Tản mạn về Publishers – Những nhà phát hành game

Chủ xị

  

Một ngành công nghiệp game sẽ không thể thành công nếu thiếu đi một khâu quan trọng nhất, đó là đưa game đến với người chơi. Và những người làm công việc cực kì cần thiết ấy không ai khác, mang tên các nhà phát hành game. Họ có thể chính là những người đã phát triển game đấy hoặc được một studio làm game khác giao phó sản phẩm của mình. Hôm nay Hiệp Sĩ Bão Táp sẽ theo bước những publisher như vậy để tìm hiểu cách họ hoạt động và những khó khăn mà họ gặp phải nhé.

Publisher – họ làm gì?

Là chỗ dựa tài chính của cả ngành công nghiệp game: Thật đấy, họ không chỉ trả tiền cho những studio, những nhà phát triển để họ có động lực tạo ra sản phẩm của riêng mình mà còn phải làm mọi cách để bán được những sản phẩm đó. Một siêu phẩm được nhiều người ngóng trông có thể phải mất tới 10 triệu USD để tạo ra và vì thế, một publisher là không thể thiếu nếu muốn lấy lãi bù vào số tiền khổng lồ ấy. Mặc dù vậy nhưng vài studio sau vài năm bắt đầu làm ăn khấm khá cũng đã có thể tự mình bán game mà không phải qua bên trung gian nào.

Một góc làm việc tại văn phòng của nhà phát hành Ubisoft

Một góc làm việc tại văn phòng của nhà phát hành Ubisoft

Marketing: Vậy làm thế nào để mà bán được game cho người chơi như chúng ta đây hả các publisher? Đương nhiên là các nhà phát hành sẽ cần một vài chiến dịch PR và marketing hiệu quả rồi. Marketing sẽ không thể giúp publisher bán được game trong nháy mắt nhưng nó sẽ từ từ có hiệu quả và rồi một ngày nào đó, họ sẽ trở thành top publisher bằng sự nổi tiếng của mình. Mạng xã hội là một cách hiệu quả để quảng bá cho bất cứ thương hiệu nào. Ngày nay có rất nhiều sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter,… Một vài thống kê cho thấy hầu như bất cứ ai sử dụng internet đều có ít nhất 1 tài khoản mạng xã hội. Vì thế đây chính là kênh tiếp cận dễ nhất cho các publisher đến với gamer. Dù vậy đôi khi game thủ vẫn tin vào những lời khuyên của người quen rằng nên mua game nào, của ai hơn là chỉ vài bài viết đăng trên Facebook.

Thẩm định sản phẩm: Các developer tài năng là những người làm nên sản phẩm nhưng họ không bán nó nên các game đôi khi thiếu đi sức hấp dẫn. Thân làm publisher không thể không tham gia vào khâu này để kịp thời có những điều chỉnh và dẫn developer đi đúng đường. Nhưng việc này thường chỉ xảy ra khi các hãng game có ban marketing riêng và họ thuê một số người bên ngoài để kiểm tra tính khách quan cho game của mình. Đây cũng là lý do các game hiện nay thường xuyên được update cùng những bản DLC, vừa để đào thêm từ túi tiền game thủ, vừa để kéo dài sức hấp dẫn cho sản phẩm ấy.

Các nhà bán lẻ: Sử dụng kênh bán lẻ là con đường đi dễ dàng nhất để các nhà phát hành bán được sản phẩm. Cứ thử nhìn Steam hay GoG mà xem, có đến hàng ngàn tựa game trên đó từ bom tấn đến bom xịt, từ mini game đến những siêu phẩm sát phần cứng,… đều có cả. Người chơi mua game trên kênh bán lẻ bởi họ thường xuyên có những đợt khuyến mãi mà giá cả sẽ rẻ hơn mua trực tiếp từ publisher rất nhiều. Với lại thời nay, mấy ai mua game mà lại không lên Steam cơ chứ.

Khó khăn

Đi đôi với khả năng chi phối ngành công nghiệp game là những khó khăn luôn thường trực xung quanh các nhà phát hành. Con đường dẫn đến thành công không trải đầy hoa hồng và những khó khăn như là gai nhọn của cành hoa tươi đẹp ấy.

Các nhà phát hành phải canh thời điểm ra mắt game trước mùa sale vài tháng

Các nhà phát hành phải canh thời điểm ra mắt game trước mùa sale vài tháng

Chọn đúng thời điểm phát hành: Làm game cũng giống như trồng lúa vậy, luôn có mùa vụ. Publisher cần phải chọn đúng thời điểm đó để tối ưu được doanh số cho sản phẩm. Giáng sinh được coi là thời điểm hợp lý nhất trong năm. Có đến một phần tư doanh số thu được đều nằm trong dịp này bởi Giáng sinh và Tết cũng khá liền nhau. Thêm nữa các nhà bán lẻ luôn luôn đưa ra nhiều những chương trình khuyến mãi trong các dịp lễ. Các nhân viên văn phòng hay học sinh sinh viên được nghỉ vào cuối năm nên họ có nhiều thời gian dành cho game hơn thì họ sẽ mua nó.

Đối thủ cạnh tranh: Ngành game càng phát triển thì những nhà làm game càng mọc nhiều như nấm. Từ đó sự cạnh tranh giữa các publisher cũng diễn ra khốc liệt hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những tên tuổi lớn, vững mạnh sẽ có nhiều cơ hội đè chết những publisher mới nổi và định dấn thân vào thị trường cam go này. Nhưng cũng không phải là không có cách cho những studio nhỏ phát triển. Họ có thể làm những game indie với chi phí thấp, đầu tư tập trung vào nội dung hơn là mặt hình ảnh thì vẫn sẽ nhận được sự đón nhận từ cộng đồng game thủ.

Rủi ro trong phát hành: Công ty nhỏ thì có thể bị công ty lớn hơn đè ép, nhưng không phải vì thế công ty lớn sẽ dễ dàng thuận buồm xuôi gió trong việc làm ăn. Thương hiệu càng tên tuổi thì sự kỳ vọng càng lớn, và nếu bạn không làm đủ tốt để thoả mãn game thủ thì những vị khách khó tính ấy sẽ quay lưng ngay lập tức với bạn. Lấy ví dụ đơn giản như No Man’s Sky của Hello Games. Mặc dù không phải là studio lớn nhưng chiến dịch PR và marketing của họ phải nói là trên cả tuyệt vời. Dường như cả thế giới đều trông mong 1 siêu phẩm giả lập vũ trụ với 18 tỷ tỷ hành tinh đang chờ được khám phá. Cuối cùng khi họ phát hành NMS, nó là cả một sự thất vọng lớn, lớn đến nỗi chưa từng có game nào được đánh giá kém như thế trên Steam. Và từ nay về sau, Hello Games cũng khó có đường để quay lại thị trường làm game được nữa.

Một số thương hiệu

Bảng thống kê lợi nhuận của các nhà phát hành lớn năm 2015

Bảng thống kê lợi nhuận của các nhà phát hành lớn năm 2015. (Theo Wiki)

Những tên tuổi lớn và có thâm niên làm các series game thường dễ bán sản phẩm hơn và số tiền thu được cũng không hề nhỏ. Nhìn vào bảng ta có thể dễ thấy Sony với những game độc quyền trên console, nhất là Play Station đang chiếm ưu thế với gần 10 tỉ Euro 1 năm. Tiếp sau, ở top 3 là cuộc cạnh tranh sít sao giữa Microsoft với Gears of War 4 và Tencent sở hữu nhiều game online được yêu thích tại Trung Quốc.

Thứ hạng của các nhà phát hành cỡ trung năm 2014. (Theo Wiki)

Thứ hạng của các nhà phát hành cỡ trung năm 2014. (Theo Wiki)

Một số nhà phát hành cỡ trung cũng có thể dễ dàng bứt phá lên top thương hiệu lớn. Ví dụ như Telltale Games hay Sega gần đây đều có những bước tiến lớn trong công việc làm ăn của mình. Nhìn sơ qua cũng có thể dễ thấy rất nhiều những thương hiệu của Nhật Bản đều nằm trong top bảng xếp hạng. Qua đó mới thấy được rằng khả năng marketing của Nhật cùng những game họ làm ra tốt và chất lượng như thế nào. Lưu ý rằng những số lượng trên đều mang tính chất tham khảo, vì ngành game luôn thay đổi từng ngày mà.

Nguồn: Tổng hợp

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện