Sau những giờ làm việc căng thẳng ở công ty, các bạn thường chọn cho mình thú vui nào để giải trí, thư giãn đầu óc, tạo cảm hứng cho những ngày tiếp theo trong cuộc sống xô bồ, mà lắm lúc chúng ta cảm thấy nghẹt thở, chỉ muốn được thoát ra khỏi đó thật nhanh. Đối với mình, một con người sống bằng tri thức theo đúng nghĩa cũng tự trang bị cho bản thân kha khá sở thích, và một trong số những cách thoát khỏi cuộc sống trần tục bề bộn mà mình chọn chính là nghiền ngẫm truyện tranh (chủ yếu là Manga). Từ hồi nhỏ mới là một thằng bé học sinh lớp 2 hay lớp 3 gì đó cũng không nhớ rõ lắm cho đến tận bây giờ, hơn 30 cái xuân xanh một chút đã qua, trong chừng đó thời gian, mình đã chinh phục được rất nhiều bộ Manga hay.
Hôm nay, mình sẽ giới thiệu tới các bạn một trong những siêu phẩm Manga đời đầu cực hay, cực hấp dẫn mà bất cứ fan manga nào cũng phải trải nghiệm – Mankichi (Đại ca học sinh vùng Seikai). Trước khi đi vào phần nội dung chính của bài viết, ở đây, mình xin phép được giải thích rõ hơn một chút về cụm từ “Manga đời đầu”. Manga có thể nói là một ngành công nghiệp non trẻ, khi mà khởi phát của nó khá muộn vào khoảng những năm 1902, thời điểm mà cụm từ “Manga” với đúng ý nghĩa của nó là truyện tranh được công nhận tại Nhật Bản. Có một đặc điểm chung mà mình nhận thấy ở những Manga thập niên từ 60 đến 80, nét vẽ của các tác giả thời kì này theo thiên hướng khá hoạt hình, tức là những hình vẽ không theo lối tả thực như các manga từ thập niên 90 tới bây giờ mà nó mang tính ước lệ hơn. Nhờ đó mà các cảnh bạo lực, nhạy cảm dễ tiếp cận độc giả ở nhiều lứa tuổi hơn.
Tuy nhiên, nội dung của các Manga đời đầu lại rất đa dạng và phần nhiều mình thấy đề cập đến các chủ đề về xã hội nhiều hơn về các chủ đề hành động, phiêu lưu, viễn tưởng ăn khánh sau này. Vì vậy, cốt truyện của Manga đời đầu theo mình đánh giá là nhân văn, sâu sắc, ý nghĩa hơn những Manga mới sau này. Nói vậy, không có nghĩa rằng những Manga hậu bối không hay, không có ý nghĩa, nhưng về độ sâu trong cách xây dựng tình tiết, dẫn truyện, tích cách nhân vật thì có phần nào lép vế hơn đôi chút.
1. Vài nét chấm phá về nội dung truyện
Bộ truyện tranh Mankichi có cái tên gốc tiếng Nhật khá dài là Otoko Ippiki Gaki Daisho (The Ideal Boy’s Gang Leader). Còn ở Việt Nam chúng ta, bộ truyện được biết đến với cái tên Mankichi – Đại tướng nhóc con do nxb Kim Đồng phát hành vào năm 1997, cho đến tận bây giờ, đây cũng chính là bản truyện duy nhất được xuất bản tại Việt Nam. Mình thấy thật tiếc cho một bộ truyện hay và ý nghĩa như thế này lại chưa được nhà xuất bản nào quan tâm, mua bản quyền chính thức. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, bộ truyện tranh này sẽ tái ngộ đầy đủ với độc giả Việt Nam. Bản in của nxb Kim Đồng thời điểm đó chỉ ra được 10 tập, với nội dung từ khi Mankichi xuất hiện cho đến chiến công cứu tàu. Đúng như tên gọi của bộ truyện, các câu chuyện diễn ra trong manga đều xoay quanh cuộc sống của một cậu nhóc tên là Mankichi, sống ở một huyện nhỏ của Nhật Bản (huyện Seikai).
Mankichi là một cậu bé ương ngạnh, lì lợm, và dám làm những gì mà mình cho là đúng. Khác với Naruto, thường hay phá làng, phá xóm để người ta chú ý đến mình, thì Mankichi lại khiến người ta nhớ đến mình với những chiến công hiển hách giúp ích cho quê hương và cho cả nước Nhật. Với tiêu đề của bài viết, Mankichi – Đại tướng học sinh, mình muốn nhấn mạnh đến yếu tố tuổi tác của nhân vật chính (tuổi trẻ tài cao), chứ không phải bối cảnh vì không giống các bộ Shounen khác, các câu chuyện về Mankichi không gói gọn trong trường lớp mà trải khắp từ huyện Seikai cho đến tận thủ đô Tokyo. Điều khiến Mankichi có thể quy phục được nhiều người dưới trướng mình là cách “đối nhân xử thế” hợp tình, hợp lí, mang đậm tính giang hồ mã thượng. Một điểm hay nữa trong Mankichi là cách tác giả xây dựng sự trưởng thành cho nhân vật chính. Từ việc chỉ hành động theo bản năng của một cậu nhóc học sinh cho tới việc nhận thức sâu sắc hơn về bản thân, bạn bè, lựa chọn giữa tình yêu và theo đuổi khát vọng của bản thân.
Trải qua mỗi trận chiến, mỗi thử thách thì Mankichi lại càng cứng cỏi, chững chạc hơn. Đọc truyện, bên cạnh yếu tố hành động băng đảng, chúng ta còn tìm thấy cả những chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà tài phiệt trên thương trường nữa, mà ở đây cụ thể là thị trường chứng khoán.
2. Những triết lý nhân sinh sâu sắc mà bạn có thể tìm thấy trong truyện
Qua từng trang truyện, từng chặng đường phát triển tính cách nhân vật, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm nghiệm những triết lý, rút ra những bài học rất đời, rất người cho chính mình. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua một số điều nhân văn đó nhé. Ở phần này, mình sẽ phân tích từng triết lý theo thứ tự thời gian trưởng thành của nhân vật.
– Bạo lực không phải là cách thức để chúng ta giải quyết mọi việc trong cuộc sống: Thời kì đầu, khi Mankichi bắt đầu con đường hành hiệp giang hồ thu phục những cận vệ đầu tiên mà sau này trở thành những nhân vật cộm cán trong băng của cậu như Ginji độc nhãn, Tetsuji sói sẹo,… Thực tế, không phải ai trong số họ cũng đều được chiêu mộ bằng nắm đấm, bằng sự thắng trận sau những màn uýnh nhau đổ máu, mà còn có những trường hợp như Matsugawa (cầm đầu băng trường Toei) quy thuận cậu bé Mankichi do ngưỡng mộ cách hành xử anh hùng của cậu. Thay vì hành động theo đúng chất xã hội đen là hô quân rồi tẩn nhau cho sướng tay chân, Mankichi đã biết nhẫn nhịn để cho Matsugawa đánh tơi bời khói lửa.
Hay sau đó, khi bên Matsugawa vẫn quyết không buông tha Mankichi thì cậu lại nghĩ ra kế cài gián điệp vào băng địch và diễn một vở kịch chém chết người giả tạo để tránh cho hai bên một trận đấu quyết tử không đáng có, cũng như giữ được tình giao hảo của 2 trường Seikai và Toei. Thế đó các bạn ah, khi gặp phải một vấn đề gì khó khăn trong cuộc sống, hơn nữa lại vào thời điểm cái đầu đang nóng thì cũng đừng để tay, chân mình nóng các bạn nhé, hãy kiềm chế và dùng những cách khôn khéo khác để giải quyết vấn đề sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bạo lực chỉ là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ mà thôi nha.
– Đoàn kết sẽ làm nên một sức mạnh to lớn giúp chúng ta tạo nên kì tích. Một trong những nét đẹp đặc trưng trong văn hóa Nhật bản là tinh thần đoàn kết cộng đồng, một người vì mọi người và mọi người vì một người. Tinh thần này nếu các bạn để ý sẽ thấy hầu như bộ truyện nào cũng đều có nhắc đến (người Nhật họ thật khôn khéo trong cách giáo dục, giữ gìn văn hóa truyền thống phải không các bạn). Tính cách này của con người Nhật Bản đã được khắc họa cực kì rõ nét trong bộ truyện này. Đọc Mankichi, các bạn sẽ thấy gần như không có bất cứ một nhân vật chính thật sự nào, Mankichi có chăng chỉ được ưu ái chiếm sóng và xuất hiện ở những trường đoạn kịch tính nhiều hơn các nhân vật khác chút xíu mà thôi, còn lại xuyên suốt bộ truyện, chúng ta đều thấy các chiến tích của cậu luôn gắn liền với hình ảnh sức mạnh đoàn kết từ đồng đội. Mankichi không thể thành công, nổi tiếng trên toàn nước Nhật nếu như không có sự trợ giúp lớn lao từ biết bao người bạn bên cậu.
– Đừng để tiền làm hư người: Cũng như bao con người bình thường khác, Mankichi cũng đã từng bị cám dỗ bởi đồng tiền, bị đồng tiền làm mờ mắt. Sau khi thành công trong thương vụ mua lại cổ phiếu của công ty Shô-Oa, thu lợi 180 triệu yên từ 1 triệu yên tiền vốn, Mankichi đã có danh tiếng lớn trên Tokyo. Khi đó, cậu đã quyết định mang tiền về để giúp đỡ quê hương Seikai của mình. Và khi ở đâu có tiếng tăm và tiền bạc thì ở đó sẽ xuất hiện những xu nịnh, bợ đỡ, khiến ta dễ bị chìm đắm vào cơn mê của sự thành công, dẫn đến những hệ lụy sai lầm, chả vậy mà các bạn có thấy mấy ai trúng số mà có cuộc sống no ấm hơn không hay cuối cùng họ lại trở về với mái nhà tranh, thậm chí có khi còn rách nát hơn lúc đầu khi họ chưa có cái của trời cho đó kìa. Sau những tràng vỗ tay không ngớt, những lời khen ngợi nịnh nọt, cùng màn uống rượu đầu đời, Mankichi đã mất kiểm soát bản thân, vung tiền bừa bãi, thậm chí còn đến gây sự với sư ông Washô (người thầy mà Mankichi hết mực tôn kính). Nếu không nhờ có sư ông và người mẹ tuyệt vời can ngăn, giúp cậu tỉnh ngộ đúng lúc thì có lẽ Mankichi đã thực sự bị tha hóa, đánh mất bản thân trở thành một con người hống hách, không ra gì nữa rồi. Các bạn thấy không có tiền chưa chắc đã sướng, tiền có thể làm ta vui nhưng đừng vì tiền mà biến đổi bản chất, không phải cái gì trên đời này cũng có thể mua bằng tiền được đâu. Tiền là bạc mà.
– Đừng sống vị kỉ chỉ vì bản thân mình mà hãy sống vì mọi người: Trong tác phẩm này, Mankichi nổi bật lên với hình ảnh của một người tướng lĩnh sống vì chữ tín, sống vì người khác chứ không phải là kẻ hèn mọn chỉ biết lo cho bản thân mình. Cậu dung cảm cầm thuốc nổ ném vào đám biểu tình ở Tokyo vì không muốn họ đánh nhau gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, quyết tâm lao vào thị trường chứng khoán không phải để muốn thỏa mãn làm giàu cá nhân mà là vì lời hứa giành lại công ty cho gia đình của cô bạn Tômôkô. Hay như việc cậu mang tiền về Seikai là để báo hiếu người mẹ luôn yêu thương, quan tâm đến từng bước tiến của con, hy sinh tất cả vì con. Tuy hình tượng người mẹ ở Mankichi không được thể hiện quá nổi bật như trong bộ Ippo mà mình từng nhắc đến ở một bài viết trước, nhưng với việc luôn xuất hiện đúng lúc Mankichi cần lời khuyên nhất, và đóng vai trò là chất xúc tác để Mankichi quyết tâm thực hiện những ý định của mình cũng là quá đủ cho một hình ảnh người mẹ Á Đông điển hình.
Đỉnh cao nhất là giây phút chọn lựa giữa tình yêu cá nhân với Ayumi và hiệu triệu mọi người cùng nhau cứu tàu, giữ lại mạng sống cho cả trăm con người. Mặc dù Ayumi đã hết lời khuyên can Mankichi bằng tình cảm chân thành, nhưng cuối cùng nén nỗi buồn mất đi người con gái mình yêu, cậu đã xả thân cùng bè bạn chấp nhận rủi ro, thậm chí bất chấp cả mạng sống để cứu người, thật đáng khâm phục cho ý chí của một chàng trai thiếu niên ở tuổi chập chững trưởng thành.
Tổng kết, với bài viết này, mình đã giúp các bạn có một cái nhìn khái quát nhất về bộ truyện Mankichi, một trong những bộ Manga có chủ đề khác biệt về băng đảng rất đáng được quan tâm. Chúc các bạn sẽ có những giờ phút thư giãn hấp dẫn với bộ Manga này.
Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
Khi chúng ta có một Tokyo Revengers giang hồ học đường với nội dung vô thưởng vô phạt, thậm chí là vô bổ thì chúng ta lại không dám đem về Mankichi. Hồi nhỏ coi Mankichi mình bị ấn tượng cái nón lưỡi trai chỉ có cái lưỡi và đôi guốc đế hai thanh gỗ.