Tại sao Modern Warfare II (2022) sẽ không thể nào thế chỗ được Modern Warfare 2 (2009)

Khách mới

  

Thời điểm phát hành Call of Duty: Modern Warfare II, tựa game COD được mong chờ nhất trong nhiều năm qua đang cận kề. Không ít game thủ, đặc biệt là những ai đã gắn bó lâu năm với dòng game FPS này. Và với việc là bản reboot, chắc chắn MWII sẽ không thể tránh khỏi việc bị so sánh với MW2 (2009) vốn đã để lại di sản vô cùng đồ sộ vẫn còn đậm dư âm cho đến bây giờ. Và công bằng mà nói chính Infinity Ward và Activision cũng không giấu diếm việc họ đang tận dụng tâm lí hoài cổ và những kí ức đẹp của các fan COD cho phiên bản mới này. Và tôi cũng sẽ nói luôn đó là MWII sẽ không thể nào thế chỗ cũng như sánh bằng những gì mà MW2 từng đạt được.

Cốt truyện và nhân vật.

Có lẽ giờ đây khỏi phải nói về cốt truyện cũng như nhân vật của bộ ba Modern Warfare khi câu chuyện về Cpt. Price, Ghost, Soap, Shepherd, Makarov,… đã kinh điển và mang tính biểu cho cả dòng game COD và ngành game cũng như gắn liền với kí ức và tuổi thơ của vô số game thủ cho đến giờ. Và mục đích chính của việc reboot MW vốn cũng là để đưa các nhân vật biểu tượng này trở lại để tận dụng hoài niệm từ các fan. Bởi công bằng mà nói, lần cuối cốt truyện và nhân vật của phần COD nào thực sự để lại dư âm sâu đậm cho bạn cũng như đa phần các fan?

Theo tôi thì phần lớn vẫn là Black Ops II với những Woods, Mason và Menendez. Dù cho Advanced Warfare hay Infinite Warfare có cốt truyện và tuyến nhân vật chất lượng thì chúng cũng không có tầm ảnh hưởng được như tuyến nhân vật của Modern Warfare/Black Ops, nếu không chúng đã có phần 2 rồi. Cũng vì sự sụt giảm về danh tiếng và chất lượng của các game COD sau Black Ops II mà có thể nói Modern Warfare (2019) và Black Ops Cold War là cách mà Activision lôi kéo các fan trở lại với lới hứa hẹn rằng họ sẽ được đồng hành cùng với những nhân vật yêu thích của mình một lần nữa (chưa kể việc MW2019 còn chủ động tạo ra bê bối và tranh cãi như các phiên bản cũ). Dù sau thì lần đầu cũng vẫn là khó quên nhất và phép màu khó mà có thể tái tạo được lần 2.

Và nếu bạn đã chơi MW (2019) thì khả năng cao đó dù có phần chơi chiến dịch cực kì chất lượng thì một điều chắc chắn nó không thể đáng nhớ như các game MW. Lí do là bởi khi lần đầu COD 4 ra mắt, dòng game FPS dù có phải quân sự hay không đều ít chú trọng vào cốt truyện và nhân vật (với ngoại lệ là Half-Life, Halo, Timesplitters,…). Vậy nên COD 4 thực sự là cái gì đó mới mẻ khi không chỉ có cốt truyện chân thực mà còn cả các nhân vật đáng nhớ và có sự gắn kết với người chơi cũng như không ít những khoảng khắc vô cùng giàu cảm xúc và đáng nhớ. Và khi mà những game FPS khác còn đang cố tái tạo được phép màu tương tự thì Infinity Ward thậm chí còn tiến được xa hơn với MW2.

Việc tạo nên một hậu bản cho một trong những game hay và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại chắc chắn không hề đơn giản chút nào, nên nhớ rằng MW2 là hậu bản trực tiếp đầu tiên của một game COD khi mà các phiên bản trước đó không có liên kết trực tiếp nào với nhau. Và phần chơi chiến dịch của MW2 có thể nói là không những không phụ lòng mong đợi của các fan mà còn tạo nên bản sắc riêng của mình và có chỗ đứng vững chắc trong suốt chiều dài lịch sử của dòng game COD, nếu không muốn nói là tựa game hay và tuyệt vời nhất.

Đùng là cốt truyện của game có nhiều điểm lố bịch và bất hợp lí, vậy nhưng những sự kiện và diễn biến trong MW2 đều để lại một suy tư và cảm xúc nào đó cho người chơi, đều khiến cho những cảnh hành động chạy nổ trong game thực sự có tác động cũng như có ý nghĩa gì đó với người chơi hơn. Cùng với đó là dàn nhân vật cực kì ấn tượng và khó quên cũng như những diễn biến vô cùng bất ngờ khiến cho MW2 lại càng đáng nhớ hơn bao giờ hết. Có lẽ khỏi cần phải nhắc đến, các fan cũng có thể kể ra vô số khoảnh khắc kinh điển trong phần 2 này. Và nếu bạn cảm thấy rằng kí ức về MW2 của bạn đã phai mờ theo thời gian thì bạn có thể lên Youtube và tìm kiếm phần soundtrack của game, bởi phần nhạc nền kinh điển của Hans Zimmer và Lorne Balfe chắc chắn sẽ giúp hồi sinh những kí ức đó cho bạn, bởi dù các game COD sau có được đầu tư âm nhạc tốt đến thế nào thì nhạc của MW2 vẫn là vô đối.

Phần chơi online đỉnh cao.

Đối với đa phần game thủ Việt Nam thì thời điểm MW2 ra mắt vào 2009, chúng ta tiếp cận chủ yếu với phần chơi chiến dịch hoành tráng cũng như phần Special Ops khá hấp dẫn của game không mấy người thực sự được thưởng thực phần chơi online vốn là điểm nhấn chính nhất của game khi đó. Giờ đây khả năng cao bạn cũng đã được thưởng thức phần chơi mạng của một bản COD nào đó như COD: Mobile, Warzone hoặc một phiên bản chính. Và đúng là trước kia cũng như bây giờ COD luôn mang tiếng là trăm bản như một, mỗi phiên bản đều chả khác nhau mấy. Vậy nhưng tôi, một người đã chơi MW2 gần 150 giờ có thể khẳng định rằng phần online của nó là vô đối cũng như độc nhất vô nhị.

Đầu tiên chúng ta cần nhìn lại một chút về thời điểm MW2 được phát hành, đó là năm 2009. Lúc này, phần lớn thế giới, đặc biệt là nước Mỹ vẫn đang phải hứng chịu đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ, đời sống văn hóa tinh thần của của mọi người cũng vô cùng xám xịt và ảm đạm, bởi vậy mà những sản phẩm giải trí như Avatar, MW2, Left 4 Dead 2, Sherlock Holmes, Transformers 2 (thực ra còn tùy),… là rất có ý nghĩa khi giúp giải tỏa tâm lí và khiến mọi người giao lưu với nhau nhiều hơn trong thời buổi khó khăn. Đồng thời trước khi MW2 ra mắt, ngoại trừ một số game cực kì phổ biến như GTA, Halo hay FIFA thì video game nói chung, đặc biệt là các game có phần online như World of Warcraft hay Counter Strike phần nhiều vẫn bị coi là dành cho lũ nerd (mọt sách) cũng như là văn hóa nerd. MW2 với màn marketing 200 triệu USD vô cùng hoành tráng của Activision đã khiến cho gần như ai cũng biết đến tựa game vào thời điểm đó.

Và bên cạnh việc là cái gì đó giải khuây trong thời buổi khó khăn này, MW2 với mức giá 60 USD cũng là một món quà sinh nhật hay Giáng sinh không tồi chút nào cho các cậu nhóc hay thanh thiếu niên. Có thể nói cũng nhờ đó mà thế hệ “trẩu” COD đầu tiên trên Xbox Live được thực sự sinh ra từ đây khi lobby của MW2 và các game COD sau đó cực kì trứ danh bởi lũ nhóc quát tháo chửi bới loạn cả server, khiến cho COD mang tiếng là có cộng đồng toxic và thiếu trưởng thành tương tự mấy game như Fortnite bây giờ. Và lũ trẻ 9-10 tuổi thời đó giờ đây chắc chắn đã trưởng thành và COD là một phần không thể thiếu của tuổi thơ họ. Đó là chưa kể văn hóa MLG, Mountain Dew và Doritos phất lên cũng nhờ MW2, Halo hay Gears of War. Tóm lại màn ra mắt của MW2 cũng như Halo 3 hay GTA 4 thời điểm đó cho thấy chỗ đứng của video game trong nền giải trí và văn hóa đại chúng thời đó, được coi là sánh ngang với cả điện ảnh cũng như âm nhạc khi có được những sản phẩm đạt giá trị tỉ đô.

Sức ảnh hưởng khủng khiếp đó nhờ công không nhỏ bởi gameplay cực kì chất lượng của phần online mà MW2 mang lại. Nhìn chung thì MW2 mang tới vô số cải tiến với hệ thống perk, killstreak, customize,… đa dạng và phong phú, qua đó là khuôn mẫu căn bản cho những game COD sau này cũng như nhiều game khác học tập theo. Cùng với đó là hệ thống map vô cùng chất lượng và kinh điển như Terminal, Highrise, Wasteland, Scrapyard, Estate, Favela, Rust,… vốn đa phần cũng được xào lại trong các bản COD sau đó. Tuy nhiên ngồi cả ngày phân tích cái hay của MW2 cũng không hết và đặc biệt là sẽ không chỉ ra được điều mà khiến cho nó độc nhất vô nhị và hơn 10 năm vẫn có không ít người tiếp tục gắn bó với nó.

Theo tôi thì đó là việc MW2 không phải là một game online cân bằng và đồng đều, nếu bạn chơi phần online của nó hay từng đọc tin tức về nó thì hẳn bạn cũng biết đến khi nó hoàn toàn có chủ ý và theo nhiều người là hành vi phá hoại ngầm của Infinity Ward nhằm vào Activision lúc đó. Nó bao gồm độ OP của UMP khi gắn giảm thanh, các loại súng akimbo (đặc biệt là shotgun như Model 1887), súng phóng lựu nói chung, Last Stand, Final Stand,… một thời khiến không ít người cực kì ức chế khi chơi MW2. Thế nhưng đó mới là cái hay của game online, nên luôn có kĩ năng cùng vũ khí OP hoặc ít hiệu quả cho người chơi ít kĩ năng được tung hoành và người giàu kinh nghiệm được thử thách bản thân hơn. Game online ngày này quá trú trọng vào mảng cân bằng về gần như mọi mặt, thậm chí sẵn sàng nghe lời các streamer hay tuyển thủ esports để thay đổi (ai lại chả muốn game mình công bằng và có giải thi đấu chứ, MW2 chắc chắn không đáp ứng điều đó).

Bởi vậy nó cũng tạo ra các tranh cãi gần đây về hệ thống rank, bảng điểm hay SBMM (skill-based matchmaking, tìm trận đấu dựa trên thành tích của người chơi). Vậy nhưng có vẻ các nhà làm game quên mất rằng game thủ chơi game vẫn để cho vui là chính, không phải ai cũng đề cao thành tích. Trong MW2, một khi đã full lobby thì vào trận là cháy nổ loạn xạ khắp nơi, cảm giác hỗn loạn và phấn kích vô cùng, có lúc phát hoảng lên vì đối phương có AC-130 hay Chopper Gunner nên phải chạy vội tìm chỗ nấp. Nó không như bây giờ khi chơi là phải thắng không thì rụt rank hay tụt k/d các thứ, lắm lúc xung đột với cả đồng đội. Niềm vui trong game online là một điều vô cùng đơn giản nhưng giờ ít game nào đạt được. Và giá trị chơi lại lớn nhất của MW2 đó là killstreak cuối cùng của nó, Tactical Nuke, với 25 kill liên tục người chơi sẽ có quyền kết thúc trận đấu ngay lập tức bằng việc thả bom nguyên tử và tiêu diệt toàn bộ người chơi trong map.

Đây là một mục tiêu mà người chơi MW2 nào cũng mơ ước đạt được, qua đó khiến cho không người không ngừng chơi và cải thiện kĩ năng để một lúc nào đó có thể tự hào rằng mình là số hiếm người chơi đạt được thành tựu này, đó cũng là một niềm vui tương đối đơn giản từ MW2 nhưng các game sau khó có thể tái tạo được. Và cuối cùng MW2 cũng không phải là một game live-service, nó không yêu cầu bạn phải đăng nhập thường xuyên, cày cuốc cật lực hay mua microtransaction gì cả, bạn thực sự vào game là để thưởng thức nó. Bởi vậy có thể nói giá trị của MW2 là trường tồn với các fan cũng như cả một thế hệ game thủ.

Giờ đây khi mà ngày phát hành của MWII đã cận kề, liệu bản reboot có thể thực sự vươn tới được cái tầm mà MW2 để lại trước kia không, tôi nghĩ là không nhưng vẫn sẽ cho nó một cơ hội để khẳng định.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện