phê và nói chuyện như hai người đàn ông, mà kết quả vẫn là số 0. Cuối cùng nó từ bỏ cảnh này, và kết phim bằng cảnh đứa trẻ ủ ê tiến dần đến hành lang. Tên tiêu đề bộ phim được đổi thành: Còn gì rơi xuống? Ban giám khảo phát cuồng về điều này, và bịn rịn trao cho nó giải nhất. Lúc lên nhận giải nó bảo rằng tiêu đề để mở như vậy, như một hi vọng được mở cho thế hệ tương lai, thế hệ trẻ, khi người lớn chúng ta bình tâm nhìn lại chính mình. Tôi đồng ý hết mình, và bảo nó rằng đáng lẽ giải đặc biệt phải được trao cho mấy đứa trẻ đã từ chối rơi xuống cái lan can ấy.
Tôi đang vẩn vơ nghĩ một lúc thì thấy Giáo Sư dừng lại, và chỉ vào một đốm sáng đằng xa. Tôi nhìn theo. Đó là một căn nhà ngược, tầng trên to hơn tầng dưới tựa như một cái kim tự tháp úp ngược. Không có ban công, không có cửa sổ. Trên tầng cao nhất là một cái chảo ăng ten khổng lồ, ở giữa chảo có một cãi lõi dài đâm ra, đầu lõi là một hình cầu tròn đang tỏa sáng. Ánh sáng đó rất giống với ánh sáng mà chúng tôi đã đi theo, chỉ có điều mọi thứ chúng tôi đi qua đều có vẻ bình thường. Giáo Sư quay sang bảo tôi rằng có lẽ chúng ta phải bắn cái gì đó lên trời. Tôi đáp hú họa, bảo rằng pháo hoa cầu cứu chăng. Giáo Sư bảo rằng không, không thể tầm thường như thế được, phải là tình yêu và nước mắt.
Ôi tình yêu và nước mắt. Nó sẽ được bắn tung lên trời và tan xác dưới sự vỗ tay và hoan hô của đông đảo quần chúng nhân dân.
Chúng tôi bước vào nhà. Căn nhà xoay vòng và cuộn tỏa lên trên. Chúng tôi đi dọc hành lang, và tự hỏi cái gì đang chờ chúng tôi. Ở một ngã rẽ có một bức tranh, vẽ hình một con cáo đội mũ bông thủy thủ đang cười. Tôi chưa bao giờ thấy một con cáo đang cười, cáo thì làm gì biết cười? Nhưng ánh mắt đó, ánh mắt đó thì rõ ràng đang cười với bọn tôi, thậm chí còn như đang nháy mắt. Chúng tôi nhìn quanh xem còn bức tranh nào không. Nhưng không, tường trơn và phẳng và lạnh. Bất giác cả hai chúng tôi đưa mắt nhìn nhau và cùng nhìn lên phía trên.
Tôi hỏi Giáo Sư, rằng ông đang nghĩ gì. Ông bảo rằng đây là thế giới loài vật, mà mỗi con vật sẽ đội một cái mũ tượng trưng cho giai cấp của nó. Rồi ông chỉ vào bức ảnh, và khen con cáo này thuộc loại bảnh chọe hiếm có. Tôi im lặng, một phần để bày tỏ sự thán phục với sự liên hệ đầy tính Mác Lê Nin của ông, một phần sợ rằng nếu hỏi tiếp thì ông sẽ giảng cho tôi một bài đúng 45 phút về cách mà mọi thứ đều phân giai cấp, và những thứ có giai cấp mà đứng được bằng hai chân, thì thích đội mũ. Nhưng trên tất cả, sự im lặng đó là một diễn ngôn, là một biểu đạt ngầm của tôi đối với thói thường ứng sử của ông. Rằng đến lúc nói thật rồi ông nội ơi. Ông hiểu ý, hơi trầm ngâm một chút, và bảo rằng: Dù là gì thì chúng ta cũng phải đi tìm Yên Bông và Pikachu đúng không.
Vậy là chúng tôi mở cánh cửa trên cùng ra, chậm chạp nhưng không thể chối từ, giống như những đứa trẻ chờ đợi một bài kiểm tra mà chúng không hề mong đợi.
Chính giữa phòng là một cái bàn tròn. Bàn màu nâu như gỗ, nhìn rắn chắc, và ở giữa nổi lên là một hình tròn trắng, sáng mờ mờ, cao hơn so với mặt bàn khoảng một đốt ngón tay. Cái bàn trông tương đối kì quặc, trông giống một khúc thân cây được mài nhẵn và có lõi màu trắng. Cũng không có ghế, tuy rằng ngay sau đó chúng tôi hiểu vì sao không cần ghế. Có một con thỏ ngồi trên bàn, và nó mặc áo mặc quần, áo ghile quần tây và đi một đôi giầy bóng. Con thỏ này ngồi sếp bằng bằng trên bàn, mũi giầy tròn của nó rung rung ngểnh ra hai bên, trong khi tay cuộn tròn trước ngực. Tôi hơi giật mình và lùi lại. Con thỏ chăm chú nhìn vào hình tròn giữa bàn, rồi khi nhận ra chúng tôi thì nó đứng lên, giơ cao cái tay bé xíu, mở ra nắm vào và bảo xin chào. Tôi chưa từng gặp con thỏ nào biết đứng bằng hai chân, rồi còn biết chào hỏi theo cách sành điệu kì quặc này nên im lặng. May cho tôi là Giáo Sư giữ được phép lịch sự thói thường. Ông xin chào lại. Rồi ổng quay sang nhìn tôi, chỉ vào tôi, rồi chỉ vào ông, bảo rằng chúng tôi từ xa tới. Rồi ông từ từ tiến lại gần con thỏ với tất cả sự thân thiện ông có. Tức là ông đang cố mỉm cười. Ông luôn than phiền với tôi rằng ông không có bạn. Tôi phân tích rằng ông có dáng vẻ của một người hết thời vô vọng, cùng với khuôn mặt của một người chán đời thất trí, kết hợp lại sẽ tạo ra dáng vẻ của một người tiêu cực vô vọng. Vài người sẽ nhầm lẫn đó với sự vô hại. Và sự vô hại thì rất gần với sự thân thiện. Ông chỉ cần cười lên. Ông gật gù đồng ý. Tôi gật gù khích lệ. Tôi chỉ không tưởng tượng được là nỗ lực đầu tiên của ông, là đi cười với một con thỏ. Chính xác là một con thỏ đỏm dáng biết đứng bằng hai chân.
Khi đến gần hơn thì tôi nhận ra đó là một cô thỏ. Cái áo ghile được thêu chìm những hình ảnh như là cà rốt và bắp cải, và tôi nghĩ chỉ có bọn con gái mới thêu đồ ăn lên quần áo. Tuy nhiên tôi không rõ ở cái thế giới lạ lùng này thì điều đó có đúng. Không biết bọn thỏ đực ở đây có thích nhà 6 tầng, xe 6 bánh hay những kiểu cá tính như đuôi dài 6 tấc răng dài 6 phân. Tôi không rõ. Nhưng cái ý nghĩ rằng đây là một cá thể thỏ mang giới tính nữ làm tôi thấy yên tâm hơn. Đêm đã khuya. Tôi thấy mệt. Tôi không mong bất cứ một sự tương tác hay va chạm kiểu cách nam tính nào, dù với người hay với thỏ.
Đúng như tôi đoán, đây là một cô thỏ, vì cô bộc lộ một sự niềm nở nhẹ nhàng. Cô đứng trước chúng tôi, và mặc dù đứng trên bàn nhưng trông vẫn nhỏ xinh, bảo với chúng tôi những câu chào mừng, rằng cô vui, rằng chúng tôi đừng lo, rồi chúng tôi sẽ quen. Và mọi thứ sẽ ổn. Rồi không chờ đáp lời, cô kiên quyết khẳng định chúng tôi đã mệt lử và cần nghỉ ngơi, và cô sẽ đưa bọn tôi đến chỗ nghỉ ngay bây giờ. Thật lòng tôi không để ý cô nói gì, mắt tôi như dán vào mấy cái hình cà rốt và củ cải trên áo cô, trong đầu chỉ duy nhất một ý nghĩ: Hóa ra một thế giới cà rốt và khoai tây là có thật. Trong lòng tôi bỗng nẩy lên một nỗi sợ. Đến lúc rời phòng, đi xuống cầu thang, tôi mới hỏi rằng đây là đâu. Và tôi hỏi thêm: liệu có ra, hoặc về, tôi hơi ngập ngừng chữ về, được không. Cô thỏ không đáp, và sau một khoảng lặng cô quay lại nhìn tôi, ngoáy đầu qua vai. Ánh mắt qua cặp kính nhìn mờ ảo, và đôi tai dài trĩu xuống, rung rung. Cô bảo được chứ, và bảo thêm: này. Chỉ một từ: này, và cô bỏ lửng. Tôi biết cô đang cười. Bạn có thể biết ai đó cười mà không cần nhìn rõ hoặc nghe thấy. Có một kiểu cười không hình không nét, nó tỏa ra, nhiều trìu mến và an ủi. Tôi nhận ra. Tôi biết cô thỏ này hiểu. Thế là đủ.
Cái chỗ nghỉ ngơi mà cô thỏ bảo cách văn phòng liên lạc không xa. Văn phòng liên lạc, đó là cách cô thỏ bảo với giáo sư, và cô giải thích thêm là văn phòng đó dùng để liên lạc. Một cách giải thích thông minh, tôi đồng ý. Cô tên là Beria, và tôi phải thừa nhận là cô có cốt cách quý tộc và vẻ quyến rũ ngơ ngác, thể hiện rõ ràng nhất trong cách cô ngập ngừng câu chữ. Ví dụ như lúc gần chia tay, cô ngập ngừng bảo: ngày mai, rồi cô im lặng. Cô nhìn chúng tôi, rồi nhìn lên khoảng không phía trên chúng tôi, như cái cách cô đảo mắt thì tôi đoán cái khoảng không hấp dẫn ấy cách đỉnh đầu giáo sư tầm bốn mươi phân. Sau độ nửa phút, khi chúng tôi đang chìm đắng trong những kịch bản bi đát và hít thở sự tuyệt vọng, cô mới nói hết câu rằng sẽ có người đến đón chúng tôi. Và khi thấy khuôn mặt như cá chết của chúng tôi thì cô cười, nói thêm: để đi chơi. Giáo sư đáp rằng ông tưởng đưa đi treo cổ. Tôi gật đầu tán đồng. Cô bảo rằng cô nhớ lại, và khi nhớ lại thì cô hay bị đơ như vậy. Rồi cô cười. Tôi hơi choáng ngợp. Giống như cách Marylin Monroe nói ơ mà, nhớ ra cái gì, rồi mặt xịu lại. Rồi thế giới phát cuồng. Sự quyến rũ muôn năm, ngày mai muôn năm. Mặc dù tôi rất muốn hỏi cô ngày mai có gì. Cái gì sẽ đón chúng tôi. Rồi đón đi đâu. Nhưng tôi hiểu rằng sự quyến rũ thường không thích nói nhiều. Vậy nên tôi chào cô và chờ ngày mai đến.
Ánh mặt trời làm tôi tỉnh giấc. Tôi lờ mờ cảm nhận mọi thứ, đầu óc bồng bềnh trôi cho đến khi nhìn thấy giáo sư đang nằm ôm chăn bên cạnh. Mọi thứ bỗng sáng lên trong đầu: cái gương, quán rượu, cà rốt, thỏ… Rồi khi nghĩ đến Yên Bông và con Pikachu thì tôi thở dài. Những sự kiện lạ lùng xảy ra làm chúng tôi quên đi cái lí do khởi nguồn: đi tìm Yên Bông và mang con bé trở về. Yên Bông là con chủ quán, mỗi khi đến quán tôi hay thấy cô bé ngồi chơi một mình ở cái bàn góc cửa. Cái bàn hướng ra một cái cửa kính to nhìn ra đường. Có lẽ do cái bàn nhỏ, lại là bàn đôi, lại hướng ra đường, nên ít người ngồi. Thỉnh thoảng có người đi một mình, gọi đồ uống và ngồi ngắm cảnh đường phố qua tấm kính. Họ chăm chú như tận hưởng phim trọng rạp, cái tấm kính như màn hình 300 inch cong, mềm, sắc nét và gợi cảm. Một bộ phim cuộc đời đang trôi qua trên tấm kính, những con người đi qua rồi đi luôn, biến mất, không đóng vai chính cũng không đóng vai phụ. Những người ngồi ngắm kính và ngắm đời thường đi sau cốc thứ 2. Rất ít người ngồi uống đến cốc thứ 3. Có lẽ 2 cốc là vừa để họ nhận ra sự vô nghĩa trong hành động của họ đang làm, và cuộc đời hối hả ngoài kia làm họ thấy hối lỗi khi ngồi đờ đẫn như này, và họ phải đứng dậy, phải lao ra luôn để trở thành cuộc sống ngoài kia. Ôi cuộc sống ngoài kia, nghe đến chán. Tôi thích những buổi chiều đến quán, chui luôn vào trong góc ấm cùng phía trong, và bên ngoài trên cái ghế cao cạnh cửa là bé Yên Bông. Con bé chẳng tò mò về cuộc sống ngoài kia, nó chẳng ngắm nhìn hay suy tưởng, chẳng uống bia, chẳng iphone, chỉ ngồi chơi và ngồi bên cửa sổ. Con bé như gianh giới, như bờ rào để ta nhìn, thấy và tin tưởng. Tôi từng bảo Giáo Sư như vậy, và bảo rằng nếu đầu quán gặp Yên Bông ngồi chơi và cuối quán gặp Giáo Sư ngồi say, là yên tâm một ngày tuyệt vời. Một cuối ngày như vậy sẽ biến những thứ quá đáng trở nên dễ chấp nhận, như khuân mặt của lão sếp tôi chẳng hạn. Có những người mà sự hiện diện của họ ô nhiễm và mệt mỏi như bụi mịn và gió mùa.
Nhớ đến lão sếp làm không gian như nặng hơn mấy phần. Tôi nhìn Giáo Sư và tự nhủ rằng lão sếp ấy đã thuộc về quá khứ. Một quá khứ đã gạch hết và chấm xuống dòng, thậm chí có thể coi là xé giấy vứt đi, chấm dứt tuyệt đối. Tôi đứng dậy và đi ra phía cửa sổ. Những ngôi nhà to nhỏ đang sáng lên. Nhiều ngôi nhà dáng vẻ kì lạ trông ma quái trong nắng mới. Tuy nhiên tôi tin rằng tôi thích sự ma quái này hơn là khuôn mặt của lão sếp tôi. Cảm thấy vững tâm, tôi quay lại giường và gọi giáo sự dậy.
Giáo sư dậy ngay, ông hỏi tôi ngủ có ngon không.Tôi bảo rằng ngon, tuy rằng có mơ bị bọn thỏ đeo nơ nện bằng cà rốt. Ông đáp rằng: tốt, có mơ là có ngủ. Rồi ông đĩnh đạc đi ra cửa. Tôi cảm thấy choáng váng vì sự điềm tĩnh của ông trước giấc mơ thú vị đầy ẩn dụ của tôi, bèn nói khích ông rằng có lẽ ông đã quá già để sợ bị nện bằng gậy. Tôi cố nói thật nhẹ chữ già, giọng tụt xuống như một sự đầu hàng và buông bỏ, và điều này đã chạm được vào trái tim. Chính xác là chạm sâu, vì ông tỏ vẻ tổn thương ghê gớm. Ông nói to, rõ ràng, rằng: này, tôi chưa già, tôi còn trẻ hơn chán vạn thanh niên. Nói dứt câu ông đi xuống cầu thang, động tác mạnh bạo dứt khoát. Tôi đi theo ngay. Chúng tôi đi xuống nhà dưới, thấy nhà không có ai, liền đi vào phòng phía trong, trông có vẻ như nhà bếp. Hóa ra không phải, căn phòng trông giống một sân khấu mini với những cái ghế thấp và một cái bục nổi ở góc trong. Tôi không thấy một dấu hiệu nào minh chứng cho sự tồn tại của đồ ăn trong phòng này, nên đứng tần ngần ở cửa. Tôi cố nhớ lại xem tối qua Beria có nói gì về việc ăn uống không, và khi không nhớ được cái gì khả quan thì quay sang hỏi giáo sư rằng giáo sư nghĩ người ở đây ăn gì. Ổng đáp rằng 72 sắc thái cà rốt, và ông hi vọng là có thêm bia, với xác xuất của hi vọng này là một phần triệu. Tôi nghĩ đến món cà rốt hầm củ cải, rồi món củ cải hầm cà rốt, rồi món cà rốt và củ cải hầm lẫn lộn. Nếu phải ăn những cái đó hàng ngày thì chả mấy chốc mà tôi mọc đuôi thỏ. Tai tôi sẽ dựng lên như cột cờ và rung rung như cờ bay trong gió. Viễn cảnh này làm tôi ớn lạnh, và tôi bảo với giáo sư là tôi vẫn hi vọng vào những thứ có nhiều đạm hơn. Ông bảo rằng ổng già rồi, nên thấy ổn với cà rốt, nhưng có lẽ cũng hơi khó với những người trẻ như tôi. Ông nói từ trẻ với một sự nhấn nhá đáng chú ý, và với một nụ cười hơi quá vô tư. Cái viễn cảnh phải gặm cà rốt mòn răng làm tôi hoang mang, nên chẳng buồn đáp lại.
Bên ngoài đường phố đã có cái vẻ nhộn nhịp của ngày mới. Hóa ra cư dân ở đây không chỉ là thỏ. Tôi đã mừng vì điều này. Có đủ cả: mèo, chó, chồn, tê giác, nhím, khỉ. Tất cả đều đi bằng hai chân, mặc đồ lịch sự, mang cặp hay túi và đội những cái mũ kiểu cách. Chúng đều không tỏ vẻ lạ lùng trước sự có mặt của hai người bọn tôi, và đều bình thản đi qua, chẳng buồn nhìn đến hai lần.