Phổ cập kiến thức về máy tính cho Gà Mờ (P.3): Kèo tư vấn (Kỳ cuối)

Khách mới

  

Với kì 1 và kì 2 của “Kèo tư vấn”, các bạn đã có thể biết được rằng những người có thể tư vấn cho các bạn là ai, cùng với đó là mỗi thành phần khác nhau cấu tạo nên bộ máy tư vấn viên có thể tư vấn cho bạn những gì. Nhưng các bạn cũng biết là mục tư vấn có nhiều thành phần, nội dung tư vấn cũng có nhiều phân loại khác nhau. Vậy các bạn nên nghe những gì, không nên nghe những gì? Có thể đánh giá qua các tiêu chí nào để dựa vào đó thấy sự tư vấn phù hợp với yêu cầu của mình? Ngày hôm nay mình sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc đó.

Tư vấn mà, trừ các Pro Player ra, hoặc hẳn là các gà mờ có ít kinh nghiệm sử dụng và có tâm ra nữa, thường thì các thành phần khác sẽ không giúp bạn đúng được như mong muốn, yêu cầu của bạn sẽ bị hướng lệch lạc đi so với ban đầu sau khi tham khảo từ nhiều nguồn tin khác nhau, kết quả thì có nhiều loại, nhưng loại nguy hiểm nhất là có thể khiến cho nhiều bạn nghi ngờ vào nhân sinh luôn ấy. Chán lắm! Thôi thì mình đưa ra một số tiêu chí ở dưới đây cho các bạn có cái dựa vào để tham khảo.

Tiêu chí về hiệu năng cũng như chủng loại, thương hiệu

Cái này thật sự nhiều lúc mấy ông tư vấn rất là xàm. Vì cơ bản là người nghe cần một hiệu năng ở mức nào đó để đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng bỏ qua các vấn đề việc bán được hàng, các vấn đề về lợi ích cá nhân, thường thì tư vấn viên hay hướng gà mờ đến các lựa chọn theo chiều hướng “cá nhân hóa” của họ – nghĩa là những thương hiệu họ thích, những loại mặt hàng họ thường xuyên sử dụng… Khi tư vấn, bạn đưa ra một mức tiền, hoặc đưa ra một yêu cầu hiệu năng mà họ biết là nó chỉ cần đến một mức kinh phí nào đó là nó có thể đáp ứng được rồi, người tư vấn của bạn lại thấy với mức tiền đó thêm vào tý, cố thêm tý… nhiều kiểu tý… sẽ được một cấu hình, một mức hiệu năng nổi trội hơn hẳn. Và đó! Đó chính là câu chuyện sẽ làm thay đổi đáng kể số tiền bạn chi ra để đưa bé yêu về, quan trọng là bạn không cần đến mức nó ghê đến như thế. Một câu chuyện của các cái “cố” mà thứ phải chi ra vẫn là tiền.

Cho nên là khi đã tìm được người tư vấn, lúc bạn đưa ra yêu cầu tư vấn nên tập trung nói cho người tư vấn biết bạn cần một mức hiệu năng như thế nào. Chứ cái kiểu “cố tý nữa” – mình đã biết một kèo cố từ 7 triệu lên đến tận 20 triệu rồi. Giờ máy tính case hay PC đó, nó rất tùy biến, mỗi một giá tiền đều có đủ các loại đáp ứng nhu cầu của các bạn. Vậy nên hãy cân nhắc kĩ lưỡng vấn đề hiệu năng khi người tư vấn giới thiệu với bạn – mà quan trọng là bạn cũng phải biết đã, chứ không biết gì thì đúng là chịu rồi.

 

Tiêu chí về loại hàng

Ở đây chính là việc mua hàng cũ hay mới. Với các bạn thì trong tầm giá tiền bỏ ra, trong tầm hiệu năng có được, các bạn nên chọn đồ mới. Còn vì sao thì mình sẽ giải thích trong phần tiếp theo của series này. Ở đây mình chỉ nói qua vì nó là một tiêu chí phù hợp để các bạn có thể dựa vào trong việc nghe thông tin từ người tư vấn trong việc lựa chọn sản phẩm cho mình.

Với các newbie như các bạn thì yên tâm với hai tiêu chí như trên để đặt vào việc lựa chọn mình thấy là khá là phù hợp và đơn giản là nó dễ, dễ nhận biết, dễ tiếp thu, dễ học tập, dễ sử dụng, dễ nhiều cái. Đó là các tiêu chí “Nên Chọn”, vậy các tiêu chí “Không Nên Chọn” ở đây là gì?

Tiêu chí về hình thức

Nếu bạn có tiền, bạn sẵn sàng chi ra với mức kinh phí cao để sắm bé yêu, lúc đó bạn không cần thiết phải để ý đến tiêu chí này, thậm chí mình nghĩ cũng không cần đọc series này luôn ấy. Nhưng quan trọng là nhiều bạn không thể chi ra mức kinh phí cao như thế.

Hiện nay thì có rất nhiều mặt hàng, rất nhiều mẫu mã sản phẩm từ đắt đến rẻ, từ những thứ trang trí như miếng dán logo, đèn led, giá đỡ vga, nhiều thứ đồ chơi khác… Cho đến các sản phẩm thực dụng như quạt tản nhiệt led, tản nhiệt ram, nút nguồn tháo rời, vỏ case full kính, vân vân và mây mây… giúp mang lại vẻ đẹp đến mức “choáng ngợp” cho bộ máy tính của bạn. Nhưng đó không phải là những thứ bạn thật sự cần. Kể cả khi bạn thấy chúng rất rẻ đi chẳng nữa, chỉ từ vài chục nghìn cho đến hơn một trăm nghìn cho một sản phẩm thôi. Nhưng nếu bạn đắm chìm vào giấc mơ đó, đến lúc bạn tỉnh lại ngồi cộng tiền sẽ thấy nó là một cơ số đây. Mà với số tiền đó thay vì để chăm chút vào vẻ bề ngoài mà dùng để cải tổ cho hiệu năng máy thì sẽ đạt được lợi ích lớn hơn. Nhưng cái này cũng tùy mà, sở thích của mỗi người, ai mà chẳng yêu cái đẹp.

Tiêu chí về các “công nghệ mới”

Cái này mới là cái thứ đáng sợ này. Vì cơ bản nhiều ông tư vấn gà mờ hay dựa vào ba chữ “công nghệ mới” để đi lòe nhau. Mình cũng phải công nhận là với cái tốc độ thay đổi công nghệ chóng mặt như hiện tại, máy tính đã có rất nhiều công nghệ mới và hay ho trong nhiều mặt. Nhưng vấn đề là có nhiều bạn không thật sự cần những thứ đó, mà những thứ công nghệ đó làm thay đổi giá thành sản phẩm tương đối nhé, nhiều lúc chênh không ít chút nào so với sản phẩm cùng phân khúc nhưng không có công nghệ đó đâu. Ngay cả chính bản thân mình hiện tại, đang sử dụng một dàn máy khủng, có khá nhiều công nghệ tại thời điểm nó ra mắt. Nhưng đến hiện tại có rất nhiều tính năng mình cũng thấy nó hay nhưng mình chưa dùng nó bao giờ. Vậy nên cái tiêu chí này các bạn nên để ý một chút. Đừng mua về những thứ mà bạn sẽ không dùng đến bao giờ hay có dùng đến đi chăng nữa cũng cực ít.

Tiêu chí về vấn đề “nâng cấp sau này”

Tiêu chí này mình sẽ không cho nó nằm trong mục “Nên Chọn” hay “Không Nên Chọn”. Bởi nó là một thứ cũng tương đối quan trọng đối với các bạn nếu các bạn có chút ít kiến thức và tùy vào kinh nghiệm cũng như yêu cầu của mỗi người. Cũng như mình đã nói ở trên, PC hiện tại rất tùy biến. Nhưng để có thể nâng cấp thì nó vẫn phải dựa vào một linh kiện cố định. Nhìn chung thì việc máy tính của bạn có thể nâng cấp lên thì ai cũng thích cả. Nhưng nâng cấp nó có nhiều kiểu, tại thời điểm mua bạn lựa chọn một cấu hình tùy biến, còn mới, có thể nâng cấp dễ dàng linh kiện tương thích. Cũng có kiểu là tại thời điểm mua bạn lựa chọn một cấu hình phù hợp, đến lúc nó không còn phù hợp nữa thì mua bộ khác về…

Vấn đề của tiêu chí này nó chỉ là việc bạn cân nhắc tương lai của dàn máy cùng với kinh phí của bạn hiện tại thôi. Cái này thật sự nên cân nhắc kĩ lưỡng, bởi cái câu nói “dễ dàng nâng cấp sau này” sức sát thương nó lớn lắm, nhưng mình cũng nói ở trên rồi, không mua về thứ bạn không dùng.

 

Vậy là đã kết thúc toàn bộ “Kèo tư vấn”. Mặc dù mình có đoạn nói kĩ, có đoạn nói sơ qua nhưng ít nhất mình cũng đã giới thiệu được đến các bạn một số thứ. Bản thân mình nghĩ phần này vẫn chưa thật sự thực dụng đâu. Trong các bước đi mua bé yêu các bạn thường bỏ qua hoặc không quá coi trọng đó, mặc dù có thể lúc đó bạn vồn vã tìm hiểu, tìm người tư vấn các kiểu, nhưng các bạn không thật sự hiểu được tầm quan trọng của nó.

Sang phần tiếp theo mình sẽ giới thiệu đến các bạn “Kèo mua đồ”. Mình nghĩ cái này sẽ thiết thực với các bạn hơn, các bạn dễ tiếp thu và áp dụng vào công cuộc tìm kiếm “có thể là một nửa” của bạn hơn. Mời các bạn đón đọc các số tiếp theo.

Kẻ Ác

Khách mới

  
Kẻ khác biệt với phần còn lại của thế giới còn tồn tại cho đến lúc này.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện