Năm 2016 là một năm nổi bật với nhiều sự kiện lớn được tổ chức trong làng E-sports thế giới. Có rất nhiều cái tên thường xuyên được nhắc đến trong cộng đồng game của riêng họ, nhờ tài năng và cá tính riêng của mình. Đầu năm mới, Hiệp Sĩ Bão Táp xin được tổng kết 10 cái tên của các game thủ tầm cỡ nhất trong năm vừa qua!
1. Miracle (Dota 2)
Nổi tiếng thế giới khi mới chỉ 18 tuổi, Miracle hiện đang là một tài năng trẻ sáng giá nhất của làng DOTA 2 thế giới năm 2016. Gây dấu ấn với người hâm mộ nhờ sở hữu số điểm MMR cực khủng lên tới con số kỷ lục 9k, tài năng của anh còn được biết đến thông qua những pha highlight ghi lại khoảnh khắc phô diễn kỹ năng cá nhân đạt mức hoàn hảo. Nhưng có lẽ cái tên Miracle được biết đến rộng rãi nhất là khi anh bước vào đấu trường chuyên nghiệp. Sau TI5, Miracle tham gia vào tham gia vào team Monkey Business (sau này đổi tên thành OG) với vai trò carry, cùng với N0tail – cựu thành viên Cloud9 (midlane), Moonmeander (offlane), Cr1t và Fly (support) và gặt hái được hàng tá các chức vô địch các giải đấu lớn nhỏ trong năm như DreamLeague Season 4, DreamLeague Season 5, The Frankfurt Major, The Manila Major, ESL One Frankfurt 2016… Sau TI6, Miracle bất ngờ rời khỏi team OG để gia nhập Liquid. Tại đây anh cùng đồng đội mới đã vô địch được DreamLeague Season 6.
2. w33 (Dota 2)
Trái ngược với Miracle với bản lý lịch sạch đẹp cùng với sự yêu mến và tôn trọng của các game thủ chuyên nghiệp lần người hâm mộ, w33 lại là một thần đồng nổi loạn, khi anh đã có khá nhiều tai tiếng ngay từ thời còn là pubstar. Sớm gây tiếng tăm cùng BBC khi có những chiến thắng bất ngờ trước các top team trên thế giới, nhưng anh chàng này cũng chịu không ít chỉ trích bởi thái độ thiếu chuyên nghiệp của mình khi đã gian lận trong một giải đấu online. Tương lai tưởng như chấm hết với game thủ “lắm tài nhiều tật” này, tuy nhiên sau The International 5, Team Secret quyết định form lại đội hình thì w33 bất ngờ được lựa chọn và tin tưởng đảm nhiệm vị trí solo mid sở trường. Với những hero sở trường đã làm nên danh tiếng của anh như Meepo, Shadow Fiend hay Earth Spirit, w33 đã thật sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình ở Team Secret khi gặt hái được chức vô địch MLG World Finals, Nanyang Dota 2 Championships, The Shanghai Major 2016. Tưởng chừng như thành công tiếp tục được chắp cánh cùng những người đồng đột, anh cùng người đồng đội Misery bất ngờ bị kick khỏi Secret chỉ vài ngày trước khi luật roster lock lúc đó của Valve được thực hiện. May mắn thay, Digital Chaos của Sunsfan xuất hiện giang tay cứu rỗi bộ đôi tội nghiệp này. Tại TI6, anh cùng những người đồng đội mới gây bất ngờ khi chỉ tham dự giải với tư cách là 1 team “underdog”, DC đã tiến thẳng 1 mạch tới vị trí Á quân. Đây là thành quả xứng đáng sau sự nỗ lực xóa nhòa scandal và sự kì thị từ cộng đồng thế giới Dota 2.
3. Amnesiac (Hearthstone)
Năm 2016 cũng là một năm thành công đối với William Barton (nickname: Amnesiac) khi anh bất ngờ khi giành ngôi vô địch tại giải đấu Hearthstone Americas Winter Championship, qua đó trở thành game thủ trẻ tuổi nhất từng đăng quang ngôi vô địch tại một giải đấu Hearthstone chuyên nghiệp. Điều đáng ngạc nhiên rằng Amnesiac mới chỉ biết đến Hearthstone một năm trở lại đây, khi anh mới bắt đầu thử sức với tựa game này vào năm 14 tuổi. Cách đây đúng một năm, chàng trai trẻ sinh năm 2001 đã đăng ký tham dự giải đấu Hearthstone Americas Winter Championship, nhưng đã bị thua ngay từ vòng loại. Sang đến năm nay, game thủ này đã tiếp tục kiên trì và đăng quang ngôi vô địch khi vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ như AISkyhigh hay Nostam. Với ngôi vô địch Hearthstone Americas Winter Championship, Amnesiac đã bỏ túi 25.000 USD (hơn nửa tỷ đồng). Đây có thể xem là phần thưởng xứng đáng dành cho game thủ trẻ tuổi này. Ở thời điểm hiện tại, William Barton đang là thành viên của tổ chức NRG esports.
4. Rouji (Hearthstone)
Hearthstone China vs Europe là giải đấu mà cộng đồng game thủ chuyên nghiệp Hearthstone luôn khát khao và chờ đợi. Ở hai mùa trước, người Trung Quốc đã phải vô cùng tiếc nuối khi nhiều lần tưởng chừng chạm được tay vào chức vô địch. Cuối cùng thì đến năm nay, game thủ 19 tuổi Ruoji đã làm được điều mà ai cũng mong muốn. Ngày 29/5 là một ngày khó quên đối với Ruoji – thành viên team Newbee đã vượt qua hàng loạt các tên tuổi đến từ châu Âu để đăng quang chức vô địch Vòng bán kết của Hearthstone China vs Europe season 3 là cuộc thư hùng giữa Ruoji và 3 game thủ đến từ Thủy Điển, Đức và Ukraine. Bằng bản lĩnh cùng khả năng của mình, Ruoji đã xuất sắc giành chiến thắng 3-0 trước game thủ SuperJJ đến từ Đức để bước vào trận chung kết với Kolento của Ukraine. Ruoji đã phải rất vất vả để vượt qua Kolento với tỷ số suýt soát 3-2 trong trận chung kết tổng BO5 đầy kịch tính. Ấn tượng nhất ở giải đấu này chính là phần thưởng cho người vô địch. Cụ thể, trở thành quán quân giải đấu Hearthstone China vs Europe: Season 3, game thủ Ruoji nhận được phần thưởng là chiếc xe Ferrari trị giá 200.000 EURO (khoảng 5 tỷ VNĐ) được trao bởi chính tay giám đốc điều hành NetEase và đại diện hãng Blizzard.
5. Faker (League of Legends)
Nhắc đến đấu trường LMHT chuyên nghiệp, cái tên Faker chắc chắn được các game thủ tưởng tượng đầu tiên. Danh tiếng của Quỷ Vương Bất Tử giờ đây đã càng nổi tiếng hơn khi Faker đã sở hữu cho mình 2 chức vô địch thế giới. Cùng với đó, chàng game thủ này cũng chính thức trở thành MVP của CKTG mùa 6. Đây là lần thứ 2 Thánh Nerf có được danh hiệu quý giá này, lần đầu tiên chính là ở CKTG mùa 3. Năm 2015, mặc dù SKT T1 vô địch nhưng MVP thuộc về một tuyển thủ khác. Đó chính là cựu đội trưởng của SKT T1 – Jang “Marin” Gyeong-hwan. Với những gì đã thể hiện tại CKTG mùa 6, rõ ràng Faker vẫn nổi trội hơn một chút người đồng đội của mình, xạ thủ Bang.
6. GeT_RiGhT (CS:GO)
GeT_RiGhT là 1 trong những game thủ tài năng mà đất nước Thụy Điển đã sản sinh ra. Sinh ngày 29/05/1990, ngay từ thời thơ ấu Alesund thường hay chơi Quake, Doom,… với người anh Robin cho đến khi dòng game Counter-Strike ra mắt. Anh chàng đã chọn cho mình một hướng đi mà rất ít các bậc phụ huynh đồng ý đó chính là trở thành game thủ chuyên nghiệp và series Counter-Strike chính là bộ môn thi đấu chính của anh kể từ thời thơ ấu đó. Kể từ khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp, Alesund gần như đạt được mức phong độ ổn định đến đáng kinh ngạc khi hầu hết những giải đấu mà Alesund cùng với những đồng đội của mình tham dự thì anh đều nằm trong top những game thủ có mức đánh giá cao nhất của giải đấu. Những gì mà Alesund gặt hái được ở Counter-Strike 1.6 và CS:GO đã giúp anh từng bước trở thành một trong những game thủ tượng đài của dòng game FPS nói chung và Counter-Strike nói riêng. Phong độ ổn định, kỹ năng chuẩn xác và sự thích ứng cực nhanh với bất kỳ vị trí nào trong đội là điều mà chỉ Christopher Alesund làm được ở dòng game Counter-Strike này. Năm 2016 cũng là một năm cực kì thành công với anh chàng này khi anh cùng với đội tuyển NiP của mình vô địch liên tiếp 3 giải đấu DreamHack Masters Malmö 2016 StarLadder i-League StarSeries Season 2 Intel Extreme Masters XI – Oakland.
7. Smeb (League of Legends)
Smeb ở hiện tại gần như không có đối thủ ở đường trên sau khi Marin rời SKT T1 sang đất Trung Quốc thi đấu. Ngay từ những ngày đầu, Smeb là học viên thử nghiệm thất bại của SKT T1 cùng Huni, Reignover, Rush, Scout, Fury và Piccaboo. Tuy nhiên kể từ khi về với HUYA Tigers, Smeb thăng tiến kĩ năng đến mức khó tin, ngay cả giới chuyên môn cũng không thể tưởng tượng nổi. Anh nổi tiếng với phong cách thi đấu chắc chắn khi cần chắc chắn, hào hoa khi cần hào hoa, đẹp mắt khi cần đẹp mắt và hiệu quả khi cần hiệu quả. game thủ 21 tuổi này đi đường cực tốt, cực chuẩn bài bằng kĩ năng cá nhân rất ghê nhưng quan trọng nhất, anh chàng này bắt kịp với tất cả chiến thuật mới, thay đổi mới đến từ Riot và cộng đồng. Hai chức vô địch phải kể đến trong năm 2016 của anh là 2016 LCK Summer và 2016 LoL KeSPA Cup. Smeb hiện tại đang thi đấu với vị trí đường trên tại đội tuyển KT Rolster.
8. ClearLove (League of Legends)
Ming ‘ClearLove’ Kai, sinh ngày 25/07/1993, quốc tịch Trung Quốc, hiện tại đang thi đấu chuyên nghiệp bộ môn Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) trong màu áo của đội tuyển Edward Gaming(EDG), vị trí đi rừng (jungler). ClearLove là một trong những tuyển thủ nổi tiếng đầu tiên của nền LMHT Trung Quốc, cùng thời với những “Thần Bài” Misaya hay siêu xạ thủ Weixiao. ClearLove, với kinh nghiệm và kỹ năng bậc thầy của mình, là chất keo quan trọng kết dính đội hình song ngữ, biến EDG trở thành đội tuyển có sự kết hợp Hàn-Trung tốt nhất thế giới. Không chỉ sở hữu kỹ năng cá nhân thượng hạng, ClearLove còn có bề dày kinh nghiệm thi đấu rất đáng nể. Tuy chỉ một danh hiệu nữa ngăn anh trở thành một trong những người chơi thành công nhất trong sự nghiệp LMHT : Vô địch Chung kết thế giới, nhưng 2016 cũng là một năm tương đối thành công khi anh gặt hái được rất nhiều chức vô địch như 2016 Demacia Cup hay All-Star Barcelona 2016.
9. Suma1L (Dota 2)
Syed Sumail “Suma1L” Hassan là game thủ người Pakistan sống tại Rosemont, Illinoisvà thường chơi ở vị trí solo mid tại Evil Geniuses. Sumail bắt đầu chơi Dota từ năm 8 tuổi. Sau khi đến Mỹ, cậu bắt đầu chơi cho giải North AmericanElite League (giải đấu dota của Bắc Mỹ). SumaiL nhanh chóng trở thành game thủ được đánh giá cao nhất tại giải đấu trong nhà này, trở thành một trong những tài năng sáng giá nhất trên đấu trường Bắc Mỹ. Trong năm 2016, game thủ này đã được bầu chọn trên bảng xếp hạng của tạp chí Times danh tiếng khi anh đã lọt vào top 30 gương mặt tuổi teen nổi bật và có tầm ảnh hưởng nhất của thế giới trong năm 2016. Thậm chí, Times còn nhấn mạnh chi tiết rằng cậu bé này là anh chàng trẻ tuổi nhất trong lịch sử kiếm được hơn 1.000.000 USD từ thi đấu esport chuyên nghiệp. 2016 cũng là năm tương đối thành công của Sumail, khi anh chàng này vẫn giữ vững được phong độ và là một trong những đầu tàu không thể thiếu của Evil Geniuses trong mọi giải đấu.
10. Wings Gaming (Dota 2)
Wings Gaming có lẽ là nhà vô địch TI đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc trái chiều nhất trong lịch sử các giải đấu TI. Có một sự thật là đến thời điểm này, dù bước lên đỉnh cao của thế giới nhưng chắc chắn có rất nhiều người hâm mộ Dota vẫn chưa thể điểm mặt gọi tên các từng thành viên của Wings. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi dù được đánh giá là ứng cử viên vô địch với 2 chức vô địch LAN, người ta cũng không giành sự quan tâm đến cho các chàng trai Trung Quốc này. Thật vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập team, các player của Wings đều không phải là các “ngôi sao”. So sánh trực tiếp với 5 nhà vô địch trước kia, mỗi team trong đó đều có những người được hâm mộ cực kỳ cuồng nhiệt, thậm chí là từ Dota 1 đến nay. So với họ, Wings có lẽ chỉ là những con người “vô danh” mà thôi. Tuy nhiên bằng lối đánh vô cùng linh hoạt và độc đáo, khiến những bộ não lãnh đạo thiên tài trong giới Dota 2 cũng phải lắc đầu ngao ngán khó có thể bắt bài được Wings. Với phong cách thi đấu táo bạo, sự gắn kết với nhau ngày càng thêm bền chặt, cùng kỹ năng mỗi cá nhân ở trình độ cao, chắc chắn những đôi cánh trắng Wings vẫn sẽ còn bay cao trong tương lai.