Nếu như trong đầu bạn đang có suy nghĩ “Lại một tựa game NFS à, thế thì tôi chỉ việc chạy thật nhanh rồi sau đó ấn nút phanh tay là có thể vào cua một cách ngọt ngào đúng không?” thì bạn không nên đọc bài viết, vì chắc chắn Shift 2 sẽ làm bạn thất vọng, rất thất vọng là đằng khác. Nhưng nếu bạn là người đang mong muốn cảm nhận được sự phấn khích khi là một tay đua chuyên nghiệp, mong muốn tìm đến thứ gì đó thử thách hơn hay chỉ đơn giản là chưa biết giải trí như thế nào trong mùa dịch này thì đây chính là bài viết dành cho bạn :).
Mô phỏng hay bán mô phỏng chưa từng là thế mạnh của NFS series, nhưng có một ngoại lệ…
Trước tiên mình xin giải thích một chút về những thể loại game đua xe phổ biến hiện nay. Thể loại game đua xe được chia ra làm 2 thể loại chính nhằm phục vụ các đối tượng game thủ khác nhau: Simulation (Mô phỏng) và Arcade (phổ thông, giải trí). Từ tên gọi, ta dễ dàng thấy được thể loại simulation sẽ nhắm vô những game thủ mong muốn tìm cho mình một trải nghiệm đua xe sát với đời thực nhất có thể, từ việc phải tinh chỉnh chiếc xe cho đến kĩ năng điều khiển xe. Ngược lại thì thể loại arcade, trong đó NFS là một trong những tượng đài lớn, lại nhắm vào nhóm game thủ mong muốn có một trải nghiệm kịch tính, hấp dẫn nhưng không phải dành quá nhiều thời gian tìm hiểu nhiều yếu tố kĩ thuật, kĩ năng (dù một số game tuy là arcade nhưng bạn vẫn phải biết chút ít mới có thể chơi tốt được). Bên cạnh 2 thể loại chính đã nêu trên, còn 1 thể loại nằm giữa nữa, đó gọi là simcade-bán mô phỏng. Simcade là thể loại nhắm vào những game thủ mong muốn có một tựa game đua xe không quá khó đến mức bạn phải tốn cả trăm giờ chơi để trở nên nhanh hơn chưa tới một giây và đồng thời cũng không quá phi lí đến mức bạn có thể drift chỉ với một nút bấm.
Với lịch sử từ xưa đến nay của NFS, chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra NFS chưa bao giờ có một chút yếu tố nào bên simulation mà chỉ thuần arcade với các phiên bản game chủ yếu tập trung vào đua xe đường phố, đua xe trái phép. Thế nhưng, mọi thứ đã thật sự thay đổi với phiên bản Shift đầu tiên được phát hành vào ngày 15/9/2009. Slightly Mad, một studio gần như chẳng có một chút tiếng tăm nào trong thị trường game nói chung lẫn thị trường game đua xe nói riêng, nhưng đã thật sự làm cộng đồng đua xe simcade và arcade thật sự hài lòng. Game không quá khó để các game thủ từ các phiên bản NFS arcade trước có thể làm quen và rất thỏa mãn đối với người đam mê simcade. Với thành công như vậy, không khó hiểu với sự ra đời của Shift 2 Unleashed (Mình sẽ gọi tắt là S2U cho nhanh nha). Phiên bản trước đó dù đã rất tốt nhưng vẫn còn một số điểm mình thấy chưa ưng ý và Slightly Mad đã thật sự hoàn thiện chúng ở phiên bản này. Đây cũng chính là tựa game mang mình vào thế giới đua xe mô phỏng sau này, mở ra cả một thú vui từ game cho đến đời thực.
Điều không thay đổi ở phiên bản tiếp theo vẫn chính là cái gameplay tuy khó nhưng lại rất lôi cuốn
Bỏ qua phần cốt truyện, game thủ chúng ta luôn hiểu rằng cốt truyện không phải thứ gì đó quá quan trọng trong một tựa game đua xe, dù là arcade hay simulation đi chăng nữa, S2U cũng không phải ngoại lệ: Bạn vẫn sẽ đóng vai một tay đua có tiềm năng nhưng thời gian đầu chưa có nhiều kinh phí, vì vậy bạn sẽ cố gắng thắng những giải đấu nhỏ lẻ bằng chiếc xe chỉ với chưa tới 500 mã lực, nhưng càng về sau bạn sẽ càng có khả năng chạm tới những con quỷ tốc độ có khả năng đạt đến vận tốc hơn 350km/h và gặp những đối thủ sừng sỏ hơn. Thế nhưng điều đáng nói ở đây chính là chế độ carrer (Sự nghiệp – chế độ thường thấy trong game đua xe) đã được làm lại rất tốt và có phần tiến trình tốt hơn rất nhiều. Đối với phần game đầu tiên, một series đua sẽ có rất nhiều giải, trớ trêu thay, khi bạn đua thậm chí chưa được một nửa số đó thì series mới với những chiếc xe nhanh hơn, tốt hơn đã được mở khóa, điều này khiến cho bạn mất động lực rất nhanh khi đã mở khóa series cao nhất với những con quỷ tốc độ nói trên.
Chưa kể một vấn đề nữa góp phần làm mọi thứ thêm buồn chán chính là việc số tiền thưởng ở những cuộc đua từ sớm khá nhiều, dẫn đến việc chỉ sau một ngày chơi, bạn hoàn toàn có thể có một chiếc Bugatti và đôi ba chiếc hypercar khác nằm chễm chệ trong garage của mình. Nghĩ mà xem, bao nhiêu người chúng ta sẽ còn có hứng đua tiếp nếu như chúng ta đã mở khóa tất cả mọi thứ? Ở S2U, một series sẽ không có quá nhiều chặng đua như vậy, và để mở khóa được series mới thì bạn sẽ phải đạt thành tích tốt với gần hết (không phải tất cả) những chặng đua ở series trước đó. Số tiền bạn nhận được cũng sẽ không quá nhiều như trước, chỉ vừa đủ giúp bạn có thêm một vài chiếc xe mới khi lên series cao hơn, điều này giúp tăng giá trị chơi lại của game lên rất nhiều, vì với tư cách là một NFS gamer, chúng ta ai cũng muốn làm người sưu tập hết tất cả những gì có thể di chuyển trong game :). Một điểm cộng nhỏ ở đây nữa chính là ở một số trường đoạn khi chơi carrer, bạn sẽ thấy những cutscene do các tay đua thật đóng vai giải thích cho bạn về những chế độ chơi mới, điều này khiến game có cảm giác chuyên nghiệp và đỡ buồn chán hơn so với phần trước khi mà chúng ta chẳng thấy nhân vật nào cả mà chỉ có một giọng nói giải thích từ đầu đến cuối game
Điều tuyệt vời nhất vẫn chính là trải nghiệm từ phiên bản đầu tiên vẫn được giữ nguyên, số lượng xe tuy không nhiều (so với các game cùng thể loại) nhưng mỗi chiếc xe đều mang đến một cảm giác lái và phấn khích rất khác nhau, kể cả chiếc xe đầu tiên của bạn đi chăng nữa. Chỉ có cái mình vẫn thấy sẽ khiến nhiều người từ arcade chuyển qua bị sốc, đó là game vẫn chưa chịu “chậm lại” một chút so với phần một, thậm chí còn nhanh hơn khi mới vô bạn đã phải điều khiển một chiếc Nissan GTR R-35 xD, thật sự sẽ tốt hơn nếu game có một chút hướng dẫn sau đó thảy game thủ vô một chiếc xe nhanh như vậy. Tương tự phần game trước đó, game sẽ xác định cho bạn những hỗ trợ điện tử như hệ thống ABS (Anti-Lock Braking System, hệ thống chống bó cứng phanh khi phanh gấp), braking assist-giúp bạn thắng đúng lúc trước khi vào cua để không bị hố cua lẫn độ khó của các đối thủ AI. Tin mình đi, ở mức độ khó nhất, game sẽ không dễ ăn như bạn nghĩ đâu :). Thế nhưng hãy lưu tâm một điều rằng, kể cả ở chế độ dễ nhất (bật hết các tùy chọn hỗ trợ) bạn vẫn sẽ phải tốn đôi ba tiếng đồng hồ để làm quen nếu trước đó bạn là một tay đua xe arcade.
Cái cải thiện tương đối đáng kể so với phần tiền nhiệm chính là trí thông minh của AI cũng như là cảm giác lái của những chiếc xe. Nói về AI, nếu đã chơi qua phiên bản đầu thì chúng ta dễ dàng hình dung ra mức độ agressive (cục súc/hiếu chiến) của AI trong game là kinh khủng đến mức nào khi mà chúng sẵn sàng húc vào xe để khiến bạn chầu trời nếu không cẩn thận. Thế nhưng ở phần một, có lẽ Slightly Mad đã làm hơi quá tay khi mà các đối thủ máy đặc biệt là ở mức độ khó lại có phần hung hăng quá đà, chúng không những tông người chơi một cách phi lí mà thậm chí còn tự tông cả những con bot khác cùng chạy, khiến cho trải nghiệm đôi khi nó lại chuyển từ kịch tính sang dễ nản vì bạn chưa kịp làm gì thì đã bị húc bay ra khỏi cỏ rồi.
Mọi thứ đã khác ở phần Unleashed này, khi mà những con AI bây giờ có một lối chạy rất khoa học, ở mức độ thấp thì độ hiếu chiến gần như không có và cách AI chạy cũng khá tệ khi mà chúng có racing line (đường đi tối ưu giúp bạn có tốc độ cao khi vào hoặc thoát cua) không tốt. Nhưng ở mức độ khó cao nhất, bạn sẽ thấy AI chạy rất chuẩn, bám sát bạn và sẵn sàng chọt khe bất cứ khi nào chúng có thể để tạo áp lực, đôi khi chúng còn húc nhẹ vào xe bạn nữa. Bạn không cần phải quá lo lắng, vì như bạn đã biết, thứ mà Shift cố gắng mô phỏng không phải là cái cảm giác thực tế của việc lái một chiếc xe, mà là cảm giác phấn khích, kịch tính, hồi hộp và gay cấn khi đua xe, cú tông của AI nếu có sẽ rất nhẹ, không đủ khiến bạn bị trượt khỏi đường đua như phiên bản trước, nơi mà chúng sẵn sàng tông nát cái đầu xe của chính mình :).
Nói về cảm giác lái thì thật sự, ở phiên bản này mình không còn gì phải chê nữa (tất nhiên là so với tiêu chuẩn một game simcade nhé). Shift 1 có một nhược điểm khá lớn trong cơ chế lái, đó chính là việc lốp xe của bạn có cái grip (độ bám đường) thật sự rất tệ, chỉ cần đi ở dải tốc độ trung bình cỡ 70-80 và bạn đánh lái hơi gắt một chút là đã nghe được cái tiếng lết bánh đầy chát chúa rồi, và điều này thật sự là KHÔNG THỰC TẾ. Sang S2U, Slightly Mad đã điều chỉnh lại, lốp xe giờ đây có độ bám đường tùy theo chiếc xe mà bạn đang chạy, nhiệt độ của lốp và áp suất của chúng cũng đóng vai trò nhất định khi mà ở vòng đua đầu tiên bạn sẽ cảm thấy không bám đường lắm, mọi chuyện sẽ ổn trong vài lap sau.
Cảm giác lái của xe cũng được thể hiện tốt hơn, nhất là sự truyền tải trọng lực (còn gọi là weight transfer), điều này khiến cho cảm giác lái mỗi chiếc xe thật sự rất khác biệt kể cả chiếc xe đầu tiên của bạn.Bên cạnh đó, để tăng trải nghiệm game thủ lên mức tối đa, ở S2U mang đến một đặc sản mà lần đầu tiên xuất hiện trong thế giới NFS, đó là helmet-cam (góc nhìn của mắt tay đua từ sau nón bảo hiểm). Cái cảm giác bạn vào cua rồi thấy mắt nhân vật nhìn theo, sau đó tay bạn điều khiển cho xe vô cua theo cái nhìn đó là một cảm giác phê không nói lên lời. Đôi khi game thủ còn đùa rằng nếu bỏ chế độ helmet-cam thì S2U sẽ giảm giá trị đi gần một nửa. Nói về trải nghiệm, có lẽ cái mình thấy chưa ưng ý lắm là việc S2U chưa cho phép tùy chỉnh độ dài lap trong chế độ carrer, 3-4 lap mỗi màn đua thật sự là quá ngắn cho những game thủ đam mê tốc độ như chúng ta có thể nói được chữ “phê”, sau này thì Slightly Mad đã làm điều này với tựa game át chủ bài của họ chính là Project Cars 2, và đó thật sự là một trong những tựa game đua xe mô phỏng mình thấy ok nhất.
P/s: Một tip nhỏ cho các bạn muốn tăng trải nghiệm của game đó là bạn nên kiếm cho mình một cái vô lăng chơi game :), từ rẻ như Betop cho đến cao cấp Logitech thì đều sẽ khiến bạn có cảm giác rất khác so với việc dùng bàn phím đó nha ^^.
Hệ thống xe cộ,đường đua và độ xe: Không nhiều nhưng đủ tốt!
So với những tựa game cùng thể loại thì số lượng xe trong NFS S2U có vẻ chưa là gì lắm với xấp xỉ 150 chiếc xe khác nhau và hơn 36 đường đua.Trong khi đó thì đối với Gran Turismo 5, chúng ta có cỡ 1000 chiếc xe và 31 đường đua, nhưng chúng có đến 81 biến thể khác nhau .Với Forza Motorsport 4 ra mắt cùng năm thì chúng ta lại có hơn 500 chiếc xe nhưng mà số lượng track thì ít hơn chỉ với con số dừng lại ở 26. Nhưng liệu điều đó có quan trọng khi mà cả series NFS hiếm có tựa game nào vượt qua con số 100 chiếc xe?
Chỉ với 150 chiếc xe nhưng lại có trải nghiệm lái khác nhau từ cảm giác lái cho đến âm thanh động cơ, Slightly Mad thật sự khiến cho game thủ có động lực cày hết bộ sưu tập xe “khiêm tốn” nhưng chất lượng. Mỗi chiếc xe, từ con Ford Focus RS đầu tiên cho đến Lamborghini hay thậm chí là Bugatti đều sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm khác nhau, vì vậy hãy yên tâm, bạn đang có 150 “chiếc xe” chứ không phải 30-40 chiếc xe có 4-5 cái dàn áo bên ngoài khác nhau đâu.
Về độ xe thì truyền thống của NFS vẫn được duy trì, bạn sẽ có 2 lựa chọn: Độ kiểng và độ hiệu năng. Trong đó, độ kiểng là thay đổi những cái bên ngoài để khiến xe trông đẹp hơn hoặc cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều đến tính khí động học. Trái lại, độ máy là thứ biến một chiếc xe cà tàng của bạn thành thứ đủ sức sánh ngang với một con “bò vàng” đắt đỏ.
Đáng tiếc thay bởi vì như phần trước, hệ thống độ kiểng của S2U cũng không có gì quá đặc sắc và độc đáo, bạn vẫn sẽ chỉ được đổi màu bên ngoài của xe (dù là có rất nhiều màu để bạn lựa chọn), những tấm decal dán lên xe và phần vành bánh xe. Đối với mình thì là đủ dùng, vì mình quan trọng đối với một chiếc xe đua là tem bên ngoài hơn là việc nó mang nhiều “đồ chơi”, làm vậy thì trông hơi giống xe độ chạy ngoài đường, nhưng đối với các tín đồ đam mê độ thì có lẽ điều này ít nhiều cũng làm họ thất vọng. Bên cạnh đó thì một nâng cấp có ảnh hưởng đến cả ngoại hình lẫn hiệu năng là “works”, với works chiếc xe của bạn sẽ được lắp thêm các loại body kit thân rộng, cánh gió, khung lái xe đua, vô lăng xe đua để giúp chiếc xe bạn có hình dáng đẹp mắt hơn cũng như tăng hiệu năng.
Về phần độ hiệu năng thì đây có thể xem là cải tiến với một số người, cũng có thể là cải lùi :).Khác với phần 1 chia ra các stage và mỗi stage có nhiều bộ phận, thì S2U chia ra nhiều bộ phận với các stage khác nhau để bạn có thể nâng cấp sao cho phù hợp với nhu cầu và số lượng bộ phận bạn có thể chọn nâng cấp cũng cao hơn kha khá so với phần 1. Với một số người như mình, thì đây là cải tiến, bởi vì dẫu biết, kể cả bạn có nâng cấp li hợp, hộp số, động cơ thì kết quả đầu ra vẫn sẽ là xe chạy nhanh hơn, nhưng mà điều đó mang lại cho mình một cảm giác thích thú, tìm hiểu hơn về các bộ phận đấy, kiến thức về xe cộ mình cũng học từ S2U đầu tiên. Thế nhưng với đại đa phần fan NFS, đa phần họ muốn một trải nghiệm “nhanh gọn lẹ” khi nói về độ máy, không muốn tìm hiểu quá nhiều thứ nên đây có khi cũng là một sự phiền hà nhất định.
Ngoài ra các bạn nên lưu ý, xe trong game được chia theo các class A B C D với một mức giới hạn điểm nhất định trong class, khi bạn nâng cấp chiếc xe hiện tại thì cũng đồng thời làm tăng điểm của nó, và đến một mức nào đó sẽ khiến class nó cao hơn so với class hiện tại, vì vậy bạn nên cân nhắc một số tình huống như: Liệu nên chạy một con Porsche nâng cấp hay một con Lamborghini mới cóng. Ngoài ra thì chúng ta sẽ có một phần phụ nữa đó là Tunning cho các bạn thích vọc vạch để có thể tinh chỉnh chiếc xe phù hợp với phong cách lái với mình. Nên nhớ rằng Tunning sẽ KHÔNG giúp xe bạn mạnh hơn, nó chỉ khiến cho xe phù hợp với phong cách chạy của bạn bằng cách cân bằng giữa cái lợi và cái hại (Xe ưu tiên nước hậu thì mất nước đề và ngược lại, tăng lực bám đường thì giảm top speed và ngược lại,…).
Âm thanh và đồ họa: Vừa đủ để các game thủ simcade thấy thoải mái
Khá đáng buồn là đồ họa của S2U không được cải thiện quá nhiều so với phần tiền nhiệm, ta có thể thấy được sự cải tiến khi đem ra so sánh, nhưng chúng rất ít, thậm chí một số nhân tố còn thể hiện tệ hơn phần một. Nếu như so sánh Hot Pursuit (ra mắt năm 2010) và S2U (Ra mắt 2011) thì thật sự phải nói là mình hơi thất vọng một chút, vì cải tiến gần như là không có. Bù lại thì điểm cộng của S2U so với phần trước vẫn là có góc nhìn helmet cam, và Slightly Mad đã thực hiện nó rất tốt, các chuyển động mắt của nhân vật đều rất mượt và không gây ra sự khó chịu cho người chơi giúp tăng sự kịch tính khi bước chân vào cuộc đua. Thêm một điểm cộng nữa chính là nằm ở sự diễn tả các chi tiết bên trong buồng lái, có thể là ở góc nhìn thứ ba thì đồ họa của game không được đẹp mắt cho lắm, nhưng khi bạn vào trong buồng lái thì đồ họa của game sẽ là đủ để khiến bạn hài lòng khi mà không thua kém một chiếc xe thật là bao.
Nếu đồ họa thật sự không phải là một điểm quá mạnh của S2U thì với âm thanh mọi thứ sẽ khác, khác rất nhiều :). Cụ thể là mình đang vừa ngồi nghe S2U OST vừa viết bài này, vì nhạc của S2U (đặc biệt là gladiator anthems album) mang đến cảm hứng tuyệt vời khi bạn muốn nghĩ đến cái gì đó chuyên nghiệp, nếu không tin mình bạn có thể lên Youtube search và nghe thử. Những bản nhạc trong S2U có thể nói là mang đến cảm giác bạn như một tay đua thật sự, bạn đang trải qua một thứ gì đó còn cao cả hơn đua xe, cứ như nó là một sứ mệnh gắn liền với bạn vậy. Khác với phần một còn pha trộn giữa các bản nhạc thể thao và nhạc đường phố, sang phần hai bạn sẽ chỉ nghe toàn nhạc mang phong cách đua xe chuyên nghiệp và mình thì thích điều này, sự chuyên nghiệp luôn là cái gì đó mình tìm kiếm trong các game đua xe, kể cả đó có là simcade đi chăng nữa. Về âm thanh hiệu ứng trong game thì không cần phải nói nữa rồi, từ tiếng động cơ xe rít lên, tiếng lết bánh khi xe mất độ bám cho đến âm thanh va chạm chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy phấn khích hơn những gì bạn nghĩ.
Tổng kết
Nếu như Need For Speed Shift là tựa game mở đầu cho kỉ nguyên bán mô phỏng của dòng game NFS, một dòng game thuần phổ thông thì Need For Speed Shift 2 Unleashed chính là thứ giúp củng cố thêm về câu hỏi “Liệu Need For Speed có thể trở thành một tựa game mô phỏng hay không?”, và có hay không thì đó là do trải nghiệm của mỗi bản thân chúng ta quyết định. Đối với bản thân mình thì tựa game này là một trải nghiệm khó quên và mình cũng chơi đi chơi lại không dưới ba lần, Shift 2 Unleashed chính là tựa game đầu tiên giúp mình hiểu được “Drift không có nghĩa đơn giản chỉ là bấm nút phanh tay rồi bấm nút trái phải”, đó là tựa game thật sự làm mình hình dung một chút về thế giới mô phỏng và giúp mình có được ngày hôm nay, khi mà mình đã có kha khá kiến thức về các game thuần mô phỏng khác chứ không chỉ là bán mô phỏng nữa.
Shift 2 Unleashed đã truyền tải một thông điệp rất đặc biệt mà các game simcade khác khó lòng làm được đó là bạn không cần phải biết quá nhiều kiến thức về lái xe cũng như kĩ thuật, cái bạn cần là một sự đam mê, nhiệt huyết từ chính trái tim bạn, đó chính là thứ nhiên liệu sẽ đốt cháy động cơ giúp bạn về đích ở vị trí podium. Dù đã làm không quá xuất sắc về mặt đồ họa khi đem so với các đối thủ khác, nhưng với một trải nghiệm tuyệt vời như vậy, Shift 2 Unleashed đã dễ dàng ghi điểm trong lòng các fan hâm mộ lẫn những người đầu tiên tìm đến thể loại game đặc thù này.
Đánh giá: 8.5/10