Trong lịch sử các thể loại game thì bắn súng góc nhìn thứ nhất – FPS được coi là đông người chơi và dễ gây nghiện nhất. Sở hữu lối chơi hành động tiết tấu nhanh đầy cuốn hút, các tựa game bắn súng luôn cho bạn một cảm giác đang đứng giữa cuộc chiến đầy cam go và khốc liệt. Trong tay bạn là một khẩu súng, bạn sẽ làm gì với nó và sử dụng kĩ năng của mình như thế nào đây? Sau đây là 10 series game bắn súng có tầm ảnh hưởng nhất mà Hiệp Sĩ Bão Táp tổng hợp lại.
1. Call of Duty
Phải chân thành cảm ơn studio Infinity Ward của Activision đã mang đến cho chúng ta một series hết sức tuyệt vời về một trò chơi FPS. Sức hút của Call of Duty bắt đầu tăng từ các bản Modern Warfare nhưng tiếc thay đến gần đây trò chơi này lại đang bị người chơi quay lưng với các phiên bản mới vì họ cho rằng nội dung của chúng đang bị lặp lại mà chẳng có gì thú vị cả. Dù thế nhưng số lượng cộng đồng người chơi online các phiên bản cũ của Call of Duty cũng không hề nhỏ, điển hình là bản Black Ops 3 vẫn được rất nhiều người chơi tham gia. Đây cũng chính là điểm mạnh lôi cuốn nhất của Call of Duty nói chung và các game FPS nói riêng: phần chơi mạng. CoD có thể nói là game đi tiên phong trong phần chơi multiplayer vì họ đã đưa được người chơi vào một không gian chiến tranh mở với tính khốc liệt cũng như khả năng phối hợp đồng đội cực kì cao. Người chơi có thể tuỳ chọn một số vị trí khác nhau cho bản thân trong đội hình như Sniper, Assault,…
2. Battlefield
Ra mắt cùng thời điểm với Call of Duty, Battlefield do studio DICE đảm nhận đúng là kẻ tám lạng người nửa cân, cạnh tranh nhau trong từng phiên bản. Phiên bản 1 của game mang tên Battlefield 1942 ra mắt năm 2002 lấy đề tài thế chiến thứ nhất. Không chỉ cung cấp cho người chơi một thế giới mở với nhiều cứ điểm (check point) khác nhau trên bản đồ để chiếm, game còn có nhiều phương tiện cơ giới rất thú vị như xe tải, xe tăng, máy bay nữa. Battlefield cũng cho người chơi lựa chọn giữa 2 phe trong cùng một map của cuộc chiến với gameplay của mỗi phe đều khác nhau. Battlefield 1 sử dụng nền đồ hoạ Frostbite, mọi hiệu ứng cháy nổ, các toà nhà đổ nát đều trở nên rất thật. Bản đồ rộng lớn đồng nghĩa với chiến thuật cho các màn chơi của mỗi phe cũng cần rất tinh tế. Bạn lái xe tăng đâm thẳng vào cứ điểm địch hoặc chọn đánh du kích hay bất ngờ lái máy bay vào đều sẽ phải cân nhắc. Chiến trường 64 người chơi sẽ thực sự bùng nổ với mức độ khốc liệt như thật. Ngoài các phương tiện mà người chơi kể trên giờ đây BF còn cho phép chúng ta có khả năng cưỡi ngựa và còn cung cấp một số vũ khí cận chiến thú vị như kiếm, chuỳ.
3. Counter Strike
Với bất cứ game thủ nào chắc hẳn ai cũng từng ít nhất một lần chơi qua Counter Strike (CS). Ban đầu đây chỉ là một bản mod trên Half Life do Lê Minh, một Việt kiều Mỹ phát triển nhưng vì sức hút của nó lúc bấy giờ quá lớn nên CS trở thành một tựa game độc lập. Dù đã hơn 10 năm tuổi và trải qua nhiều phiên bản như CS 1.1, CS 1.6, CS Online, CS Source, CS:Global Offensive nhưng chưa khi nào có một tựa game FPS online đủ mạnh để lật đổ “ách thống trị” của CS. Sự lôi cuốn xuất phát từ cách chơi đơn giản của game. Các người chơi chia làm 2 phe (thường là 5 vs 5), phe Terrotist (trộm) và phe Counter Terrortist (cảnh sát). Mỗi màn chơi sẽ có một thời gian nhất định mà phe này phải tiêu diệt hoàn toàn phe kia hoặc gài bom cho nổ C4 thành công (map DE) hay giải cứu được hết con tin (map CS). Trong các giải đấu CS tính chiến thuật là rất cao. Người chơi thậm chí phải tính toán làm sao số tiền của round này và round sau như thế nào để mua được súng tốt nhất, thuận tiện nhất. Làm thế nào để lọt vào một khu vực trên bản đồ an toàn mà không bị phục kích hay ném bom khói, bom mù có tính chiến thuật gây lạc hướng địch ra sao luôn là các câu hỏi lớn đặt ra cho các game thủ thi đấu.
4. Killing Floor 2
Khởi đầu chỉ là một bản mod từ game Unreal Tournament nhưng sau một thời gian dài phát triển, được cộng đồng game thủ yêu mến, Killing Floor đã ra mắt tới bản thứ 2. Bên cạnh Left 4 Dead 2, một cái tên đã “có tuổi” và quen thuộc với nhiều người thì Killing Floor 2 là 2 cái tên nổi bật nhất trong dòng game bắn zombie. KF2 sở hữu một gameplay cực kì mang tính chiều sâu để thu hút game thủ. Hỗ trợ đến 6 người chơi cùng lúc nên những màn co-op thường diễn ra đầy máu lửa trước bầy Zed khát máu hung hãn. Tương ứng với 6 người chơi là 6 class khác nhau bao gồm: Berserker, Commando, Support, Field Medic, Demolitionist và Firebug. Mỗi class này lại bao gồm nhiều nhánh kĩ năng khác nhau tạo ra sự đa dạng để game thủ thoải mái khám phá. Bên cạnh những món vũ khí phổ thông thường thấy như súng lục, súng trường, súng máy,… người chơi còn được cung cấp thêm nhiều loại vũ khí thú vị khác như búa, katana, kiếm, dao. Nhà sản xuất đã vô cùng tinh tế khi tạo ra những con Zed có thể bị cắt rời từng bộ phận sau những nhát chém trông sinh động hơn rất nhiều.
HAY KHÔNG KÉM
Left 4 Dead 2
Left 4 Dead 2 cho phép kết hợp tổ đội 4 người để bắn zombie qua những custom map khác nhau. Đây là một trong những game bắn zombie ăn khách nhất từng được tạo ra.
5. Halo
Không chỉ là tựa game “cứu cánh” cho các thế hệ console vì Halo tiên phong trong phần chơi mạng mà trò chơi này cũng như các FPS đều có một sức hút không thể chối từ với các game thủ. Mỗi phiên bản Halo ra đời đều đi kèm với sự trông đợi về phần multiplayer từ phía game thủ. Sau sự thất vọng từ bản 4 vì thiết kế khá giống kiểu CoD thì bản 5 lại sở hữu phần chơi mạng được đánh giá là hay nhất của series. Người chơi có thể tuỳ chọn trang bị trước khi vào trận với một vũ khí chính, một vũ khí phụ, lựu đạn và thay đổi được cả bộ giáp spartan nữa. Những màn chơi mang đến một tiết tấu nhanh và cảm giác kích thích khó tả. Không còn kiểu chơi núp một chỗ rồi đợi đối thủ đi qua và bắn lén, game thủ phải chú ý quan sát radar liên tục để định vị được vị trí của đối thủ. Khả năng nhảy cao của bộ giáp spartan khá hữu dụng trong một số tình huống xuất hiện gây bất ngờ cho đối phương. Ngoài ra trò chơi cũng có cả skin trang trí cho khẩu súng nhìn bắt mắt hơn.
6. Overwatch
Dù là game online không có phần chơi đơn nhưng Overwatch vẫn có cốt truyện riêng (Blizzard quả đúng với mệnh danh “nhà xuất bản tiểu thuyết” của mình, bạn có thể xem chúng tại đây). Nói ngắn gọn thì Overwatch là một tổ chức gồm các anh hùng bảo vệ trái đất khỏi sự nổi dậy của quân đoàn rô bốt Omnic. Sau một thời gian dài hoạt động, nhóm bắt đầu có những xích mích nội bộ và chiến tranh đã xảy ra. Overwatch tan rã mỗi người mỗi ngả và chúng ta thì có game để chơi. Thông thường, 10 người chơi sẽ được chia đều làm 2 phe với tuỳ chọn tướng khác nhau. Các tướng này đều sở hữu 2 kĩ năng riêng và một kĩ năng ultimate. Đương nhiên với mỗi tướng thì cách tấn công cũng khác nhau, ví dụ như Genji thì đánh cận chiến, Rodhog dùng súng phóng lựu có tốc độ bắn chậm, còn chơi Soldier 76 thì cảm giác như đang bắn Call of Duty vậy. Tính chiến thuật của Overwatch khá cao vì nếu biết cách kết hợp những kĩ năng của các tướng trong một đội thì tiêu diệt đối phương không hề khó khăn chút nào. Thời gian diễn ra một trận đấu trong Overwatch khá ngắn, chỉ khoảng 15 phút nên phù hợp với những ai có nhu cầu giải trí hơn là try hard đến cùng.
HAY KHÔNG KÉM
Paladins
Tuy rằng còn mới và bị gọi là Overwatch phiên bản free nhưng Paladins đang dần khẳng định được vị trí của mình bằng những tính năng đặc biệt cùng những bản update chất lượng.
7. Team Fortress
TF2 ra đời năm 2007 đến nay đã gần 10 năm tuổi dần trở nên già cỗi và là một game free to play vẫn được một số game thủ yêu thích. Game chỉ có đúng một kiểu chơi đó là online người đấu người. Người chơi được chia làm 2 phe xanh đỏ và có đến 9 lớp nhân vật khác nhau để lựa chọn. Kiểu game này khá tương đồng với Overwatch nên khi Overwatch vừa ra mắt, nó được so sánh với TF 2 rất nhiều và người ta coi nó như là một trò chơi thay thế cho game này luôn. Đương nhiên mỗi lớp nhân vật đều có kĩ năng, vũ khí và bề ngoài khác nhau để cho game đa dạng. Ví dụ như Scout không sở hữu những vũ khí sát thương cao nhưng tốc độ di chuyển nhanh có thể do thám hoặc gây rối đội hình địch. Medic là thành phần hỗ trợ tăng máu cho các Tanker hạng nhất, luôn là một phần không thể thiếm của team. Nói chung, việc chia class cho nhân vật của các trò chơi FPS là rất thường thấy nhưng hiệu quả của nó luôn luôn mang đến một chữ: xuất sắc. Ngoài ra, TF2 cũng sở hữu tới hơn 30 map và có nhiều mode chơi khác nhau. Một trong số đó đến giờ vẫn được nhiều game FPS khác kế thừa lại đó là Pay Load Race (áp tải xe chở hàng đến cứ điểm địch) và rất được ưa chuộng bởi phần đông game thủ.
8. Payday 2
Payday 2 của hãng game Overkill là một trong những game bắn súng co-op thành công nhất và cũng nhận được nhiều lời đánh giá tích cực nhất trên steam. Vào vai một nhóm gồm 4 tên trộm đi cướp nhà băng, bạn sẽ có 2 phương án chính để cướp tiền của nhà băng trong game. Thứ nhất là chơi dạng stealth, cố gắng kín đáo nhất có thể và lên kế hoạch đi qua các lớp bảo vệ mà không bị phát hiện rồi chôm tiền và tẩu thoát. Cách này chỉ có thể áp dụng với một số màn chơi và được coi như cách chơi phụ để game tăng phần kịch tính mà thôi. Thứ 2 là chơi kiểu loud, bạn và đồng đội sẽ quẩy tung cả chỗ cần cướp lên, đối mặt với hàng trăm, thậm chí là nghìn cảnh sát từng đợt xông vào. Một tính năng khác khiến nhiều fan mê mệt với Payday 2 chính là hệ thống kĩ năng, cộng perk của game. Có 4 cây kĩ năng khác nhau bao gồm Mastermind, Enforcer, Technician, Ghost để người chơi có thể tuỳ biến và nâng cấp theo các vị trí mong muốn trong lúc chơi. Trong mỗi cây lại có 6 nhánh điểm cộng, và mỗi điểm cộng này có 2 cấp độ khác nhau nên việc lựa chọn kĩ năng trong Payday 2 tương đối phức tạp, cần nhiều thời gian nghiên cứu. Ngoài ra thỉnh thoảng bạn cũng có thể nhặt được các chest để mở skin súng trông rất bắt mắt.
9. Destiny
Là một siêu phẩm game FPS online kết hợp với RPG như Borderlands nhưng Destiny nổi tiếng có lẽ nhờ những thông tin hậu trường khá khủng, 500 triệu USD của nó. Cùng nhà phát triển Bungie nên Destiny và Halo cũng có vài điểm tương đồng. Bối cảnh về một chiến tranh vũ trụ chiến đấu chống lại các quái vật ngoài hành tinh của 2 trò chơi khá giống nhau. Nhưng Destiny sở hữu một hệ thống skill point, số lượng súng và item cùng chế độ nâng cấp tốt hơn Halo nhiều. Dù là game online nhưng Destiny cũng sở hữu một cốt truyện riêng nhưng bị đánh giá là khó hiểu và rời rạc. Bù lại, các bản vá cập nhật cùng các bản mở rộng DLC cũng được ra mắt đều đều khiến game thủ cứ an tâm mà chơi. Chỉ có một vấn đề duy nhất nhưng cũng quan trọng nhất là giá của các bản DLC cũng như game không hề rẻ. Có lẽ lý do là game được đầu tư lớn quá nên giờ chỉ còn cách hút mau game thủ để thu hồi vốn thôi. Giống như Borderlands, điểm thu hút lớn nhất của Destiny chính là khả năng co-op từ 4 đến 6 người để đánh boss. Không chỉ hỗ trợ hay cover cho nhau, chiến thuật lúc chơi cũng phải phân chia rõ ràng thì mới tiêu diệt nổi những con trùm khó nhằn.
10. Tom Clancy’s Rainbow Six Siege
Không được đánh giá cao về mảng chơi online với nhiều sản phẩm thất bại nhưng Ubisoft vẫn còn một quân át chủ bài trong tay mang tên Rainbow Six Siege. Người chơi cũng được chia 2 phe công – thủ, mỗi bên sẽ có các nhiệm vụ riêng khác nhau qua từng màn chơi. Nhưng tổng quan mà nói, bên thủ sẽ phải sử dụng tất cả những gì có thể lập nên hàng rào chắn các lối ra vào, còn bên công ngược lại, phải dùng các biện pháp tối ưu nhất nhằm đột nhập vào bên trong. Nếu bạn lên youtube tìm thì sẽ thấy không thiếu các video highlight mà chỉ một thành viên bên đội công hạ gục toàn bộ phe thủ. Để làm được điều này, việc bàn chiến thuật và chọn nhân vật trước khi bước vào trận đấu rất quan trọng. Có khoảng 20 nhân vật trong game với diện mạo, vũ khí vật phẩm khác nhau với vị trí chiến thuật cũng khác nhau như: Pointman, Breacher, Support, Trapper,… Các màn chơi trong Rainbow Six Siege được thiết kế với lối kiến trúc tương đối mở, tạo điều kiện cho cả 2 bên sáng tạo ra vô số các chiến thuật tuỳ thích. Người chơi cũng có thể sử dụng những yếu tố vật lý hoặc các đồ vật trong phòng tạo ra các lớp chắn đề phòng bên tấn công có thể đột nhập bất cứ lúc nào. Ngược lại, sử dụng xe đồ chơi để do thám trước địa điểm tấn công là một lựa chọn không tồi chút nào.
Ơ cái đệt BF1 mà làm bằng nền đồ họa Unreal Engine 4 à
Vc best seeder ever, đến cả game có singleplayer, đưa mutilplayer vào thôi cũng đc gọi là game online….
Thôi lạy
Hi Speca,
cảm ơn bạn đã góp ý về lỗi trong bài viết, chúng mình sẽ sửa liền ^^ Còn về mục multiplayer trong các game được coi như phần online riêng cũng khá là bình thường mà. Như kiểu Titanfall 2 là game online nhưng cũng có mục singleplayer vậy 😀 Mong bạn sẽ đóng góp ý kiến nhiều nữa (y) Chúc Speca năm mới vui vẻ!
may vãi team fortress 2 vẫn trong đó