Sách – “Bạch dạ hành” – Higashino Keigo: Tôm pháo và cá bống trắng

Khách mới

  

Disclaimer: Mình không am hiểu sâu rộng về các tác phẩm trinh thám kinh điển nhưng mình rất thích đọc thể loại này. Đây chỉ là một bài phân tích nhỏ và nêu lên góc nhìn chủ quan và hạn hẹp của mình. Sẽ có spoil nhưng mong là không ảnh hưởng trải nghiệm đọc của bạn nếu bạn định đọc quyển này.

Mình đến với Higashino Keigo khá “bài bản”, nghĩa là đọc từ những tác phẩm “nhẹ đô” nhất của ông, đọc từ từ lên những tác phẩm “nặng đô” hơn. Từ “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” – hoàn toàn trong sáng, khuyến khích làm quà tặng cho các em tuổi mới lớn để ươm mầm tư duy văn học và định hình nhân cách; “Bí mật phía sau nghi can X” – không nhẹ đô lắm nhưng nhịp khá chậm, có thể cầm sách lên, bỏ sách xuống dễ dàng cho đến đoạn gần cuối; tiếp theo là “Bí mật của Naoko” – đen tối hơn một chút và có một lớp sương mờ mang tên “tình dục” phủ lên trên, đây cũng là tác phẩm mà mình yêu thích nhất trong các tác phẩm mình đã đọc của Keigo (mạn phép gọi thân mật là vậy). Một tác phẩm khác của Keigo mà mình dùng để kết năm 2020 là “Phương trình hạ chí”. Đến lúc đọc xong quyển thứ tư rồi mình mới kết luận được là đa số các tác phẩm của Keigo đều đánh vào suy nghĩ lối mòn của chúng ta, rằng những thứ tưởng chừng như yếu đuối nhất hóa ra lại gai góc và đáng sợ nhất: phụ nữ và trẻ em.

Theo tìm hiểu thì mình biết được “Bạch dạ hành” là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của Keigo, nhưng nếu đọc nó để “nhập môn” Keigo thì sẽ không cảm thấy những tác phẩm khác có gì hay nữa. Nhiều người nói cái bóng của “Bạch dạ hành” quá lớn, đến nỗi bạn sẽ bị ám ảnh mãi về sau. Mình cũng có cảm giác rất buồn nôn khi nhìn vào bìa của “Bạch dạ hành” vì mình rất sợ những vật nhọn. Dao, kéo, hàng rào kẽm gai… là mình né hết. Vậy nên mình cân nhắc rất lâu mới có thể mua về, mà mua về chưa đọc liền đâu, mình giấu luôn vào kệ sách vì không nhìn được cái bìa. Để giải quyết nỗi sợ này, mình tải bản ebook vào kindle để đọc. Và mình thật sự đúng đắn (hoặc sai lầm?) khi dám đọc hết “Bạch dạ hành” của Keigo Higashino-sensei.

Đọc xong cũng gần một tuần rồi, nhưng cứ suy nghĩ về nó mãi. Mình chỉ mới đọc được vài quyển của Higashino Keigo, nhưng mình có thể kết luận là tác giả có một sự tôn trọng theo kiểu rất riêng dành cho phụ nữ, có một chút sợ hãi dành cho phụ nữ nữa. Bằng chứng là trong các tác phẩm trinh thám mình đã đọc của ông, thì Bí mật của Naoko, Phía sau nghi can X, Phương trình hạ chí, Bạch dạ hành, đều có điểm chung là: phụ nữ luôn là mấu chốt phá án, hoặc là hung thủ, hoặc là tiếp tay, hoặc là nguyên nhân gây ra vụ án. Tóm lại họ rất đáng sợ. Còn đàn ông thì luôn đóng vai trò là lá chắn, là công cụ, là tank cho mọi sát thương nhắm vào người phụ nữ đó :)).

Tại sao mình lại nhắc về tôm pháo và cá bống trắng ở tiêu đề?

Dành cho những ai không biết: Tôm pháo cho cá bống trắng ở nhờ tổ, để trả ơn, cá bống sẽ bơi xung quanh tổ canh giữ, nếu thấy nguy hiểm sẽ quẫy đuôi để báo hiệu cho tôm pháo. Mối quan hệ giữa Yukiho và Ryoji chính là cộng sinh như thế.

Keigo dùng góc nhìn thứ ba để kể lại câu chuyện này. Bắt đầu câu chuyện là sự xuất hiện của Yukiho và Ryoji lúc học cấp Một, nhưng nó không hề trong sáng và đáng yêu, không có một dòng nào thực sự miêu tả hai nhân vật chính đã từng gặp mặt và liên lạc với nhau. Vậy mà từng người từng người xung quanh Yukiho và Ryoiji đều bị hại mà không rõ nguyên do, cũng không tìm được hung thủ. Sau thảm kịch đầu tiên của câu chuyện, Ryoji mất cha, Yukiho mất mẹ, hai đứa trẻ có hoàn cảnh giống nhau tưởng chừng sẽ nương tựa vào nhau, cùng trưởng thành và bỏ lại những tổn thương sau lưng. Nhưng không phải ai cũng muốn chọn con đường trở thành một người tốt, để rồi phải cam chịu làm nạn nhân của bọn ác mãi mãi. Yukiho muốn đổi đời nên đã tự tìm cho mình một hướng đi chắc chắn có thể nhìn thấy ánh mặt trời mỗi ngày. Còn Ryoji, sau bi kịch mất cha, lại chọn con đường thu mình vào bóng tối, dần dần cắt đứt các mối quan hệ với người thân xung quanh, bỏ học đại học, đi về đâu không ai biết.

Mạch truyện sẽ hé lộ các cột mốc trong đời của Yukiho và Ryoji theo thứ tự thời gian, từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành. Các câu chuyện rời rạc về cuộc sống riêng của họ đều không liên quan đến nhau. Nhưng nếu một trong hai sảy chân một chút là ngay sau đó, mọi chuyện lại yên ổn như một phép thần kỳ, như có ai giúp sức. Nếu cuộc sống của Yukiho tràn ngập tiếng cười, được sống đúng tuổi, được học đại học, được hẹn hò, được kết hôn, thì Ryoji ngược lại, dường như Ryoji đang giúp Yukiho có được một cuộc sống như vậy, nên những chuyện nhơ nhuốc nhất, xấu xa nhất, anh cũng làm vì cô. Nói tới đây chắc có người sẽ nghĩ câu chuyện này lãng mạn lắm, vì anh chàng hy sinh cho cô nàng được sống sung sướng, kiểu gì cuối cùng hai người chả yêu nhau, dung dăng dung dẻ hạnh phúc mãi mãi. Nhưng không, Yukiho từng giải thích tên của cô: “yuki” là tuyết, “ho” là bông lúa, tuyết đọng trên lúa nghe thật thanh tao, chắc chắn cô gái này sẽ đơn thuần, hiền lành như chính cái tên của mình vậy. Nhưng bạn ơi, cú lừa đấy.

Trái ngược với tác phong tao nhã, gương mặt xinh đẹp hiếm có, là nội tâm “độc như rắn” của Yukiho, cô dùng nhan sắc của mình làm vũ khí và vỏ bọc. Càng lớn thì danh sách các nạn nhân bị cô mê hoặc ngày càng nhiều, nhờ vậy mà cô mới có thể lợi dụng họ và cộng sinh được với Ryoji, lúc này đã quá nhơ nhuốc nên lẩn trốn khỏi xã hội. Nếu thấy có nguy hiểm hoặc thấy kế hoạch sắp bại lộ, bằng cách nào đó Ryoji sẽ biến mất khỏi nơi đang ở như chưa bao giờ tồn tại. Mối quan hệ của họ bây giờ đã trở thành tôm pháo và cá bống trắng. Những chi tiết này thì tác giả không nói huỵch toẹt ra đâu, bạn phải đọc từ từ mới thấm và vỡ òa.

Tại sao Ryoji lại chọn ở bên cạnh Yukiho để làm những việc dơ bẩn thay cho cô?

Có lẽ do Ryoji cảm thấy bản thân đã nợ Yukiho. /Spoil/ Bi kịch đầu đời của Yukiho và Ryoji đều là do người thân của Ryoji gây ra, nên Ryoji cảm thấy tội lỗi, muốn dành phần đời còn lại để chuộc tội, và cách duy nhất mà anh chọn là biến mất khỏi xã hội, lui về làm một cái bóng, ở bên cạnh Yukiho để bảo vệ cô. Hoặc do anh cảm thấy quá tội lỗi, đến mức hít thở trên đời cũng đã là một cái tội, nên anh mới lẩn trốn vào góc tối, xem Yukiho như ánh sáng duy nhất trong đời vì chỉ có cô biết được quá khứ phạm tội của anh. Hai nhân vật chính không phải là chính diện, cũng không nhân vật nào chứng minh được họ là phản diện, và góc nhìn thứ ba chắc chắn sẽ không thể miêu tả rõ tâm lý nhân vật, lại còn dở dở ương ương, thiện không ra thiện, ác không ra ác, án chồng án, nút thắt không gỡ được, vậy tác phẩm này hay chỗ nào? Cần phải nói thêm, Keigo là tác giả viết truyện trinh thám theo lối cổ điển, thuần suy luận, không nhờ pháp y hay pháp chứng trợ giúp phá án, nên những manh mối ông rải dọc tác phẩm đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh ý của người đọc.

Một chương ông viết về Yukiho, chương tiếp theo ông sẽ viết về Ryoji, giống như hai mối dây bện vào nhau, từ từ tạo ra một cái thòng lọng giết chết từng người và chính họ. Mình luôn cảm thấy rợn người khi nghĩ về Yukiho với lớp mặt nạ xinh đẹp, vẻ ngoài mỏng manh khiến cho đàn ông nhìn vào là muốn chở che, nhưng thực sự lần nào đọc về chị này mình cũng thấy rợn rợn ma mị thế nào đó. Quá mưu mô, xảo quyệt và không từ thủ đoạn nào. Còn Ryoji thì chả có việc xấu xa nào là chưa làm, nhưng mình vẫn thấy có chút thương cảm dành cho nhân vật này bởi dường như tất cả những việc đồi bại nhất cũng là do làm theo sự tính toán của Yukiho, chấp nhận nhúng chàm rồi sống trong bóng tối chỉ để cho Yukiho có thể được sống trong ánh sáng, diễn trọn một vai tiểu thư danh giá. Nhưng tóm lại, cả hai đều không phải là kiểu nhân vật hình mẫu điển hình để noi theo hay phê phán. Đây là câu chuyện mà bạn cần gạt hết định kiến cá nhân sang một bên và làm một người qua đường biết điều :)) bởi nhiều khi phải-trái đúng-sai còn phụ thuộc vào từng hệ quy chiếu nữa kìa.

Tại sao lại là Bạch Dạ Hành?

(phần này mình sưu tầm, nguồn: Higashino Keigo Vietnam fanpage)

Ai đã từng học tiếng Nhật chắc đều biết chữ Hán khó thế nào. Tượng hình, hình thanh, bộ, gốc, nhiều nghĩa và đặc biệt là nhiều cách đọc. Có những người Nhật bản xứ nhiều khi gặp một chữ Hán còn không biết phải đọc thế nào. Nhưng đó cũng là điều khiến cho chữ Hán đặc biệt. Và Bạch Dạ Hành là một trường hợp như vậy.

. . . 白夜行

Mọi người có từng nghĩ tại sao lại là đêm “trắng” chưa? Tại sao không phải là một màu khác? Đêm xanh nghe cũng buồn vậy. Từ lúc bắt đầu học chữ Hán, nghe được cách giải thích chữ của giáo viên. Mình lại vỡ ra một cái giả thuyết như thế này.

Đầu tiên là chữ Bạch (白), được tạo nên từ chữ Nhật (日) và một nét ( ‘ ) nhỏ phía trên. Chữ Nhật (日) này chính là hình vẽ tượng trưng cho mặt trời. Dấu phết ( ‘ ) ở trên, là tia sáng “duy nhất” lóe ra từ mặt trời, và ánh sáng tỏa ra từ mặt trời là ánh sáng có màu trắng. Thú vị nhỉ, trong tiểu thuyết, thay vì Ryoji và Yukiho nhìn thấy mặt trời, thì lời tác giả và theo cấu tạo chữ, có thể nói cả hai đang nhìn thấy tia sáng “duy nhất thay thế cho mặt trời”. Có khi nào chỉ từ một chữ này mà ông đã phát triển nên cả câu chuyện cùng những tình tiết xoay quanh câu trích dẫn để đời của Yukiho?

Đó là cấu tạo chữ. Còn ở mặt ngữ nghĩa, chữ Bạch (白) còn có thể dùng trong từ minh bạch, hay là “vô tội”. Kết hợp với chữ Hành (行), ngoài nghĩa là đi thì còn có nghĩa là “hành động”, và cũng có thể là chữ hạnh – trong từ “phẩm hạnh” , nhưng lại không thể dùng như “hạnh” trong hạnh phúc… hmm… không thể nào… có được hạnh phúc.

Chỉ có duy nhất chữ Dạ (夜) là có một nghĩa đen.

Đây là ẩn ý của Keigo? Lúc viết quyển sách này, từ việc đặt tên, ông đã mong muốn mọi người có thể hiểu và tha thứ, rằng những việc hai đứa trẻ làm trong “cái đêm (夜) dài 19 năm đó”, xét trong hoàn cảnh này, là “vô tội” (白)? Không phải để cổ xúy cho cái ác, mà nhìn sự việc rộng ra, nếu những tội lỗi này, đặt trong hoàn cảnh này… có thể tha thứ được không? Việc cả hai không bao giờ có thể sống thật với thế giới, không thể nào có được hạnh phúc như mọi người đều biết đã là hình phạt nặng nhất rồi?

Không có mô tả ảnh.
Câu chuyện này có kết thúc khá là mở toang :)). Tức là ngoài việc đau đớn thì còn quá là đột ngột, khiến cho mình đọc đến dòng cuối cùng rồi mà vẫn ngổn ngang bao nhiêu câu hỏi, trong đó đau đáu nhất là: “Cuối cùng thì, giữa Yukiho và Ryoji là loại tình cảm gì?”.


Mình không tin đó là tình yêu, cũng không tin đó chỉ là cộng sinh thuần tuý giữa hai con người nương tựa vào nhau, cũng không thấy nó giống như tình cảm bảo vệ giữa anh trai dành cho em gái. Nói chung chả biết là gì. Trong phiên bản phim truyền hình của Nhật sản xuất thì hai người sẽ yêu nhau. Mình chưa xem hết phim nên không so sánh được. Nhưng xem hết tập 1 rồi thấy hai bé Yukiho và Ryoji lúc nhỏ dễ thương lắm. Dự báo một bi kịch không dễ thương chút nào :)).

Nụ cười tươi là vậy nhưng cây kéo đang dính máu đó ạ :((

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • Sim - 19.03.2021

    Hồi đó cũng cứ đọc 1 chương về Ryoji là mình phải gấp sách lại. Vì chương sau Yukiho sẽ lại làm điều gì đớn lắm.
    Truyện chú hay viết về trinh thám mà mình thì toàn bị hút vì muốn đọc diễn biến tình cảm :v
    Cảm ơn vì nhờ bạn mà lần đầu mình biết giải nghĩa tên truyện là hay vậy luôn. Xưa mình nghĩ là hành động trong đêm trăng@@.


    • Scarlettie - 23.03.2021

      Trong quyển này có 1 chương duy nhất nói về tình cảm giống với mô típ phim thần tượng Hàn Quốc là nam siêu giàu yêu nữ ngố ngố dễ thương. Chương đó nói về chuyện Eriko (bạn thân của Yukiho) hẹn hò với Shinozuka (chủ tịch câu lạc bộ nhảy hồi đại học). Đây cũng là chương duy nhất mình thích vì nó quá tươi sáng so với phần còn lại của câu chuyện (y)


  • j - 06.10.2023

    Cái kết có thể nghĩ theo sự thắc mắc trên của bạn
    nhưng cũng có thể nghĩ theo khía cạnh khác: rằng nếu lúc ấy Yukiho không bình tĩnh mà nhận rằng đó là Ryoji thì gần 20 năm che giấu bất chấp sẽ đổ bể chỉ trong 1 khoảnh khắc