CÙNG TÌM HIỂU VỀ LỊCH SỬ DÒNG GAME NEED FOR SPEED
Trong các thể loại game thì có lẽ thể loại đua xe là 1 trong những thể loại mà AE Việt Nam chúng ta ít nhắc đến nhất, vì độ khó của nó,vì độ cá tính của thể loại này, và vì chính tốc độ của nó không phải ai cũng theo kịp. Và khi nói về đua xe thì Need for speed là 1 tượng đài được đông đảo mọi người biết đến,kể cả những bạn không có hứng thú đua xe cũng nghe đến mang máng, với 1 trong những huyền thoại để đời là Need for speed Most Wanted ra mắt vào năm 2005.
Need for speed MW thật sự đã để lại ấn tượng trong lòng người hâm mộ của dòng game đua xe arcade vì gameplay và hệ thống độ xe có chiều sâu (có thể nói là sâu nhất trong lịch sử need for speed). 1 năm sau đó, EA Black Box đã cho ra thêm Need For Speed Carbon, giúp các fan của tựa game này có thể được tung tăng trên đường phố Palmont vào ban đêm, thậm chí còn có thêm chế độ drift cho những AE thích mài bánh 😊.
Thế nhưng bỗng nhưng đến năm 2007 thì NFS lại chuyển hướng sang những cuộc đua xe hợp pháp với phiên bản ProStreet được đánh giá ở mức khá trong mắt các chuyên gia. Cá nhân mình thì không thích phong cách của Prostreet lắm vì nó hơi sượng sượng, cảm giác không nhanh và sướng được như Most Wanted và Carbon. Bước sang năm tiếp theo, NFS thật sự đã có 1 giai đoạn đầy thăng trầm với phiên bản Undercover, một số trang đánh giá uy tín như IGN đã cho điểm Undercover là dưới trung bình(4.8), một số fan thì cho rằng game vẫn hay, thậm chí là hay hơn Prostreet.
VÀ ĐÓ LÀ KHI MỘT CÁI TÊN TRÔNG QUEN MÀ LẠ XUẤT HIỆN
Bỏ qua những thăng trầm trong năm 2007 và 2008, NFS đã thật sự làm cho các fan của dòng game cũng như các nhà đánh giá game bất ngờ trong năm 2009 vì hướng thay đổi quá đột ngột của mình. Không còn là những màn đua xe bất hợp pháp như Most Wanted hay Carbon nữa,cũng không phải là những màn đua xe đường phố (nhưng được tổ chức hợp pháp) của Prostreet. Need for speed Shift giờ đây hướng đến việc người chơi là 1 tay đua chuyên nghiệp,từng bước leo lên đỉnh của bục danh vọng chứ không còn là giải quyết các mâu thuẫn cá nhân như các phiên bản trước đây nữa(Prostreet là giải quyết giữa nhân vật chính Ryan Cooper và Ryo Watanabe). Đây cũng chính là phiên bản game khiến cho các fan của thể loại đua xe biết đến studio Slightly Mad mà sau này ra đời với những sản phẩm cực kì chất lượng như Project Cars, Project Cars 2.
Cốt truyện chưa bao giờ được đánh giá cao trong các dòng game Need For Speed,kể cả phiên bản thành công nhất là Most Wanted vì mô típ của nó chỉ đơn giản là : Bạn là 1 tay đua tài năng nhưng ban đầu chưa có gì,phải thắng ở các giải đấu nhỏ và tích cóp để từng bước leo lên được những cỗ máy tốc độ trong mơ và những giải đấu lớn hơn.Shift cũng không ngoại lệ,thế nhưng cái khác biệt nằm ở chỗ cảm giác lái của từng chiếc xe,thậm chí là chiếc xe tier thấp nhất cũng sẽ mang đến cho bạn cảm giác phấn khích.
Shift được Slightly Mad định danh sẽ đi theo hướng đua xe mô phỏng,điều này đã khiến cho nhiều fan trung thành của NFS cảm thấy hơi khó chịu vì lần đầu tiên được tiếp xúc với lối chơi này (lối chơi mà dân chơi game đua xe hay gọi là simcade,không quá mô phỏng,nhưng cũng không quá phi thực tế). Thế nhưng đó là khi mọi người nghe mà chưa chơi,còn khi vào chơi thì cảm giác nó đã khác hẳn 180 độ. Bởi vì cái mô phỏng của Shift, nó rất khác với mô phỏng của các game như Gran Turismo hay iRacing.Nói về mức độ mô phỏng vật lí, “hành vi” của chiếc xe thì Shift chỉ ở mức độ Simcade.Nhưng nếu nói về mô phỏng sự phấn khích khi đua xe,có lẽ không phải tựa game nào cũng làm được như Shift.
MỘT GAMEPLAY TUY KHÓ NHƯNG LẠI LÀM SAY ĐẮM BIẾT BAO NGƯỜI CHƠI
Mới vào, game không hướng dẫn gì mà thảy chúng ta vào ngay 1 chiếc BMW M3 E92 đang chạy luôn làm cho biết bao player(trong đó có mình :P) khá là hoang mang do cảm giác lái rất khác với những game NFS khác. Không còn những pha vào cua với tốc độ hơn 150 nữa, không còn những pha drift khét lẹc chỉ với 1 nút bấm(game vẫn drift được,nếu bạn biết kĩ thuật 😉). Giờ đây,một cú vào cua với tốc độ quá lớn sẽ khiến chiếc xe yêu quý của bạn văng khỏi đường đua và gần như phá hỏng cả cuộc đua của bạn, bạn chỉ có thể tiếp tục nếu như đã dẫn trước đối thủ rất xa (tầm 10 giây trở lên), một điều rất khó thực hiện
Sau khi chạy xong 2 lap đó với mục đích là chạy thử thì game sẽ tự động tính toán ra mức độ “giả lập” của game dành cho bạn, từ Amateur là độ khó của AI là ở mức thấp, được bật nhiều tính năng hỗ trợ như ABS (Anti-Lock Braking System, hệ thống chống bó cứng phanh khi phanh gấp), braking assist-giúp bạn thắng đúng lúc trước khi vào cua để không bị hố cua(quá tốc độ khi vào cua sẽ làm xe bạn đi ra khỏi đường) cho đến Pro là độ khó AI ở mức khó và tắt hết mọi tính năng hỗ trợ trên.
Các mức giả lập của game thật sự được chia ra rất rõ rệt, mức độ thấp dành cho các bạn chỉ muốn trải nghiệm những cảm giác tuyệt vời mà đua xe mang lại và mức độ pro dành cho các bạn vừa muốn trải nghiệm những cảm giác đó, vừa muốn thử thách khả năng lái xe của mình (ở chế độ này thì độ mô phỏng chắc kém các game thuần mô phỏng 1 chút thôi,và quan trọng là AI nó lái rất mất dạy @@). Cơ mà dù các bạn chọn mức độ nào thì mình cũng đảm bảo là trong vòng 1 tiếng đồng hồ đầu sẽ khó mà thích nghi được,nhất là nh bạn đã quen chơi lối chơi của NFS truyền thống. Thế nhưng sau khi đã quen, cảm giác sẽ rất phấn khích, kể cả 1 con xe Tier 1, max speed không tới 200km/h. Nào là tiếng máy rú lên khi vòng tua của động cơ đạt giới hạn,nào là tiếng bánh xe cọ với mặt đường tạo ra tiếng rít khi bạn vào cua với tốc độ hơi lớn hơn tốc độ quy định, thậm chí là cảm giác chơi bẩn để vượt qua đối thủ nữa (NFS Shift có 1 hệ thống tính điểm,và bạn sẽ nhận được điểm kể cả khi bạn chơi bẩn, cảm giác y chang như đua bất hợp pháp 😊).
Điều này là nhờ vào cơ chế góc nhìn từ trong buồng lái mà Slightly Mad đã dày công thiết kế, những cú đánh lái, con số tốc độ và những pha lên số trả số chưa bao giờ lại cảm giác thật như vậy. Và trên hết, cảm giác thắng 1 cuộc đua trong Shift nó rất là ép phê, kiểu như bạn vừa trải qua rất nhiều khó khăn mới có được chiến thắng ấy. Sở dĩ mình nói có nhiều khó khăn là vì hệ thống AI của game, chúng thật sự rất aggressive (hung hăng), đặc biệt là ở độ khó cao nhất, chúng thậm chí còn tự đâsm nhau để giành giật vị trí chứ không chỉ khiêu chiến với mỗi người chơi. Việc làm AI có độ khó cao như thế này có thể phù hợp với 1 số người,nhưng cũng có thể làm 1 số người cảm thấy khó chịu (bạn đang chuẩn bị băng băng về đích và bị 1 gã nào đó húc vào khi đang vào cua làm bạn bị văng ra ngoài đường thì bạn có ức chế không 😊?). Thế nhưng nếu bạn không thích việc chúng hung hăng quá mức thì có thể để chúng chỉ ở mức Easy hoặc Medium là được.
HỆ THỐNG XE CỘ VÀ ĐỘ XE
So với Gran Turismo thì số lượng xe của NFS Shift có lẽ là không bằng 1/4, nhưng đổi lại là những lựa chọn game đem lại rất chất lượng,67 chiếc xe trong Shift có cảm giác lái không chiếc nào giống chiếc nào, vì vậy số lượng này là đủ (thật sự mà nói so với các phiên bản game trước thì Shift có thể tính là “dồi dào” về số lượng xe rồi đó 😊). Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những chiếc Tier 1 là những chiếc Touring bình thường chúng ta hay gặp, với tốc độ maximum ít khi nào quá được con số 200km/h, chúng dễ bị lết bánh khi vào cua với vận tốc lớn hơn 70.Đến cỡ Tier 3, chúng ta bắt gặp nhiều siêu xe quen thuộc như Lamborghini, Porsche, Audi R8 với động cơ dễ dàng vượt mức 200km/h và vào cua với vận tốc gần 100km/h, tiếng hú của động cơ cũng lớn hơn.Và Tier 4 là nơi những cỗ máy tốc độ kinh khủng nhất của game xuất hiện,với vận tốc tối đa trên 1 con đường thẳng tắp thể lên đến hơn 350km/h, thật sự yêu cầu game thủ phải điều khiển chúng với 1 cái đầu lạnh.
Về phần độ xe thì có 2 phần đó là độ hiệu năng(giúp chiếc xe bạn chạy nhanh hơn,vào cua ổn định hơn) và độ kiểng(độ dàn áo bên ngoài chiếc xe).
Trong phần độ hiệu năng thì game sẽ chia ra độ các phần cơ khí bên trong (được chia thành 3 Stage), phần này thì AE chơi phiên bản NFS nào cũng như nhau,nâng cấp về động cơ,hộp số,thắng,bánh xe các kiểu. Tiếp theo là độ về khí động học (tức là những thay đổi bên ngoài nhưng không chỉ làm xe đẹp mà giúp xe tối ưu tốc độ hơn), bao gồm độ Body Kit (sửa đổi toàn bộ Body,thêm cánh gió và nhiều chi tiết khác), weight reduction để giảm trọng lượng xe và mục cockpick thì chỉ nâng cấp để buồng lái của bạn trông có vẻ “chuyên nghiệp” hơn thôi,không tăng gì cả.Phần thứ 3 là độ các bộ phận dùng trong đua (xe đi bình thường chúng ta không được lắp, không là phạm luật) như: Bộ nitro (AE fan Fast and Furious hay NFS đã quá quen 😊),ống xả đua xe giúp tăng hiệu năng, lốp rộng hơn, etc… Ngoài ra game có 1 phần phụ nữa là phần Tunning chiếc xe theo ý thích của bạn,nếu thích vọc vạch 1 chút,bạn có thể đụng vào phần này để chỉnh chiếc xe hợp với phong cách lái của mình. Cũng với chiếc xe đó nhưng Tunning cho bạn chỉnh sẽ ưu tiên nước đề (Accelerate) hoặc nước hậu (Top Speed), cho xe thêm lực bám đường(Grip) hoặc giảm lực bám đổi lấy Top Speed cao hơn,…
Bên cạnh độ hiệu năng, một phần mà AE cũng rất quan tâm đó là độ kiểng,1 tính năng khiến cho các phiên bản Underground 1, 2 và Most Wanted trở nên nổi tiếng. Và nếu hi vọng quá nhiều thì mọi người sẽ cảm thấy hơi thất vọng đôi chút vì phần tinh chỉnh của Shift không được như Most Wanted. Về màu sắc thì Shift đáp ứng rất tốt khi cho game thủ có thể đổi màu từng bộ phận riêng biệt trên xe cũng như có những tấm Decal,Vinyls dán lên xe khá đa dạng. Thế nhưng về phần các tùy chọn bộ phận thì Shift lại quá ít ỏi, chỉ cho các bạn thay đổi phần vành xe (Rim), các bộ phận như cánh gió,hốc gió trước thì phải dựa vào Body Kit đã được làm sẵn.
HÌNH ÂM TỐT SO VỚI 1 TỰA GAME ĐUA XE NĂM 2008
So với Undercover thì đồ họa của Shift phải nói là hơn xa, nhất là phần mô phỏng buồng lái được Slightly Mad làm quá chi tiết so với mong đợi. Chất lượng các chiếc xe,khán đài,đường đua nhìn bên ngoài thì sẽ làm các bạn thấy texture chưa thật sự chi tiết lắm,nhưng mà nhìn chung cũng đủ nhìn và khá bóng bẩy, đủ để tôn lên nét đẹp của những cỗ máy tốc độ mà game đã kì công mô phỏng,so với năm 2021 thì mình thấy đồ họa của game vẫn ở mức nhìn được,chưa phải gọi là xấu.Phần ăn điểm nhất chính là không gian buồng lái được nhà sản xuất làm quá tốt,những thứ như đồng hồ báo xăng, báo số, đồng hồ tốc độ, nút hạ cửa kính đều được làm rất đầy đủ, và có lẽ nếu bạn không chơi quá nhiều các tựa game đua xe đời mới hiện nay thì sẽ thấy buồng lái của Shift rất đẹp, không kém gì 1 chiếc xe thật. Bên cạnh đó game cũng có mô phỏng các phần chi tiết bị hư hỏng của xe khi lỡ va quẹt hoặc đâm đụng khá tốt. Khi những chiếc xe của AI sát phạt nhau, bạn có thể thấy những bộ phận từ xe của chúng rơi ra (đương nhiên là game cho chỉnh giữa đâm đụng không bị gì và đâm đụng ảnh hưởng đến hiệu năng xe) cũng như tia lửa từ khu vực va chạm,điều này khiến cho game thủ phấn khích hơn khi đang có ý định chơi bẩn một tên AI nào đó.
Cùng với hình ảnh thì Shift cũng làm người chơi ấn tượng bởi những bản nhạc có lúc thì có chất street (Kalemba-Wegue wegue là 1 ví dụ), lúc thì mang tính chuyên nghiệp của trường đua (Underdog). Âm thanh động cơ là 1 trong những điểm sáng nhất khi nói về phần âm của Shift, mỗi chiếc xe đều có tiếng động cơ nghe rất riêng, và mình có thể đảm bảo rằng, ai cũng thích cái tiếng hú của con xe của mình khi nó gần đạt tốc độ tối đa.Rồi cả tiếng lết bánh két két chát chúa khi mà bạn vào cua không đúng tốc độ nữa.Âm thanh của những cuộc va chạm cũng khiến game thủ cảm thấy có lực hơn.
TỔNG KẾT
Nếu như Most Wanted là huyền thoại khi nói về đua xe đường phố thì cũng có thể nói Shift là huyền thoại của đua xe chuyên nghiệp trong cả dòng game Need For Speed. Dù đã là 1 game có tuổi đời khá lâu, song những game thủ đam mê tốc độ vẫn nên thử qua Shift để tận hưởng những cảm giác hứng thú khi đua xe mang lại. Chỉ cần bạn đam mê tốc độ,không cần phải biết quá nhiều về đua xe mô phỏng là có thể có những giờ phút lao vút với Shift rồi ^^.
Đánh giá: 9/10
Cho mình hỏi con NFS shift này thì chơi bằng keyboard có vấn đề gì k nhỉ
Không nha bạn ơi,bạn chơi bằng keyboard là mặc định rồi đó.Nếu muốn trải nghiệm phê hơn thì bạn có thể lắp vô lăng 🙂 ,mình đang xài cái Betop thôi mà cảm thấy nó khác bọt lắm :))